Nhớ một chuyến thăm Thành cổ Quảng Trị
- Bộ trưởng Trần Đại Quang dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9
- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị
- Nhiều bức ảnh quý về thành cổ Quảng Trị lần đầu ra mắt
- Đại lễ cầu siêu tưởng niệm, tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị
Vợ chồng tôi, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Trần Đăng Khoa cùng một khoang tàu. Trần Đăng Khoa nằm giường trên, nhà văn Chu Lai nằm giường dưới, vợ chồng tôi nằm hai giường bên cạnh.
Chúng tôi vừa đặt hành lý xuống, kéo rèm cửa sổ, thì Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến: "Xin chào các nhà thơ, nhà văn, chào nhà văn "ăn mày dĩ vãng". Chủ tịch thân tình ôm lấy Chu Lai. Chu Lai bỗ bã kéo Chủ tịch ngồi xuống giường. Câu chuyện xoay quanh những ngày gian khổ ở chiến trường với nhiều kỷ niệm khó quên, những ngày ở Bình Dương, Bí thư Tỉnh ủy Sáu Phong (tên gọi thân mật của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết) chở Chu Lai đi ăn sáng bằng xe máy…
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ 2 từ trái qua) cùng các nhà thơ, nhà văn trên chuyến tàu một lần vào Quảng Trị. |
Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt tay chúng tôi trở về khoang tàu của ông, Trần Đăng Khoa say sưa kể chuyện Nghĩa trang Trường Sơn. Chuyện Khoa kể thật ly kỳ, cứ như thật… Chuyện một người gác cổng nghĩa trang vào những đêm trăng sáng đã nghe được tiếng bước chân rầm rập của những người lính trẻ, nghe tiếng nói cười, tiếng hát cất lên… giữa nghĩa trang vắng lặng không một bóng người…
Đêm ấy, tôi chẳng thể nào ngủ được. Có lẽ vì đã lâu, hơn 20 năm nay tôi mới đi tàu Thống Nhất. Cũng có thể do mùi thuốc lào Chu Lai mang theo điếu cày, tuy mỗi lần hút, anh đi ra khỏi khoang nằm, nhưng mùi thuốc lào vẫn quyện vào đâu đó. Cũng có thể do tiếng ngáy của nhà văn "ăn mày dĩ vãng" hay những câu chuyện linh thiêng mà Khoa kể về những linh hồn bất tử?
Độ 3 giờ sáng, tôi lặng lẽ ngồi dậy, kéo cửa, đi ra hành lang con tàu. Trong màn đêm, tôi cố tìm những đốm sáng nhỏ phía ngoài con tàu để hình dung về những miền đất mình đã đi qua. Những năm chiến tranh, tôi cũng là người lính. Một trắc thủ phát lệnh tên lửa thuộc Tiểu đoàn 61, Đoàn tên lửa Sông Đà.
Tôi nhớ về hình ảnh đứa em trai mình - Dương Xuân Việt. Mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi tòng quân, Việt đã ra sau vườn hái một cái gai mây chọc vào đầu ngón tay mình để lấy máu viết một lá đơn tình nguyện. Tình nguyện vào bộ đội. Tình nguyện vào chiến trường. Tình nguyện hiến đời mình cho Tổ quốc. Em trai tôi, Dương Xuân Việt, đã ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị khi bước vào tuổi hai mươi…
Cho đến bây giờ, nhiều khi tôi vẫn nghĩ em vẫn còn sống, còn ở đâu đó trên đất nước mình, nhất là vào những ngày lễ lớn như 30-4, bởi vì phần mộ em cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa tìm thấy.
Chúng tôi vào dâng hương ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9. Hàng vạn liệt sỹ đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Tôi nghĩ tới một câu thơ của Nguyễn Hữu Quý "Chân hương nhiều như đồng đội ngày xưa". Tôi tìm đến khu mộ của chiến sỹ vô danh. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đang thắp hương ở đó. Khói hương trầm mặc giữa buổi trưa nóng bỏng gió Lào.
Tại Thành cổ Quảng Trị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thỉnh chuông. Đặt vòng hoa và dâng hương tại Đài tưởng niệm, nhiều người rưng rưng nước mắt.
Từ Thành cổ, chúng tôi đi bộ ra bờ sông Thạch Hãn. Nắng như đổ lửa. Một mảng bè được ghép cạnh bờ sông. Tôi nhớ có lần nhà báo Đinh Thế Huynh (lúc đó là Tổng Biên tập báo Nhân Dân) kể cho tôi nghe chuyện của anh và anh Nguyễn Quốc Triệu (lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) vốn là những người lính đã từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, cùng lãnh đạo Ngân hàng Công Thương vào dâng quả chuông đồng cho tháp chuông Thành cổ. Khi ra thả hoa ở bờ sông Thạch Hãn, mảng bè rung lắc, mấy người bị té xuống nước. Kể xong câu chuyện, nhà báo Đinh Thế Huynh bảo tôi: "Anh biết không, cánh lính trẻ nó đùa ấy mà"! Cánh lính trẻ, chính là hương hồn những người lính trẻ đã hy sinh ở Quảng Trị năm 1972, trong đó có cả cậu em trai Dương Xuân Việt chăng!
Vợ chồng tôi bước chân lên mảng bè ghép tạm. Chông chênh. Chừng ấy con người trên tấm bè đơn sơ làm sao chịu nổi!
Tôi nghe ai đó kêu: "Cẩn thận, xuống bè từng người thôi". Dòng người vẫn tràn xuống. Ai cũng muốn thả một nhành hoa xuống dòng sông Thạch Hãn cho hương hồn những người lính trẻ được yên nghỉ vĩnh hằng.
Chiếc bè tròng trành ngỡ như sắp chìm xuống dòng sông dưới sức nặng của hàng trăm con người. Có lẽ, linh hồn những người lính trẻ đã đỡ cho tấm bè vững chãi, vì hôm nay có Chủ tịch nước trong buổi lễ nghiêm trang và thành kính.
Chợt nảy ra ý nghĩ, em trai tôi đang nằm dưới dòng sông này chăng? Tôi bứt mấy cánh hoa huệ thả xuống. Những bông huệ trắng trinh nguyên phút chốc chìm vào sông nước… Tôi đứng lặng đi… Còn vợ tôi quay đi lau nước mắt.
Suốt một đêm không ngủ và một ngày đi thắp hương tưởng niệm dưới cái nắng hè của miền Trung, khi lên tàu trở về Hà Nội, Trần Đăng Khoa bảo tôi: "Ông khỏe đấy, có lẽ nhờ cậu em phù hộ".
Mới đây, vợ chồng tôi cùng đứa cháu nội vào thăm và ăn cơm với gia đình cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại nhà vườn của ông ở Bình Dương, ông hỏi vợ chồng tôi đã tìm được mộ cậu em trai chưa?
Tôi đã nhiều lần vào Quảng Trị, vào miền Trung nhờ bạn bè tìm mộ người em trai, nhưng mấy chục năm qua vẫn chưa tìm được. Càng đi tôi càng hiểu nghĩa tình của người dân đối với các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc. Và trong tôi bỗng ngân lên câu thơ trong bài thơ tôi đã viết về người em trai mình:
Em như muôn ngàn người lính vô danh
Đến nắm đất - đời mình cũng không để lại
Đứa em trai hay cười
Để bây giờ anh đọc câu thơ của người xưa mà trào nước mắt
"Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"…