Nhớ một cái tết xa nhà
Nghề làm phóng viên báo, nhất là thời đất nước còn thiếu thốn mọi bề, cứ ra khỏi toà soạn là bắt đầu một cuộc lang thang, cơm đường cháo chợ, lắm lúc rất vạ vật, cứ như đám bụi đời không hơn. Trong chiến tranh, và ngay sau hoà bình cũng vậy, có nhiều lúc chúng tôi phải đi xin ăn, xin ở, xin xe... theo nghĩa đen, tức là cũng ngửa tay kêu nài khẩn khoản đủ điều. Một quán trọ ở bến xe Pleiku đầy những rệp, một đêm tá túc ở bến tàu Đất Mũi không chăn màn dường chiếu bị muỗi Cà Mau đốt cho tím bầm cả mặt mũi... là những kỷ niệm với chính tôi trong những chuyến đi như thế.
Vậy nên, còn gì ung dung thư thái hơn, sau một chuyến bay dài từ Hà Nội vào Sài Gòn, vừa khoác ba lô bước ra khỏi máy bay đã thấy ngay gương mặt thân quen của anh lái xe thường trú đang giơ tay vẫy rối rít. Từ gia đình lại đến với gia đình, giữa cái ồn ào và xa lạ của phố xá Sài Gòn, bước chân vào 113 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trước kia) hoặc 64 Lý Tự Trọng (sau này), liền bắt gặp một màu áo lính quen thuộc thì cứ ngỡ mình đang ở số 7 Phan Đình Phùng (trụ sở Báo Quân đội nhân dân) hay số 8 Lý Nam Đế (trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) vậy. Thở phào nhẹ nhõm. Tắm một cái, ngả lưng lên giường, hoặc thích thì tìm chỗ thuận tiện mắc võng nằm dài, cát bụi đường xa liền bay đi đâu hết.
Trong các chuyến đi như thế, tôi nhớ nhất là chuyến sang Campuchia vào tháng 1 và 2 năm 1979.
Trưa 7/1/1979, Đài thông báo quân đội nhân dân Campuchia và quân tình nguyện Việt Nam đã tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, thì ngay sáng hôm sau chúng tôi đã được lệnh bay vào Sài Gòn để bay tiếp sang Campuchia công tác. Thời gian quá gấp rút, nếu không có các anh ở bộ phận thường trú, đặc biệt là anh Vũ Linh, cán bộ phụ trách cơ quan, khẩn trương lo cho mọi thủ tục cần thiết thì làm sao có thể ngay hôm sau ngày tới Sài Gòn, chúng tôi đã ung dung cưỡi trực thăng HU1A chiến lợi phẩm của Mỹ bay sang Phnôm Pênh.
Nhà thơ Anh Ngọc (hàng thứ hai từ phải qua) |
Tôi còn nhớ, trong chuyến bay kỳ thú ấy, anh Vũ Linh còn đi cùng chúng tôi sang tận Phnôm Pênh, giúp chúng tôi liên hệ với đơn vị quân quản để triển khai công việc. Nhờ tích cực như thế, nên chúng tôi đã kịp đặt chân lên Phnôm Pênh ngay ngày đầu tiên thành phố được giải phóng. Chúng tôi như lạc vào một thành phố chết, tất cả nhà cửa phố phường còn nguyên vẹn nhưng không một bóng người, chỉ có những tấm tôn che kín bịt bùng, những hàng rào dây thép gai hoang vắng, giấy má và hoa bằng lăng bay đầy mặt phố. Đâu đây bốc lên thứ mùi của prôtít phân huỷ mà có anh tưởng là mùi mắm bồ hóc, nhưng thực ra là mùi xác chết trong nhà tù Tunxleng thoang thoảng bay lên.
Những ấn tượng có một không hai ấy ở Campuchia ngày đầu giải phóng đã trở thành kỷ niệm không thể quên trong đời làm báo của tôi, và được tôi giữ lại phần nào trong trường ca "Sông Mê Kông bốn mặt" viết ngay sau chuyến đi công tác trở về.
