Những chuyện tình bên núi Tương Kỳ

Thứ Hai, 23/04/2018, 09:01
Thành phố Vũng Tàu được hình thành với những con đường bám hai ngọn núi Lớn và núi Nhỏ. Nếu núi Nhỏ được nổi bật nhờ cây đèn biển cổ hơn 100 năm thì núi Lớn lại sáng bừng với điểm nhấn là biệt thự Bạch Dinh cùng những bức tượng Phật lớn trên cao. Bạch Dinh nằm trong một rừng hoa Sứ, và cây Giá Tỵ (gỗ Tếch) với những câu chuyện tình kỳ bí gắn với cái tên Tương Kỳ.


Mối tình của chàng nghĩa sĩ

Xưa, trên ngọn núi Lớn có rừng già rậm rịt hổ báo gầm rú, suốt ngày đêm đi săn mồi. Có lần, mấy người lạc rừng chạy trốn một con chó sói hung ác. Họ tối tăm mặt mũi. Guồng chân chạy trên núi cao, khi nghe tiếng người, họ dừng chân mới thấy, phía trước là một ngôi nhà đá lợp lá gianh.

Đó là ngôi nhà của hai ông cháu sống từ bao lâu rồi không rõ nữa. Họ nghe tiếng rên ư ử của con chó sói phía sau. Họ hoàn hồn quay lại mới biết con sói đã bị rơi vào bẫy của ông già dưới một gốc cây. Ông già sai cháu gái đưa họ ít thức ăn rồi dẫn mọi người xuống núi. Từ đó dân tình đồn đoán chắc đó phải là ông “tiên” xuống trần.

Nhưng rồi bất ngờ ông “tiên” ấy xuống núi, đổi những con mồi săn được lấy gạo muối. Ít lâu sau có tin đồn, nhiều thanh niên trai tráng của làng chài lên núi theo ông học võ, múa kiếm. Họ kể đó là ông Giáo có võ nghệ cao cường, kiếm cung tột bậc, ở ẩn trên núi. Ông bí mật luyện những nghĩa sĩ theo đuổi nghiệp dựng nước của anh em nhà Tây Sơn. Nhiều bãi đất phẳng được phát quang làm nơi tập luyện của các nghĩa sĩ. Chính bãi đất dựng Bạch Dinh cũng là nơi luyện cung tập võ của họ. Nhiều người đã thành tài đầu quân cho nghĩa quân Tây Sơn.

Trong số học trò, không ít chàng trai đã thầm yêu trộm nhớ cô cháu gái của ông Giáo mà không dám bén mảng. Họ chỉ ngắm bông hoa Mai ấy từ xa. 

Bia thơ của vua Thành Thái.

Một hôm cô Mai mải đi kiếm củi trong rừng và mải vui leo cây gỡ những giò hoa lan Hồ Điệp vàng. Cô có ngờ đâu, một con hổ đã theo dõi, và đợi sẵn dưới gốc cây chờ mồi. Cô vừa vắt cành nhảy xuống đất thì con hổ gầm gừ bò tới.

Linh tính báo có sự nguy hiểm, cô Mai vội chạy quanh những gốc cây để tránh bị hổ vồ. Cô chạy được mươi bước thì rơi tõm xuống một bãi cỏ gianh rậm rịt. Con hổ tung chân định vồ lấy cô thì bỗng có tiếng hét lớn của ai đó. Định thần quay lại, cô thấy một chàng trai đang vật lộn với con hổ trên bãi gianh. Cả hai quần nát đồng cỏ. Bất ngờ, chàng trai rút được kiếm ra đâm liên hồi vào thân hổ.

