Những chuyến thổ mộ cuối cùng khi rạng sáng

Thứ Ba, 26/07/2016, 10:15
"5h sáng là chúng tôi lên đường rồi, ông có xuống kịp không?...Đúng giờ nhé. Làm cái việc này cứ phải gọi là giờ giấc như trong quân ngũ. Chậm trễ người ta gọi đội khác, mất mối!...". Bạn tôi, Lê Đức Thuận, nói như thế qua điện thoại khi anh đang ngồi trên xe ngựa chở hàng ở một vùng nào đó. 


Hôm sau, tôi tới thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương lúc gần 5h. Thuận đã đưa ngựa ra xe. Chú ngựa có tên gọi Đạm Lang sau một đêm nhai cỏ, ăn mật dưỡng sức, dũng mãnh chào buổi sáng bằng những tiếng hí vang.

Đạm Lang nhìn tôi - người lạ, bằng ánh mắt không mấy hoan nghênh. Thuận thanh minh: "Giống ngựa khôn nó thường thế đấy. Nếu không có tôi ở đây, ông mà lại gần có khi còn bị nó bắt nạt. Yên tâm đi. Nó hiểu lời tôi đấy!..". Thuận ra lệnh "vào xe", Đạm Lang răm rắp tuân theo. Sau tiếng "hích", Thuận giật mạnh giây cương. Đạm Lang kéo xe phăng phăng ra hướng thị trấn Thạnh Mỹ, nhằm thẳng quốc lộ 27 mà chạy. Tiếng vó ngựa đập xuống nền đường lốc cốc, đều đặn như một bản nhạc trữ tình khi thị tứ còn chưa thức giấc.

Phố huyện vắng vẻ, im ắng đến lạ thường. Không một bóng người, cũng chẳng tìm đâu ra chiếc thổ mộ thứ hai. Thấy tôi tư lự, Thuận lên tiếng: "Có lẽ đây là những chuyến xe ngựa cuối cùng trên vùng đất này rồi ông ạ. Nghề này tàn nhanh quá!..".

Thuận nói phải. Cách đây 5 năm thôi, vùng Đơn Dương này còn trên dưới 500 xe ngựa. Khoảng cuối năm 2010, tôi từng diện kiến cả chục chiếc xe thổ mộ hối hả chở hàng từ những cánh đồng rau Ka Đô, Lạc Lâm, Tu Tra…về trung tâm huyện Đơn Dương. Cánh đánh xe ngựa lúc bấy giờ ăn nên làm ra phải biết. Hôm nay, ngồi trên chiếc xe ngựa của Thuận, tôi cố lắng nghe một tiếng vó ngựa lốc cốc thứ hai vang lên từ một con hẻm nào đó của thị tứ này nhưng tuyệt nhiên không có. Bạn tôi không thống kê được số xe ngựa của toàn huyện, nhưng ở thị trấn Thạnh Mỹ, chỉ còn sót lại hai người đánh nghề thổ mộ, trong đó có Thuận.

Những chiếc xe thổ mộ cuối cùng trên vùng rau Đơn Dương.

Cách đây 6 năm, xe ngựa vẫn là phương tiện vận tải thịnh hành nhất ở xứ Đơn Dương. Thuận tìm lên Đà Lạt, nhờ người chỉ mối tậu được con Đạm Lang này với giá 12 triệu đồng. Bấy giờ, Đạm Lang chỉ là chú ngựa thiếu niên, hai năm sau mới được Thuận huấn luyện thành ngựa kéo. Nhưng không phải con ngựa nào được huấn luyện cũng đều trở thành những "chiến binh" dũng cảm với nghề, bạn nói với tôi như thế.

Một con ngựa tốt phải có sức khỏe dẻo dai, kéo trên một tấn hàng mỗi lần. Điều kiện tiên quyết để chọn ngựa kéo của những ông chủ lành nghề là lựa những con ngựa có ức đầy và cao, chân to, đuôi dài, tiếng hí lớn và vang. Giá mỗi con ngựa biết làm việc cũng vô chừng lắm. Có khi là 20 triệu đồng, có khi 45 triệu đồng, nhưng cũng có con tung cả đống tiền ra không mua nổi. Để ngựa khỏe, chủ nhân thường chỉ cho ăn loại cỏ dại mọc ngoài bờ đường và cho ngựa ăn thêm cám gạo, mật mía được mua từ vùng Ninh Thuận để tăng cường chất dinh dưỡng. 

