Những khoảnh khắc Ý Nhi

Thứ Bảy, 27/02/2016, 08:00
Nhà thơ Ý Nhi gắn bó với xứ Bắc nhiều năm. Nơi chị gắn bó là Hải Phòng (1954 - 1964), Hà Nội và Thái Nguyên (1968 - 1975). Mãi đến tháng 10 năm 1987, do con trai bị hen mà gia đình chị phải rời Hà Nội vào Sài Gòn. Với chị, Hà Nội đầy kỷ niệm sâu sắc. Chị bảo: "Với tôi, Hà Nội luôn bí ẩn, hấp dẫn và huyền hoặc. Cho nên vì thế mà nhiều người dù chưa đến Hà Nội vẫn yêu Hà Nội, nhiều người khi đã sống ở Hà Nội đến khi xa Hà Nội, vẫn coi Hà Nội như quê hương, là cái gốc của mình"...


1. Cách nay cũng đã lâu, một lần vào công tác ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến thăm chị Ý Nhi và thầy Nguyễn Lộc (thầy dạy tôi hồi còn là sinh viên Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) vào một buổi chiều, đúng lúc có một trận chung kết bóng đá giải Đông Nam Á giữa đội Việt Nam và đội Malaysia sắp vào hồi kết thúc. Lúc ấy, cả 3 - 4 thành viên của gia đình chị đang chăm chú theo dõi cuộc so giày đáng chú ý này qua màn ảnh nhỏ. Và tôi được chứng kiến vẻ mặt say mê đến thẫn thờ, tiếc nuối của những cổ động viên bóng đá nhiệt thành khi biết chắc chắn, đội tuyển Việt Nam đã thua, mộng ước cúp vàng đã tan thành mây khói một lần nữa, ngay trên sân nhà.

Tôi cảm thấy mình giống như một người khách đến không đúng lúc và cứ nghĩ chính mình chứ không phải ai khác, vô tình đã làm hỏng một bữa tiệc bóng đá trong một ngôi nhà đầm ấm, yên bình, đặc biệt yêu chuộng thể thao ở quận Gò Vấp. Nhưng, có lẽ cũng vì thế mà tôi hiểu thêm: Vì sao, trong số những nhà thơ nữ hàng đầu Việt Nam (trong đó có nhà thơ Xuân Quỳnh), Ý Nhi lại có những bài thơ viết về thể thao đặc sắc đến vậy. Đó là "Vận động viên", "Bóng đá", "Trận đấu giã từ của O. Blokhin", "Theo dõi một trận đấu cờ vua"...

Đó là những tứ thơ phát hiện khác người. Hay nói một cách khác: Chúng được viết theo kiểu Ý Nhi. Tất nhiên, cũng có thể đề tài chỉ là một cái cớ để chị bày tỏ, gửi gắm, chia sẻ, khái quát trên cơ sở cái cụ thể, cái có thật theo nghĩa đen.

Đây là những câu thơ viết về vận động viên (điền kinh) trong hành trình về đích: "Giữa hàng vạn người/ riêng mình chị biết/ không phải chỉ vượt qua thời gian/ vượt qua những đối thủ/ chị phải vượt qua cơn khát luôn giày vò như một chứng bệnh/ một nỗi đau tình thần…". Đây là những câu thơ viết về cầu thủ bóng đá ngôi sao: "Không ai có thể làm anh sáng chói/ không ai khiến anh lu mờ/ anh tự mình/ rực rỡ hay tàn lụi/ Nhưng anh luôn nhận về/ luôn trao gửi/ anh gắn chặt số phận mình cùng đồng đội…".

Đây là những câu thơ đồng thời là lời giã từ của một cầu thủ lớn trong trận đấu giã từ: "Chào nhé/ ánh nhìn lo âu, mong mỏi, trách móc, chở che, tha thứ/ đã từng gắn chặt vào đời ta/ tưởng như ta có thể cao lớn hơn nhờ chúng/ tưởng như lưng ta có thể còng xuống bởi sức nặng của chúng". Còn đây là những câu thơ thể hiện cách cảm nhận của một người theo dõi một trận đấu cờ vua: "Rồi một ngày kia/ lòng thốt nhiên nhẹ nhõm/ tôi nghe tin một đương kim vô địch nhường ngôi/ đặt gánh nặng vinh quang lên vai người khác".

