Những điều ít biết về tác giả bài hát nổi tiếng "Ba Đình nắng"

Thứ Bảy, 03/09/2016, 09:19
Trong số ít ỏi các tác phẩm văn nghệ nói về ngày lịch sử trọng đại này có bài hát nổi tiếng "Ba Đình nắng" của nhạc sỹ Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch.


Cách mạng Tháng Tám và liền sau đó là sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945 đã diễn ra như một cơn lốc. Có nhiều tư liệu liên quan đến sự kiện lịch sử trọng đại này còn lưu giữ đến hôm nay. Nhưng văn nghệ và đặc biệt là âm nhạc thì không có nhiều tác phẩm phản ánh dấu mốc lịch sử này. 

Dễ hiểu bởi khi ấy toàn dân tộc ta, trong đó có giới văn nghệ sỹ vừa đón nhận ngày độc lập của mình một cách quá hạnh phúc, thậm chí là bất ngờ và liền sau đó là những ngày đầu tiên của chính quyền non trẻ còn trứng nước với bao bề bộn, ngổn ngang của những công việc lớn lao cần tất cả tập trung giải quyết...

Trong số ít ỏi các tác phẩm văn nghệ nói về ngày lịch sử trọng đại này có bài hát nổi tiếng "Ba Đình nắng" của nhạc sỹ Bùi Công Kỳ, phổ thơ Vũ Hoàng Địch.

Rất nhiều người tưởng lầm rằng hai tác giả cùng nhau viết nên ca khúc bất hủ này vào ngày 2-9-1945 khi cùng đắm mình vào không khí buổi lễ lớn, long trọng tại quảng trường Ba Đình để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhưng không. Ngày hôm ấy, cả nhà thơ và nhạc sỹ đều không có may mắn được có mặt tại quảng trường Ba Đình để chứng kiến thời khắc lịch sử. Bùi Công Kỳ sau này cho biết hôm ấy ông bị trận cảm nặng không đến được. Còn Vũ Hoàng Địch thì ông không rõ vì khi ấy chưa có mối quan hệ gì, mặc dù ông có quen anh trai Vũ Hoàng Địch là nhà thơ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương.

Đến năm 1947, lúc này Bùi Công Kỳ đang làm việc ở Ty Thông tin tỉnh Phú Thọ, trên có chủ trương sẽ tổ chức kỷ niệm 3 năm ngày Quốc khánh 2/9 một cách long trọng vào năm 1948. Để chuẩn bị, cần có sáng tác văn nghệ. Bùi Công Kỳ nức lòng trước sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc diễn ra 3 năm trước. Nay được khuyến khích, cổ vũ sáng tác, ông quyết định sẽ viết một bài hát trực tiếp nói đến sự kiện này.

Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ.

Khi ấy, Bùi Công Kỳ đã không còn xa lạ trong giới văn nghệ bởi trước đó, ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, ông đã có bài hát khá nổi tiếng là "Hồn Việt Nam". Chính ông đã tự đệm đàn ghi-ta và hát bài này trong những lần biểu diễn của đoàn kịch Anh Vũ do nhà thơ Thế Lữ đứng đầu ở nhiều nơi.

Đang loay hoay tìm tứ cho bài hát của mình nhưng chưa biết khai thác, biểu hiện như thế nào thì thật may mắn, Bùi Công Kỳ đọc được bài thơ có tên "Ba Đình nắng" của Vũ Hoàng Địch. Mãi về sau ông mới biết tác giả bài thơ là em trai nhà thơ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương.

Đọc kỹ bài thơ, Bùi công Kỳ thấy rất đầy đủ và hoàn chỉnh, thấy tác giả bài thơ đã nói đúng được tâm trạng, cảm xúc của mình. Thật là một sự tương ngộ khá đặc biệt. Nhạc sỹ đã quyết định để nguyên bài thơ mà phổ nhạc, không cắt bỏ hoặc thêm bớt một chữ nào sau khi nghiên cứu rất kỹ bài thơ đến mức thuộc lòng:"Gió vút lên. Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới. Gió vút lên. Đây bao nguồn sống mới dạt dào. Tôi về đây, lắng nghe vang tiếng gọi của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao…".

Trước khi phổ thành bài hát, Bùi Công Kỳ tìm gặp Vũ Hoàng Địch để xin phép và trao đổi ý kiến với nhà thơ. Hồi ấy chưa có luật Bản quyền tác giả như bây giờ. Việc nhạc sỹ tự ý phổ thơ và nhà thơ không biết gì là rất bình thường, phổ biến. Mặc nhiên, nhà thơ chấp nhận và còn lấy làm tự hào vì sáng tác của mình được nhạc sỹ biết tới. Nhưng Bùi Công Kỳ đã rất tôn trọng người làm thơ vì ông nghĩ, may ra họ sẽ gợi được ý hay cho mình khi phổ nhạc. Mới thấy ngày nay, mặc dù đã có Luật Bản quyền mà không ít người phổ nhạc cứ tự ý phổ thơ không cho tác giả biết. Đến khi có chế độ gì về vật chất cũng "ỉm" đi luôn.

