Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh thi hào Nga Mikhail Lermontov (1814-2014)

Những dự cảnh kỳ lạ của một thiên tài

Thứ Bảy, 25/01/2014, 08:00

Nước Nga có hai thi sĩ tuy thời gian sống trên cõi đời không quá ba mươi năm nhưng đều là tác giả của những vần thơ được bạn đọc rất đỗi yêu mến. Họ giống nhau là đều kết thúc cuộc đời trong những tình huống hết sức bi thảm. Người thì đấu súng và bị bắn chết; người thì treo cổ tự tử. Cái khác nhau giữa họ là một bên thì có khuôn mặt ngồ ngộ, rất không lấy gì làm đẹp trai, một bên thì sở hữu vẻ đẹp như thiên thần. Chắc chẳng khó khăn gì để bạn đọc nhận ra, hai thi sĩ mà tôi đang nhắc tới chính là Mikhail Lermontov và Sergei Esenin.

Năm nay - 2014, bạn yêu văn học trên toàn thế giới sẽ có thêm dịp hướng tới Mikhail Lermontov, bởi đây là năm tại nhiều nước sẽ diễn ra các hoạt động có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của nhà thơ ưu tú nước Nga.

Mở đầu bài viết này, thiết nghĩ cũng cần nhắc tới một hiện tượng rất lạ xảy đến với nền văn học Nga vĩ đại: Cả hai nhà thơ được xem là ưu tú nhất, nhì nước Nga giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX là Aleksandr Pushkin và Mikhail Lermontov đều có gốc gác từ một dân tộc khác và tổ tiên của họ đến nước Nga lập nghiệp tính đến đời họ cũng đã được trên dưới ba trăm năm. Như với Pushkin, ông tổ của ông là người Ethiopia từng làm nô lệ cho Vua Pyotr Đại đế (Pushkin đã viết về ông tổ của mình trong cuốn tiểu thuyết "Người nô lệ da đen của Pyotr Đại đế"). Còn với Lermontov, ông tổ của ông là người Scotland thuộc dòng họ Learmont, đến phục vụ trong quân đội Nga từ thế kỷ XVII và định cư luôn tại đây, đồng thời đổi họ sang thành Lermontov (trong bài thơ "Ước muốn" - một trong những bài thơ đầu tiên của Lermontov, ông đã nhắc tới Scotland như quê hương chính thức của mình).  

Cậu bé Mikhail Lermontov sinh ra trong một gia đình khá đủ đầy về vật chất song lại rất thiếu thốn về tình cảm. Bà ngoại cậu là một địa chủ giàu có nhưng tính khí thất thường. Lermontov là người con duy nhất trong gia đình. Năm cậu ba tuổi, mẹ cậu qua đời. Bố cậu - một đại úy bộ binh nghèo đã nghỉ hưu - trước đó, do chênh lệch về đẳng cấp từng bị bà mẹ vợ khinh miệt, nay vì tranh chấp quyền thừa kế nên rốt cục, bà ngoại Lermontov đã đem đứa cháu trai về nuôi trong lãnh địa riêng của mình ở Tarkhany, thuộc tỉnh Penzenskaya và nghiêm cấm bố cậu bé tới thăm con. Như vậy, dẫu rất được bà ngoại cưng chiều song nỗi cô đơn trống vắng vẫn hằn vết trong tâm hồn cậu bé, bởi gần như suốt cả tuổi thơ, không giống những đứa trẻ bình thường khác, cậu hoàn toàn không biết đến bàn tay chăm sóc của các bậc sinh thành.

Mặc dù bà ngoại của Lermontov luôn chăm lo, tạo điều kiện mở mang kiến thức cho cháu trai (như mời thầy đến tận nhà để dạy riêng tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, Đức và cả tiếng Anh), song đường học chính quy (tức việc học ở nhà trường) của Lermontov lại luôn bị đứt đoạn. Năm 13 tuổi, Lermontov vào học tại học xá Moskva - nơi dành riêng cho con cái của các nhà quý tộc. Ba năm sau, khi học xá trở thành gymnazy thì cậu nghỉ học. Tiếp đó, Lermontov vào học tại Đại học Moskva, nhưng cũng chỉ được hai năm, sau cuộc xung đột với một vị giáo sư có đầu óc thủ cựu, Lermontov lại rời bỏ ngôi trường. Theo lời khuyên của một người bạn, Lermontov chuyển sang học tại Trường võ bị Sankt Peterburg. Sau khi tốt nghiệp trường này, Lermontov được phiên vào Đội Kỵ binh Hoàng gia Hussar, đóng tại Tsarkoye Selo, gần Sankt Petersburg.

Các bản thảo thơ của Lermontov.

Lermontov làm thơ từ khá sớm, khi ông mới 13 tuổi. Ban đầu, những vần thơ của ông chưa thoát ra khỏi từ trường của thơ Pushkin, đặc biệt là thơ của thi sĩ người Anh Byron. Không chỉ mê thơ, Lermontov còn bị cuốn vào cuộc đời đầy phiêu lưu của chàng thi sĩ trong thực tế đã từng lưu lạc và bỏ mạng nơi xứ người này. Sinh thời, Lermontov cho rằng, trong khối lượng tác phẩm mà mình để lại còn nhiều bài chưa hoàn thiện, nhưng rồi, cùng với thời gian, độc giả ngày càng thấy sức mạnh của thơ ông. Một điểm nữa cũng cần nói: Tuy ở nhiều chỗ, Lermontov chưa thể hiện được tay nghề cao cường, điêu luyện như bậc đàn anh Pushkin, nhưng thơ ông luôn tìm được sự yêu mến nơi người đọc. Cùng với thời gian, chúng luôn giữ được vẻ đẹp bình dị, trong trẻo và tươi mới.

