Nhớ những lần tới thăm và chúc tết đồng chí Lê Đức Thọ

Thứ Sáu, 07/02/2014, 08:00

Khi viết về thơ của các ông Trường Chinh, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, có lúc tôi gọi họ là nhà thơ, có lúc là tác giả, có lúc là đồng chí. Một lần nhà văn Nguyễn Tuân trông thấy trên văn bản cách gọi như thế liền nói vui: "Lại có nhà thơ đồng chí à?".

Trong cuốn "Nhà văn Việt Nam" do Giáo sư Phan Cự Đệ và tôi viết chung, tuyển chọn nhiều tác giả từ 1945 - 1975, có một số nhà thơ cách mạng, trong đó có Lê Đức Thọ. Thơ Lê Đức Thọ có chiều sâu tư tưởng, giàu cảm xúc và mang được dấu ấn cá nhân. Ông là tác giả các tập thơ: "Trên những nẻo đường", "Nhật ký đường ra tiền tuyến","Đường ngàn dặm". Trong thời kỳ bị tù đày dưới chế độ thực dân Pháp, tác giả vẫn thể hiện một ý chí, một quyết tâm của người thanh niên gạt bỏ mọi riêng tư để đến với lý tưởng cách mạng: "Xuân ở lòng ta đã khác rồi/ Bao nhiêu mơ mộng bạn đời ơi/ Đã đem chôn xuống mồ quên lãng/ Thề hẹn non sông dám phụ lời" (Lòng xuân chiến sĩ).

Sau Cách mạng Tháng Tám rồi kháng chiến chống Pháp, Lê Đức Thọ nhận nhiều trách nhiệm quan trọng của Đảng. Ông là người chỉ đạo nhưng cũng là người hành động đi sát phong trào vào Nam ra Bắc. Và bên cạnh công việc, ông vẫn tiếp tục cho ra đời những bài thơ, những tập thơ…

Khi viết về thơ của các ông Trường Chinh, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, có lúc tôi gọi họ là nhà thơ, có lúc là tác giả, có lúc là đồng chí. Một lần nhà văn Nguyễn Tuân trông thấy trên văn bản cách gọi như thế liền nói vui: "Lại có nhà thơ đồng chí à?".

Lê Đức Thọ yêu thơ, trân trọng từng trang viết của mình và của bạn bè. Với ông, đó là kỷ niệm một phần của đời mình, nhất là trong những năm tháng bị tù đày. Lê Đức Thọ ở một vị trí cao nên không dễ tiếp xúc. Song thơ đã dắt mối đưa duyên để những người phê bình thơ chúng tôi có những dịp gần gũi, trao đổi với tác giả.

Vào một dịp Tết, khi tôi đã viết xong chân dung thơ của Lê Đức Thọ, ông đã đọc, và tôi có dịp cùng Giáo sư Phan Cự Đệ lên thăm ông. Đấy là ngày mùng 3 Tết, tại căn phòng ở nhà số 6 phố Nguyễn Cảnh Chân, ông niềm nở tiếp đón chúng tôi. Ngoài tôi và Giáo sư Phan Cự Đệ, cuộc gặp còn có Giáo sư Hoàng Xuân Nhị, nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ông tươi cười hỏi Giáo sư Hoàng Xuân Nhị: "Anh Nhị vẫn khỏe chứ? Công việc ở trường đại học chắc là vất vả".

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị vui vẻ trả lời: "Thưa anh, tôi vẫn làm việc bình thường, vẫn khỏe và vui với công việc dạy học". Ông quay sang hỏi nhà thơ Phạm Tiến Duật ngồi cạnh Giáo sư Hoàng Xuân Nhị: "Anh Phạm Tiến Duật, xuân này có nhiều bài thơ mới không? Thơ anh rất đẹp nhưng chủ yếu là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, còn gần đây thì không được như thế". Nhà thơ Phạm Tiến Duật gật đầu và nói khẽ: "Vâng, thưa bác".

Ông quay sang phía Giáo sư Phan Cự Đệ và tôi, mời chúng tôi uống nước. Tôi có dịp ngắm kỹ vóc dáng cao đẹp, khuôn mặt có lúc rạng rỡ với nụ cười và ánh mắt lấp lánh của ông. Giáo sư Hoàng Xuân Nhị hỏi lại đồng chí Lê Đức Thọ: "Dạo này anh có nhiều bài thơ mới không?". Đồng chí Lê Đức Thọ nói: "Công việc bộn bề quá, cũng không có thì giờ và cảm hứng dành cho thơ nhiều".

Đồng chí Lê Đức Thọ.

