Những ngôi nhà in đậm dấu Nam Cao

Thứ Năm, 08/05/2008, 09:00
Có bốn ngôi nhà thuộc chủ quyền của cha tôi - nhà văn Nam Cao. Ngôi thứ nhất gồm một gian, hai chái. Cột, kèo đều làm bằng tre, mái lợp lá mía. Nó được dựng trên ba sào vườn ở xóm năm, làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Cha mẹ tôi mua lại cả nhà và vườn của ông Trần Duy Luân. Ông Luân bán nhà để đưa vợ con ra thành phố Nam Định sinh sống. Còn cha mẹ tôi mua nhà để đón cậu con trai quý vừa chào đời. Ấy là nói cho vui vậy thôi, chứ thực ra, vào thời điểm mẹ tôi sinh con thứ hai là Trần Mai Thiên, thì chú ruột tôi cũng mới có cô con gái đầu lòng.

Ngôi nhà của cụ nội tôi lúc ấy phải chứa tới mười lăm con người: gồm cụ, ông bà nội, năm người em ruột của nhà văn chưa lập gia đình, bốn người nhà tôi, ba người của gia đình chú Thuật - em giáp với cha tôi. Thêm hai đứa trẻ mới sinh, chúng thi nhau quấy khóc cả ngày, nhà cửa ồn ã, cụ tôi không sao chịu đựng nổi nữa. Cụ vốn bị bệnh đau đầu. Vậy là, hai nhà có con nhỏ đều tìm cách tách ra ở riêng.

Gia đình tôi ở ngôi nhà ấy được chín tháng, rồi bão làm đổ. Cha mẹ tôi phải mua ngôi nhà thứ hai.

Hoàn cảnh khi mua ngôi nhà này từng được cha tôi kể lại qua một bức thư gửi cho người bạn: "Tai nạn đã xảy ra. Ấy là trận bão, tận lúc đã sang tháng chín. Nó xảy ra bất ngờ. Vợ chồng chúng tôi phải xông pha mưa gió, bế con đi. Chúng tôi đưa các cháu đi tìm chỗ ẩn. Lưng tôi cõng đứa con lớn, vừa ốm dậy. Tay tôi cầm một con dao. Nhà tôi ẵm đứa con nhỏ theo sau. Gió thổi xiêu người. Mưa như những cái roi da quất xuống đầu, xuống mặt chúng tôi túi bụi. Tôi phải chém những cành tre ngả xuống đường để phá một lối đi. Gai ở dưới chân. Gai ở hai bên. Gai từ trên chĩa xuống. Chúng tôi cứ nhắm mắt lại mà đi phứa. Người giá lạnh. Chân tay tê dại… Đến được nhà ông nhạc tôi, thì chúng tôi kiệt sức. Con gái tôi tím ngắt. Nhà tôi không nói được. Tôi cũng thế!... Sáng hôm sau, gió ngớt. Gửi hai cháu lại, vợ chồng tôi về nhà. Cái nhà bị ụp rồi… Nó sụp đổ vào lúc này, thật đã làm khổ tôi. Vợ tôi phát khóc. Tôi cũng ứa nước mắt".

Nhà đổ rồi, vườn đất cũng bị tàn phá hết: hoa mầu giập nát. Cây cối gẫy đổ. Giàn trầu không để nuôi sống cả gia đình cũng ngã ra. Rồi công nợ mua ngôi nhà trước vẫn chưa trả hết. Con thì còn nhỏ dại… Một cảnh tượng bi đát quá! Nhưng đúng lúc cha mẹ tôi đang bế tắc nhất thì tình cờ một người hàng xóm tìm gặp cha tôi, bảo:

- Nghe nói chú định làm nhà. Làm nhà tre bây giờ cũng phải hai trăm đồng bạc. Chú cố gắng lên chút nữa, tôi để lại cái nhà gỗ của tôi cho.

Cha tôi hỏi ông:

- Bao nhiêu thì bác bán?

Ông ra giá đúng ba trăm đồng. Thấy cái giá này khá hời, cha tôi sinh nghi, nên hỏi tiếp:

- Bác bán đi làm gì?

Ông trả lời, đại ý do đánh bạc rồi bị thua, trót nợ nần người ta mất một khoản kha khá. Người ta đòi rất rát. Vả lại, cũng muốn có vốn lớn để chơi tiếp, may ra gỡ lại được.

