Nhớ anh - nhà báo Lưu Vinh

Thứ Năm, 02/04/2020, 13:16
Biết tin anh ốm nặng, chưa kịp tới thăm anh thì anh đã ra đi mãi mãi. Nhà báo Lưu Vinh đã đi xa rồi nhưng bao kỷ niệm về anh - nhà báo Công an cần mẫn, xông xáo, năng động vẫn luôn ở trong tôi.


Viết báo Công an khi chưa là nhà báo

Tôi thuộc lớp đàn em của anh. Chúng tôi biết nhau khi một ngày đầu tháng 10 năm 1985, tám anh em chúng tôi được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) cử sang Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Đây là khóa nghiên cứu sinh Công an thứ ba Bộ Nội vụ Việt Nam gửi sang đào tạo tại Bộ Nội vụ Liên Xô. Lúc sang Liên Xô, tôi mới là cán bộ với cấp hàm Trung úy, còn anh đã là Thiếu tá, Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục Cảnh sát kinh tế, một "cây viết" tham mưu - tổng hợp rất có uy tín của Bộ Nội vụ và được Đại tá Cáp Xuân Diệm, Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế tin tưởng.

Sang tới Liên Xô, Học viện bạn bố trí cho tôi và anh ở cùng một phòng Ký túc xá - Khách sạn Học viện Bộ Nội vụ Liên Xô. Anh và tôi cùng học, cùng ở trong một căn phòng Ký túc xá sinh viên, nghiên cứu sinh nước ngoài trong suốt hai năm trời từ 1985-1987. Anh là con liệt sỹ Công an. Bố anh là cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam và ông đã anh dũng hy sinh khi đất nước còn chưa thống nhất. Anh tốt nghiệp Khóa đại học Công an đầu tiên D1 (1969-1975) và đã làm việc nhiều năm ở một Cục nghiệp vụ Cảnh sát mũi nhọn của ngành.

Nhà báo Lưu Vinh (hàng thứ hai, ngoài cùng bên phải) và các cựu nghiên cứu sinh Bộ Nội vụ Liên Xô chụp ảnh kỷ niệm với nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an Phạm Tâm Long và Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm tại Hà Nội (tháng 11 năm 2003).

Tính anh xông xáo, ham tìm tòi hiểu biết và có nhiều quan hệ với bên ngoài. Vì hai anh em ở chung một phòng nên cả hai gia đình nhỏ chúng tôi thân thiết với nhau. Chị Xuân vợ anh là một người phụ nữ rất đảm đang, tháo vát.

Anh chị Vinh - Xuân đã có hai cháu Đông và Quang. Cháu Kim Liên con tôi năm 1985 lúc 2 tuổi bị mổ ruột thừa cấp ở Viện Nhi Trung ương, gia đình nội ngoại ở xa không xuống được, việc chăm sóc cháu phải nhờ chị Xuân vợ anh hỗ trợ rất nhiều. Đến giờ cháu đã 37 tuổi, trưởng thành khôn lớn rồi nhưng cháu vẫn thường nhắc tới ngày mổ ruột thừa năm xưa được bác Xuân - vợ bác Lưu Vinh chăm sóc tận tình.

Căn phòng ký túc xá nhỏ của hai chúng tôi ở tầng 8 nhà số 63, phố Koptrevxkai, Matxcơva, đã tiếp đón nhiều đoàn cán bộ trung, cao cấp ở Việt Nam sang thăm, làm việc, học tập tại Liên Xô hoặc quá cảnh qua Liên Xô đi thăm các nước XHCN khác. Trong số này có nhà báo Thái Duy, tức nhà văn Trần Đình Vân, tác giả cuốn "Sống như Anh" nổi tiếng; anh Trần Đại Quang, sau là Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch nước; nhà báo Trần Liêu, Tổng biên tập Báo CAND (giai đoạn 1982-1987)... Có lẽ cái duyên trở thành nhà báo chuyên nghiệp đến với anh Lưu Vinh từ những ngày anh và tôi có dịp gần gũi nhà báo Trần Liêu trong mấy tháng nhà báo Trần Liêu sang học lớp lãnh đạo cao cấp tại Liên Xô.

Giai đoạn 1985-1987, Liên Xô tiến hành các hoạt động cải tổ "perextroika, gnatxnơs" (cải tổ, công khai). Không khí cải tổ có ở khắp nơi, đặc biệt là trên tivi và báo chí Xôviết. Ở "nhà", sự nghiệp đổi mới của Đảng ta cũng bắt đầu. Báo CAND chuẩn bị phát hành công khai.

