Những gia đình đại phúc trên văn đàn

Thứ Hai, 07/09/2009, 14:00
Những nhân tài trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của thế giới khá nhiều. Có điều nó được "phân bổ" không đều. Có những dân tộc trong một vài thế kỷ không hề có lấy một văn nghệ sĩ có tác phẩm "trụ" được với thời gian.

Ấy thế nhưng nghịch lý thay, có những gia đình mà ở đó, anh chị em sánh vai nhau, con nối nghiệp cha… và tài năng thì thi nhau nở rộ, thậm chí lứa sau còn rực rỡ hơn lứa trước. Chính vì thế mà tên tuổi họ thường xuyên được nhắc tới. Sau đây là một số trường hợp:

Thế kỷ thứ XIX, ở nước Anh có một gia đình cả ba chị em gái đều là nhà văn. Hơn thế, còn là nhà văn tầm cỡ. Đó là ba chị em: Saclốt Brônti, Êmily Brônti và Anna Brônti. Bạn đọc Việt Nam từng được làm quen với người chị cả Sáclốt qua tiểu thuyết "Giên Erơ", với với Êmily qua tiểu thuyết "Đồi gió hú". Đây là những kiệt tác văn chương thế giới.

Cũng trong thế kỷ thứ XIX, ở nước Pháp có hai bố con nhà văn Đuyma: Alếchxăng Đuyma (cha) và Alếchxăng Đuyma (con). Người bố được bạn đọc Việt Nam biết đến qua rất nhiều tác phẩm trứ danh được dịch sang tiếng Việt như "Ba người lính ngự lâm", "Hoàng hậu Mácgô", "Bá tước Môngtơ Crítxtô"… Sách của Đuyma (con) được giới thiệu ít hơn, song chỉ với một cuốn "Trà hoa nữ"  thôi, tên tuổi ông đã trở nên bất tử.

Ở Đức, trong thế kỷ XX có hai anh em đều là những nhà văn rất nổi tiếng. Người anh: Henrích Man từng được bầu là Chủ tịch đầu tiên của Viện Hàn lâm nghệ thuật Đức ở Béclin. Người em: Tômát Man đã được nhận giải thưởng Nôben về Văn học.

Ở Nga, trong thế kỷ XX có hai bố con đều tham gia hoạt động nghệ thuật, và đều trở thành những người tên tuổi: Đó là nhà văn, nhà thơ Côngxtantin Ximônốp và con trai ông, đạo diễn Ximônốp. Người bố từng được bạn đọc Việt Nam biết đến qua nhiều tác phẩm đề cập đến cuộc chiến tranh ở  Việt Nam, đặc biệt, qua bài thơ nổi tiếng "Đợi anh về" do nhà thơ Tố Hữu dịch. Người con là một trong những đạo diễn có uy tín của nước Nga

Nguyễn Quốc Thái
.
.