"Hướng về Hà Nội" của cố nhạc sỹ Hoàng Dương

Thứ Năm, 20/08/2020, 16:47
Hà Nội là mảnh đất có hàng trăm bài nổi tiếng được công chúng nhiều thế hệ ưa thích và truyền tụng. Nhưng có một bài, theo tôi là có dáng dấp, rõ chất Hà Nội nhất với vẻ hòa hoa, tao nhã, thanh lịch, sang trọng. Đó là bài "Hướng về Hà Nội" của cố nhạc sỹ Hoàng Dương (1933-2017).


Nói đến Hoàng Dương, người ta nghĩ ngay đến một nghệ sỹ chơi đàn violon cello nổi tiếng, là bậc thày của nhiều nghệ sỹ chơi đàn này ở nước ta. Ông có công xây dựng bộ môn đàn dây và là người đào tạo nên nhiều thế hệ biểu diễn violon cello ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm khí nhạc viết cho đàn dây có chất lượng được biểu diễn nhiều và trở thành giáo trình giảng dạy trong các nhạc viện ở nước ta. Ông được phong hàm Phó Giáo sư và là Nhà giáo Nhân dân.

Trong lĩnh vực sáng tác ca khúc, Hoàng Dương chỉ viết một số ít bài: "Tiếc thu", "Tiếng mưa rơi", "Chiều cuối năm"… Nhưng có một bài rất hay, nổi tiếng, ai nghe cũng rung cảm, đó là "Hướng về Hà Nội". Giai điệu bài hát nhẹ nhàng, êm ả, uốn lượn bình ổn gợi cảm giác xao xuyến, bâng khuâng pha chút hoài cổ, nuối tiếc. Lời ca cũng rất gợi cảm, lãng mạn: "Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi. Áo màu tung gió chơi vơi. Hà Nội ơi! Phố phường rải ánh trăng mơ. Liễu mềm nhủ gió ngây thơ thấu chăng lòng khách bơ vơ…".

Cố nghệ sĩ Hoàng Dương.

Đã lâu lắm, ngay từ những năm tháng tôi còn ở tuổi thiếu nhi đã được nghe những bài hát nổi tiếng viết về Hà Nội như "Người Hà Nội" (Nguyễn Đình Thi), "Tiến về Hà Nội" (Văn Cao), "Sẽ về thủ đô" (Huy Du). Đến những năm 60-70 của thế kỷ trước và sau đó lần lượt được biết thêm rất nhiều bài hát khác về cùng đề tài của các nhạc sỹ tên tuổi: Hoàng Vân, Hồ Bắc, Nguyễn Đức Toàn, Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp… Mãi về sau tôi mới biết bài "Hướng về Hà Nội" của Hoàng Dương. Bài này ra đời sớm hơn những bài trên nhiều nhưng tôi lại biết sau. Thì ra có một thời gian dài "Hướng về Hà Nội" không được phổ biến do quan niệm hẹp hòi của cái thời gọi là "duy ý chí", văn nghệ chưa được "cởi trói".

Tôi đã nghe rất nhiều ca khúc về Hà Nội. Nhưng bài của Hoàng Dương đã gieo vào tôi một cảm giác thật đặc biệt, khác hẳn những bài khác cũng rất hay. Nếu những bài khác gây cho tôi ấn tượng sôi động, vui tươi thì "Hướng về Hà Nội" lại có một thoáng buồn, cái buồn man mác, vẩn vơ kiểu như của Xuân Diệu xưa: "Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn". Buồn chứ không sầu, không bi lụy, hay nói một cách văn chương đây là cái buồn mang tính thẩm mỹ.

Bài hát thật đặc sắc của một nhạc sỹ ở ngay Hà Nội mình có quen mà lâu nay không hề hay biết. Về nước, tôi bèn tìm đến chơi với Hoàng Dương để hỏi ngọn ngành. 

Và tôi được ông cho biết: Khoảng đầu năm 1954, khi ấy ông 21 tuổi, hoạt động trong nội thành Hà Nội thì bị địch truy lùng nên phải lánh ra một làng tại ngoại thành. Đêm đêm, ông nhìn về thành phố mà thấy lòng nao nao, nhất là mỗi khi nghe tiếng súng nổ đì đùng, chứng kiến những quầng lửa sáng rực một góc trời, trong lòng có phần sốt ruột, mong mỏi ngày kháng chiến thắng lợi, Thủ đô được giải phóng để trở về. 

Nhưng vượt lên tất cả tâm trạng ấy là nỗi nhớ da diết một người con gái mà Hoàng Dương từng có những kỷ niệm êm đềm, thơ mộng từ thuở còn cắp sách tới trường. Ông nhớ lại ký ức không xa khi hai người quấn quít bên nhau và những ngày cuối tuần cùng nhau lên hồ Tây, hồ Trúc Bạch ngồi ghế đá, phóng tầm mắt ra xa nhìn những đàn sâm cầm bay lượn hoặc cùng thả hồn trên sóng nước. 

Ông đặc biệt nhớ những đêm trăng. Hà Nội ngày ấy chưa có đèn led sáng trưng như bây giờ mà phần nhiều vẫn là bóng đèn sợi tóc nên ánh sáng lờ mờ lại càng làm cho trăng sáng tỏ hơn. Ánh trăng lung linh chiếu qua những kẽ lá, lùm cây bên đường, nhất là những khóm liễu rủ ven hồ khiến khung cảnh lại càng trở nên kỳ ảo, huyền diệu. 