Câu nói của ông bất giác làm tôi nhớ tới lần ông lên thăm bộ đội ở một đỉnh cao biên giới. Ông làm bài thơ "Điểm tựa", nói lên nỗi gian khổ với tấm lòng thương cảm và quý trọng những người lính vất vả ở chốn biên cương. Công việc hằng ngày đã rất khó khăn nhưng bữa ăn lại đạm bạc. Trong thơ có hình ảnh "nước chấm đại dương" và "bát canh toàn quốc". Thiếu thốn trăm bề, những người lính trẻ vẫn vui tươi. Bài thơ "Điểm tựa" được dư luận chú ý.

Trong một lần gặp một người thân trong gia đình ông, tôi nói, đại ý, trong bài thơ có lẽ nên dùng hình ảnh là người lính đỡ hoặc tác giả tựa vào những người lính trẻ để lên chốt thì hay hơn là cõng, vừa vất vả cho những người lính, vừa có chút tội tình cho tác giả. Nhận xét của tôi không được tán thưởng: "Đấy là sự thật, nếu nói như anh là không đúng sự thật vì những anh lính trẻ đã cõng tác giả lên chứ không phải chỉ dựa hoặc nâng đỡ. Phải tôn trọng sự thật". Tôi chỉ biết nói lại là có những sự thật một là không nên nói ra vì không thích hợp, hai là tìm một cách nói khác dễ chấp nhận với người đọc. Sau đó một thời gian ngắn, tôi được một đồng chí là thư ký của tác giả "Điểm tựa" mời lên chơi, gặp đồng chí Lê Đức Thọ. Ông tươi cười thăm hỏi: "Ngoài dạy học, các thầy có đi đâu xa, đi về với cuộc sống không?". Tôi trả lời: "Một năm cũng một hai lần về với những phong trào tiêu biểu ở nông thôn hoặc những miền đất ít có dịp đến". Đồng chí Lê Đức Thọ nói: "Như thế là tốt nhưng đây không chỉ là chuyện tham quan, du lịch mà phải khảo sát thực tế".

Nhân nói về yêu cầu đi vào cuộc sống để tìm hiểu trong sáng tạo nghệ thuật, đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng: "Khi các tác giả xa rời cuộc sống thì cũng như câu chuyện thần thoại xưa khi vị thần bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất thì mất hẳn sức mạnh". Cũng theo quan điểm của ông: "Đến với cuộc sống không phải chỉ là những người sáng tác mà các nhà phê bình cũng phải sát với cuộc sống. Hội Nhà văn nên tổ chức cho các nhà phê bình đi thực tế, và nhà trường cũng nên tổ chức cho thầy và trò tìm hiểu cuộc sống một năm một vài lần". Đồng chí Lê Đức Thọ nhấn mạnh đến yêu cầu khảo sát thực tế. Tôi băn khoăn không hiểu tại sao tác giả lại nói nhiều đến chuyện khảo sát thực tế, câu chuyện có liên hệ gì với bài thơ "Điểm tựa" và suy nghĩ của tôi khi nói chuyện với người thân của tác giả?

Trong câu chuyện riêng hai người, tôi thấy ông đẹp, dáng vẻ hào hùng, vừa thân tình, vừa mạnh mẽ, quyết đoán. Ông hỏi thăm tôi về chuyện nghiên cứu, phê bình có những khó khăn gì. Tôi nói: "Khó khăn thì nhiều nhưng điều kiện để giải quyết thì hạn chế". Câu chuyện kết thúc, ông tiễn tôi ra đến cổng, vui vẻ tạm biệt.

Một lần khác, tôi cùng Giáo sư Phan Cự Đệ đến chào ông khi chuẩn bị đi họp Hội nghị về Văn học Việt Nam giữa hai thế chiến 1918 - 1945 tại Trường Đại học Harvard của Mỹ vào tháng 6/1982. Nhà trường mời đích danh hai chúng tôi tham dự hội thảo với tư cách cá nhân vì lúc đó, Giáo sư Phan Cự Đệ và tôi đã có những công trình nghiên cứu được họ chú ý. Cuộc họp được tổ chức vào thời điểm mà chúng ta chưa có quan hệ ngoại giao với Mỹ, việc đi lại rất khó khăn. Sau một thời gian chờ đợi, chúng tôi nhận được quyết định của cấp trên chấp nhận cho đi, có chữ ký của đồng chí Lê Đức Thọ. Trước khi lên đường, Giáo sư Phan Cự Đệ và tôi đến cảm ơn ông. Đồng chí Lê Đức Thọ ân cần tiếp đón. Ông căn dặn nhiều. Câu chuyện kéo dài và đồng chí thư ký vào nhắc ông: "Thưa anh, anh Nguyễn Cơ Thạch (bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - HMĐ) đến và chờ đã lâu". Ông nói: "Anh nói đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cứ chờ, tôi còn tiếp chuyện các nhà khoa học". Khi ra về, chúng tôi chào ông Nguyễn Cơ Thạch. Đồng chí Lê Đức Thọ tiễn chúng tôi ra gần cổng và một lần nữa chúng tôi lại bày tỏ lời cảm ơn. Ông cười xua tay và nói: "Chính chúng tôi mới phải cảm ơn các anh vì sự có mặt của các anh ở hội nghị không phải chỉ với tư cách cá nhân mà là tiếng nói của Việt Nam, của đường lối khoa học của chúng ta".

