Những kỉ niệm đọng mãi trong tôi

Thứ Tư, 09/09/2015, 08:00
Ngồi cầm bút ghi lại những mẩu chuyện về Bác cách đây 60 năm đối với tôi như vẫn còn tươi mới.

Tháng 2/1955, tôi háo hức được tuyển vào đội múa Đoàn Ca vũ Nhân dân Trung ương. Khi Thủ đô đón Bác Hồ về Hà Nội, Đoàn Ca vũ Nhân dân Trung ương được vào phục vụ Bác. Tôi được vào cùng với đoàn - đó là ước mơ từ bao ngày của tôi. Khi Bác từ nhà nghỉ xuống chỗ biểu diễn, Bác đi vào phía sau sàn diễn. Tất cả anh chị em chúng tôi reo hò "Bác Hồ, Bác Hồ". Bác tươi cười vẫy tay, tất cả chúng tôi ùa đến vây quanh Bác. Tôi cũng len vào để được gần Bác. NSND Nguyễn Văn Thương - Trưởng đoàn đứng phía trước. Bác hỏi "Các cháu đoàn nào?". Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương trả lời: "Chúng cháu là đoàn Ca vũ Trung ương ạ". "Thế ca là gì?". "Ca là hát ạ!". Bác lại hỏi: "Vũ là gì?".  "Vũ là múa ạ". Bác nói: "Thế tại sao lại không gọi là đoàn hát múa Trung ương".

Về sau này thì đoàn Ca vũ Trung ương được đổi thành Đoàn Ca múa Nhân dân Trung ương. Bác đã sửa lại tên đoàn rất giản đơn và đúng với ngôn từ tiếng Việt. Sau đó, Bác lại hỏi tiếp: "Thế cháu nào bé nhất đoàn?". Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương và các anh chị trong đoàn chỉ vào tôi và dắt tôi ra chào Bác: "Thưa Bác, đây là em út Thúy Quỳnh bé nhất đoàn ạ".

NSND Chu Thúy Quỳnh (trái) và nghệ sĩ múa Triều Tiên Đoàn Nhật Ngọc trong một lần biểu diễn phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đảo Đảng tại Phủ Chủ tịch, năm 1958.

Khi đó, tôi mới 14 tuổi, vẫn còn quàng khăn đỏ. Mọi người đều rất vui mừng quây quần bên Bác. Tôi quá vui mừng và xúc động nên lúc đó chẳng biết nói gì hơn mà chỉ ngước mắt lên ngắm nhìn Bác. Vậy là ước mơ được gặp Bác của tôi đã thành hiện thực. Hình ảnh Bác trong tôi lúc đó giống như là hình ảnh của một ông Tiên vậy.

Rồi tiếp đến những lần tôi được vào biểu diễn cho Bác xem, biểu diễn để đón các đoàn khách nước ngoài cũng như các cuộc Bác tiếp đón những đoàn khách của các đoàn thể, của Chính phủ. Trong những cuộc biểu diễn đó bao giờ Bác cũng vào phía sau sân khấu và hỏi xem hôm nay có "tủ gì mới không?". Bởi với Bác chương trình ca múa nhạc của đoàn như múa Quạt Tây Bắc, múa Nón đồng bằng, múa Nón Thái, múa Sạp… đối với Bác đã trở nên rất quen thuộc.

Đến năm 1959, trong chuyến đi rất dài ngày của đoàn tới Festival Viên - Áo và đi biểu diễn ở 12 nước Xã hội Chủ nghĩa rồi Ấn Độ, Miến Điện, khi đoàn lên đường chúng tôi đã được Bác gọi vào dặn dò. Bác căn dặn đồng chí trưởng đoàn lúc đó là đồng chí Nguyễn Đức Quỳ - Thứ trưởng Bộ Văn hóa và các diễn viên là đem chuông đi "đánh" nước người đấy nên phải "đánh" sao cho thật kêu, xứng đáng với Đất nước, với Nhân dân. Bác cũng giới thiệu về đặc điểm của từng nước mà chúng tôi sẽ diễn và nhắc nhở mọi người trong đoàn phải chú ý đến những đặc điểm ấy để có chương trình diễn sao cho phù hợp.