Giữa bức tranh thiên nhiên diễm lệ, kỳ thú đó, có lần cô gái nói với Hoàng Dương: "-Anh giỏi nhạc, hay sáng tác, hãy viết một bài hát về kỷ niệm của chúng mình để ghi nhớ những ngày tháng này". (Chả là lúc này Hoàng Dương đã bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên và cô gái biết rõ điều này). Nhưng lúc còn ở trong nội thành, thường xuyên được gặp cô bạn thì chàng trai trẻ không viết được gì. Chỉ đến khi lánh ra ngoại thành, không gặp được nàng, thấy nhớ da diết, Hoàng Dương mới viết nên được ca khúc bất hủ. 

Ông kể rằng ca khúc ra đời rất nhanh, chỉ trong một buổi tối. Lúc đầu ông định đặt tên là "Nhớ người con gái Hà Nội" nhưng rồi thấy như vậy cụ thể quá. Mà ý ông muốn nói đến Hà Nội với nghĩa rộng hơn, tức là nhớ mảnh đất ngàn năm văn hiến, quê ông, nơi ông sinh ra và lớn lên.

Cố nghệ sĩ Hoàng Dương và phu nhân.

Từ một nỗi nhớ da diết, mãnh liệt nhưng sâu lắng, ngọt ngào nên ông đã cho ra một ca khúc có giai điệu mềm mại, du dương, bịn rịn thương nhớ như ta đã thấy. Tâm trạng, xúc cảm như thế thì không thể cho ra một ca khúc hừng hực khí thế hoặc vui tươi, sôi nổi được. 

Nếu nghe kỹ giai điệu sẽ thấy bài hát mang rõ chất hào hoa, lịch lãm rất đúng với mảnh đất ngàn năm văn hiến và "phi chiến địa" của Thăng Long. Điều này đã phản bác ý kiến của ai đó cho rằng nếu thay hai tiếng "Hà Nội ơi!" bằng bất cứ địa danh nào khác - ví như "Hải Phòng ơi!" hoặc "Việt Trì ơi!" thì vẫn cứ được. Bởi vì cái chất rất Tràng An vừa nói trên sẽ không phù hợp với bất cứ nơi nào khác. (Điều này đã xảy ra trong một chương trình gọi là "Giai điệu tự hào"từng được phát sóng trên ti-vi).

Hoàng Dương có người bạn thân cũng là nhạc sỹ tên Hoàng Trọng ở thời điểm bài hát "Hướng về Hà Nội" ra đời đang sống ở nội thành Hà Nội. Hai người luôn chia sẻ với nhau mọi chuyện vui buồn trong cuộc sống và Hoàng Dương còn viết lời cho nhiều ca khúc của Hoàng Trọng. Tác giả "Hướng về Hà Nội" đã gửi tác phẩm vào cho bạn mình xem. Hoàng Trọng vô cùng thích thú, tìm cách phát huy tác dụng, đưa cho nhiều ca sỹ đang nổi tiếng ở Hà Nội khi ấy hát. Và bài hát lan truyền dần. 

Sau năm 1954, Hoàng Trọng cùng một số ca sỹ vào cư trú trong Sài Gòn đã mang theo bài này để chỉ một thời gian ngắn sau cũng lan truyền ở thành phố được coi là hòn ngọc của Viễn Đông khi đó. Sau năm 1975, một số ca sỹ ở Sài Gòn đã di tản sang Mỹ, đem theo bài hát để rồi cũng lan truyền tại hải ngoại. Cũng sau ngày đất nước ta được thống nhất, dần dần đã có sự giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa hai miền Nam, Bắc. Giới ca sỹ đã đi biểu diễn ở khắp hai miền. Cũng từ đây mà bài hát có dịp lan ra Hà Nội. 

Nhưng cũng phải từ thập niên 90 của thế kỷ trước trở đi - nghĩa là ở thời kỳ đổi mới toàn diện của nước ta, ca khúc này mới thực sự được giới ca sỹ thoải mái biểu diễn. Như vậy là sau rất nhiều năm kể từ ngày ra đời, "Hướng về Hà Nội" mới đến được với rộng rãi công chúng Thủ đô. 

Hầu như ca sỹ nào cũng từng hát bài này nhưng tôi chưa thấy ai hát ra được đúng thần thái của tác phẩm. Ngay cả người có danh hiệu cao (NSND) cũng hát hoặc là hời hợt, hoặc là cũng "cộng minh" như hát ô-pê-ra. Người cố gắng hát cho mềm mại thì lại rơi vào sự ủy mị, sướt mướt rất sai với tinh thần của tác giả.

"Hoàng Dương có tên đầy đủ là Ngô Hoàng Dương, sinh năm 1933 tại Từ Liêm, Hà Nội và qua đời ngày mùng 3 Tết năm 2017, hưởng thọ 84 tuổi. Ông có cha là nhà văn hóa nổi tiếng Trúc Khê Ngô Văn Triện. Ông để lại một sự nghiệp đáng nể về sáng tác, biểu diễn và giảng dạy bộ môn đàn violon cell. Riêng về ca khúc, chỉ với "Hướng về Hà Nội" ông cũng sống mãi trong lòng người hâm mộ".
Nguyễn Đình San
.
.