Nhớ tết đầu tiên tôi trở thành chiến sĩ an ninh

Thứ Năm, 04/02/2016, 08:00
Đang lúc cùng bà con lo chuẩn bị cho cái Tết sắp đến thì khoảng cuối tháng 1 năm 1966 (tức gần cuối tháng chạp âm lịch) anh Võ Như Ngọc, chiến sĩ Đội trinh sát An ninh vũ trang Quảng Đà đến tìm tôi và đưa tôi đến gặp đồng chí Phan Ngọc Nhân, Đội trưởng. 


Trước đây, đồng chí Phan Ngọc Nhân và các anh trong Đội trinh sát đã từng ở nhà của ông bà nội tôi. Và nhiều lần tôi đã ngụy trang hầm bí mật cho các anh khi bọn Mỹ - ngụy càn quét lùng sục. Các anh trong Đội trinh sát rất tin tưởng và yêu thương tôi.

Đêm hôm đó, dưới căn hầm tránh bom đạn bên con mương nước lớn chảy từ Thuận Tình ra sông Thu Bồn, dưới các tán dừa nước che chở ngụy trang, đồng chí Phan Ngọc Nhân mở đầu câu chuyện với tôi: “Cháu còn nhỏ nhưng chú tin rằng cháu sẽ hiểu những điều chú sắp nói ra. Chú cháu ta sẽ cùng nhau trao đổi và mong cháu nói hết suy nghĩ của mình…”.

Tôi chưa biết đồng chí Đội trưởng Trinh sát an ninh Quảng Đà sẽ nói gì thì ngoài trời chiếc máy bay Đơ – Cu –Ta của Mỹ thả pháo sáng dọc sông Thu Bồn từ Hội An đến Cửa Đại. Tiếng súng đại liên trên máy bay khạc những viên đạn đỏ rực như vòng dây lửa uốn lượn trên bầu trời. Mấy chiếc máy bay trực thăng UH – 1A bay dọc hai bờ sông soi đèn sáng rực, có lẽ chúng đang lùng sục tìm kiếm nhằm phát hiện cán bộ, bộ đội ta vượt sông về hoạt động vùng ven Hội An.

Nụ cười của các o du kích trên chiến trường Quảng Nam thời chống Mỹ.

Đây là hoạt động thường xuyên của quân Mỹ đối với chiến trường sông nước này. Sau một lúc không gian trở lại yên tĩnh, đồng chí Phan Ngọc Nhân tiếp tục trao đổi với tôi: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cháu hãy cùng các cô chú tham gia đánh Mỹ giải phóng quê hương, cháu nghĩ thế nào?”.

Không phải đắn đo suy nghĩ gì cả tôi trả lời ngay rằng bọn giặc đã giết chết cha tôi và biết bao người thân yêu ruột thịt của tôi, chúng đã từng bắt má tôi tra tấn, tù đày hết nhà tù này đến nhà tù khác, đối với tôi cầm súng đánh Mỹ - ngụy cũng là cơ hội trả “nợ nước thù nhà”.

“Cháu nghĩ được như vậy là tốt, chú tin tưởng ở cháu” - đồng chí Đội trưởng cười vui vẻ và giao nhiệm vụ cho tôi là: Vào vùng địch chiếm ở Hội An, lấy vỏ bọc chăm sóc ông bà nội của tôi đã già yếu để nắm tình hình hoạt động của bọn Mỹ, Nam Triều Tiên và ngụy quân, ngụy quyền ở quận Hiếu Nhơn và Hội An. Vẽ sơ đồ vùng Cồn Chài, Cẩm Châu, quận lỵ Hiếu Nhơn, nắm hoạt động của bọn cảnh sát ác ôn có nợ máu với nhân dân. Vẽ sơ đồ nhà của một số tên chỉ huy đầu sỏ và quy luật đi lại hoạt động của chúng…

Khoảng 9h sáng, chiếc máy bay trinh sát “tàu rà” quần lượn trên bầu trời của thôn 2 thôn 3 Cẩm Thanh, bỗng nó phóng một quả rốc – két “xịt bụp” khói lên nghi ngút, chỉ vài phút sau một tốp máy bay khu trục loại cánh quạt lao đến thả từng chùm bom khói bụi mịt mù, tiếng nổ ghê rợn. Máy bay Mỹ thả bom ở vùng này là chuyện “cơm bữa”. Toàn đội họp bàn công việc đột xuất, tôi chạy đi tìm má tôi, lúc bấy giờ má tôi là cán bộ xã đang đến từng nhà vận động bà con tăng gia sản xuất và tất bật chuẩn bị Tết sắp về. Mặc dù trong khó khăn, gian khổ khốc liệt nhưng ai ai cũng rất hồ hởi.

Gặp má, tôi không nói gì, má cũng không hỏi gì nhiều, chắc là chú Phan Ngọc Nhân và má tôi đã bàn thống nhất trước rồi. Má chỉ nói: “Con lớn rồi, biết suy nghĩ, con hãy đi theo con đường mà ba con đã đi. Cố gắng lên con nhé!”. Tôi sà vào lòng má như một đứa trẻ, mà là đứa trẻ thật – Tết này tôi mới lên 13 tuổi. Tối hôm sau chúng tôi lại tiếp tục trao đổi công việc; không phải dưới căn hầm mà trên miệng hầm, có cả anh Võ Như Ngọc và anh Tư Hũ.