Lần thứ ba, vào dịp mùa xuân, sau Tết mấy ngày, tôi lại đến chúc Tết ông. Hôm ấy là ngày mùng 5 Tết, kể cũng đã muộn nhưng không khí Tết vẫn còn trong căn phòng của tác giả. Đồng chí Lê Đức Thọ tiếp tôi một mình. Tôi xin lỗi là gần hết Tết rồi mới đến chúc sức khỏe ông. Ông nói: "Không sao, gặp nhau là quý". Ông hỏi thăm sức khỏe của tôi vì thấy dáng vẻ không được khỏe khoắn. Tôi nói: "Gần đây bác sĩ bảo tôi bị yếu tim nên phải giữ gìn". Ông bảo: "Tại sao còn trẻ lại có thể bị đau tim". Tôi nói: "Ở chỗ tôi có nhiều anh bạn trẻ hơn cũng đã đau tim. Tôi cũng không rõ nguyên nhân. Vì hoàn cảnh riêng hay vì những lo toan, mệt mỏi". Đồng chí Lê Đức Thọ nói: "Phải giữ gìn sức khỏe, đó là vốn quý, ở tuổi anh là tuổi làm việc, nếu đau ốm thì thật là uổng phí. Sức khỏe của con người cũng có những giới hạn. Chớm vào tuổi già sáu mươi, khả năng làm việc hạn chế dần, bước vào tuổi bảy mươi mà thường gọi là "xưa nay hiếm" lại càng khó khăn hơn. Định làm việc gì quan trọng phải làm trước những giới hạn về thời gian ấy. Đến tuổi bảy nhăm thì dường như không thể làm được việc gì quan trọng, không có ý tưởng gì mới và cũng là lúc vừa làm vừa nghỉ ngơi".

Nghe đến đây, tôi nhìn lại ông, lúc ấy đã ở tuổi ngoài bảy mươi mà vẫn quắc thước, tiếng nói sang sảng, gương mặt rạng rỡ. Tôi nói: "Anh vất vả nhiều mà vẫn giữ được sức khỏe". Ông trả lời:"Công việc buộc mình phải giữ sức khỏe, giữ vững tinh thần để vượt những thử thách khó khăn".

Câu chuyện chuyển sang vấn đề thời sự về Đại hội Đảng lần thứ VI, một Đại hội Đổi mới vừa kết thúc. Đồng chí Lê Đức Thọ thân tình kể lại đôi chút chuyện ngoài lề và hỏi: "Anh có ý kiến gì nhận xét về nhân sự Đại hội VI, nhất là các đồng chí trẻ mới vào trung ương". Tôi nói: "Thưa anh chuyện này quá lớn, tôi không có điều kiện để hiểu biết nhưng tôi nghĩ lớp trẻ vào Trung ương phải có trí tuệ và có khả năng đi xa". Tôi có nêu lên một hai trường hợp, một chị có thành tích trong thời kỳ chống Mỹ, hăng hái trong công việc được đề bạt từ phong trào nhưng phần tri thức thì e có phần còn hạn chế. Ông trả lời: "Cô ấy là người năng động, xốc vác trong công việc, mạnh mẽ và quyết đoán. Đảng cũng cần những lớp trẻ như thế". Tôi cũng nói đến một hai trường hợp khác nhưng ông không nói gì. Ông bảo: "Ý của anh thẳng thắn, chân thực. Thực ra cũng khó có gì hoàn hảo. Cho dù ở Đại hội cao nhất của Đảng, của nhân dân, việc bầu cử, chọn lựa từ dưới lên qua nhiều cấp cũng không được như ý muốn…".

Tôi cảm ơn ông đã chuyện trò với tôi thân tình, kể cả những điều mà tôi không biết đến và không nên biết đến, những chuyện sâu xa, kín đáo. Ông mời tôi uống nước, chén trà nóng cũng đã nguội. Ông không uống trà với khách mà uống một cốc nước lọc có sủi ga. Tôi nghĩ, chắc ông cũng kiêng kỵ những thứ nước uống có chất kích thích…

Sau lần đó, tôi không có dịp nào được gặp ông nữa. Nhớ lại những kỷ niệm về đồng chí Lê Đức Thọ là tôi lại nhớ tới một đồng chí lãnh đạo giữ nhiều trọng trách của Đảng song vẫn luôn dành cho các nhà văn, nhà thơ những tình cảm tốt đẹp

Hà Minh Đức (Xuân 2014)
.
.