Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nữ diễn viên điện ảnh huyền thoại người Mỹ Marilyn Monroe (1/6/1926-1/6/2016)

Những điều bí ẩn quanh cái chết của “Người đàn bà đẹp nhất hành tinh”

Thứ Ba, 07/06/2016, 08:00
Nữ diễn viên sắc nước hương trời, sản phẩm lý tưởng của kinh đô điện ảnh Hollywood Marilyn Monroe (1926-1962), siêu sao màn bạc từng được tôn vinh là "người đàn bà đẹp nhất hành tinh" đã mất cách đây hơn nửa thế kỷ, khi mới 36 tuổi. Theo nguồn tin thông báo chính thức, thì nguyên nhân cái chết là do tự vẫn.


Nhưng những người hâm mộ Marilyn Monroe cho đến ngày nay vẫn chia thành 2 phe, với quan điểm trái ngược nhau. Nhóm thứ nhất chấp nhận sự quyên sinh; nhóm còn lại ngay từ đầu đã coi đó là một "cái chết đáng ngờ".

Người ta nêu ra nhiều giả thuyết khác nhau, rằng các cơ quan mật vụ Mỹ đã nhúng tay vào, nhằm "phòng trước" cho đương kim Tổng thống J.F.Kennedy (từng có mối quan hệ "trên mức tình cảm" với M.Monroe) khỏi "những đòn bẩn thỉu" từ phe cánh của đối thủ chính trị Richard Nixon; rằng những phần tử cực hữu trong CIA muốn dồn Kennedy vào sự chán chường, như là cách trả thù cho các hoạt động bất thành chống Cuba ở vịnh Con lợn; cũng có cả ý kiến cho rằng có bàn tay của mafia nữa…

Jean Maxime, nhà văn, nhà báo và nhà hình sự học, từng là bạn thân của M.Monroe giải thích về sự tự sát khó hiểu: "Tôi chắc rằng mình đã sống một cuộc sống ngu ngốc của người đàn bà khác, không phải là tôi. Giờ đây tôi muốn sống lại chính cuộc sống mà mình tạo ra. Thật là tuyệt diệu phải không?".

M.Monroe nói với tôi những lời trên trong tháng 7-1962 ở tòa biệt thự lộng lẫy của cô kề kinh đô điện ảnh Hollywood, nụ cười quyến rũ phát xuất từ cô ấy như muốn che lấp ánh mặt trời trong khoảnh khắc… Tới hôm 5-8-1962 nghe qua radio: "M.Monroe tự vẫn…", trong đầu tôi hiện lại ngay tức khắc những lời báo trước "Tôi muốn sống cuộc sống của mình…".

Cái chết không thể có chỗ trong cuộc sống mới bất tận mà Marilyn từng muốn. "Tự tử bằng cách uống một lượng lớn thuốc ngủ…", nguồn tin phát ra từ radio cho biết thêm. Hôm sau báo chí tăng thêm số lượng độc dược, đồng thời lặp lại thông báo chính thức: "Gần giường nạn nhân là vỉ thuốc nembutal loại 50 viên, trong đó 47 viên đã được dùng cả một lần".

Lần này thì hồi chuông báo động đỏ lòm. Vô lý! Không thể tin được! Tôi biết rõ điều đó. Trong lần tới nhà Marilyn lần sau cùng tại Brentwood ở Los Angeles, cô đang đợi người thợ ảnh đến. Monroe có nói với tôi là sẽ uống 2 viên nembutal, bởi "luôn cảm thấy không yên, nhất là khi cần tỉnh táo". Đem cốc whisky cho tôi, còn mình thì uống nước lạnh. "Ôi, những viên thuốc kỳ cục, khó uống quá!". Cô cần tới 3 cốc nước mới nuốt nổi 2 viên. Phải mất đến 5 phút mới xong.

Còn trong bản thông báo về 47 viên tân dược kia, không có bằng chứng nào cho thấy có ca hay cốc đựng nước bên cạnh trong hồ sơ vụ án cả. Marilyn không thể "uống khan" kiểu đó được, nếu không có ai đó dùng sức mạnh ép cô ấy uống. Vậy điều gì đã xảy ra?".