Không phải ai cũng dễ dàng nhận ra "nỗi đau tinh thần", sự "tự mình", "gánh nặng vinh quang" và "gánh nặng vinh quang của sự đổi ngôi" qua những cuộc đối kháng tập thể, đối kháng cá thể trên đấu trường thể thao như vậy. Theo tôi, đó là công việc, bổn phận, đồng thời cũng là thiên chức của thi nhân.

2. Nhà thơ Ý Nhi gắn bó với xứ Bắc nhiều năm. Nơi chị gắn bó là Hải Phòng (1954 - 1964), Hà Nội và Thái Nguyên (1968 - 1975). Mãi đến tháng 10 năm 1987, do con trai bị hen mà gia đình chị phải rời Hà Nội vào Sài Gòn. Với chị, Hà Nội đầy kỷ niệm sâu sắc. Chị bảo: "Với tôi, Hà Nội luôn bí ẩn, hấp dẫn và huyền hoặc. Cho nên vì thế mà nhiều người dù chưa đến Hà Nội vẫn yêu Hà Nội, nhiều người khi đã sống ở Hà Nội đến khi xa Hà Nội, vẫn coi Hà Nội như quê hương, là cái gốc của mình".

Chị bảo: "Tâm trạng này cũng có ở nhà thơ Chế Lan Viên. Bởi thế nên có lần, nhà thơ Chế Lan Viên mới tâm sự: Có cảm giác khi xa Hà Nội, mình như cái cây đã trưởng thành mà bị bứng đi nơi khác để trồng lại và cái cảm giác "càng bơi càng xa bờ" là rất rõ. Chị bảo: "Với những người sáng tác, đặc biệt là làm công việc nghiên cứu, thì nên ở Hà Nội hợp hơn". Chị bảo: "Mình luôn coi Hà Nội là cái "gốc", là "quê" cho dù đã xa Hà Nội nhiều năm và đã sống quen ở Sài Gòn. Bởi thế năm nào, cứ vào mùa thu, là mình lại trở về Hà Nội. Có lẽ tháng mùa thu đẹp nhất, với mình, chỉ có ở Hà Nội".

Chị nhắc đến lần đi tàu điện đêm đến Câu lạc bộ Đoàn Kết (gần Nhà hát Lớn Hà Nội) để nghe nhà thơ Bảo Định Giang giới thiệu "Trường ca Chim Ch'rao" của Thu Bồn, rồi đi bộ về nơi ở là Chùa Láng đến cả chục cây số. Chị nhớ cả cái lần chứng kiến máy bay Mỹ rơi. Rồi cùng các bạn sinh viên, chị chạy tới mười mấy cây số để "bắt phi công".

Nhìn vào hiện tại, chị tiếc Hà Nội ngày một xô bồ, ngày một xáo trộn, ngày một thiếu thanh tao, trang trọng, trang nhã, cho dù thiên nhiên gần như vẫn thế. Chị tiếc ở Hà Nội, ngôn ngữ càng ngày càng bị tàn phá và chị không hiểu tại làm sao mà từ Hà Nội lại sinh ra nhiều tiếng lóng đến thế? Chị cho rằng: Sài Gòn cần phải mở như cái thùng không đáy, nhưng Hà Nội thì rất cần tinh lọc và rất cần chất hào hoa. Trong sâu thẳm, chị vẫn nhớ Hà Nội da diết với không khí của ngày xưa.

Với một tấm lòng Hà Nội như thế, cho nên cũng rất dễ cắt nghĩa: Vì sao, nhà thơ Ý Nhi lại có nhiều bài thơ viết về Hà Nội khác lạ và có chiều sâu đến vậy! Có thể kể tên: "Những cây sồi bên hồ Thiền Quang", "Người bán rắn bên hồ Thiền Quang", "Người điên ở phố Bà Triệu", "Hà Nội tháng 5-1987", "Hà Nội một ngày nào", "Một Hà Nội", "Lời từ biệt Hà Nội"…

Với chị, Hà Nội là "mặt hồ Tây trong vắt nỗi buồn thơ dại", "tách cà phê thơm giữa lòng tay", "hoa đào nở sớm/ ánh mặt lo âu nơi đáy mắt"…Với chị, Hà Nội là "những ý nghĩ như lửa dưới vòm xanh tĩnh lặng/ và niềm mong mỏi khôn nguôi bên tán cây xào xạc gió"…Với chị, Hà Nội là "trên mặt hồ xanh/ trên vòm cây cuộn gió/ trên sương lam/ trên ngói nâu lặng ngủ/ hiển hiện bóng hình hai ta"…Với chị, Hà Nội như vô ngôn nhưng lại nói được rất nhiều:

chẳng nói lời chi
nghe trong im vắng
tiếng âm thầm gạch lát dưới bàn chân,

rồi:

Hà Nội
lời từ biệt không nói ra…
và đỉnh cao hơn cả là:
Lặng im - yêu
lặng im - đứng cao hơn hết thảy
ơi những mái nhà nâu
những phố dài hoa sữa
lặng im - giã từ.

