Họa sĩ Phạm Bình Chương:

Những ký ức sâu thẳm của tình yêu Hà Nội

Thứ Tư, 22/01/2020, 17:24
Họa sĩ Phạm Bình Chương sinh năm 1973, tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội. Anh đã có 5 triển lãm cá nhân đều mang đề tài Hà Nội: "Xuống phố 1", "Xuống phố 2", "Xuống phố 3" (Hà Nội), "Câu chuyện bên lề đường" (Sài Gòn) và "Golden Palace" (Mỹ). Tranh của anh có mặt tại các bộ sưu tập ở Việt Nam, Mỹ, châu Âu...


Nếu là người đã từng gắn bó với Hà Nội sẽ thấy Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Hà Nội đang xây dựng để trở thành một thành phố hiện đại, tiện nghi hơn. Nhưng cứ theo tốc độ phát triển kia thì từng nét văn hóa của thành phố ngàn năm cũng đang biến mất dần. Hơn nữa, từ khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, chả còn mấy khi nhìn thấy những nét Hà Nội xưa cũ.

Họa sĩ Phạm Bình Chương sinh ra ở phố Hàng Gà, anh lớn lên rồi đi học ở con phố Lý Thường Kiệt rợp bóng cây, học Đại học Mỹ thuật tại phố Yết Kiêu. Khi trưởng thành, Chương lại mua một căn gác ở phố Lương Ngọc Quyến - ngay khu đi bộ - làm nơi sống và vẽ… Loanh quoanh ba phần tư cuộc đời anh gắn với Hoàn Kiếm - Hà Nội. Chương yêu Hà Nội như những người Hà Nội yêu Hà Nội, những “phố Quang Trung, đường Nguyễn Du” quen thuộc đến mức bịt mắt lại, đi qua chỉ cần ngửi mùi là biết sắp đến nhà…

Người Hà Nội mỗi khi buồn hoặc vui cũng thường “xuống phố”… ra đường để chỉ ngắm vài chiếc lá bàng non xanh của mùa xuân, ra đường để hít một hơi thôi… mùi hoa sữa, “Xuống phố” còn để mục kích những góc kỉ niệm đang bị phá mất, để nhớ lại một chút kỉ niệm nay không còn nữa hoặc đơn giản là  tìm một góc nhỏ để buồn… buồn một mình.

Họa sĩ Phạm Bình Chương.

Chương nói: "Tôi chỉ vẽ những cái Hà Nội đang còn ở thời điểm mình cầm cọ, vẽ với cảm xúc thật mà cảnh trí đó đập vào mắt mình, cảm xúc của mình. Tôi có thể làm cho cảnh trí đó đẹp hơn bằng màu sắc, bằng cảm xúc, nhưng không lãng mạn hóa, thi vị hóa, mỹ miều hóa Hà Nội. Nghĩa là tôi không làm cái giả”.

Ừ thì yêu thì phải nhìn, yêu thì phải chân thật thì mới gọi là yêu… Người như Chương chả nói dối bao giờ. Phải yêu lắm mới vẽ được cả trăm bức tranh về Hà Nội. Mà đâu có nhanh, phải mất cả tháng mới xong một bức… theo lối vẽ hiện thực của Chương. Chương vẽ hiện thực không hề khoa trương mà có phần “thấy gì vẽ nấy” với những tường vôi bong vỡ, rêu phong… Mỗi bức tranh giống như một mảnh vụn nhỏ của không gian Hà Nội…

Một góc cầu thang nhà cổ, một cây bàng hay cây cơm nguội trổ lá, một cánh cửa sơn xanh… cái màu sơn của thời bao cấp xưa, một chiếc xe đạp chơ vơ dưới sân khu tập thể, một quán cho thuê sách mà nhiều người trung niên giờ còn nhớ… Tất cả những gì Chương vẽ - đó là những kí ức của Chương, nhưng hình như nó còn là của rất nhiều người Hà Nội cũ… Chương thích vẻ đẹp tự nhiên của đời sống như nó đang có.

Có thể gọi tranh của Chương là thể loại “tản văn” của mỹ thuật không nhỉ? Tản văn có lẽ là thể được ưa chuộng hiện nay. Chương đang viết tản văn về Hà Nội bằng màu sắc. Người viết tản văn có thể là người sống lâu ở Hà Nội hiện đang gắn bó với nơi này. Hà Nội được anh nhìn khác đi, không phải là mùa thu đặc trưng mà là mùa nóng nực, không chỉ có cái đẹp của phong thái ung dung tự tại mà còn là những nhếch nhác xô bồ… Tranh của Chương cũng như những đoản văn viết về Hà Nội.

Tác phẩm “Ngang qua phố”.