Khi nói tới Ấn Độ, Bác có nói với tôi: "Bé Quỳnh nhớ chuyển lời thăm và hôn Bác Cha Cha Nêru nhé". Chúng tôi đã phấn khởi vâng lời Bác và hứa với Bác chúng cháu sẽ làm tốt lời Bác dạy, biểu diễn thành công. Bác vui vẻ chia tay đoàn.

Sau gần 9 tháng, đoàn trở về. Chúng tôi lại được Bác cho vào báo cáo về kết quả của chuyến đi. Trở về cùng với đoàn có cả Giáo sư Hoàng Minh Giám - Bộ trưởng Bộ Văn hoá; nhà thơ Lưu Trọng Lư - Vụ trưởng vụ Nghệ thuật. Bác vui vẻ nói với chúng tôi: "Các cháu đã diễn ở các nước bạn thành công nhưng không được phổng mũi đâu nhé", vừa nói Bác vừa lấy ngón tay đẩy mũi và cười nói tiếp "Phải cố gắng hơn nữa". Tôi lại được đến bên Bác để thưa với Bác cháu đã chuyển lời của Bác tới Bác "Cha Cha Nêru" và Bác "Cha Cha Nêru" chuyển lời thăm Bác và rất nhớ Bác. Bác cho chúng tôi ăn kẹo, hoa quả và rồi Bác nói đồng chí Thứ trưởng Bộ Văn hóa thưởng cho chúng tôi nghỉ phép một tháng.

Sau những lần được cùng đoàn vào biểu diễn phục vụ Bác, tôi còn được vinh dự vào thăm Bác, ăn cơm cùng Bác và đọc báo cho Bác nghe, kể chuyện luyện tập chuyên môn và công tác của tôi. Bác dạy tôi phải kiên trì, chăm chỉ thì mới thành diễn viên giỏi và hàng ngày nhớ luyện tập động tác nhảy cao. Bác hướng dẫn tôi cách để luyện tập động tác nhảy đó.

"Cháu hãy đào một cái hố, cho đất vào ống quần buộc chặt lại, đứng bên dưới hố và nhảy lên. Cứ như thế khi cháu thấy việc nhảy lên dễ dàng hơn thì cháu hãy đào hố sâu thêm một tẹo. Hố càng sâu thì khả năng bật nhảy của cháu sẽ càng cao hơn".

Mới nghe tôi thấy hơi lạ song tôi hiểu ngay. Bác dạy cho tôi lòng quyết tâm và sự kiên trì, có kiên trì thì sẽ thành công. Từ lời dạy rất đơn giản của Bác tôi đã có thêm nghị lực và bền bỉ ý chí để chăm chỉ luyện tập. Bản thân tôi là diễn viên, tuy có chút năng khiếu nhưng còn rất nhiều nhược điểm, đặc biệt múa ba lê cần có độ mở của chân và dẻo toàn thân. Tôi lại bị 2 bàn chân cứng và không mở nên luyện tập rất hạn chế.

Qua nhiều lần tôi được giao lưu, học tập với các đoàn nước ngoài và học múa của nước bạn như Liên Xô, Triều Tiên, Trung Quốc. Khi phái đoàn Triều Tiên sang tôi đã múa cùng Vân Quyên điệu múa "Anh chàng cắt cỏ và cô gái hái rau rừng". Tôi diễn vai chàng cắt cỏ. Phái đoàn Triều Tiên xem xong đã nói với Bác chúng tôi múa rất hay và rất giống Triều Tiên. Bác rất vui và động viên chúng tôi nhớ đêm diễn phục vụ phái đoàn của đồng chí Vôrôsilốp, phái đoàn của nhà du hành vũ trụ German Titôp. Tôi đã cùng các anh trong đội múa biểu diễn điệu múa Nga "Những anh chàng không may". Tôi múa vai cô gái chở người yêu và anh chàng thứ 5. Điệu múa đã được đồng chí Vôrôsilốp và nhà du hành vũ trụ Titôp rất hoan nghênh và vỗ tay theo nhịp múa.

NSND Chu Thuý Quỳnh.

Bác đã nói với chúng tôi: "Các cháu biểu diễn tốt lắm, cố gắng nữa nhé. Trong những năm 60 - 69 Đoàn ca múa trung ương đi giao lưu biểu diễn ở nhiều nước từ chuyến đi sang Cuba là chuyến đi rất xa, sang bên kia bán cầu và cũng là lần đầu tiên đoàn nghệ thuật Việt Nam đến đất nước anh hùng ở Châu Mỹ La Tinh. Nhân dân Cuba, khán giả Cuba đã đón tiếp chúng tôi như anh em. Đến buổi diễn, khán giả hô to "Viva Việt Nam, Vi va Hồ Chí Minh" (Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm).