Khi gặp nhau, Vũ Hoàng Địch nói với Bùi Công Kỳ:

- Bài thơ của tôi chỉ bình thường, không có gì đặc biệt, lại dài. Anh hãy cắt xén, lược bỏ bớt chứ không thể hát hết được chừng ấy lời.

Bùi Công Kỳ nói đã đọc rất kỹ và thấy không thể cắt xén hoặc sửa chữa gì hơn và sẽ cố gắng tạo nên bài hát có thể hơi dài nhưng vẫn dễ hát. Để chứng minh mình đã đọc kỹ bài thơ, Bùi Công Kỳ đọc lại mà không nhìn văn bản - tức là đã thuộc lòng. Và chỉ một tuần sau, nhạc sỹ trở lại hát cho nhà thơ nghe ca khúc mình vừa hoàn thành. Nhạc sỹ hát xong bài rồi mà Vũ Hoàng Địch vẫn nhắm nghiền mắt, chưa mở và không nói gì. Thấy vậy, Bùi Công Kỳ lại hát đi hát lại nhiều lần. Đến khi chấm dứt sau khi hát tới 3-4 lần như thế, Vũ Hoàng Địch mới mở mắt và gật gù:

- Tuyệt vời! Tuyệt vời! Tôi hình dung được hết bối cảnh ngày hôm đó ở quảng trường Ba Đình mặc dù không có mặt lúc ấy. Anh đã biểu hiện được hết cảm xúc của tôi.

Tuy nhiên, Vũ Hoàng Địch có chút băn khoăn về độ dài của bài hát và đề nghị Bùi Công Kỳ có thể lược bỏ bớt một vài câu thơ cho ngắn bớt. Vì ông thấy các bài hát của Pháp nổi tiếng đều rất ngắn. Nhưng nhạc sỹ đã nói với nhà thơ :

- Tôi đã đắn đo, cân nhắc rất kỹ, thấy câu thơ nào của anh cũng rất có ý nghĩa, không thể bỏ, rất phí.

Rồi ông dẫn bài hát nổi tiếng của người nhạc sỹ Ba Lan Sô-panh có tên là "Buồn" mà thanh niên Việt Nam khi ấy hầu như rất quen biết để nói là bài đó rất dài nhưng vẫn được người nghe chấp nhận. Dài nhưng không lủng củng, nhạt nhẽo.

Ngay trong lần gặp đó, nghe đi nghe lại nhiều lần, càng nghe, Vũ Hoàng Địch càng vừa ý và về sau không còn cảm giác bài hát dài nữa mà thấy rất ổn. Và tác giả thơ cũng đã thuộc lòng ngay được bài hát. Hai người cứ cùng hát như là song ca cả buổi rất say sưa khiến hàng xóm cũng thuộc được vài câu.

Đó là năm 1947. Một năm sau (1948), bài hát được thu thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam do giọng hát Trần Thụ lĩnh xướng cùng dàn đồng ca trình bày để kỷ niệm 3 năm ngày Quốc khánh đúng như kế hoạch. Sau khi phát sóng, bài hát nhận được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã có lời khen ngợi các tác giả và Đài phát thanh.

 Sau hòa bình lập lại, bài hát này được dàn dựng lại công phu, hoànhg tráng hơn với nhiều hình thức thể hiện, trong đó phải nhắc tới thành công đặc biệt của giọng ca vàng Trần Khánh. Cho đến bây giờ, trong kho băng của Đài Tiếng nói Việt Nam phải có tới 10 hình thức thể hiện khác nhau nhưng hiệu quả, hoành tráng nhất vẫn là băng do NSND Trần Khánh cùng hợp xướng Đài TNVN thể hiện.

Chất tráng ca, anh hùng ca hòa quyện với chất trữ tình đã làm nên giá trị của bài hát này và ca khúc không chỉ như một tư liệu lịch sử bằng âm nhạc mà còn có giá trị cao về thẩm mỹ. Bài hát thêm một lần nữa khẳng định ca khúc dài vẫn thuyết phục được người nghe nếu hay, có giá trị.