"Nếu chủ là người có thân hình nhỏ thó, sức khỏe yếu thì không nên kham ngựa kéo to lớn" - Thuận tỏ ra kinh nghiệm. Câu nói này của bạn làm tôi tò mò. Thuận lý giải: "Loài ngựa kỳ lạ lắm, thông minh và ranh mãnh. Một ông chủ nhỏ thó, ốm yếu, nó thường không sợ. Chuyện "dở chứng" trong lúc làm việc sẽ xảy ra thường xuyên!..".

Không chỉ có thế, người lạ sẽ không thể tiếp cận được với loài vật này. Nếu không phải là người quen, khi tới gần lập tức ngựa sẽ có những phản ứng để cảnh báo, như hí vang, nhảy chồm hai chân trước lên cao. Người lạ vẫn tiến sát lại, ngựa tự vệ bằng cách chồm thẳng vào đối phương, há miệng cắn hoặc quay ngoắt lưng lại tung ra những cú đá trời giáng mà trúng có thể làm cho đối phương văng xa tới vài mét.

Ngựa rẽ xuống cánh đồng, men theo con đường lởm chởm sỏi đá khi trời còn chưa sáng rõ. Chiếc thổ mộ chồm lên, hụp xuống khiến ruột gan tôi như muốn đảo lộn. Thuận vẫn ngồi vững chãi, nắm chặt giây cương, dứt khoát đưa ra những khẩu lệnh.

Đạm Lang răm rắp nghe lời chủ. Tới giữa cánh đồng thuộc xã Ka Đô, những sọt bắp cải đã được chất thành đống từ chiều tối qua. Trong lúc chủ mải mê bốc hàng, Đạm Lang kiên nhẫn đứng đợi. Hàng chất lên xe, nặng dần, ghì chặt xuống cổ ngựa. Đống bắp cải khoảng hơn 3 tấn, bạn tôi dự kiến sẽ chở làm 3 chuyến, trung bình mỗi chuyến 1 tấn. Tôi ái ngại thay Đạm Lang, lên tiếng: "Liệu nó có kham nổi không?!..". Thuận quả quyết chắc nịch trong tiếng thở hổn hển: "Yên tâm đi. Tôi hiểu nó mà".

Loay hoay khoảng 30 phút, 1 tấn bắp cải đã được chúng tôi chất lên xe ngựa. Thuận cố định hàng bằng những sợi dây cao su cỡ lớn. Tôi leo lên đỉnh đống hàng, Thuận ngước lên nói "sẽ thú vị lắm đó". Tôi cũng nghĩ vậy và chuẩn bị tâm lý để đón nhận sự "thú vị" ấy.

Sau tiếng "hích", Đạm Lang lấy hết sức dồn vào hai chân sau giật mạnh, bánh xe nhúc nhích nửa vòng để lấy thế. Lần giật thứ hai, xe nặng trịch nhọc nhằn chuyển bánh trên đường đầy ổ voi, ổ gà. Lúc này trời đã sáng hẳn, tôi kịp nhận ra con đường đang đi chỉ vừa lọt hai bánh xe ngựa.

Một bên là kênh nước, bên kia là ruộng rau. Nếu không có sợi dây cao su buộc hàng để túm chặt, chắc tôi đã văng ra khỏi xe từ hồi nào. Tôi trộm nghĩ, chẳng may trật bánh, xe rơi xuống kênh hoặc văng ra ruộng kia thì tôi khó mà lành lặn trở về. Là nghĩ thế để tự hù mình thôi, chứ tôi biết tay nghề vững chắc của những ông chủ thổ mộ ở xứ Đơn Dương này. Phía dưới, Thuận vẫn đưa ra những khẩu hiệu chính xác. Đạm Lang cứ thế răm rắp tuân theo. Chiếc xe lúc chồm lên, khi hụp xuống, lắc lư tiến về hướng trung tâm huyện Đơn Dương.