Trong bài "Cuộc phỏng vấn về một cái chết đáng ngờ" của phóng viên nổi tiếng Robert Slatzer, người đã thẩm tra tư cách của J.Clemmons, khẳng định: "Clemmons cũng cùng quan điểm với tôi, rằng M.Monroe đã tắt thở cả mấy giờ trước khi cảnh sát tới. Anh ta nhận ra điều ấy qua thi thể người mới chết. "Tôi tin là Monroe không tự sát! - J.Clemmons thuyết phục tôi - Ai đó đã giết chị ta. Điều này đúng ra là một vụ án mạng".

Khi được hỏi tôi có thể dùng các tư liệu anh vừa nêu không? Clemmons đáp: "Ngài có thể trích dẫn chúng một cách vô tư và khách quan theo đúng nguyên trạng". Chúng ta đừng quên rằng J.Clemmons là một điều tra viên từng trải. Anh bị sa thải khỏi ngành cảnh sát, bởi cứ khăng khăng bám vào những luận cứ trong báo cáo đã mất của mình và đòi được đăng chúng trên báo. Điều nực cười nữa là đúng ra ngài Parker sếp của Clemmons, thay vì tiếp tục điều tra một vụ dễ khiến mình nổi danh, lại vội vã chuyển ngay hồ sơ sang Phòng Tự vẫn thuộc trách nhiệm của thẩm phán William Kefir.

Công việc chính của W.Kefir và nhóm của ông tóm lại trong những dòng sau: "Trong quá trình điều tra, chúng tôi được biết bà Monroe đã hơn một lần định tự vẫn bằng thuốc độc do chán chường. Nhưng luôn được cứu kịp thời, do gọi điện thoại đúng lúc. Theo chứng cớ của chúng tôi, vào ngày 4-8-1962 bà ta lại tái lặp điều đó".

Vả lại những người thường gần gũi M.Monroe chưa bao giờ nghe thấy nữ diễn viên có ý định tự tử cả. Ngoài ra cũng chẳng thấy ai bị chất vấn bởi các nhân viên thuộc Phòng Tự vẫn. Mặt khác, mỗi một cử chỉ và trạng thái của nữ siêu sao điện ảnh hàng đầu đều được báo chí Mỹ luôn bám quanh tinh ranh nhận ra ngay. Họ đều chung một nhận định, rằng Marilyn chưa bao giờ đạt tới điểm chán ngán cực độ như vậy. Nữ minh tinh luôn tự an ủi bằng thức uống có cồn, chứ không phải thuốc ngủ.

Đúng 10 giờ rưỡi sáng ngày 5-8-1962, bác sĩ pháp y Thomas Noguchi tiến hành mổ xác "người đàn bà đẹp nhất hành tinh". Số phận bản báo cáo khám nghiệm tử thi của ông cũng vậy: bản chính bị mất ngay(?!); thay vào là bản "mô phỏng theo trí nhớ"…

Còn bản chính vài ngày sau mới tình cờ tìm thấy lại (!). Bản sao của biên bản giải phẫu pháp y (chẳng ai thấy được bản chính) được chính thức đính kèm theo hồ sơ mãi tới tận hôm… 27-8-1962 (!).

Theo bản báo cáo này, thì nạn nhân chết vì ngộ độc với lượng thuốc viên lớn. Bản thân báo cáo đã bỏ qua nhiều chỗ và có mâu thuẫn, nhưng chúng ta sẽ giải thích thế nào về một thiếu sót khổng lồ, rằng Noguchi không hề đề cập đến một mũi tiêm nào cả. Còn Engelberg, bác sĩ riêng của nữ siêu minh tinh lại trịnh trọng thề rằng, trong các ngày 1 và 3-8-1962 có chích thuốc cho Monroe.

Y học biết rằng các vết tiêm chích lưu lại trên cơ thể trong vòng 48 giờ và dễ dàng nhận ra. Sự "bỏ qua" này rõ ràng để giữ một lý do đáng sợ nhằm che đậy sự điều tra về các vết chích chết người, mà Marilyn không thể tự làm lấy được, cũng như trong phòng chị không hề thấy một ống tiêm nào cả. Cũng thật khó giải thích tại sao bác sĩ pháp y T.Noguchi không tìm ra một mụn thuốc nào - cả trong dạ dày cũng như trong ruột; và sau khi nắn ruột non lại không kiểm tra xem tại đó có thể còn vết tích của thuốc nembutal? Nhưng ông ta tuyệt nhiên không làm điều đó và thừa nhận một cách trơ trẽn sau này, mãi tận vào tháng 10-1973 trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình NBC.