Đường kiếm bí ẩn mà anh đã học được từ ông Giáo. Con hổ chảy máu lênh láng khắp bãi cỏ gianh. Nó gầm rú náo loạn rồi lê lết bò vào rừng. Chàng trai vội đỡ cô Mai đứng dậy, cõng nàng trở về cùng với giò lan Hồ Điệp trên tay. Ông Giáo hay tin cuống cuồng chạy ra đón cháu và cúi lạy chàng trai dũng cảm kia. Khi ngẩng lên ông Giáo nhận ra, đó chính là nghĩa sĩ Lê Tuấn, một võ tướng của Nguyễn Huệ.

Sau giây phút ngạc nhiên, ông Giáo bất ngờ ngỏ ý gả cháu gái cho Lê Tuấn để đền ơn cứu mạng. Định mệnh như được trời ban, cô Mai mỉm cười sung sướng, còn chàng Lê Tuấn cứ chắp tay đứng im như tượng đá vậy. Họ đã nên vợ nên chồng như thế trên ngọn núi.

Ngay lúc đó, ông Giáo chỉ tay lên đỉnh núi nói sang sảng: “Tương Kỳ từ đây sẽ đặt tên. Ngọn núi hạnh phúc đáp đền nhân duyên”. Đó chính là câu chuyện vì sao hàng trăm năm qua, người dân quanh vùng vẫn thường gọi núi với cái tên là Tương Kỳ. 

Chuyện tình vua Thành Thái

Ai cũng biết vua Thành Thái (1879-1954) là người có tư tưởng chống Pháp ngay từ khi mới lên ngôi (1889). Mặc dù mới 10 tuổi, nhưng ông không chịu làm bù nhìn dưới sự giám sát của thực dân Pháp. Nhà vua luôn có hành động tỏ thái độ bất phục. Ông còn bí mật liên lạc với các nhà cách mạng của phong trào Đông Du, khuyến khích đưa thanh niên ra nước ngoài học tập, tu rèn ý nguyện cứu nước cứu dân.

Nhà vua còn vẽ các bản thiết kế vũ khí để ngầm đưa ra ngoài, nhưng bị những người Pháp phát hiện. Ông đã giả điên để xé đi giấu kín những bí mật đó. Hay như ông còn ngấm ngầm đào tạo các cung phi trở thành những nữ binh trong cung cấm. Nhà vua thay vì thu nạp các cung phi mới để cho những nữ chiến binh ra ngoài chờ thời cơ. Hết 50 cô này đến 50 cô khác. Họ thay nhau trở thành những tay dao tay kiếm.

Cuối cùng mọi chuyện bị bại lộ, thực dân Pháp ép ông thoái vị, lấy cớ ông bị điên. Nhất là khi chúng dẫn chứng từ bài thơ nhà vua làm năm 1902, với ý chí phục thù và làm toàn những điều nổi loạn, nên đã đưa nhà vua ra khỏi kinh thành, với lý do đi dưỡng bệnh. Nay đây mai đó, cuối cùng chúng đầy ông ra Vũng Tàu (1907).

Bạch Dinh chính là nơi nhà vua Thành Thái, khi ấy đã ở tuổi 28, bị giam lỏng. Ông cùng vợ con sống ở Vũng Tàu dưới sự giám sát của lính Pháp. Ông buồn nản vì tay trắng không biết làm gì để thỏa lòng yêu nước và chống thực dân. Cả một rừng cây Sứ và Giá Tỵ (dòng Tếch lá to) biến nơi này như một ngôi chùa vắng vẻ, thâm u, cô tịch. Suốt ngày đêm sóng biển vỗ ào ạt càng làm tâm trạng nhà vua thêm cay đắng. Ngày lại ngày, ông chỉ đọc sách rồi phóng ôtô đi đây đó cho khuây khỏa, mỗi khi thấy trong lòng bức xúc bực bội.

