Chuyện làng văn nghệ

Những ngày xuân đặc biệt của hai thi nhân

Thứ Ba, 22/02/2011, 10:27
Lẽ thường, những ngày Tết đến, xuân về, ai cũng muốn được đoàn tụ, quây quần bên gia đình, đời sống được hưng thịnh, tâm trí con người bớt đi những nhọc nhằn, âu lo. Nhưng do hoàn cảnh riêng của từng người, và ở vào những bối cảnh lịch sử khác nhau của đất nước, những ngày đặc biệt ấy đã đến với mỗi con người với những sắc thái khác nhau...

Ở đây tôi chỉ xin điểm lại một số cái Tết "khác lạ" trong đời của nhà thơ, nhà cách mạng Phan Bội Châu và của nhà thơ Tản Đà, chuyện vui có, buồn có, mà qua đó, ta có thể thấy được những bước thăng trầm của lịch sử và những khoảnh khắc riêng tư của mỗi phận người.

Năm ấy (1911), Phan Bội Châu đang cùng một số học sinh (bị chính phủ Nhật Bản trục xuất) ở Thái Lan. Đến tháng chạp thì ông hay tin Cách mạng Tân Hợi Trung Quốc thành công và lãnh tụ Tôn Trung Sơn có ý nhắn ông (với tư cách đồng chí cũ) sang gặp. Phan Bội Châu nóng lòng muốn đi ngay. Điều trở ngại nhất lúc bấy giờ là vấn đề tài chính. Hơn thế, Phan còn muốn đưa Đặng Tử Miên đi cùng. Để tháo gỡ khó khăn, Phan nảy ra một ý: ở độ đường thứ nhất, hai người vừa đi bộ vừa xin ăn. Vẫn biết, việc "ăn xin" chẳng phải là việc làm hay ho, song vì việc lớn, Phan buộc phải chấp nhận.

Từ vùng đất mình lưu trú (cách thủ đô Băng Cốc của Thái Lan chừng 100 km), hai người mải miết ra đi và được hai ngày thì vừa hay Tết đến.

Cứ thế, khỏe chân thì đi, đói bụng thì dừng lại. Dịp Tết, người Thái có gặp khách nhỡ độ đường thì cũng lấy làm cảm thông và sẵn sàng nhường bớt đồ ăn thức uống. Nhờ đó mà Phan và Đặng Tử Miên đã giữ nguyên được số tiền ít ỏi mà hai người mang theo để mua vé đáp chuyến đường thủy từ Băng Cốc đến Hương Cảng.

Chuyến đi này của Phan Bội Châu thật có ý nghĩa. Tháng giêng năm Quý Sửu (1913) tại Quảng Đông - Trung Quốc, "Việt Nam quang phục Hội"- một tổ chức có tôn chỉ đánh đuổi giặc Pháp, xây dựng nước Cộng hòa Dân quốc Việt Nam do Phan Bội Châu đứng đầu đã được thành lập và bắt đầu hoạt động…

Một ngày đầu xuân năm 1927, thi sĩ Tản Đà cùng một số anh em làm báo đến thăm ông Diệp Văn Kỳ, chủ bút tờ Đông Pháp thời báo (tờ báo mà Tản Đà được thuê trông nom phần "phụ trương văn chương"). Trong cuộc vui, với đủ thứ rượu quý mà ông Kỳ mở ra thết bạn hữu, Tản Đà tỏ ra là người "say sưa" nhất. Thế rồi, trong cơn cao hứng tột đỉnh, Tản Đà cùng ông Bùi Thế Mỹ chơi trò… đuổi bắt. Tản Đà đuổi, ông Mỹ chạy, mấy người thân tín trong nhà ông Kỳ phải bám riết gót chân thi sĩ, canh chừng ông va chạm làm đổ một số đồ đạc trong nhà. Trước cảnh tượng kéo dài vậy, ông Trần Kỳ (người cùng Tản Đà dựng vở tuồng "Tây Thi") đã phải cau mày, gắt:

- Làm cái gì thế? Người ta coi như xinêma kia kìa.

Tản Đà vẫn không dừng cuộc chơi. Vừa chạy đuổi ông Mỹ, nhà thi sĩ vừa buông thõng một câu:

- Ông phải biết cái thằng trong xinêma nó không biết người ngoài là ai.

Một cách trả lời rất đúng chất ông "thần ngông"

Tạ Ngọc Châu
.
.