Khi trở về, chúng tôi được vào báo cáo với Bác. Nhà thơ Huy Cận làm trưởng đoàn đã thưa với Bác về những kết quả của đoàn tại Cuba. Bác nói: "Các cô chú, các cháu đã đại diện cho nhân dân ta, đất nước ta, Bác rất vui và tuyên dương các cô, các chú, các cháu đã biểu diễn thành công tại nước bạn". Rồi đợt đi sang biểu diễn tại Nhật Bản lần đầu tiên là vào năm 1968, suốt hai tháng ở Nhật Bản chúng tôi đã đi khắp các tỉnh thành phố Nhật Bản từ Tokyo, Kyoto, Kawazaki, Hirosima, Okinawoa… Đi đến đâu, chúng tôi cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Điều đặc biệt là khán giả Nhật Bản bao giờ cũng đến nhà hát rất sớm để cùng hát bài hát Việt Nam.

Những bài hát được khán giả hát đồng ca sôi động và những tiết mục biểu diễn của đoàn được khán giả vỗ tay theo nhất là những tiết mục như: Hò kéo pháo, Bà má miền Nam, Múa Sạp… có khi cả hội trường đứng lên nối tay nhau cùng hô to "Việt Nam Hồ Chí Minh chúng ta cùng cố gắng lên". Kết thúc buổi diễn, khán giả ra cửa đứng hai bên vẫy chào tiễn chúng tôi lên xe rồi vẫy tay cho đến khi xe đi xa…

Trở về Hà Nội, Bác lại cho gọi chúng tôi vào báo cáo Bác. Lần này chúng tôi vào vừa báo cáo chuyến đi đồng thời Bác cũng giao nhiệm vụ cho đoàn lên đường sang: Pháp, Ý, Angiêri. Bác giao trách nhiệm cho nhà thơ Huy Cận - Thứ trưởng Bộ Văn hóa làm Trưởng đoàn, đồng chí Mai Vi - Vụ trưởng vụ Nghệ thuật và Chu Thúy Quỳnh làm phó đoàn. Bác nói: "Ngày trước Bác ra đi phải lẩn trốn vì là người mất nước, ngày nay các cháu sang các nước với tư thế của người chiến thẳng, của những chiến sĩ, nghệ sĩ của đất nước độc lập - tự do.

Phải nói lên bằng văn hóa, văn nghệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mong các cháu đi biểu diễn thành công". Chúng tôi mang theo lời dặn dò, giao nhiệm vụ của Bác. Chúng tôi đã biểu diễn tại Pari, Marseille, Toulouse, Bordeau, Rome, Algie. Ở tất cả mọi nơi chúng tôi đến đều được đón nhận và hoan nghênh. Chúng tôi gặp bà con kiều bào đã xa tổ quốc lâu năm nhưng các bác, các mẹ, các anh chị Việt kiều đã đón tiếp chúng tôi và chăm sóc chúng tôi từ bữa ăn đến giấc ngủ để chúng tôi biểu diễn thật tốt. Chúng tôi đã đến nơi Bác đã ở và làm việc bí mật trong thời kì tiền cách mạng - gặp các đồng chí chiến sĩ Cộng sản cùng Bác thời tìm đường cứu nước. Mọi người đều nhắc đến Bác với tình cảm kính trọng yêu quí.

Tôi luôn nhớ đến những kỉ niệm sâu sắc trong những lần gặp Bác - nhớ tới những tối thứ bảy Bác cho người đón vào Phủ Chủ tịch cùng xem phim với các anh chị cán bộ phục vụ Bác. Người đã nhiều năm đón tôi vào thăm Bác là đồng chí Vũ Kỳ, anh Cù Văn Chước, anh Nguyễn Lập - thư kí của Bác. Các anh đón tôi từ khu Văn công Cầu Giấy lên. Mỗi lần gặp Bác, Bác lại hỏi về tình hình học tập của tôi, tình hình của đoàn. Có lần tôi và chị Châu Loan được vào với Bác, Bác hỏi chị Châu Loan: "Cháu đã có gia đình chưa"? Chị Loan thưa với Bác : "Cháu có rồi ạ. Nhà cháu (chồng cháu) cũng làm văn nghệ ạ". Bác cười: "Thế là cháu có cả cái nhà biết đi đấy nhé". Mọi người cùng cười vui với lời nói dí dỏm của Bác.

