Những cây sồi "hoàng gia" với sứ mệnh Notre Dame

Thứ Năm, 08/04/2021, 14:07
Những cây sồi nước Pháp sừng sững hàng trăm năm trong khu rừng hoàng gia Bercé một thời, nay đã mang trong mình một sứ mệnh đặc biệt thiêng liêng. Các bậc thầy về kiến trúc và lâm nghiệp của Chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đã quyết định lựa chọn những cây sồi cổ thụ này để dựng lại ngọn tháp chuông bị đổ do hỏa hoạn của Nhà thờ Đức Bà Paris Notre Dame – một biểu tượng về lịch sử, tôn giáo và văn hóa được ví như trái tim nước Pháp.


Nỗ lực từ những tàn tro

Gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin rất đậm nét về việc nước Pháp đã lựa chọn được “vật liệu tiêu chuẩn” để dựng lại phần mái vòm, tháp mũi tên và gác chuông bị hư hỏng hoàn toàn của Nhà thờ Đức Bà Paris. Đây có thể coi là một trong những tín hiệu đáng mừng nhất bởi thảm họa cháy Notre Dame diễn ra ngày 15/4/2019 đã khiến không chỉ người dân nước Pháp mà cả thế giới bàng hoàng và đau xót. Theo đó, khoảng 1.000 cây sồi già trong hơn 200 khu rừng của chính phủ và tư nhân đã được đốn hạ vào cuối tháng 3 vừa qua. 

Ông Jean-Louis Georgelin, cựu Tổng tham mưu trưởng Quân đội Pháp được giao phụ trách cơ quan đặc biệt giám sát công tác sửa chữa Nhà thờ Đức Bà Paris cho biết: “Các cây sồi sẽ được chọn từ mọi vùng miền của nước Pháp. Đây là dự án liên quan đến cả đất nước. Việc trùng tu sẽ đảm bảo công trình có thể đứng vững ít nhất từ 8 đến 10 thế kỷ tới”. 

Để có được những bước đi thực tế như vậy, chính phủ Pháp đã phải trải qua rất nhiều thách thức từ việc chiêu mộ các chuyên gia, tìm kiếm vật liệu phục dựng và lắng nghe phản ứng của người dân. 

Hồi tháng 7/2020, trong bối cảnh dư luận phản đối kịch liệt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải loại bỏ ý tưởng rằng phần tháp chuông do Eugène Viollet le Duc thiết kế có thể được dựng lại bằng bê tông để hạn chế bụi phóng xạ, nếu không may lại có hỏa hoạn. Sau đó, ông Macron tuyên bố, Notre Dame sẽ được xây dựng lại y như cũ. Và điều này đã mở đầu cho công cuộc săn tìm các loại gỗ trên toàn nước Pháp, lên đến đỉnh điểm là cuộc tuyển chọn kỹ lưỡng vào tháng Giêng và tháng Hai vừa qua. 

Giới chuyên gia đánh giá, việc dựng lại Notre Dame bằng gỗ là một viễn cảnh khó khăn bởi bên trong công trình cổ này là một “mạng lưới các thanh xà gỗ phức tạp”. Cụ thể, 52 mẫu gỗ rừng đã được chặt ở thế kỷ XII để dựng mái nhà thờ và mỗi thanh dầm làm từ một thân cây. 

Tuy nhiên, ông Jean-Louis Georgelin khẳng định: “Đây là trách nhiệm lịch sử. Nếu tất cả mọi người cùng xắn tay vào làm và mọi thứ được lên kế hoạch tốt, thì việc đưa nhà thờ trở lại trong vòng 5 năm tới sẽ không phải là một kỳ tích không thể thực hiện”.

Dự kiến, Notre Dame sẽ bắt đầu được trùng tu vào mùa thu năm 2022. Nguồn: Reuters.

Để chạy đua với thời gian và hạn chế sai sót, các chuyên gia phục dựng Notre Dame đã phải làm việc rất nghiêm túc và tỉ mỉ. Điều này được thể hiện ngay ở khâu đầu tiên bao gồm công đoạn tuyển chọn và xử lý gỗ. Các cây sồi mang trong mình sứ mệnh lịch sử này phải đáp ứng được tiêu chuẩn về chất lượng và các chỉ số vượt trội, như thân cây phải có đường kính hơn 1 mét và có chiều dài tối thiểu 18 mét. 

Ngoài ra, chúng phải được "thu hoạch" vào cuối tháng 3 vừa qua để tránh việc nhựa cây tiết ra nhiều hơn và thời tiết ẩm ướt có thể làm giảm chất lượng gỗ. Đặc biệt, “phần hồn” của Notre Dame gồm tháp chuông và đỉnh mũi tên cao 93 mét sẽ được dựng lại bằng 8 cây sồi đốn từ khu rừng hoàng gia Bercé, từng thuộc về các vị vua Pháp. 

Khi thẩm định một loạt các cây sồi trên 200 năm tuổi trong rừng Bercé, ông Aymeric Albert, Giám đốc Thương mại của Ủy ban Lâm nghiệp Pháp nhận định: “Những thân cây ở đây đều trong tình trạng tuyệt hảo, không có bất kỳ khuyết điểm nào. Chúng đủ lớn để trở thành thanh xà dài 18m, chiều dài cần thiết nếu muốn chịu đựng trọng lượng của tháp nhọn”. 

Được biết, những thân gỗ sồi ở rừng Bercé có giá khoảng 15.000 euro/ thân, sẽ được phơi khô từ 12 đến 18 tháng trước khi tiến hành các bước xử lý tiếp theo. Ngoài ra, sau khi đốn xong số gỗ dự tính, các nhân viên kiểm lâm sẽ ươm mầm để trồng lại những rừng cây mới. Dự kiến, việc trùng tu Notre Dame sẽ bắt đầu từ mùa thu năm 2022 và hoàn thành vào tháng 4/2024.