Tháng 1-1837, một sự cố đau thương, tang tóc xảy đến với nước Nga, cũng đồng thời là một sự cố buồn đối với cuộc đời của chàng thi sĩ trẻ Mikhail Lermontov: Sau một cuộc đọ súng, Aleksandr Pushkin - người được suy tôn là "vầng mặt trời của thi ca Nga" đã từ giã cõi đời. Trong khi giới quý tộc ở Petersburg đua nhau lên tiếng giễu cợt người quá cố là "gã thi sĩ tồi có cô vợ quá đẹp" thì cũng thời gian ấy, tại nhiều nơi ở Petersburg, dân chúng chuyền tay nhau một bài thơ có tựa đề "Cái chết của một nhà thơ", trong đó tác giả mạnh mẽ lên án bọn giết người (cả lộ danh lẫn ẩn danh) bằng những câu: "Các ngươi, một đám tham lam xúm xít bên ngai vàng/ Lũ đao phủ giết Tự do, Thiên tài và Vinh quang/ Trước mặt các ngươi, tòa án và chân lý thảy đều câm lặng/ Các ngươi náu mình dưới bóng luật pháp chở che/ Nhưng còn sự phán xét của Chúa, hỡi lũ con cưng đồi trụy/ Còn vị quan tòa nghiêm khắc đang đợi các ngươi…" (theo bản dịch của Thúy Toàn). Cùng với việc bài thơ được lưu truyền rộng rãi trong công chúng, một bản sao của nó cũng đã được gửi lên Hoàng đế Nikolai Đệ nhất, kèm đó là câu nhận xét: "Đây là lời kêu gọi một cuộc cách mạng".

Ngay lập tức, Hoàng đế Nikolai Đệ nhất ra lệnh bắt giữ tác giả bài thơ: Đó chính là chàng sĩ quan trẻ tuổi Mikhail Lermontov, bấy giờ đang phục vụ trong Đội kỵ binh Hoàng gia Hussar.

Sau khi việc điều tra ngã ngũ, Lermontov bị trục xuất ra khỏi Đội kỵ binh Hoàng gia Hussar và bị điều tới Kavkaz - là nơi chiến sự vẫn diễn ra giữa người Nga và người dân địa phương chưa được bình định. Nghĩa là, ở nơi này, chàng thi sĩ trẻ "ngang bướng" ấy có thể chết bất kỳ lúc nào bởi tên, đạn của các chiến binh bản địa.

Tuy nhiên, trong thực tế, kẻ sát hại Lermontov không phải ai xa lạ mà chính là một sĩ quan Nga - Thiếu tá Martynov - người từng có thời gian học ở Trường võ bị với ông. Chuyện kể rằng, trong chuyến đi chơi thuyền với Martynov và một cô gái trẻ mà cả Martynov và Lermontov đều đang theo đuổi, giữa hai người đàn ông đã xảy ra một vụ cãi vã. Vốn là người thích châm chọc, Lermontov đã không kìm được lời thóa mạ Martynov trước mặt cô gái.

Martynov đưa lời thách thức đấu súng. Lermontov nhận lời. Sự việc diễn ra ngày 27/7/1841 ở ngoại thành Pyatigorsk (trùng với địa danh mà Petchorin - nhân vật trong tiểu thuyết "Một anh hùng thời đại" của Lermontov - đấu súng với Grushnitski).

Theo các thông tin chính thống thì trong cuộc đấu súng ấy, Lermontov chĩa súng lên trời, còn Martynov thì nhằm Lermontov nổ súng. Lermontov bị tử thương tại chỗ. Khi ấy, nhà thơ ưu tú của nước Nga chưa đầy 27 tuổi. Ngoài ra, cũng có thông tin cho rằng, đúng ra, đấy chưa phải là một cuộc đấu sinh tử. Trước đấy, hai người làm chứng cho mỗi bên đã gặp riêng nhau trước trận đấu để dàn xếp sao cho các đấu thủ không phải chết một cách vô nghĩa lý. Họ thỏa thuận sẽ khuyên cả Lermontov lẫn Martynov cùng chĩa súng bắn lên trời thay vì nhằm vào nhau. Cả Lermontov và Martynov ngầm đồng ý phương án này. Chỉ có điều, khi Lermontov chĩa súng bắn lên trời, ông không quên buông một câu châm chọc đối thủ: "Một thằng ngu thế này, ai thèm bắn nó làm gì!".

Martynov nghe thấy vậy, đã không kìm được cơn giận. Ngay tắp lự, y quay nòng súng xuống, nhằm thẳng vào Lermontov, bấm cò. Vậy là, thêm một lần nữa kể từ sau cái chết tương tự của Pushkin, nước Nga lại mất một thiên tài chỉ bởi một pha đấu súng nghiệt ngã.

Ở trên tôi đã nhắc tới chuyện Lermontov ngã xuống tại một địa điểm và trong một tình huống y chang những gì ông viết trước đó trong cuốn tiểu thuyết "Một anh hùng thời đại". Nhưng chuyện lạ không dừng ở đấy. Trước đó một năm, trong bài thơ "Một giấc mơ", ông cũng có những câu thơ đầy dự cảm: "Dagestan, trưa hè nóng nực/ Tôi nằm im đạn chì trong ngực". Quả là với những thiên tài, ở họ có những chuyện thật khó tin!

Trần Định (Xuân 2014)
.
.