Nhớ bậc thầy ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo
Những giai thoại về ngoại ngữ của con người đa tài
Một hôm, ban chiếu bóng của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mượn được 2 tập phim “Anh em nhà Karamazov” chuyển thể kịch bản từ tác phẩm của văn hào Nga Dostoievski. Đến giờ chiếu mà chưa có bản tiếng Việt làm cho người đọc thuyết minh lúng túng và cả những người có trách nhiệm chiếu bóng cũng chạy đôn chạy đáo.
Chợt có người phát hiện thầy Cao Xuân Hạo cũng đến xem phim. Mừng quá, họ đến nhờ ông cảm phiền thuyết minh giúp. Ông cười bảo mua cho mình mấy điếu thuốc thơm, rồi bước vào phòng máy, vừa nhìn lên màn ảnh vừa dịch đuổi theo nhân vật trong phim một cách khúc chiết. Cả khán phòng ai cũng phục. Thuyết minh xong ông nói, sao lời thoại trong phim kỳ quá, chẳng giống chút nào với lời của nhân vật trong nguyên bản tiểu thuyết của văn hào Dostoievski.
Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo (1930-2007). Ảnh: TL |
Một lần khác, Viện sĩ khảo cổ học Gube của Liên Xô sang thăm và nói chuyện tại Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Người được phân công phiên dịch cho Viện sĩ Gube là một nhà khảo cổ học từng tu nghiệp 7 năm tại Liên Xô, nhưng đã dịch vấp váp, khó khăn trước nhiều thuật ngữ khoa học chuyên ngành. Trước tình thế nan giải ấy, ban lãnh đạo quyết định phải tức tốc tìm mời bằng được Cao Xuân Hạo. Cuộc nói chuyện của Viện sĩ Gube tạm dừng. Và khi Cao Xuân Hạo đến thì mọi việc mới diễn ra suôn sẻ...
Nhiều giai thoại độc đáo như vậy về khả năng tiếng Nga của Cao Xuân Hạo được truyền tụng. Một đồng nghiệp gần gũi về quan điểm ngữ học của ông là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Quang Hồng, chuyên gia Hán Nôm đầu ngành nhận định: “Anh Hạo là người đa tài, mà tài nào cũng thực sự là tài. Nói đến ngoại ngữ, không phải chỉ lũ chúng tôi, những người từng nhiều năm ăn bánh mì ở Nga về, mà cả người Nga cũng thán phục khả năng nói tiếng Nga lưu loát của anh, ngay cả khi họ chưa biết rằng anh chỉ tự học tiếng Nga qua Đài Tiếng nói Việt Nam”.
Giáo sư Nguyễn Quang Hồng còn cho biết thêm: “Giáo sư V.M. Sonlsev mỗi lần từ Nga sang làm việc với Viện Ngôn ngữ học, đều hầu như chỉ yêu cầu anh Hạo dịch giùm. Và anh luôn được Giáo sư V.M. Sonlcev giúi vào tay mấy bao thuốc lá, thứ mà anh nghiện, để làm quà. Tôi không dám chắc là anh Hạo có nói được tiếng Trung Quốc hay không, nhưng qua những gì mà anh viết có đả động đến tiếng Hán chữ Hán, tôi có thể biết chắc là anh am tường về lịch sử tiếng Hán cũng như về đặc trưng của tiếng Hán và chữ Hán, một vốn tri thức Hán học rất đáng nể mà chưa chắc ai cũng dễ dàng có được”.
Câu chuyện với cô bé người Pháp ở Biên Hòa
Sự thực thì Cao Xuân Hạo giỏi mấy ngoại ngữ? Sinh thời, trong một lần trò chuyện, trước sự “chất vấn” của tôi, bậc thầy đáng kính từ tốn thổ lộ: “Tôi sử dụng thông thạo được tiếng Pháp, Nga, Anh. Tiếng latinh tôi chỉ dùng đọc được sách tương đối dễ như kinh Phúc âm vì đã thuộc nội dung. Tôi cũng đọc được chút ít tiếng Hán, tiếng Đức của những công trình ngôn ngữ học”.
Quá trình học ngoại ngữ của Cao Xuân Hạo cũng khác thường. Thời thơ ấu ông theo bước chân luân lạc của người bố gốc xứ Nghệ tài năng lận đận là Cao Xuân Huy trên nhiều ngả đường đất nước, ở ba miền Trung - Nam - Bắc. Giáo sư Cao Xuân Huy được xem là nhà triết học phương Đông đương đại tiêu biểu nhất Việt Nam, được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Thời trẻ, Cao Xuân Huy hoạt động cách mạng chống Pháp, bị bắt đày lên Lao Bảo. Ra tù, ông cụ vào Biên Hoà dạy học, đến năm 1940 mới đưa gia đình quay ra Huế.