Sứ mệnh của tình đoàn kết

Tờ Insider nhận định rằng, nhà thờ luôn là trung tâm của thay đổi xã hội. Điều này có thể không “luôn đúng” nhưng lại cực kỳ chính xác trong trường hợp của nước Pháp. Ngay sau khi Tổng thống Emmanuel Macron công bố chiến dịch gây quỹ để xây dựng lại Notre Dame, nhiều cá nhân, tổ chức tại Pháp và trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ cả về tài chính cũng như việc tham gia phục dựng kiến trúc. Chỉ hai ngày sau khi xảy ra vụ cháy, quỹ quyên góp đã vượt một tỷ USD. Đây cũng là chi phí ước tính để phục dựng lại Nhà thờ Đức Bà một cách thẩm mỹ và chất lượng nhất. 

Thực tế này cho thấy, ở thời điểm đó, nước Pháp, một dân tộc bị chia rẽ hơn bao giờ hết kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai do các cuộc biểu tình "Áo ghilê vàng" kéo dài trong nhiều tháng, đã trở nên đoàn kết trong một sứ mệnh chung. 

Michel Druilhe, Chủ tịch của mạng lưới lâm nghiệp Pháp France Bois Forêt chia sẻ: “Là một nhà thờ chính tòa lớn nhất trong lòng nước Pháp với lịch sử lâu đời trên thế giới, chúng tôi rất vui vì các nhân sự thuộc ngành lâm nghiệp, từ người thợ làm rừng đến những thợ cưa, đều được huy động để chung tay dựng lại Notre Dame. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa”. 

Tổng thống Macron cũng từng tuyên bố: “Việc biến thảm họa kinh hoàng này thành cơ hội đồng lòng là tùy vào chúng ta… Đây không phải là thời điểm cho chuyện chính trị”.

Quay trở lại thời điểm hỏa hoạn tại Notre Dame, theo thông cáo từ Chính phủ Pháp, đám cháy xảy ra vào khoảng 18h 50' ngày 15-4-2019 giờ địa phương (tức 23h50' ngày 15-4-2019 giờ Hà Nội) ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ. Thảm họa đã khiến phần tháp chuông đổ sập, và tàn phá phần mái của công trình mang phong cách kiến trúc Gothic lừng danh này. Tuy nhiên, mọi chuyện có thể đã tồi tệ hơn và Notre Dame có thể đã bị thiêu rụi toàn bộ nếu lực lượng cứu hỏa Paris đến muộn hơn 15-30 phút. 

Những món đồ quý bao gồm Vương miện Gai - được cho là đã đội trên đầu Chúa Jesus trong các sự kiện dẫn tới việc Chúa bị đóng đinh trên cây thánh giá; Le Grand Orgue - một nhạc cụ có từ thập niên 1730 và áo choàng dài từ thế kỷ thứ XIII của Saint Louis đều được cứu khỏi đám cháy. 

Rõ ràng, nếu như sự lăn xả và gan dạ của lực lượng cứu hỏa đã kịp thời ngăn chặn một thảm họa kinh hoàng hơn cho công trình này, thì hiện nay, sự đồng lòng và nỗ lực của chính phủ, người dân cũng như các kiến trúc sư và chuyên gia Pháp mang đến hy vọng về một Notre Dame của gắn kết và hoà bình. Phải chăng, trong tương lai, sự vô giá của Notre Dame sẽ được “định nghĩa lại” bằng tình đoàn kết của tất cả mọi người!?

Nhà thờ Đức Bà Paris Notre Dame nằm trên đảo Cité giữa dòng sông Seine ở trung tâm thủ đô Paris. Vị trí địa lý đặc biệt này đã khiến Notre Dam trở thành biểu tượng mang tính lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Paris. Năm 1163, viên đá đầu tiên được đặt với sự có mặt của Giáo hoàng Alexander III và Vua Louis VI. Quá trình xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris theo lối kiến trúc Gothic kéo dài đến năm 1345 với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư danh tiếng lúc bấy giờ như Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller. 

Notre Dame từng chứng kiến lễ đăng quang của Vua Henry VI vào năm 1431, lễ đăng quang của Hoàng đế Napoleon vào năm 1804, và lễ phong thánh cho nữ anh hùng Pháp Joan of Arc vào năm 1909 do Giáo hoàng Pius X chủ trì. Tang lễ của hai cố Tổng thống Pháp Charles de Gaulle và Francois Mitterand cũng diễn ra tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Được biết, Notre Dame là nơi có chop cao nhất ở Paris cho đến khi tháp Eiffel hoàn thành năm 1889. Theo đài BBC, không có địa danh nào khác đại diện cho nước Pháp theo cách riêng biệt và độc đáo như Notre Dame. 

Có thể bạn chưa biết?

Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam từng tung bay trên đỉnh tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà Paris. Chuyện xảy ra vào đêm 19/1/1969, 1 ngày trước khi Richard Nixon tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 37 của Mỹ và 6 ngày trước buổi khai mạc hội nghị Paris bốn bên, đàm phán về hoà bình ở Việt Nam. Được biết, cảnh binh Pháp sau đó đã phải huy động trực thăng để tháo dỡ lá cờ. Hiện vẫn chưa có bất kỳ nguồn tin chính thức nào xác nhận việc ai là người đã treo lá cờ đó. Tuy nhiên, đây có thể coi là một trong những hình ảnh đặc biệt suốt chiều dài lịch sử tồn tại gần 9 thế kỷ của công trình kiến trúc này.


Linh Đan
.
.