Nhà báo Trần Liêu động viên, khích lệ anh em chúng tôi sưu tập, tìm hiểu những kinh nghiệm mới của ngành An ninh, Nội vụ Xô viết để về đăng Báo CAND. Quả thật an ninh, trật tự Liên Xô thời kỳ trước và đầu cải tổ thật tuyệt vời và đến bây giờ có điều kiện đi tham quan, nghiên cứu ở nhiều nước trên thế giới, tôi chưa thấy nước nào, kể cả Trung Quốc có an ninh tốt như Liên Xô thời ấy.

Cả một đất nước Liên Xô rộng lớn, sôi động nhưng cuộc sống vô cùng trật tự, thanh bình, hầu như không có các vụ gây rối trật tự xã hội ngoài đường phố. Chúng tôi đã viết về kinh nghiệm vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, về kinh nghiệm mô hình tổ chức và mô hình giáo dục đào tạo của ngành An ninh, nội vụ Xôviết.

Dạo ấy Báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Liên Xô đăng nhiều bài viết của các phóng viên thường trú ở nước ngoài về kinh nghiệm kinh tế thị trường, dịch vụ thương mại, bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm của các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh, các nước tư bản chủ nghĩa châu Âu.

Tôi và anh Lưu Vinh đã sưu tầm, dịch và gửi về nhà, và những bài viết này đều được đăng trang trọng trên Báo CAND và các báo trong nước. Sau này tôi được nghe anh Phạm Tự Phả, lúc đó là Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Tổng cục Cảnh sát kể chuyện, trong một buổi họp giao ban Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Chí Thọ đã biểu dương bài viết về ứng dụng kỹ thuật giám sát và quản lý xã hội, quản lý đường phố của hai tác giả Xuân Yêm - Lưu Vinh đăng trên báo ngành.

Tôi vốn thích đọc báo và 2 năm ở chung một căn phòng với anh, tôi đã "lây" thêm cái đam mê viết báo với anh từ lúc nào không biết. Các bài báo ký tên Xuân Yêm - Lưu Vinh hoặc Lưu Vinh - Xuân Yêm bắt đầu từ năm 1986 đã xuất hiện khá đều đặn trên Báo CAND và một số báo trong nước.

Nhà báo Công an thời đổi mới

Năm 1987 anh về nước. Theo tư vấn của nhiều bạn bè, đồng nghiệp và bác Nguyễn Thông, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND và cũng để tăng cường đội ngũ cho Báo CAND chuẩn bị phát hành công khai, anh Lưu Vinh đã chuyển hẳn về làm việc tại Báo. Năm đó tôi cũng về nước lấy tài liệu thực tế cho Luận án Phó Tiến sỹ và anh em chúng tôi lại cùng nhau có nhiều bài viết mới.

Báo CAND giai đoạn này vẫn do nhà báo Trần Liêu làm Tổng biên tập. Năm 1988, khi Báo CAND ra công khai, anh Chu Phùng làm Tổng biên tập. Tiếp đó, anh Trần Văn Vịnh, tức Ngôn Vĩnh được điều động về làm Phó Tổng biên tập, sau đó được bổ nhiệm Tổng biên tập.

Tác giả bài viết (ngoài cùng bên phải) cùng nhà báo tương lai Lưu Vinh (thứ hai từ phải sang) tại Matxcơva (Liên Xô) tháng 12 năm 1985.

Có lẽ phải sống và chứng kiến thời kỳ đầu đổi mới mới có thể thấy được những khó khăn của viết báo Công an khi ra công khai. Cách viết hoàn toàn khác trước đây khi báo phát hành nội bộ và việc cạnh tranh thông tin là một yếu tố vô cùng quan trọng để tạo uy tín của nhà báo.

Năm 1990, khi tôi bảo vệ xong Luận án Phó Tiến sỹ rồi về công tác ở Cục Tham mưu Tổng cục Cảnh sát nhân dân, tôi và nhà báo Lưu Vinh lại tiếp tục cùng nhau tìm tòi, viết báo. Đất nước những năm này vừa bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, sự nghiệp đổi mới đã bắt đầu cho kết quả tốt đẹp. Nền kinh tế thị trường bên cạnh những kết quả tốt đẹp đã bắt đầu xuất hiện những mặt trái mà trước đây chưa bao giờ xảy ra.

