“Nhìn lại” những thành viên của nhóm "Tiểu thuyết mới"

Chủ Nhật, 04/01/2004, 07:47

Được thành lập từ giữa những năm 50 của thế kỷ XX, nhóm Tiểu thuyết mới (Nouveau Roman) ở Pháp đã làm tốn nhiều giấy mực của các nhà phê bình văn học bởi những tìm kiếm phản quy ước của các thành viên trong nhóm như Alain Robbe-Grillet, Robert Pinget, Claude Simon...

1. Alain Robbe - Grillet, giáo chủ của trường phái Tiểu thuyết mới, sinh ngày 18/8/1922 tại Brest, trong một gia đình cả bố và mẹ đều là những người có tư tưởng tự do, vô chính phủ, và từng bị kết án vì tội chống tôn giáo, quân đội và nền dân chủ nghị viện.

Khởi nghiệp là kỹ sư nông nghiệp rồi chuyên về toán học và sinh học, giữ nhiều cương vị trong nhiều cơ quan nghiên cứu, nhưng đột nhiên ông viết một cuốn tiểu thuyết nằm ngoài mọi tiêu chí truyền thống, trong đó nhân vật chính của tiểu thuyết bàn cãi tranh luận với chính mình trong một không gian và thời gian phi tuyến tính.

Tiểu thuyết đầu tay của ông là cuốn Một vụ giết vua bị nhiều NXB ở Paris từ chối, nhưng ông không lo lắng, mà vẫn quyết định từ bỏ nghề nghiệp đang mang lại nhiều hứa hẹn để tập trung viết những cuốn sách mà như Gaston Gallimard cho biết là không thích ứng với bất cứ nhóm độc giả nào.

Tuy nhiên, chỉ hai năm sau khi ấn hành cuốn Kẻ nhìn trộm, “sự im lặng đáng sợ” của giới phê bình quyền uy đã chấm hết. Robbe-Grillet trở thành cố vấn văn học cho NXB Minuit suốt hai mươi lăm năm. Cùng với (NXB Minuit), ông tập hợp một số nhà văn lập nhóm Tiểu thuyết mới và được mọi người trong nhóm tôn làm giáo chủ. Năm 2004, ông được bầu vào Viện hàn lâm Pháp.

2. Claude Simon: Sinh năm 1913 tại đảo Madagascar. Khởi đầu theo học hội họa, nhưng ông sớm nhận ra sẽ không bao giờ trở thành họa sĩ, nên quyết định chuyển hẳn sang sáng tác văn học.

Chiến tranh làm cho công việc viết lách dở dang, ông gia nhập quân đội và chiến đấu tại những chiến trường ác liệt nhất ở phía Bắc và phía Đông nước Pháp, chứng kiến sự thất bại thảm hại của quân Pháp trước phát xít Đức, và may mắn thoát chết trong khi toàn bộ đại đội của ông bị tận diệt. Ông bị quân Đức bắt làm tù binh, và sau đó đào thoát trốn chạy về vùng Perpignan, nơi gia đình sinh sống ở đó.

Về sáng tác, ông thừa nhận những tác phẩm đầu tiên không gây được chú ý, mặc dù bây giờ nhiều chuyên gia nghiên cứu cho rằng, những cuốn sách đó đã chứa đựng những dấu hiệu của một tài năng văn học.

Giữa những năm 50 của thế kỷ XX, một trong những bản thảo của ông đã đến tay Alain Robbe - Grillet, cố vấn văn học của NXB Minuit, đồng thời là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết đang gây chia rẽ giới phê bình lúc bấy giờ. Ông tham gia thành lập nhóm Tiểu thuyết mới, và tất cả tác phẩm của ông đều được công bố tại NXB Minuit.

Cũng như các nhà văn trong nhóm Tiểu thuyết mới, các tác phẩm của Claude Simon đều được in với số lượng nhỏ và ngay lập tức bị phê phán gay gắt vì các quan niệm tiểu thuyết phản quy ước. Nhưng ngày nay, nhiều nhà báo chuyên về văn học thừa nhận rằng họ phê bình khi… chưa đọc những tác phẩm đó. Thực chất đó là một cuộc đấu đá có tính bè phái.

Năm 1985, Claude Simon được trao giải Nobel văn học cho toàn bộ tiểu thuyết của ông. Ở Pháp, ông không được mọi người yêu mến và thừa nhận. Nhiều nhà báo Pháp phải tìm kiếm những thông tin nghiên cứu về ông ở tận bên Mỹ để viết về ông.

3. Robert Pinget: Sinh ngày 19/7/1919 tại Genève, mất ngày 25/8/1997 tại Tour. Năm 1930, ông học nhạc và chơi đàn viôlông, rồi học Trường Luật, ra trường hành nghề luật sư một năm. Sau đó, ông ghi tên vào học Trường đại học Mỹ thuật Paris.

Năm 1950, ông mở triển lãm tranh tại phòng tranh Saint-Germain-des-Prés. Một năm sau, ông cho công bố tập truyện ngắn Giữa Fantoine và Agapa rồi lần lượt công bố Mahu ou Le matériau tại NXB Roberrt Laffont và Con cáo và địa bàn tại NXB Gallimard. Từ 1952, ông quyết định dốc toàn tâm cho sáng tác văn học.

Năm 1956, ông cho in cuốn Graal Flibuste ở NXB Minuit và cũng năm đó Jérome Lindon đã quyết định mua toàn bộ bản quyền các tác phẩm của ông và cho công bố toàn bộ tác phẩm đó ở NXB Minuit. Từ thời gian đó, Robert Pinget chiến đấu dưới màu cờ sắc áo của Tiểu thuyết mới.