Khi Cao Xuân Hạo lên bốn tuổi, gia đình đang ở Biên Hoà, cạnh nhà một người thợ Pháp có đứa con gái cùng tuổi. Hàng ngày người lớn đi làm hết, ở nhà hai đứa trẻ hay chơi đùa với nhau. Lúc đầu chỉ nói với nhau bằng cử chỉ, nhưng có lẽ nhờ có khiếu nên dần dần cậu bé họ Cao nói tiếng Pháp được như cô bạn gái. Một lần nọ người cha Cao Xuân Huy đi dạy học về tình cờ nghe cậu con trai Cao Xuân Hạo và cô bé hàng xóm nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, sợ hai đứa trẻ biết nên vờ bỏ đi, sau đó gọi con trai lên hỏi: “Mày biết nói như thế từ bao giờ?”. Từ đó ông cụ bắt đầu dạy cho con trai học.
Cũng thời gian này, mẹ cùng bà ngoại, bà vú của Cao Xuân Hạo hay đọc báo “Điện Tín” để theo dõi những cuộc tuyệt thực của ông Tạ Thu Thâu. Họ đọc to từng tiếng một. Cậu bé họ Cao đứng đằng sau lẩm nhẩm đọc theo, dần thuộc mặt chữ quốc ngữ lúc nào không biết.
Dịch giả Cao Xuân Hạo trong một lần đi điền dã. Ảnh: sggp.org.vn. |
Việc sớm tiếp cận tiếng Pháp đã giúp ích nhiều cho việc tiếp thu các ngoại ngữ khác về sau của Cao Xuân Hạo. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của bậc thầy: “Tôi thấy ngoại ngữ nào cũng khó. Những thứ tiếng càng khác tiếng mẹ đẻ càng khó; chẳng hạn như các thứ tiếng biến hình đối với người Việt. Không bao giờ mình có thể nói và viết được như người bản ngữ. Tôi vốn rất phục những tay điệp viên, như trong phim “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”.
Vì sao họ hoạt động như vậy mà không bị phát hiện? Về sau tôi mới được biết, những người như thế vốn sinh trưởng ở những vùng song ngữ đã được học một ngoại ngữ cùng một lúc với tiếng mẹ đẻ. Có thể nói là họ có hai thứ tiếng mẹ đẻ. Theo nhà ngôn ngữ học Vasiliev, từ bốn đến sáu tuổi con người học ngoại ngữ tiếp thu nhanh nhất. Và nếu từ nhỏ được học như thế thì lớn lên có thể học được nhiều ngoại ngữ khác” - ông thổ lộ.
Giáo sư Cao Xuân Hạo cũng cho biết, ở Cộng hoà Czech, người ta chủ trương tất cả các nhà trẻ và lớp mẫu giáo đều thuê người nước ngoài dạy bằng ngoại ngữ, còn tiếng mẹ đẻ thì đã có gia đình, và lúc nào học cũng được.
“Để học giỏi ngoại ngữ còn phải có năng khiếu và lòng yêu thích. Kinh nghiệm cho thấy nên học ngoại ngữ một cách toàn diện, cả về phương diện ngữ âm, phải nhớ bằng mắt, miệng và cả tai nữa, vì như thế sẽ giúp nhớ kỹ hơn. Chẳng hạn, tôi mở Đài Phát thanh Moskva để học thêm tiếng Nga, lúc đầu không hiểu được gì, nhưng càng ngày càng hiểu thêm và quen dần với ngữ điệu. Người Pháp và người Nga không có ai chịu tin rằng tôi chưa từng đi học lâu năm ở Pháp và Nga” - ông cho biết.
Giỏi ngoại ngữ là một chuyện, còn dịch thuật là một chuyện khác. Thời gian đã chứng minh Cao Xuân Hạo là một dịch giả lớn, chuyển ngữ thành công nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, chủ yếu là Nga và Pháp, bằng một thứ tiếng Việt sang trọng, dễ hiểu, thoát ly giáo điều rập khuôn ngôn ngữ châu Âu. Khởi đầu sự nghiệp dịch thuật, Cao Xuân Hạo dịch một tác phẩm của nhà thơ Pushkin (năm 1959), để rồi mấy mươi năm sau ông đã dịch hơn hai mươi ngàn trang sách, tiêu biểu như các bộ truyện: “Con gái viên đại uý”, “Chiến tranh và hoà bình”, “Tội ác và hình phạt”, “Con đường đau khổ”, “Papillon - người tù khổ sai”, “Khải hoàn môn”, “Đèn không hắt bóng”,... Ông được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng về dịch thuật năm 1985. Các tác phẩm văn học dịch của Cao Xuân Hạo không chỉ tạo được dấu ấn ngay khi ra đời, mà còn đứng vững qua thời gian, luôn thu hút độc giả các thế hệ. |