Nhiều cuộc điều tra khác cũng dựa trên biên bản của bác sĩ T.Noguchi. Nhưng Giáo sư bác sĩ David Weinberg nghi ngờ việc "tự vẫn": "Một phụ nữ không bao giờ lại đi tự tử khi không mặc gì trên người, bởi phái yếu thường chú ý đến vẻ ngoài. Hơn nửa thế kỷ nay tôi mới gặp một trường hợp tương tự, nhưng bằng súng chứ không phải là độc dược. Ngoài ra tôi cũng lấy làm ngạc nhiên bởi không thấy có ca hay cốc gì cả, ống tiêm cũng vậy. Những dấu vết vì tiêm chích đã không được lưu ý, hay người ta cố tình không muốn tìm chúng?!".

Còn Tiến sĩ Y học Richard Chapman, đã đề cập cụ thể hơn: "Kết quả của giải phẫu tử thi cho thấy, nếu không loại trừ các bằng chứng về sự "định giết" hay là "cố ý gây án mạng"; thì sự thiếu hẳn vụn thuốc trong hệ tiêu hóa, đã nói lên rằng chúng không đi qua đường miệng. Còn sự vắng mặt của ống tiêm cho phép ta loại trừ khả năng nạn nhân đã tự chích lấy chất độc cho mình!". Thật không có cách biện luận nào rành mạch và logic hơn!

 Những điều trên cho thấy M.Monroe không thể "tự mình giết mình". "Dù đã 36 tuổi, có nhiều phiền muộn, nhưng chị rực rỡ chín chắn hơn bao giờ hết. Với tôi cũng như với những người gần gũi khác chị luôn nói về các dự tính tốt đẹp trong tương lai. Ngoài ra chị còn muốn sửa lại di chúc của mình, nhằm trừng phạt nhẹ nhàng những kẻ xấu mà chị chán ghét, cũng như khen thưởng hơn nữa những người tốt - luật sư riêng của M.Monroe, ông Mickey Rudin cho biết - Tôi đã nói chuyện với Marilyn hôm thứ bảy, ngày 4-8-1962. Chị ấy rất khỏe và hẹn tôi tới thứ hai đến bàn về việc soạn lại di chúc mới.

Tôi không tin chị lại đi tự tử, trước khi thực hiện xong bản chúc thư bổ sung này - một điều mà chị nung nấu bấy lâu nay! Nếu như không tự vẫn bởi mọi khả năng về cái chết bất đắc kỳ tử đều bị loại, vậy có ẩn ý đây là một vụ giết người, được hóa trang như tự sát. Với quan điểm của tôi, tôi có lý để không nghi ngờ gì nữa: M.Monroe đã bị giết!".

Nhưng chúng ta nên lật lại các "quân bài" nữa ngửa lên cho độc giả - toàn quân chủ to, mà ai cũng muốn dùng: vì sao cả Joe DiMaggio lẫn Arthur Miller (2 người chồng cũ của M.Monroe đồng thời cũng là 2 nhân vật nổi tiếng), cả những người mong muốn có tên trong danh sách di chúc của M.Monroe, cả Hãng phim 20th Century Fox bị mất đi nguồn thu nhập lớn lao, cả những người bạn thân tin tưởng và nổi danh của Marilyn, cả những nhân vật cao cấp từng chở che chị như Thượng nghị sĩ Robert Kennedy và người anh - đương kim Tổng thống Mỹ John F.Kennedy v.v…

Chẳng có ai trong số các nhân vật danh tiếng ấy nói một lời phàn nàn nào về những mâu thuẫn quanh cái chết của M.Monroe, cả trong quá trình điều tra cũng như các kết quả khám nghiệm? Chính bởi mỗi người trong số họ, từ những lý do tế nhị khác nhau, đều biết được rằng tận đáy lòng mình Marilyn Monroe muốn sống hơn bao giờ hết, để được yêu, để được hạnh phúc. Nhưng sao phải "liều lĩnh", đằng nào thì người phụ nữ quyến rũ nhất thế giới cũng đã khuất bóng rồi. Tốt hơn, như câu phương ngôn muôn thuở "im lặng là vàng" vẫn luôn là kế… thượng sách!

Trần Hồng
.
.