Sau khi may mắn chụp được những tấm ảnh hiếm hoi về các xác chết ở nhà tù Tunxleng (vì ngay sau khi tôi chụp xong thì buổi chiều hôm ấy bộ đội ta đã phải xử lý các xác chết và chôn cất trong khuôn viên Tunxleng), tôi vội vã quay về Sài Gòn và lại nhờ chính các anh chị ở cơ quan thường trú chuyển gấp các cuốn phim vừa chụp về Hà Nội để kịp in ngay lên báo. Tôi thực sự vừa mừng vừa thú vị, bởi lúc phân công đi sang Campuchia, Phó tổng biên tập Trần Công Mân giao trách nhiệm cho các anh khác mỗi người đi một vùng, làm một việc rất rõ ràng, đến lượt tôi, ông nói tưng tửng: "Anh Ngọc làm thơ muốn đi đâu thì đi", thế mà cái anh làm thơ làm phú, dân phó nháy nghiệp dư là tôi lại chụp được những kiểu ảnh tư liệu có một không hai về các xác chết ở nhà tù Tunxleng, mà giờ đây những ai đến xem bảo tàng tội ác của Khơme đỏ ở nhà tù Tunxleng sẽ thấy những bức ảnh ấy vẫn được treo trên các bức tường của nhà tù này như những chứng tích còn mãi với thời gian về tội ác diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt, Yêngxary trong thế kỷ hai mươi.
Gửi xong các tài liệu ra toà soạn, ngày 25/1/1979, lần thứ hai, tôi lại được các anh ở cơ quan thường trú bố trí xe cho đi cùng mấy anh khác sang Phnôm Pênh dự lễ duyệt binh ra mắt của Chính phủ cách mạng lâm thời nhân dân Campuchia ở Sân vận động Olympic. Đó cũng là một cuộc duyệt binh kỳ lạ, khi tư lệnh quân quản Phnôm Pênh, ông Khangxarin, lưng đeo xà cột, ngang hông súng ngắn, duyệt đơn vị bằng cách đi bộ từ đầu này đến đầu kia sân vận động trong bụi bay mù mịt, còn đông đảo công chúng dự mít tinh thì mặc toàn đồ đen đặc thù của một thời lam lũ dưới chế độ Khơme đỏ, những con người đói ăn khát uống, trông xanh xao tội nghiệp không thể tả. Và chính ở đây, tôi đã gặp nhà báo Nhật Bản Ishao Tacano đang tận tuỵ tác nghiệp, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, để gần 2 tháng sau đó, tôi sẽ lại thấy anh ở cây số 2 gần thị xã Lạng Sơn, sáng 7/3/1979, trước khi anh ngã xuống ngay trong đêm hôm đó, trong một góc phố của thị xã Lạng Sơn.
Trở về cơ quan thường trú, tôi may mắn lần đầu tiên được ăn một cái Tết Nguyên đán ở Sài Gòn cùng các anh chị nhân viên của cơ quan. Các anh chị cũng lo cho đám khách vãng lai chúng tôi đủ cả bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... như cảnh Tết nhất quen thuộc ở gia đình. Trong cái nắng chang chang của Sài Gòn, bữa ăn ngày Tết mà lại nhâm nhi cốc nước đá lạnh, bên cành mai vàng rực trông cũng nóng nực chẳng kém, thỉnh thoảng lại rộ lên những tràng pháo tép nổ đứt quãng như bị ngắt ra làm nhiều đoạn. Với người dân miền Bắc, cảnh Tết ấy dường như chẳng có ý vị gì, nên chúng tôi như đám lữ khách tha hương, xúm lại trò chuyện và chơi bài "tiến lên" cho vợi bớt nhớ nhà. Ấy thế mà không khí hiu hắt ấy khi đã trở thành kỷ niệm lại khiến ta nhớ lâu da diết, để mỗi độ Tết đến xuân về, trong cái giá lạnh của miền Bắc và đầm ấm của gia đình, tôi vẫn thường ôn lại cái Tết Sài Gòn năm ấy như một hồi tưởng khó quên.