Dài nhưng không rườm rà, lủng củng. Sau "Ba Đình nắng" của hai tác giả trên, ta thấy trong kháng chiến chống thực dân Pháp còn có các bài hát dài khác cũng rất hay, được nhiều người ưa thích, trở nên rất nổi tiếng như "Sông Lô" (Văn Cao), "Bình ca" (Nguyễn Đình Phúc), "Du kích sông Thao" (Đỗ Nhuận), "Hò kéo pháo" (Hoàng Vân)… Hoàng Vân về sau này còn phát huy sở trường tạo nên những ca khúc dài nhưng rất được công chúng ưa thích như  "Nổi trống lên rừng núi ơi!", "Bài ca người thợ mỏ"…

Lâu nay người ta chỉ biết Bùi Công Kỳ gắn với bài hát nổi tiếng "Ba Đình nắng" như đã nói mà không biết ông còn là đồng tác giả bài "Giọt mưa thu" - một ca khúc trứ danh ai cũng biết trong dòng nhạc lâu nay ta vẫn quen gọi là tiền chiến. Bài này ai cũng biết tác giả là Đặng Thế Phong - người nhạc sỹ quê Nam Định có tài nhưng đoản mệnh. Bùi Công Kỳ là bạn thân của Đặng Thế Phong.

Sau khi sáng tác xong "Giọt mưa thu", người đầu tiên tác giả hát cho nghe là Bùi Công Kỳ. Tác giả Ba Đình nắng được mời góp ý cả phần nhạc lẫn lời, nếu có thể tham gia sửa chữa. Về nhạc, Bùi Công Kỳ đề nghị thay đổi một số nốt và tiết tấu cho chậm rãi hơn. Những nốt lấy đà nên chuyển thành nốt đen thay vì nốt móc đơn như cũ để tạo cảm giác thong thả, triền miên như những giọt mưa thu vậy.

Khi tôi gặp Bùi Công Kỳ là vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước khi ông đã về hưu. Kể lại việc cùng sửa sang bài "Giọt mưa thu", ông nói là vì đã quá lâu nên không thể nhớ hết chỗ nào trong bài là của Đặng Thế Phong, chỗ nào là của ông đã sửa lại, được tác giả chấp nhận và bị thuyết phục. Nhưng có một chi tiết ở phần lời ông còn nhớ rất chính xác.

Đó là câu "Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu. Ai khóc ai than hờ". Lúc đầu, Đặng Thế Phong viết: "Ai khóc, ai than thở". Bùi Công Kỳ thấy chữ thở hát lên đúng nhạc sẽ thành thờ và cũng không đắt, bèn đề nghị sửa thành  hờ. Than hờ sẽ hay hơn than thở bởi sự than ở đây không hẳn là buồn chán, thất vọng mà chỉ là chút tâm trạng nhớ nhung người yêu trong suốt một ngày rả rích mưa thu không gặp được nhau. Hai người cứ găng nhau mãi về chữ này. Cuối cùng, Đặng Thế Phong phải "chịu".

Về hưu năm 1980 khi đến tuổi và đang giữ cương vị Trưởng ban Văn nghệ Đài Truyền hình Trung ương, Bùi Công Kỳ lao vào viết cuốn sách "Nghệ thuật ngâm thơ". Tôi khi ấy được ông coi là người bạn trẻ, vong niên và là một trong những ngệ sỹ ngâm, đọc thơ được ông nói đến nhiều trong cuốn sách. Nhà ông ở phố Nguyễn Huy Tự, gần bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Tuần tuần, ông lại lóc cóc đạp chiếc xe cà tàng đến chơi với tôi ở Ngã Tư Sở để bàn về cuốn sách này. Ông dày công chuẩn bị và sau hai năm mới hoàn thành. Đó là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc về một bộ môn biểu diễn nghệ thuật mà trước và sau ông chưa có ai đề cập. Chỉ tiếc, cuốn sách vừa ra đời chưa được bao lâu thì ông qua đời vào năm 1985, hưởng thọ 66 tuổi.

Bùi Công Kỳ để lại hai bài hát nổi tiếng trong đó có "Ba Đình nắng" bất hủ. Khi tôi hỏi vì sao cả cuộc đời dài sung sức sau này, ông không tiếp tục sáng tác ca khúc thì ông nói cái duyên với âm nhạc chỉ đến đó. Ông có viết tiếp nhưng tự thấy không vừa ý nên không giới thiệu ra mặc dù gần như cả đời làm công việc quản lý văn nghệ ở hai Đài quốc gia quan trọng là Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Việt Nam, có thể giới thiệu sáng tác của mình bất cứ lúc nào. Lòng tự trọng rất cao đã không cho phép ông dễ dãi với bản thân để tự "lăng-xê" tác phẩm của mình.

Nguyễn Đình San
.
.