Các anh phân tích tình hình hoạt động của địch, đặc điểm trong nội thị Hội An và vùng địch chiếm xung quanh như: Cẩm Nam, Cẩm Châu, Cẩm An… Phương pháp giữ bí mật và điều tra nắm tình hình theo nhiệm vụ đã được giao. Cách vẽ sơ đồ và chuyển tài liệu báo cáo về đơn vị…

Chú Phan Ngọc Nhân động viên và nhắc nhở tôi phải nắm vững nhiệm vụ được giao, hết sức bí mật, tuyệt đối trung thành với Cách mạng, nếu bị địch phát hiện bắt được phải giữ vững khí tiết, không đầu hàng giặc, không khai báo làm nguy hại đến Cách mạng và Nhân dân… Không ai bảo ai, cả bốn chúng tôi đứng dậy một cách nghiêm trang, dù không có cờ Tổ quốc nhưng tôi đặt tay lên ngực, xin thề sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đồng chí Đội trưởng tuyên bố, bắt đầu từ giờ phút này, đồng chí Lê Ngọc Nam đã trở thành chiến sĩ của Đội trinh sát An ninh vũ trang Quảng Đà. Tự nhiên nước mắt tôi chảy dài, nước mắt của niềm vui, niềm tự hào và thầm nhủ rằng: “Má ơi, con đã nghe theo lời má, đi theo con đường mà ba con đã đi… Con sẽ sống, chiến đấu xứng đáng là con trai của má!”.

Chiều 30 Tết, được tin nhắn, tôi chạy về gặp má ở nhà ông Phạm Ừ là chú ruột của má tôi bên bờ sông Thuận Tình. Nhìn thấy tôi từ xa, má đã cuống quýt mừng rỡ như là xa tôi lâu ngày mới được gặp lại, má ôm lấy tôi, xoa đầu vuốt ve thật cảm động. Nhìn lên nóc hầm, tôi thấy một mâm ngũ quả và một con gà luộc.

Má thắp nén hương, bắt tôi đứng bên và van vái. “Con anh đã về đây rồi, nó đã trở thành người lớn, một chiến sĩ thực thụ. Anh hãy phù hộ cho con mạnh khỏe, tiếp bước con đường mà anh đã đi và còn bỏ dở”. Giọng nói của má run run, nước mắt chảy dài. Nhìn tôi má nói: “Cầu mong cho con được “chân cứng đá mềm”, công tác được “bằng anh bằng em”. Chiến tranh này ác liệt lắm, hãy cố gắng giữ gìn nghe con…”.

Phút giải lao của những nữ dân quân, du kích cùng các chiến sĩ bộ đội trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

Không cầm được nước mắt, tôi nghẹn ngào hứa với má rằng, cuộc chiến đấu này rất khốc liệt, nhiệm vụ của con cũng rất nguy hiểm nhưng con sẽ xứng đáng là con trai của ba má. Trong cuộc chiến đấu này có thể con không được trở về gặp má, nhưng ngày chiến thắng khải hoàn má hãy nhìn lên lá cờ Tổ quốc tung bay trước gió, hãy tự hào rằng có máu của đứa con trai yêu dấu nhất của mình trong màu đỏ ấy. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu được một cậu bé chưa đầy 13 tuổi đã nói lên được điều đó.

Sáng mồng một Tết Bính Ngọ (1966) tôi chia tay đồng chí Đội trưởng Phan Ngọc Nhân bên rừng dừa nước ở Thuận Tình. Anh Võ Như Ngọc đưa tôi đến bờ sông, ôm tôi vào lòng nhắc nhở tôi: “Cố gắng lên nghe em”. Anh rút trong túi áo bà ba đưa cho tôi: “ Anh còn mấy chục đồng tiền Sài Gòn đây, em cầm vào thành phố lúc cần…”. Tôi ứa nước mắt cảm ơn anh. Cuộc chia tay đầy lưu luyến và rất xúc động.

Trưa mồng một Tết, tôi đã bước chân lên đường phố Hội An, phố phường náo nhiệt, xác pháo đầy đường, nhìn đâu cũng thấy các sắc lính Mỹ - ngụy, cảnh sát tay lăm lăm súng trông thật dữ tợn. Tôi tự nhủ mình hãy bình tĩnh lên, mình đã trở thành người lớn, đã là một chiến sĩ An ninh Cách mạng, phải chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến đấu mới…           

Tròn 50 cái Tết đã đi qua (1966-2016), tôi đã sống chiến đấu trên khắp nẻo đường của đất nước thân yêu. Từ một cậu bé 13 tuổi chập chững bước vào ngành An ninh trong khói lửa chiến tranh đầy gian khó hiểm nguy, tôi đã trở thành một cán bộ cấp cao của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Cái Tết Bính Ngọ của 50 năm về trước trong tôi như mới hôm qua. Nhiều đồng đội thân yêu của tôi không còn nữa, đồng chí Đội trưởng Phan Ngọc Nhân đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong vòng vây của quân thù Tết Kỷ Dậu 1969 giữa lòng phố Hội. Anh Tư Hũ và nhiều đồng đội đã ngã xuống trên quê hương Quảng Đà anh dũng.

Niềm tự hào lớn lao của chúng tôi là Đội trinh sát An ninh vũ trang Quảng Đà những năm 1966-1969 mà tôi tham gia đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng chí Phan Ngọc Nhân được truy tặng và anh Võ Như Ngọc được phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa, một cái Tết nữa lại về trên quê hương yêu dấu.

Lê Ngọc Nam-Xuân 2016
.
.