Chưa hết, vừa ăn Tết xong, phóng viên nhiếp ảnh Khắc Xuể lại rủ tôi bay sang Campuchia lần nữa, lần này là lên Xiêm Riệp viếng thăm khu đền Ăng Co bất hủ, kỳ quan không chỉ của Campuchia mà còn của cả thế giới. Câu chuyện của chuyến đi này khá dài dòng, khó có thể thuật lại ở đây. Chỉ biết ấn tượng của nó mạnh đến nỗi, ngay khi quay về lại Sài Gòn, tôi đã đặt bút phác thảo cho cả một cái trường ca mà tôi đã dự định viết về đất nước và con người Campuchia trong sự biến thiên của lịch sử những năm ấy, cùng với những bài học lớn lao và khốc liệt mà lịch sử Campuchia đặt ra cho cả nhân loại.
Chưa kịp hàn huyên vui vẻ với các bạn bè ở cơ quan thường trú, thì anh Trần Thắng, với thái độ rất lạ, đến gặp tôi và cứ dấp dứ mãi mới quyết định cho tôi biết một tin không vui: thằng con trai tôi vừa bị xe máy đâm gãy chân. Không biết mức độ của cháu trầm trọng đến đâu, nhưng thấy bộ dạng lo lắng của các anh các chị ở cơ quan tôi bỗng rụng rời. Dường như tôi không còn biết xoay xở ra sao, nếu không có các anh phụ trách cơ quan vội vã lo xin vé máy bay, thu xếp chu tất mọi việc để cho tôi ngay hôm sau có thể bay về Hà Nội. Trong hoạn nạn mới biết tấm lòng bè bạn, nhất là lại hoạn nạn ở nơi đất khách quê người. Ngồi lên máy bay rồi, vừa lo lắng cho tình trạng của con, nhưng trong lòng cũng thấy ấm lại bởi tình nghĩa của bạn bè đồng đội ở cơ quan thường trú dành cho mình.
Ngần ấy sự kiện, ngần ấy trạng huống, ngần ấy tình nghĩa diễn ra trong có một chuyến đi công tác, lẽ nào không phải là một kỷ niệm đẹp và không dễ gì quên với riêng tôi?
Tôi đã có ý định đặt đầu đề cho bài hồi ức nhỏ này cái tên "Mắc võng ở Sài Gòn" vì đơn giản trong tôi luôn hình dung cái cơ quan thường trú của Báo Quân đội nhân dân ở Sài Gòn như một ngôi nhà thứ hai của anh em làm báo, một cái "bến tịnh đậu con thuyền trôi nổi", hoặc với lính tráng thì là một bãi khách phía sau, một hậu cứ thân thương, nơi sau mỗi trận đánh ta lại về mắc võng nằm nghỉ ngơi cho lại sức, trước khi bước vào một trận chiến đấu mới. Chính vì thế, xin chép lại đây một bài thơ mang đúng cái tên như đầu đề bài báo này, bài thơ tôi viết trong ngày đầu Sài Gòn giải phóng, khi mắc võng nằm trong trụ sở tá túc đầu tiên của các nhà báo Quân đội nhân dân tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn, cũng là tiền thân của cơ quan thường trú của báo sau này.
Mắc võng ở Sài Gòn
Lần đầu về với Sài Gòn
Loay hoay tìm nơi mắc võng
Nhìn bốn bức tường nhẵn bóng
hương tình chẳng nỡ đóng đinh
Suốt đêm nằm không trở mình
Hai đầu võng treo song cửa
Mơ màng nửa thức nửa ngủ
Bâng khuâng nửa phố nửa rừng
Ru anh như chiếu như giường
Đệm chăn đầu không bén gối
Trong mơ chợt nghe tiếng suối
Mở mắt quạt trần đang quay.
Sài Gòn, 3/51975