Những chuyện ít biết về tác giả tiểu thuyết tình báo "X30 phá lưới"

Thứ Hai, 19/01/2015, 08:00
Nhà văn Đặng Thanh nổi tiếng trên văn đàn thập niên 70 - 80 thế kỷ trước với những tiểu thuyết tình báo, phản gián, trong đó nổi bật nhất là cuốn “X 30 phá lưới” nói về nhà tình báo Phan Thúc Định. Tác phẩm này từng được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản tại: Nga, Mỹ, Nhật, Bungari... Cũng vì sự nổi tiếng đó mà ông dính vào chuyện kiện cáo lôi thôi.

Những người sinh vào thập niên 70 trở về trước và sống ở miền Bắc, miền Trung hẳn không lạ gì với “X 30 phá lưới” của nhà văn Đặng Thanh. Trong trí nhớ của tôi, lúc đó còn là một đứa trẻ 9-10 tuổi sống ở miền quê nghèo Hà Tĩnh, những người trong xóm chuyền tay nhau đọc tác phẩm này đến quăn queo. Chúng tôi say mê theo nhân vật Phan Thúc Định với những tình tiết ly kỳ trong hành trình xâm nhập vào cơ quan đầu não của chính quyền họ Ngô. Ngưỡng mộ nhà văn và nhân vật của ông, không ngờ mấy chục năm sau, tôi lại có cơ duyên được “gặp lại” ông và nhân vật X 30.

Cán bộ phản gián thành nhà văn viết truyện tình báo

Ông Đặng Tuấn Phương, con trai trưởng của nhà văn Đặng Thanh, người từng du học ở Nga hiện làm hướng dẫn viên du lịch tự do, cho biết: Nhà văn Đặng Thanh sinh ra ở Huế. Bố ông là người Quảng Nam, mẹ là người Huế dòng dõi hoàng tộc.  Thời niên thiếu, học hết lớp 7, cậu bé Đặng Thanh đã được giác ngộ đi theo cách mạng. Đến tuổi thanh niên, chàng thanh niên Đặng Thanh hoạt động trong ngành phản gián của Công an Bình Trị Thiên thời kỳ 1945-1954 dưới bí danh Vũ Lăng. Sau Hiệp định Geneve, ông ra Bắc tập kết và làm trong Bộ Công an, lấy vợ rồi sinh con ở Bắc. Khoảng năm 1960, ông được điều về làm ở Tòa án nhân dân tối cao. Năm 1975, ông được điều vào công tác tại TP HCM. Chức vụ của ông là thẩm phán, Phó chánh án Tòa án nhân dân TP HCM cho đến lúc về hưu.

Nhà văn Đặng Thanh đang sáng tác.

Giai đoạn hoạt động trong ngành tình báo và phản gián, chàng thanh niên Đặng Thanh đã có nhiều cống hiến. “Lúc hoạt động ở mặt trận Bình Trị Thiên, bố tôi có nhiều chiến công, trong đó có chiến công bắt được một nhóm Việt gian làm gián điệp cho Pháp. Nhờ chiến công đó, bố tôi được trao tặng Huân chương Chiến thắng do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Ông được mệnh danh là “Hùm xám Bình Trị Thiên”. Thực dân Pháp treo thưởng một số tiền lớn  cho ai bắt hoặc giết được ông. Bố tôi được đặt tên đường ở TP Huế”, ông Tuấn Phương kể.

Cũng nhờ những năm tháng hoạt động cách mạng chuyên trách ngành phản gián đã cho Đặng Thanh một vốn sống và những tư liệu quý giá, sự hiểu biết tường tận của nghề tình báo để ông có thể viết ra những tiểu thuyết tình báo và phản gián hấp dẫn, ăn khách đến bây giờ. Gia tài của nhà văn Đặng Thanh có 12 cuốn tiểu thuyết tình báo, phản gián. Tác phẩm đầu tay là cuốn “Cất vó” đăng dài kỳ trên Báo Thời mới vào năm 1960, sau đó in thành sách. Lần lượt sau đó là những tác phẩm: “X 30 phá lưới”, “Đọ sức”, “Lần theo chuỗi hạt”, “Lá thư vĩnh biệt của Jacquenline”, “Tấm bản đồ thất lạc”, “Nữ điệp viên Sao Chămpa”, “Sự thật về X 30”…

Khi tôi hỏi chuyện thêm để biết về con người và việc sáng tác của nhà văn Đặng Thanh, ông Tuấn Phương thổ lộ: “Tôi ít gần gũi bố tôi mà cũng đi du học ở Nga nên không biết nhiều về cụ. Nếu anh cần tư liệu gì, anh đến nhà em trai  tôi là Đặng Tuấn Dũng thì có nhiều. Nó còn giữ nhiều hình ảnh và tư liệu của ông già tôi”.

Tôi tìm đến nhà của vợ chồng ông Đặng Tuấn Dũng, con trai út của nhà văn Đặng Thanh để tìm hiểu thêm về cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn. Nhà ông Dũng là một căn nhà nhỏ trong khu chung cư khá cũ ở đường Cao Thắng. Đây là nơi nhà văn Đặng Thanh mỗi buổi chiều gõ máy chữ để cho ra đời những tiểu thuyết tình báo ly kỳ. Gia đình ông Dũng còn giữ được chiếc máy đánh chữ và những hình ảnh, tư liệu về nhà văn. Thế nhưng muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời nhà văn thì cũng không có nhiều, bởi ông Dũng lúc đó còn nhỏ, lại đi du học ở Đức từ năm 17 tuổi. “Bố tôi sống khép kín, ít thổ lộ với người khác, kể cả với con cái trong nhà nên chúng tôi không biết nhiều về cụ. Cụ ham viết văn, phải nói là đam mê. Tôi nhớ hồi còn ở ngoài Bắc, giai đoạn những năm 60- 70 giấy rất hiếm. Để viết văn, cụ tận dụng cả những tờ giấy đã viết một mặt, lật mặt sau ra để viết, mà viết toàn bằng tay, sau này mới có máy đánh chữ”, ông Tuấn Dũng nói.