Năm 1962, ông được trao giải thưởng Phê bình cho cuốn L’Inquisitoire, giải Fémina cho cuốn Người nào (1965). Năm 1987, tại liên hoan sân khấu Avignon, tất cả các vở kịch của ông đã được công diễn. Năm 1990, Giải thưởng lớn quốc gia về văn học được trao cho toàn bộ tác phẩm của ông.--PageBreak--

4. Nathalie Sarraute: Sinh ngày 18/7/1900 tại Ivanovo - Voznessensk, gần Moskva. Bà được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Năm 1902, bố mẹ bà ly dị nên bà phải sang Paris ở cùng với mẹ tại Quận V. Tiếng Pháp là ngôn ngữ đầu tiên của bà.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh, bà theo học lịch sử và xã hội học, rồi lấy bằng cử nhân luật. Năm 1925, kết hôn với luật sư Ramond Sarraute, bà hành nghề luật sư cho tới năm 1941.

Từ nhỏ N.Sarraute đã ham mê đọc sách. Trong những năm 20 của thế kỷ trước, bà đã đọc nhiều tác phẩm của Proust, Joyces và Virginia Woolf, chính những tác giả này đã làm cho bà thay đổi hoàn toàn quan niệm về viết tiểu thuyết. Năm 1932, bà bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên cho tập Tropismes (Tính hướng), xuất bản năm 1939. Từ đó, bà chuyên tâm vào sáng tác văn học, nhưng lại xa lánh với giới văn chương.

Trong suốt gần hai 20 năm sống tách biệt đó, một số tác phẩm của bà được công bố nhưng gần như không ai để ý và không ai hiểu. Năm 1956, bà công bố cuốn Kỷ nguyên ngờ vực, và năm 1959 cuốn Le Planéterium (Mô hình vũ trụ), đây là những cuốn có các đặc tính của Tiểu thuyết mới và là những tác phẩm đầu tiên đánh dấu vị thế của bà trên văn đàn quốc tế.

Trong những năm 60 của thế kỷ XX, bà tiếp tục gắn bó với công việc sáng tác, cho ra đời ba tiểu thuyết trong đó có Quả vàng, được trao Giải thưởng quốc tế văn học 1964. Ngoài tiểu thuyết, bà còn sáng tác kịch. Ngày 19/10/999, bà qua đời tại Paris.

5. Samuel Beckett: Sinh ngày 13/4/1906 tại Dublin, trong một gia đình theo đạo Tin lành, mất ngày 22/12/1989 tại Paris. Ông là nhà văn gốc Ireland, viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông học tiếng Pháp tại Trường Trinity College, Dublin.

Năm 1928, cùng với Alfred Péron, ông dịch cuốn Anna Livia Plurabelle của Joyce. Năm 1938, ông sống tại Paris cho tới Thế chiến thứ II. Trong thời gian này, ông đã viết những tác phẩm bằng tiếng Anh: Dante... Bruno... Vico... Joyce (1929), Whoroscope (1929).

Sau 1945, ông bắt đầu dịch những tác phẩm của mìnhviết trước đây, nhất là cuốn Murphy ra tiếng Pháp, sáng tác nhiều thơ và truyện ngắn bằng tiếng Pháp. Năm 1953, vở kịch Trong lúc chờ Godat của ông được công diễn ở nhà hát Babylonne (Paris) do Roger đạo diễn và thu được những thành công vang dội, đánh dấu sự khởi đầu sự nghiệp sáng tác sân khấu của Samuel Beckett ngày một nổi như cồn và đưa ông đến với giải Nobel văn học năm 1969.

Các tác phẩm của ông thường mô tả sự cô đơn, cái chết, không chốn dung thân, điên rồ, thác loạn, suy đồi, rất hiếm khi nói về niềm hy vọng, ký ức và khát vọng của con người...

6. Michel Butor: Sinh ngày 14/9/1926 ở ngoại thành thành phố Lille, bố là Emile Butor, làm việc trong ban quản lý đường sắt phía bắc nước Pháp, nhưng là người rất đam mê hội họa và tranh khắc gỗ. Năm 1929, gia đình ông chuyển lên sống ở Paris.

Sau khi học xong chương trình ban văn và triết, mặc dù phải thi đi thi lại nhiều lần, ông được nhận vào làm thư ký cho Jean Wahl tại Trường Collège de Philosophie, tham gia giảng dạy tại Trường Mallarmé ở Sens, vượt Địa Trung Hải sang dạy tiếng Pháp tại Ai Cập, rồi Đại học Manchester (Anh).

Từ năm 1956, nhờ sự giúp đỡ của Georges Lambrichs, những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông được xuất bản tại NXB Minuit: Thời gian biểu, đoạt giải thưởng Fénéon, Thường biến (1957), đoạt giải Renaudot và tập tiểu luận phê bình Les Répertoires (Kho tư liệu), chính tập tiểu luận này đã đưa ông đến với nhóm Tiểu thuyết mới.

Tuy nhiên, giữa ông và Alain Robbe-Grillet có những bất đồng trong quan niệm về Tiểu thuyết mới, và chính vì những khác biệt này, ông gần như bị “trục xuất” ra khỏi nhóm trong những năm 60. Michel Butor nhận nhiều giải thưởng văn học. Năm 1991, ông về hưu, sống tại Haute, Savoie (Pháp) 

Phạm Văn Ba
.
.