Một lần tình cờ vua Thành Thái đang lái xe đi chậm dọc bờ biển thì thấy một cô gái phi ngựa vượt lên. Với một vóc dáng khỏe mạnh, dong dỏng cao, cân đối với tấm áo ngắn da bò, cô gái lập tức thu hút con người cô đơn này. Nhà vua sửng sốt vì sắc đẹp kỳ ảo của người con gái đang phi ngựa trước mặt. Cứ thế nhà vua lái xe đi chậm theo. Chẳng mấy chốc hai người đã vượt hàng chục dặm đến vùng Đất Đỏ (cách Vũng Tàu chừng 30km).

Bóng hồng đã khuất nẻo sau rặng cây rẽ vào một con ngõ. Nhà vua tìm đến nhà Hội đồng làng vùng dân cư đó, tìm hiểu và ngỏ ý muốn đưa cô gái kia về Bạch Dinh, cưới làm thứ Phi. Đó chính là cô gái Trần Thị Đê, một mối tình sét đánh như ông trời sắp đặt đối với nhà vua trong lúc buồn tủi nhất.

Du khách lên Bạch Dinh.

Người đẹp chỉ kém nhà vua 5 tuổi, trở thành người bạn tâm giao cùng nhà vua, trong những ngày tháng sau đó. Một bà phi khác hẳn với mọi mỹ nữ cung tần, biết cưỡi ngựa, hát ca và chăm sóc những cây hoa chung quanh Bạch Dinh. Nhưng tình yêu đến ngắn tựa tày gang, bởi chỉ 5 tháng sau nhà vua bị giặc Pháp bí mật bắt đưa đi đầy ở đảo Reunion (Châu Phi), cùng với người con trai kế vị là vua Duy Tân (năm 1917). Chúng muốn diệt trừ hậu họa của cha con ông.

Bởi chính vua Duy Tân còn hoạt động chống lại Pháp mạnh mẽ hơn cả cha. Vua Thành Thái bị bắt đi, để lại một mối tình và hạnh phúc vừa chớm nở. Nhưng may mắn sao, ông đã để lại một giọt máu hồng, đó chính là công chúa Trần Thị Kiều sau này. Công chúa phải lấy họ mẹ và không hề biết cha của mình chính là một ông vua yêu nước, kiên cường chống thực dân Pháp.

“Sầu Tây bể cấp”

Mãi tới năm 1947, vua Thành Thái được thả tự do, nhưng vẫn bị Pháp quản thúc tại Sài Gòn. Ngay lập tức ông tìm về vùng Đất Đỏ tìm lại vợ con mình. Khi ấy công chúa Trần Thị Kiều đã ở tuổi 30. Hai cha con mừng mừng, tủi tủi, hàng lệ rơi lã chã. Từ đó nhà vua thường quay về Vũng Tàu thăm vợ con, bù đắp cho họ sau những ngày tháng long đong vất vả, nuôi nhau nơi xóm biển nghèo đói. Nhìn lên ngọn núi Tương Phùng, nhà vua vẫn nung nấu tâm trạng đau khổ vì nước mất nhà tan.

Có lần ông lên tòa Bạch Dinh thăm lại chốn lưu đầy xưa và tức cảnh làm bài thơ “Sầu Tây bể cấp”, tỏ lòng ai oán, đau khổ trong tim: “Sống thừa nào biết đến hôm nay/ Nhìn thấy núi non đất nước này/ Sừng ngựa chưa quên câu chuyện cũ/ Ruột tằm chín khúc mối sầu tây/ Thành xuân muôn dặm mây mù tịt/ Bể cấp tứ bề bủa sóng vây/ Tiếng súng ngày đêm như khúc nhạc/ Dẫu cho sắt đá cũng chau mày”. Cuộc đoàn viên đó với vợ con cũng không được bao năm. Ông bị quản thúc cùng bệnh tật già yếu và từ giã cõi đời vào năm 1954. Hiện bài thơ “Sầu Tây bể cấp” được khắc bia trên núi Tương Phùng bên cạnh tòa Bạch Dinh, có thể coi là di sản tinh thần cuối cùng của vua Thành Thái để lại cho đời.

Vương Tâm
.
.