Theo lời kể của vợ chồng ông Dũng, giai đoạn sau khi nghỉ hưu, nhà văn Đặng Thanh mới có nhiều thời gian để chuyên tâm vào sáng tác. Ông thường ngồi viết vào buổi chiều, khoảng 3 giờ chiều cho đến khoảng 8 giờ tối. “Lúc viết cuốn đầu tiên, cuốn “Cất vó”, bố tôi có đưa cho một số bạn bè xem. Sau này, thỉnh thoảng cụ lại đi thăm bạn bè, tìm gặp những người có hoạt động tình báo… để hỏi chuyện, tìm tư liệu thêm”, bà Nguyễn Thị Vân Hà, vợ ông Đặng Tuấn Dũng, con dâu nhà văn Đặng Thanh, cho biết thêm.

Nhiều năm làm công tác Tuyên giáo của Thành ủy TP HCM, bà Hà được nhà văn Đặng Thanh chia sẻ về công việc viết văn của mình. Bà cũng là người thường đánh máy giúp ông. Nhờ đó bà phần nào hiểu được những tâm tư và lai lịch của những câu chuyện được nhà văn sáng tạo ra. “Những truyện tình báo, phản gián của bố chồng tôi được cụ viết từ những chuyện trong giai đoạn cụ làm nghề tình báo, phản gián. Cụ lấy tư liệu và những nhân vật, con người trong giai đoạn đó để viết. Nhiều nhân vật chính trong truyện của ông là lấy nguyên mẫu từ ông nên truyện của ông có nét như hồi ký, nhưng đã tiểu thuyết hóa lên cho hấp dẫn. Tác phẩm “Tấm bản đồ thất lạc” là cụ viết về giai đoạn niên thiếu của mình được giác ngộ làm cách mạng”, bà Hà kể.

Theo lời ông Dũng, có những chuyện nhà văn chưa kịp viết ra, sau khi mất, ông gửi gắm lại cho bà Hà viết tiếp.

Chuyện lùm xùm quanh tiểu thuyết “X 30 phá lưới”

Trong các tác phẩm của nhà văn Đặng Thanh, nổi bật nhất là tiểu thuyết “X 30 phá lưới”. Tác phẩm này được viết ở miền Bắc nhưng năm 1975 mới in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, sau in thành sách. Lúc đó nhà văn Đặng Thanh đang làm bên Tòa án nhân dân TP HCM. Vào thời đó, đất nước mới giải phóng, trên thế giới vẫn còn hai phe Xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và Tư bản chủ nghĩa đứng đầu là Mỹ, những tác phẩm văn học còn ít, đặc biệt truyện tình báo, phản gián rất thiếu. Từ đó, truyện này  khi xuất bản trong nước đã gây sốt trên văn đàn. Sau đó, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và nhiều nước xuất bản: Nga, Bungari, Nhật, Mỹ… Khi biết tin một nhà xuất bản ở Nhật in tác phẩm này, một người quen của nhà văn Đặng Thanh đã kiện ông, đòi quyền tác giả và nhuận bút.

Theo lời kể của ông Tuấn Phương và vợ chồng ông Tuấn Dũng, lai lịch của chuyện này như sau: Khi bắt đầu viết “X 30 phá lưới” thì gia đình ông Thanh còn ở miền Bắc, do bận rộn nên ông Thanh nhờ một người thầy giáo dạy Văn sửa giùm lỗi chính tả trong bản thảo. Vì cũng bận nên người thầy giáo này lại nhờ một đồng nghiệp cũng dạy Văn làm giùm. Khi truyện in trên báo thì không thấy người này lên tiếng đòi hỏi quyền lợi, nhưng khi nghe tin một nhà xuất bản ở Nhật in tác phẩm này, thì người thầy giáo sửa giùm bản thảo kia kiện ra tòa đòi tác quyền và nhuận bút.

Tại tòa, ông này không trưng ra được bằng chứng gì chứng minh mình là tác giả. Ngược lại, nhà văn Đặng Thanh đã trưng ra nhiều bằng chứng thể hiện mình là tác giả. Đối chiếu các bằng chứng và xét lai lịch của hai người, tòa án kết luận ông Đặng Thạnh là tác giả của “X 30 phá lưới” vì chỉ có những người làm trong ngành tình báo hoặc có tư liệu về nó mới am tường mà viết ra được những truyện về tình báo. Trong khi đó, ông thầy giáo kia chỉ là một giáo viên dạy Văn, không thể có tư liệu, vốn sống và sự hiểu biết, trải nghiệm như ông Đặng Thanh. Tuy nhiên, tòa cũng tuyên nhà văn Đặng Thanh phải viết lời cảm ơn cho người thầy giáo kia. “Chuyện đó thì không phải đến lúc tòa tuyên, bố tôi mới làm. Khi xuất bản, ngay trang đầu, ông đã viết lời cảm ơn nhiều người, trong đó có người thầy giáo kia”, ông Tuấn Phương chia sẻ.

Mấy chục năm trôi qua, những tác phẩm của ông vẫn được tái bản, làm say mê hàng triệu độc giả. Đọc truyện của ông để hiểu thêm và tự hào về lịch sử, trí tuệ của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Thịnh
.
.