Không đành lòng khi thấy người hàng xóm này quá liều lĩnh, cha tôi can ngăn:

- Tôi tưởng bác không muốn ở nhà, hoặc cần tiền buôn bán. Chứ nếu bán nhà đi để đánh bạc, thì tôi can bác. Vào chiếu bạc, khó mà biết trước. Tôi sợ gỡ ra chẳng được, bác lại bậm vào thì khốn!

Cha tôi nói chưa dứt lời, thì ông ta đã bảo:

- Chú lấy dùm được là phần nhất, bởi tôi biết tiền chú sẵn, có thể giao cho tôi chóng vánh. Nếu như không muốn lấy thì tôi để cho người khác. Tôi nhất định bán rồi!

Biết không lay chuyển được ông ta, cha tôi chạy ngược chạy xuôi vay nợ mua nhà. Nơi thì lãi năm phân. Nơi thì lãi sáu phân. Cùng quá lãi tám phân cũng phải vay liều. Ngay hôm sau cha tôi đã có đủ ba trăm, giao cho người bán. Mẹ tôi lại tất bật đi thuê thợ dỡ nhà đem về dựng trên mảnh vườn có ngôi nhà cũ vừa đổ.

Ngôi nhà mới dựng lên, khang trang và rộng rãi. Nó gồm ba gian nhà ngoài, hai gian buồng. Cột, kèo đều bằng gỗ xoan, đã ngâm kỹ, không lo bị mối mọt. Mái lợp gianh lá mía còn mới nguyên. Mỗi gian buồng và nhà ngoài đều có cửa chính trổ ra sân và cửa sổ trông ra vườn. Vừa thoáng mát, vừa sáng sủa.

Ở nhà mới, cha tôi có buồng riêng để viết văn, đọc sách. Mẹ tôi cũng có buồng riêng dành cất đồ đạc, quần áo của cả nhà. Với ba gian nhà ngoài, tha hồ rộng rãi đối với một gia đình gồm bốn người: Cha, mẹ và hai con. Vào thời điểm ấy trong nhà chỉ có một cái giường đôi, cái chõng tre cá nhân, một cái võng nhuộm nâu. Do vậy nhà còn nhiều chỗ trống lắm.

Trong ngôi nhà này, nhà văn Nam Cao từng viết tiểu thuyết "Sống mòn" và một số truyện ngắn: "Những truyện không muốn viết", "Đòn chồng", "Đời thừa", "Giăng sáng", "Trẻ con không được ăn thịt chó", "Bài học quét nhà", "Dì Hảo", "Lão Hạc", "Nửa đêm"…

Đấy toàn là những câu chuyện xảy ra trong cuộc đời nhà văn, hoặc xảy ra với vợ con, họ hàng, xóm giềng. Mỗi lần đọc lại các tác phẩm ấy của cha tôi, tôi luôn hình dung được không gian diễn ra sự việc và nguyên mẫu nhân vật, mà cha tôi muốn nhắc đến…

Cũng tại đây, gia đình tôi đã có biết bao kỷ niệm vui, buồn. Ấy là những ngày vừa mua được nhà mới. Dù còn công nợ, nhưng chưa phải chồng lại ngay, lại đã từng có một thời gian sống trong ngôi nhà cũ chật hẹp, dột nát, nay ở nhà này khác nào đang từ ao tù được ra biển cả.

Lòng cha mẹ vì thế mà thư thái hẳn lên. Vậy là, cứ mỗi tối có trăng, cha tôi liền đưa năm cái ghế đặt ra sân. Rồi người gọi vợ con cùng ra hóng gió, trông trăng. Mẹ bế em Thiên ngồi lên một cái ghế. Ánh trăng tỏa sáng gương mặt hai người, tràn đầy hạnh phúc…

Rồi cũng tại ngôi nhà ấy, công nợ bắt đầu thúc ép. Lãi mẹ đẻ lãi con. Tiền cha mẹ kiếm ra thì ít, mà chúng tôi nay sài, mai đẹn. Mẹ tôi vốn tính nóng nảy nên những chuyện thế này bắt đầu xảy đến và được kể lại qua ngòi bút của cha tôi: "Hồng phải mắng luôn luôn. Động một tí gì u cũng mắng. Nói một mình, mắng! Vấp ngã, mắng! Đi chậm, mắng! Bữa ăn, không có thức ăn, ngả ngớn không ăn được, mắng!... Như vậy kể cũng còn đáng tội. Nhưng lại còn những cái không phải tội Hồng, như: nhà bẩn, nhà lắm ruồi vào, con chó bới vườn trầu hay thằng Thiên ngã, thằng Thiên khóc… Hồng làm sao cho không thế được? Ấy vậy mà u cũng cứ Hồng mà mắng".