Tất nhiên, tấm lòng Hà Nội của nhà thơ Ý Nhi còn được thể hiện sinh động, góc cạnh ở những bài thơ, những  bài viết ở dạng "chân dung văn học" về Nguyễn Sáng, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Minh Châu, Xuân Quỳnh, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Việt Phương…nữa.

3. Lần nào gặp chị, tôi cũng được tặng sách quý. Tôi coi đấy là món quà tinh thần rất có ý nghĩa. Khi thì là "Nợ nước mắt và những truyện ngắn khác" của Trang Thế Hy, khi thì là sách của cha chị (giáo sư, nhà hoạt động văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Châu Ký - người có nhiều đóng góp lớn cho việc nghiên cứu, bảo tồn, phát triển và truyền bá nghệ thuật tuồng), khi thì là sách mới in của chị. Gần đây nhất là di cảo thơ "Lời chào ngọn gió" của nhà thơ Chim Trắng.

Đọc "lời chào ngọn gió", tôi mới hiểu tại sao chị lại trân trọng nhân cách và thơ của nhà thơ Chim Trắng đến vậy. Tôi có cảm giác trường hợp Chim Trắng giống như một cách nói của người xưa: "Con chim sắp chết thì tiếng kêu ai oán, con người sắp mất thì lời nói khôn ngoan". Và tôi không khỏi giật mình khi đọc bài thơ "Lời chào ngọn gió" của Chim Trắng:

Nắng chơi đẹp
Vài chú kiến chết sấp trước ngón chân cái
Ngắt bông hồng sắp tàn thả xuống nước
Từng cánh từng cánh thi nhau rã 

Tôi yêu cách rã của hoa trước lúc lụi tàn

Không thể nụ hai lần hoa hai lần
Hương còn gì cho ai
Nến lụn bấc không sáng nổi mình
Sáng cho ai

Gởi lời chào hai ngón tay ta
Gởi lời chào ngọn gió.

Trong thơ, tên tuổi Ý Nhi thường được gắn với "Người đàn bà ngồi đan" (tên một bài thơ và tên một tập thơ đã đoạt giải thưởng Hội Nhà văn từ năm 1985 của chị) với những câu thơ mang chiều kích lớn: "Giữa chiều lạnh/ một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ/ dưới chân chị/ cuộn len/ như quả cầu xanh/ đang lăn những vòng chậm rãi".

Tất nhiên, không chỉ có thế, Ý Nhi còn có nhiều bài thơ độc đáo khác.

Chị từng tâm sự: "Mối quan hệ giữa thơ và đời sống sẽ còn được tiếp tục đặt ra, được thảo luận cho đến khi nào người ta còn… làm thơ. Mà tôi thì nghĩ rằng người ta sẽ còn làm thơ khi nào còn con người, còn lo toan, còn yêu thương, còn giận dữ… Có lẽ giờ đây mọi người đều hiểu rằng, không có thứ thơ tách biệt hoàn toàn đời sống. Vấn đề là mỗi nhà thơ giải quyết mối liên hệ giữa họ và đời sống phải độc đáo, riêng biệt…".

Đó là quan niệm về thơ trong mối liên hệ với đời sống, nói rộng ra là với con người, số phận con người trong một thế giới hiện đại nhiều biến động. Đó cũng là hệ thẩm mỹ của riêng chị. Cho nên, không phải vô cớ mà Thụy Điển đã tôn vinh thơ Ý Nhi bằng Giải thưởng Cikada  vào cuối năm ngoái. Và đến nay, giải thưởng này mới trao cho một vài nhà thơ châu Á, trong đó có Ko-un - nhà thơ nổi tiếng người Hàn Quốc - ứng viên nhiều năm Giải thưởng Nobel văn học. Bạn bè chúc mừng nhà thơ Ý Nhi được giải thưởng văn học của Thụy Điển.

Đặng Huy Giang
.
.