Tội phạm Việt Nam giai đoạn này phát triển hoàn toàn khác trước đây và đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững đất nước. Bộ trưởng Mai Chí Thọ năm 1989 đã phải đề xuất Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Chỉ thị 135/HĐBT tổng tấn công tội phạm trên toàn quốc. Lần đầu tiên chúng ta phải dùng súng chống tăng B40 để tiêu diệt băng cướp Vi Mạnh Cường ở Lạng Sơn. Các vụ án Nguyễn Văn Mười Hai và nước hoa Thanh Hương, tình hình vỡ hụi, họ xảy ra nhiều nơi trên toàn quốc; các vụ tội phạm có tổ chức đã manh nha phát triển khá phức tạp..v.v…

Tôi lúc này làm việc tại Phòng Tham mưu Tổng hợp, Cục Tham mưu, Tổng cục Cảnh sát nhân dân và ngồi trên một kho tài liệu, tư liệu vô cùng quý mà bất kỳ nhà báo nào nếu nhìn thấy kho tư liệu này sẽ đều đánh giá là vô giá. Tôi không thể nhớ hết tôi và anh Lưu Vinh đã viết chung và ký tên chung bút danh bao nhiêu bài báo trên Báo CAND và một số tờ báo các ngành bạn. Sau này tôi thống kê lại có tới gần 300 bài báo chúng tôi đã cùng ký tên viết về tình tình tội phạm, tình hình an ninh trật tự Việt Nam thời kỳ đầu đổi mới.

Lúc này anh Lưu Vinh đã là nhà báo Công an đúng nghĩa. Các bác Nguyễn Văn Thông, Tổng cục trưởng; Phạm Văn Dần, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND luôn động viên, khích lệ anh. Mấy hôm vừa rồi đọc các bài viết của nhà báo Nguyễn Hồng Thái, Xuân Luận viết về anh và coi anh như người truyền lửa tới các nhà báo Công an trẻ, thì với tôi anh cũng là một người truyền cho tôi ngọn lửa đam mê viết, đam mê nghiên cứu. 

Tuy không được học, đào tạo bài bản về báo chí nhưng đổi lại, vốn là cán bộ trinh sát được đào tạo bài bản về nghiệp vụ Công an, nhà báo Lưu Vinh đã mạnh dạn xông vào viết về hầu hết những vấn đề nổi cộm của đất nước. Tôi nhớ là giai đoạn này anh Hồng Vinh là Trưởng ban Chính trị - Xã hội Báo Nhân Dân (sau anh Hồng Vinh là Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân) đã một số lần nói với anh Lưu Vinh và tôi là ngoài viết cho Báo CAND, nếu có các vấn đề gì lớn về an ninh, trật tự xảy ra cần viết cho Báo Nhân Dân của Đảng.

Báo CAND khi ra công khai đã nhanh chóng chiếm được thị trường bạn đọc trong nước. Lúc này chưa có báo mạng nên hầu hết các tin nóng về an ninh trật tự đều là độc quyền của Báo. Báo có số lượng phát hành rất cao.

 Từ một nhà báo nghiệp dư, trở thành nhà báo Công an chuyên nghiệp, nhà báo Lưu Vinh đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành một trong những cây bút chủ lực của Báo CAND thời kỳ này. Anh được tổ chức bổ nhiệm Phó Trưởng ban, rồi Trưởng ban và đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng biên tập Báo CAND suốt 11 năm trời (2001-2012). Ngày 19/11/2003, Bộ Công an thống nhất sáp nhập Báo An ninh thế giới, Tạp chí Văn hóa - Văn nghệ Công an vào Báo CAND, bổ nhiệm nhà văn Hữu Ước làm Tổng biên tập Báo CAND thống nhất. Cùng với các nhà báo Đặng Đình Thành, Phạm Văn Miên, Đặng Vương Hưng, nhà báo Lưu Vinh tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ Phó Tổng biên tập Báo CAND thống nhất.

Thời kỳ này tôi đảm nhiệm nhiệm vụ Phó Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia phòng chống ma túy. Với tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu "chống ma túy như chống ngoại xâm", Báo CAND đã trở thành tờ báo đi đầu trong tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy. Tôi và anh Lưu Vinh lại viết chung nhiều bài báo cảnh báo các nguy cơ của "giặc" ma túy, về các loại ma túy mới, về các vụ án ma túy xuyên quốc gia đã và đang xuất hiện và có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, về các tấm gương dũng cảm, kiên cường của lực lượng CAND, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong cuộc chiến chống ma túy. Anh còn tổ chức được nhiều cộng tác viên trong ngành viết về cuộc chiến chống ma túy gay go, ác liệt này. 

Về sau tôi đã tư vấn và hướng dẫn nhà báo Thu Phương của Báo CAND nghiên cứu và bảo vệ thành công Luận án Tiến sỹ về chủ đề báo chí tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy tại Học viện Cảnh sát nhân dân.

Nhà báo Lưu Vinh thăm gia đình tác giả bài viết ở Phòng 56 nhà A7, Khu Tập thể Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội vào Tết năm 1997.

