Những "cận vệ" của nhà văn Nguyễn Tuân
Chuyến đi này của đoàn chúng tôi thật hoành tráng, với gần hai trăm cán bộ, diễn viên, nhân viên phục vụ. Ban tổ chức huy động tới bằng 15 xe Monotova của Liên Xô chở người, đạo cụ, dụng cụ v.v… Ngoài ra, theo bố trí của cấp trên có một số văn nghệ sĩ đi cùng đoàn để thâm nhập thực tế sáng tác, trong đó có các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải, Lưu Trùng Dương… Bác Nguyễn Tuân là văn sĩ lớp trước, lại nguyên là Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam, đặc biệt bác hơi kĩ tính nên Trưởng đoàn Lương Ngọc Trác và Chính ủy Hồ Nhị Quang giao nhiệm vụ cho tiểu đội nam múa chúng tôi phải phục vụ bác Tuân vô điều kiện!
Nhà văn Nguyễn Tuân (giữa) cùng họa sỹ Bùi Xuân Phái và nhạc sỹ Văn Cao. |
Trời Điện Biên cuối thu se lạnh, nhưng với bác Nguyễn Tuân thì đã đại hàn. Bác được ở riêng một phòng trong khu vực của Nông trường bộ, tuy bác gái có chuẩn bị đồ rét cho bác nhưng lên đây chả thấm thía gì, các đồng chí ở cơ quan Nông trường bộ mang đến cho bác hẳn một chăn bông bốn cân. Sáng ra bác kêu: "Nặng nhưng mà sướng, đã lắm! Cảm ơn các đồng chí".
Một buổi sáng, trời mới tan sương, bác Nguyễn Tuân yêu cầu Chính ủy Hồ Nhị Quang cử cho mấy diễn viên múa nam hộ tống bác đi thị xã Lai Châu để đánh điện về cho gia đình. Tôi vinh dự được trong tốp ấy. Trên đường đi, bác kể cho chúng tôi nghe về thân phận của những cô gái trong đội xòe của Đèo Văn Long, bác vẫn giữ nguyên cách nghĩ của một người đứng đầu ngành văn nghệ nước nhà; tất cả những câu chuyện dọc đường của bác Nguyễn với chúng tôi, tựu trung là bác nhắc: Nghề múa ngày nay là vô cùng quý giá!
Thấy bác cởi mở, tôi liền hỏi bác còn có nhớ em không? Bác hỏi: "Thế cậu là ai nhỉ?". "Dạ thưa bác, em là cô gái trong điệu múa "Tăng gia" của Đoàn Văn công Đồng bằng hôm diễn ở Đại hội Văn công Toàn quân, được bác lên sân khấu tặng hoa, bác còn khen em xinh, bác còn rung hai vai em, làm em hãi quá, chỉ sợ rơi hai cái núm bưởi trên ngực thì lộ hết". Bác Tuân nhíu mày, so vai, bạnh cổ, lùi lại nhìn thật kỹ để cố nhận ra xem tôi có đúng là "cô gái" ấy không. Sau đó thì quả thật bác đã nhận ra tôi, chàng trai trẻ đóng vai cô gái…
Thị xã Lai Châu um tùm dưới những hàng cổ thụ bên dòng sông Đà, hàng quán, người đi lại vẫn còn thưa thớt, mặc dù chiến tranh đã đi qua gần bốn năm rồi. Chúng tôi theo gót bác Nguyễn vào bưu điện, bác bảo: "Thôi, để mình vào đánh dây thép về Hà Nội". Trong chúng tôi có một người tò mò liếc nhìn được mấy chữ "…anh vẫn khỏe, em ở nhà…". Bác Nguyễn trả tiền xong quay ra nheo nheo mắt, miệng tủm tỉm nhìn chúng tôi một lượt rồi bảo: "Thế mà các đồng chí không nói trước để tôi cho xem cả bức điện? Có gì đáng giấu đâu, vì cuối cùng thì nhân viên dây thép người ta cũng biết cả mà!".
Sau mấy tháng trời, đoàn chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chuyến đi Điện Biên và các đồn Biên phòng phía Tây, trở về tập kết tại Nông trường Điện Biên để "nhổ neo" về Hà Nội. Bác Nguyễn Tuân cũng coi như tạm thỏa mãn về tài liệu mà bác thu thập được quanh khu vực sông Đà…
Nhà văn Nguyễn Tuân đã thực sự "bén duyên" với anh em đội múa nam của Văn công Tổng cục Chính trị, nên cuộc hành trình tái hồi Hà Nội, bác Nguyễn lại cùng chúng tôi ngồi chung một xe. Tôi được làm "cận vệ" ngồi cùng buồng lái với bác. Khi vượt qua đèo Pha Đin, nhìn thấy những đoạn vực sâu thăm thẳm khiếp quá, hai tay bác nắm chặt cánh tay tôi, mắt nhắm nghiền. Tôi bảo: "Bác ơi, cứ yên tâm, đồng chí lái xe đã ngoài năm mươi cận kề tuổi bác, cũng từng lái xe qua đèo Pha Đin này như cơm bữa…".
Bác thở dài: "Khổ lắm, biết thế, nhưng cái tính mình nó… sợ dốc". Vượt qua Pha Đin, chúng tôi cho xe dừng lại chân đèo để xả hơi, bác Nguyễn mừng rỡ xách xuống túi "đồ nghề" những là ấm chén pha trà, siêu nấu nước, bếp dầu… rồi sai chúng tôi mỗi người một việc để thực hiện cho bác một "tiệc trà" tao ngộ. Chúng tôi cùng bác đánh bệt xuống bãi cỏ để ngắm bác tận hưởng chén trà sau cú vượt Pha Đin gian nguy! Bác thưởng chúng tôi mỗi người một chén, đến lượt tôi, tôi làm luôn một tợp vì cái chén hạt mít với sức tôi chả thấm vào đâu, bác lườm tôi bảo: "Đồ vai u thịt bắp".
Về đến Sơn La, bác Nguyễn rất quan tâm đến việc thăm nhà tù, bác gặp Chính ủy Hồ Nhị Quang, nhắc nhở phải tổ chức cho anh chị em thăm nhà tù do chính bác hướng dẫn. Tôi nhớ bác Nguyễn giới thiệu ngắn gọn:
- Nhà tù này thực dân Pháp đã cầm tù Đoàn trưởng Đỗ Nhuận của các đồng chí!
- Nhà tù này có cây đào của đồng chí Tô Hiệu!
- Một tù nhân nông dân Thái Bình tên là Mai Đắc Bân đã có công tìm cách giải thoát cho các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng kịp về lãnh đạo khởi nghĩa năm 1945!
Về đến Hà Nội đúng dịp Tết năm Hợi - 1959, bác Nguyễn rất lịch lãm, chu đáo: Comlê, cà vạt, ôm hoa lay ơn tìm đến số 3 phố Ông Ích Khiêm, nơi đóng quân của đoàn chúng tôi - Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị để chúc tết cũng là hàm ý cảm ơn Đoàn đã chăm sóc bác trong chuyến đi thực tế vừa qua.
Một năm sau (1960), chúng tôi vui mừng nhận được tác phẩm "Sông Đà" - thành quả mà bác Nguyễn Tuân đã đạt được trong chuyến đi cùng đoàn văn công chúng tôi lên Điện Biên ngày ấy…