Chương bộc bạch: “…Hà Nội thật đẹp. Nó không phải là Hà Nội hiện đại, tốc độ và náo nhiệt như hiện nay ta thấy. Nó đẹp chậm rãi và chính chúng ta cũng phải chậm lại để quan sát được nó. Cách nhìn của tôi là trình bày lại những “góc quen” thông qua những hình hài phố, những góc quen mà ai xem tranh tôi cũng đều cảm thấy mình đã từng ở đó. Đó chính là một Hà Nội trầm mặc, thanh lịch và ấm áp. Tôi cũng không phải người hoài cổ, vì đúng là chúng ta phải đối mặt với thực tế là Hà Nội đang mất đi nên tôi sẽ phải luôn tìm vẻ đẹp đó ngay trong hiện tại, dù nó ngày một hiếm hơn. Nỗi niềm đau đáu này đã theo tôi suốt hai mươi năm ròng và đó chính là lý do tôi trưng bày “Xuống phố 3” như để “đóng gói” một quá trình bền bỉ của mình, và cũng để tri ân với Hà Nội và những người yêu Hà Nội…”.

Sinh ra ở phố cổ, Chương mục kích và song hành cùng thời gian Hà Nội. Hà Nội trong tranh anh trông có vẻ cũ kĩ nhưng chính là Hà Nội. Tranh của anh là những mảnh vụn kí ức đang còn tồn tại, tất cả đều ẩn chứa nỗi niềm của một người Hà Nội từ thưở lọt lòng. Với Chương, niềm an ủi lớn nhất là mình đang làm một thứ ít ai làm - anh đang vẽ những cái bây giờ mình còn thấy mà biết chắc chắn là nó sẽ mất vào ngày mai.  Vô tình Chương đã trở thành một người giữ gìn di sản Hà Nội, giữ gìn những giá trị đang dần mất đi. Có lẽ ý nghĩ này đã phần nào làm dịu đi sự phẫn nộ, xót xa của một người yêu Hà Nội.

Nhà giáo – họa sĩ Phạm Công Thành, cha đẻ của Chương cũng từng tâm sự:  “…Tôi mê những thứ liên quan đến cái đẹp, đến nghệ thuật từ nhỏ. Bố tôi vốn là chủ nhà may áo dài Tân Mỹ. Từ nhỏ, tôi đã tiếp xúc với những gì đẹp đẽ, thanh lịch và tao nhã. Đến tận bây giờ tôi vẫn yêu thích những gì hoài niệm xưa cũ.

Tôi không thể vẽ nông thôn với đường bê tông và thu hoạch với máy gặt đập; không thể vẽ khai hoang với máy xúc và máy cẩu; không thể vẽ phố đầy ôtô và xe máy. Tôi nặng lòng với những gì xưa cũ. Phạm Bình Chương cũng đã dạy môn Luật xa gần, rồi cũng lại vẽ theo trường phái Hiện thực giống bố. Chương cũng chỉ vẽ phố, vẽ một Hà Nội cũ và mới đan xen như cố níu lại một miền ký ức, kẻo mai kia Hà Nội đổi mới hết thì không còn gì xưa cũ nữa…”.

Tác phẩm “Bàng đông”.

Một tình yêu Hà Nội của người cha – nhà giáo, họa sĩ đã được truyền lại trọn vẹn cho con. Và tình yêu đó đang được Chương đắp đầy… Chương thường nói: "Nhắc tới nghệ thuật, người ta nói tới “chân” đầu tiên. Đó là cái quan trọng nhất. Đó là thái độ chân thực của người thực hành nghệ thuật và cái chân thực của đối tượng được nhắc đến, đem đến cho người xem một điều gì đó gần gũi với họ. “Chân” là nền tảng của nghệ thuật. Có lẽ vì vậy mà người ta đặt “chân” lên đầu, sau đó mới tới “thiện”, “mỹ”.

Chương đã chọn cách vẽ hiện thực để thể hiện tình yêu Hà Nội lên toan, cách vẽ hiện thực giúp họa sĩ miêu tả chuẩn xác từng mảng rêu phong, những ô cửa cũ và những hình ảnh đó ở lại trong mỗi tác phẩm của Chương như nó đã từng hiện hữu. Nhưng nếu mải đi tìm một cái giới hạn cuối của “chân”, không phải là đã tìm, đã nắm được cái trạng thái siêu nhiên của nó…

Hà Nội đã từng lãng mạn trong từng ban công, từng cửa sổ, từng nhịp cầu thang, từng tán lá, từng hương hoa… Hà Nội đang lãng  mạn với những vệt nắng cuối thu, đầu đông, với những nụ cười ấm áp trao nhau khi gặp gỡ…

Hà Nội sẽ lãng mạn với những bức tranh của Chương - một tình yêu trong sáng bình dị nhưng sâu sắc…Và những bức tranh của Chương sẽ được lưu giữ như những minh chứng về những kí ức sâu thẳm của người Hà Nội.

11/2019
Tô Chiêm
.
.