 Theo tính toán của tôi, xe ngựa khi chở đầy hàng, trên đường đất, mỗi giờ di chuyển được trên dưới 5km. Nếu xe không, vận tốc trung bình bằng chiếc xe máy chạy 30km/h.

Hơn 7h30', chúng tôi đổ hàng tại một điểm thu mua nông sản ở thị trấn Thạnh Mỹ. Trước khi chạy chuyến thứ hai, chúng tôi ghé vào một quán phở ăn sáng cũng là dành ít phút cho Đạm Lang nghỉ ngơi sau chuyến kéo hàng vất vả. Thuận quý Đạm Lang lắm. Không bao giờ anh gọi Đạm Lang bằng ngựa mà xưng tên như gọi một người bạn. Anh luôn dùng từ "chúng tôi" để chỉ anh và ngựa.

Người dân xứ này kể rằng, giữa thế kỷ XX, nhiều gia đình từ các tỉnh miền Trung kéo về đây khai khẩn, định cư, vùng rau Đơn Dương phát triển mạnh. Rau vượt ra các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Sài Gòn…Rau theo những chuyến xe quân sự vươn tới các vùng chiến thuật phục vụ nhu cầu nhà binh. Cùng với sự phát triển của nghề trồng rau đòi hỏi phương tiện vận chuyển cũng phải song hành.

Vậy là những chiếc xe thổ mộ xuất hiện chuyên chở nông sản từ vùng sản xuất đến nơi tiêu thụ. Sự ra đời của xe ngựa đã giúp người trồng rau giảm tối đa sức gánh vác. Ngựa đã thay người kéo tất cả phần vất vả, nặng nhọc. Vào thời hoàng kim, vùng Đơn Dương có tới cả nghìn xe ngựa. Loài vật này trở nên gần gũi, thiêng liêng trong tín ngưỡng cộng đồng cư dân Đơn Dương. Nếu người theo đạo Phật chẳng bao giờ ăn thịt chó thì người xứ rau này chẳng bao giờ đụng tới thịt ngựa. Đó là điều tối kỵ.

 Thuận chỉ tay về phía cái am nhỏ đặt trước một căn biệt thự sang trọng trên đường Xuân Diệu, thị trấn Thạnh Mỹ, nói đó là am thờ hai con ngựa có tên là Bạch Mã và Tía Mã của gia chủ. Nhờ hai con ngựa quý đó mà gia chủ nọ từ nghèo khó đã tạo nên cơ nghiệp tiếng tăm lừng lẫy trong vùng. Khi ngựa già và chết, họ đem chôn rồi lập am thờ cúng đến bây giờ.

Ông Nguyễn Đình Tịnh, Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ tỏ ra hào hứng khi chia sẻ với tôi những thông tin về ngựa kéo xứ Đơn Dương. Theo ông Tịnh, cách đây khoảng 3 năm khi đường sá chưa thuận tiện và chưa xuất hiện xe ba gác máy của Trung Quốc thì ra khỏi nhà là gặp xe ngựa. Ngựa chạy khắp lối hối hả đến tận đêm khuya.

Từ năm 2013, hàng nghìn chiếc xe ba gác máy được nhập về đã đánh bật nghề thổ mộ. Hầu hết gia đình có xe đều phải bán ngựa mua xe ba gác để nâng cao tính cạnh tranh. Từ khoảng 500 xe ngựa vào trước năm 2013 nay toàn vùng Đơn Dương chỉ còn chưa đầy 10 chiếc. Không ai đảm bảo rằng con số này sẽ được giữ nguyên trong những năm tới.

Dù biết rằng sự lụi tàn của nghề thổ mộ là điều tất yếu, không thể tránh khỏi, nhưng sao tôi vẫn thấy nuối tiếc hình ảnh những chiếc xe ngựa lốc cốc chở hàng đi về trên thị tứ Đơn Dương. Có lẽ, tôi là người có tính hoài cổ!..

Kim Ngân
.
.