Rồi từ ngôi nhà ấy, vào năm 1944 mẹ tôi sinh em Trần Thị Bình Yên. Chịu chung số phận với nhiều người dân đất Việt, gia đình tôi cũng dặt dẹo trong trận đói lịch sử năm 1945. Em Yên của chúng tôi không vượt qua được bệnh tật đã qua đời, khi vừa đầy một tuổi.

Cũng ở ngôi nhà này, vào năm 1946 (vài tháng sau ngày mẹ tôi sinh em Trần Hữu Thành) thì cha tôi rời nhà thoát ly đi kháng chiến. Cuộc chia tay của nhà văn cùng vợ con đã được mẹ tôi kể lại như sau: "Súng nổ độ một tuần thì cha con về. Mọi khi cứ có mặt ông ấy ở nhà, là bạn bè kéo đến thật đông, chuyện trò rôm rả cả ngày. Lần này, khác hẳn. Cha con lẩn tránh chẳng cho ai biết mình về. Rồi bảo mẹ: "Tôi muốn dành vài ngày, hoàn toàn riêng của chúng mình. Tôi sắp đi xa".

Và đêm đến, chờ cho ba con ngủ yên cả, cha, mẹ nằm sát đầu vào nhau trên một cái gối, thức gần hết đêm mà chẳng nói được gì nhiều. Mẹ nhận thấy lòng yêu thương tha thiết của cha đối với mẹ con mình. Tiếng súng từ đằng xa vọng lại lúc mau, lúc thưa. Chợt mẹ nghe tiếng thở dài của cha, kèm một câu nói rầu rầu nghèn nghẹn:

- Lấy tôi, mình thật khổ. Những lúc điêu đứng nguy nan nhất, những khi mình cần đến sự giúp đỡ của tôi nhất, thì tôi lại để mặc mình bơ vơ, với lũ con thơ. Mình có giận tôi không?

Và cha nhẹ nhàng nắm lấy bàn tay mẹ, cố kìm cho tiếng khóc khỏi bật ra. Mẹ thấy lạnh người, hé trông thấy trước mắt một cảnh chia lìa, đau đớn…".

Kể từ ngày ấy chúng tôi xa nhau, và cũng rời khỏi ngôi nhà đó để cha đi công tác, mẹ con đi tản cư.

Ngôi nhà thứ ba cũng làm bằng tre, ba gian. Nó được dựng trên một mảnh vườn ở xóm Bảy, làng Đại Hoàng. Đó là vườn gia đình tôi được chia trong thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1956. Lúc ấy tuy cha tôi đã hy sinh rồi, tiền mua nhà là nhuận bút cuốn tiểu thuyết "Sống mòn" của ông, in ở Nhà xuất bản Văn Nghệ. Ngôi nhà này cũng bị bão làm đổ chỉ vài năm sau.

Ngôi nhà thứ tư là nhà gỗ, ba gian. Nó được mua bằng tiền nhuận bút tập truyện ngắn "Một đám cưới" của cha tôi. Khi ấy, tôi vừa sinh con trai đầu lòng và đang làm việc ở Nam Định. Mẹ tôi mua nhà ở quê, đem dựng trên mảnh đất do Nhà máy Dệt Nam Định cấp cho tôi. Rồi mẹ đưa theo hai em Thành, Thực xuống ở cùng vợ chồng tôi. Chúng tôi sống tại ngôi nhà này được gần chín tháng thì phải đi sơ tán, vì Mỹ ném bom miền Bắc. Sau đó ít lâu, bom bỏ trúng nhà. Thế là tan hoang cả.

Vậy là trong bốn ngôi nhà thuộc sở hữu của nhà văn Nam Cao, thì tới nay ba ngôi đã tan nát hết. Chỉ còn lại ngôi thứ hai. Tuy nhiên, ngôi nhà này đã bị ông nội tôi bán cho một người cô hàng xóm, lấy chồng ở thôn Phù Nhị, xã Nhân Tiến. Và cô gái đã dỡ đưa về dựng trên đất nhà chồng.

Bây giờ, ngôi nhà này vẫn còn, có thay đổi chút ít. Theo tôi được biết, lãnh đạo tỉnh Hà Nam rất tâm huyết với việc gìn giữ những di sản văn hóa của quê hương. Họ đã không ngần ngại bỏ ra một số tiền khá lớn để mua ngôi nhà "Bá Kiến" và đang có ý định mua lại ngôi nhà này để đưa vào vườn "Hiện thực Nam Cao"

Trần Thị Hồng
.
.