Năm 2005, tôi được Bộ Công an điều động vào công tác tại Học viện Cảnh sát nhân dân. Học viện đóng quân ở xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm xa trung tâm thành phố, nhưng mỗi dịp vào họp ở Bộ Công an, tôi lại tới thăm và đàm đạo với anh về chuyện đời, chuyện ngành và nghề viết. Căn phòng làm việc của anh ở phố Thợ Nhuộm lúc nào cũng sáng đèn và bề bộn tài liệu, sách vở. Nhiều nhà báo trẻ của Báo CAND, nhiều cộng tác viên trong và ngoài ngành đã tìm đến anh để học hỏi kinh nghiệm nghề viết. Quen biết anh nhiều năm, tôi và mọi người dễ thấy ở anh sự trực tính, sống thẳng thắn, không thù vặt, thù lâu, không thủ đoạn và dễ gần mọi người. Anh thuộc mẫu người đẹp trai, nói chuyện hấp dẫn nên dễ được chị em phụ nữ quý mến và chính điểm này nhiều khi đã làm "khổ" anh trong cuộc sống riêng tư.

Có lẽ có bao nhiêu bí quyết nghề viết anh đã truyền hết cho các nhà báo, các cộng tác viên trẻ, kể cả lòng yêu nghề và sự đam mê nghề viết. Chính vì vậy, dưới sự dìu dắt, chỉ bảo của các nhà báo Ngôn Vĩnh, Hữu Ước, và nhiều nhà báo lão thành mà ngày nay Báo CAND đã có được một đội ngũ cán bộ, phóng viên trẻ về tuổi đời nhưng rất giỏi và tâm huyết với nghề, từ nhà báo Phạm Khải, Tổng biên tập hiện nay đến các thế hệ nhà báo CAND như Nguyễn Hồng Thái, Xuân Hải, Hà Tuấn, Hà Văn Thể, Phúc Bồng, Công Gôn, Đăng Trường, Thu Phương, Xuân Luận…v.v…

Người kết nối khát vọng và đam mê

Năm 2012, khi tròn 60 tuổi và sau hơn 40 năm phục vụ trong ngành Công an, nhà báo Lưu Vinh nghỉ hưu. Tôi vẫn nhớ câu nói của anh dịp này: Nhà báo, nghề giáo, bác sĩ nếu trời cho sức khỏe và trí tuệ sẽ không bao giờ biết chuyện nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, anh đã tham gia và đảm nhiệm nhiệm vụ mới - làm Tổng biên tập Báo Kinh doanh và Pháp luật của Hội Marketing Việt Nam. Cái tên Lưu Vinh vẫn xuất hiện đều đặn trên các trang báo viết và báo điện tử nước nhà.

Hơn 40 năm phục vụ trong CAND, nhà báo Lưu Vinh khi chuyển về đời thường dân sự vẫn luôn giữ tác phong chính quy, nền nếp mà lực lượng CAND, Báo CAND đã rèn luyện cho anh. Ngòi bút của anh vẫn rất sắc bén như ngày nào. Anh vẫn xông xáo như thời trai trẻ, viết bài phản ánh và tích cực tham gia vào tuyên truyền những mô hình tốt, các điển hình hay, vào công cuộc phòng chống tham nhũng do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, vào những điểm nóng về an ninh trật tự đất nước. Lúc nào anh cũng xác định mình là nhà báo Công an và nghề báo Công an đã chọn anh để làm người thợ xây cùng các đồng nghiệp xây nên tờ Báo CAND thời kỳ đổi mới giàu truyền thống hôm nay.

Vẫn biết "sinh - lão - bệnh - tử" là quy luật của đời và của mọi người, nhưng đến hôm nay, tôi vẫn không thể nghĩ anh ra đi sớm như vậy. Trong Thư viện Báo CAND và Thư viện gia đình của tôi ở Hà Nội và ở quê Vĩnh Phúc vẫn còn lưu giữ những bài viết, nhiều cuốn sách tôi đã ký tên tác giả cùng anh. Gần đây Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội đã phát sóng bộ phim phóng sự ngắn về anh "Đại tá, nhà báo Lưu Vinh, người kết nối khát vọng và đam mê". Ngoài viết báo, anh còn viết sách, làm thơ và có nhiều cuốn sách hay, nhiều tập thơ xúc cảm để lại cho đời.

Xin vĩnh biệt nhà báo Lưu Vinh và xin chia buồn với chị Xuân, các em Chung, Tuyến, các cháu Đông, Quang cùng toàn thể gia đình anh trước đau thương mất mát lớn này. Xin có mấy lời tâm sự và coi đây như nén tâm nhang vĩnh việt nhà báo Lưu Vinh, người bạn, người đồng nghiệp và người anh quý mến của tôi - người suốt cuộc đời luôn tự hào là nhà báo Công an thời kỳ đổi mới.

Trung tướng, GS-TS Nguyễn Xuân Yêm
.
.