Có bữa vào ngày chủ nhật, tôi được vào ăn cơm với Bác. Tôi thấy Bác dùng bữa với những thức ăn rất đạm bạc: đậu phụ, rau muống chấm tương. Tôi hỏi Bác: "Thưa Bác, sao Bác không dùng nước mắm". Bác nói nước mắm mùi vị không tốt nên Bác thích chấm tương. Tôi lại thưa tiếp: "Sao các đồng chí phục vụ không làm nước mắm riêng để Bác dùng ạ". Bác lại nói: "Bác có phải là vua đâu mà làm nước mắm riêng". Rồi Bác cười vui.

Có một kỉ niệm thật hạnh phúc đối với tôi là sau khi tôi đã xây dựng gia đình năm 1966. Thường vào sau các bữa ăn bao giờ Bác cũng cho ăn quả. Hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, Bác cho tôi thêm một quả táo. Bác nói: "Cháu ăn đi, Bác cho quả này để cháu mang về cho "cái nhà biết đi" của cháu nhé".

Tôi vừa ngượng nhưng trong lòng thì âm ỉ một niềm vui sướng, được quả táo Bác cho, tôi mang về cho anh Hùng -NSƯT Múa và là chồng tôi. Nhớ lại một lần năm 1956 trong lúc ngồi đọc báo cho Bác nghe, tôi đã hỏi Bác: "Thưa Bác, sao Bác không xây dựng gia đình để có con ạ!". Bác vỗ vai tôi và để tay lên đầu tôi, rồi nói: "Bác đã có con đây rồi thôi". Tôi cảm động quá, được Bác nói tôi là con của Bác, tôi chẳng nói lên được câu nào, lòng rưng rưng muốn khóc vì cảm động.

Nhớ nhất là sau chuyến đi Pháp, Ý, Angiêri… về, chúng tôi được vào thăm Bác và báo cáo với Bác. Mới mấy tháng đi xa trở về, tôi nhìn thấy Bác rất mệt, gầy và tay mọc nhiều rôm. Tôi đã khóc, đến ôm Bác. Bác hỏi: "Gặp Bác phải vui sao cháu lại khóc". Tôi thưa với Bác: "Cháu thấy Bác gầy và nóng phát ban, tay Bác nhiều rôm quá ạ!". Bác lại cười: "Bác không sao đâu. Chỉ em bé mới có nhiều rôm chứ người lớn làm gì có rôm nào". Bác vừa cười vừa an ủi tôi như thế.

Ra về tôi cứ thấy buồn. Tôi nhìn Bác cười mà thấy lo như có linh cảm điều gì sẽ đến. Đây cũng là lần cuối cùng tôi được gặp Bác và điều linh cảm đó đã đến. Đầu thu năm 1969 nghe tin Bác ốm đã mệt nặng, tôi lúc này cũng đang nằm bệnh viện. Tôi lo lắng vô cùng, rất muốn được thăm Bác lần nữa nhưng các đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Cù Văn Chước cũng rất bận chăm sóc Bác. Tôi không thể liên hệ được nên điều kiện vào thăm Bác không còn nữa. Đến ngày 2/9 Bác đã ra đi. Toàn dân thương tiếc Bác, nhớ Bác, khóc Bác thật nhiều. Tôi xin ra viện để được tiễn đưa Bác, tôi đã hoà cùng dòng người vào lăng viếng Bác, nhìn Bác ngủ ngon trong nhà kính như ông Tiên nơi hạ giới. Toàn Đảng, toàn dân, từ cụ già tới em nhỏ đều lặng lẽ đi quanh Bác, vừa khóc, vừa nhìn Bác. Còn tôi tự nhủ: "Xin Bác yên lòng, con mãi mãi nhớ lời dạy của Bác và làm theo lời Bác".

Tôi thật sự vinh dự được Bác quan tâm dạy dỗ. Những kỉ niệm về Bác, những lần gặp Bác mãi in sâu trong tâm khảm tôi, là nguồn cổ vũ, động viên tôi, tiếp thêm nghị lực và sức mạnh cho tôi trong mọi công việc.

NSND Chu Thúy Quỳnh
.
.