Nhiều văn nghệ sĩ trở thành nguyên mẫu của "Nghệ nhân và Margarita"

Thứ Tư, 14/04/2010, 08:30

Mới đây Đài Truyền hình Nga đã giới thiệu bộ phim nhiều tập "Nghệ nhân và Margarita" của đạo diễn Vladimir Bortko, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mikhail Bulgakov (đã được dịch giả Đoàn Tử Huyến chuyển ngữ và bản dịch này đã được nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam). Nhân dịp này chúng tôi xin giới thiệu một số nguyên mẫu của các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết này.

Ngoài việc hình tượng Nghệ nhân có nhiều nét của chính Bulgakov thì phần lớn các nhân vật phụ của "Nghệ nhân và Margarita", Bulgakov đều lấy nguyên mẫu từ những người quen biết của ông trong giới văn nghệ đương thời.

Một trong những người cần nhắc đến đầu tiên là nhà thơ Aleksandr Bezymensky. Bulgakov đã lấy ông để khắc họa nhân vật nhà thơ Bezdomnyi. Từ năm 1917, Bezymensky phụ trách tờ báo "Thanh niên đỏ". Ông là một trong những người phê bình gay gắt nhất tác phẩm của Bulgakov.

Trong một bài thơ trào phúng về Bezymensky, nhà thơ Mayakovsky viết: "Hãy lôi anh chàng Comsomol rậm râu này xa tôi ra". Câu chuyện này đã trở thành cơ sở cho cuộc tranh cãi giữa Bezdomnyi và nhà thơ Ryukhin trong "Nghệ nhân và Margarita". Vốn có ác cảm với Mayakovsky, Bulgakov chọn ông làm nguyên mẫu của nhân vật Ryukhin và để cho hai nhân vật này tranh cãi với nhau, như vậy nhà văn bắn một phát trúng hai mục tiêu.

Chân dung của kẻ xấu số bị tàu điện Moskva cán mất đầu Berlioz dường như được khắc họa từ những bức ảnh của nhà thơ Demyan Bednyi. Berlioz cũng như nguyên mẫu của ông ta "dáng thâm thấp, béo tốt, hói đầu, tay cầm chiếc mũ bóp lại". Nhà thơ Demyan Bednyi ngoài đời cũng là một kẻ vô thần. Trong tiểu thuyết, Mikhail Berlioz đã tuyên bố trước mặt Voland rằng cả Thượng đế lẫn quỷ sứ đều không tồn tại.

Mikhail Bulgakov nhiều năm cộng tác với Nhà hát nghệ thuật Moskva (MKHAT). Ban đầu, với tư cách tác giả kịch bản sân khấu, về sau là trợ lý đạo diễn. Rõ ràng là ông không có chút thiện cảm nào với Vladimir Ivanovich Nemirovich - Danchenko, một trong những người sáng lập của MKHAT. Họ đã nhiều lần bất đồng ý kiến về việc dàn dựng các vở kịch của Bulgakov. Bulgakov gọi Nemirovich - Danchenko là "người hủ lậu" và ra sức giễu cợt ông ta trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn, trong "Tiểu thuyết sân khấu", xuất hiện nhân vật Aristarkh Platonvich mà thay cho việc lãnh đạo nhà hát, ông ta thường xuyên đi công tác nước ngoài. Còn trong "Nghệ nhân và Margarita", Nemirovich - Danchenko trở thành George Bengansky, một kẻ nát rượu càn rỡ bị mèo Begemot vặn đứt đầu ngay trên sân khấu nhà hát "Varyete".

Nhân vật Archibald Archibaldovich, giám đốc khách sạn ngoài trời "Nhà Griboedov", nơi tụ họp của giới văn học, giống Yakov Rozental (có biệt danh "Râu quai nón") như hai giọt nước. Yakov Rozental là giám đốc các nhà ăn của Nhà Gertsen, Trụ sở Hội Nhà văn và Trụ sở báo chí.

Ngoài ra, một số diễn viên tham gia bộ phim "Nghệ nhân và Margarita" sau đó đã gặp phải những chuyện rắc rối.

Aleksandr Galibin (vai Nghệ nhân) bị tai nạn ôtô suýt chết. Nhân tiện xin nói, lẽ ra vai Nghệ nhân phải do diễn viên Mashkov thể hiện, nhưng trước lúc quay phim anh ta bị tai nạn giao thông, vì mê tín nên đã từ chối đóng phim.

Diễn viên Aleksandr Adabashyan (vai Berlioz) sau khi hoàn thành bộ phim bị bệnh đau tim và đau đầu. Mới đây anh phải vào điều trị tại bệnh viện và đã được mổ tim.

Diễn viên Valery Zolotukhin (vai Nikanor Ivanovich Bosoi) gặp tai họa: con trai treo cổ tự vẫn. Sau đó anh bị gãy chân và phải đi nạng.

Diễn viên Vlad Galkin, cũng như nhân vật Bezdomnyi, phải vào nhà thương điên. Trong phim Bezdomnyi đã có một hành động kỳ quặc - nhảy xuống bơi ở sông Moskva, sau đó mặc quần lót đến "Nhà Griboedov". Trong đời thực Galkin cũng khiến mọi người ngạc nhiên vì đã bắn súng trong một quán bar, sau đó bị trầm uất nặng phải nhờ bác sĩ tâm thần giúp đỡ

Trần Thanh Hằng
.
.