Nhiếp ảnh gia Hùng Lekima : “Cứu biển” không chỉ bằng hình ảnh

Thứ Sáu, 26/04/2019, 08:16
Vừa qua, trong không gian "Cà phê thứ Bảy" của nhạc sĩ Dương Thụ ở Hà Nội đã diễn ra buổi trò chuyện, chia sẻ nhiều thông tin thú vị, bổ ích và truyền cảm hứng về câu chuyện rác thải ở Việt Nam mang tên "Chuyện đời của rác".


Hai vị khách mời của chương trình là nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng (còn được biết đến với nickname nổi tiếng của các diễn đàn nhiếp ảnh với chuyến đi xuyên Việt có tổng chiều dài gần 7.000 km để chụp ảnh về rác là Hùng Lekima) và chị Nguyễn Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm GreenHub.

Chương trình giao lưu đã kéo dài hơn dự kiến gần một tiếng đồng hồ, đã cho thấy câu chuyện về rác, những hệ lụy của nó và sức mạnh của hành động đang dần khiến ý thức cộng đồng có những thay đổi theo hướng tích cực.

Theo chia sẻ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng, để chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt với tổng chiều dài lên đến gần 7.000 km vào tháng 8-2018, anh đã phải có thời gian chuẩn bị gần 1 năm. Trong suốt gần 1 năm ấy, anh đã dành phần lớn thời gian chỉ nghiên cứu về rác thải nhựa. Thông tin Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về rác thải nhựa ra môi trường đã thực sự khiến anh "choáng váng" và đi đến quyết tâm nhất định phải làm được việc gì đó thiết thực để "cứu biển".

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng.

Là một nhiếp ảnh gia với lợi thế đã đi nhiều nơi và nhiều lần tận mắt chứng kiến sự nhức nhối của những bãi rác ở kề cận bên những danh lam thắng cảnh, những bãi biển đẹp như thiên đường, đồng thời cũng là người cá tính muốn đi đến tận cùng vấn đề mà mình quan tâm, nên Nguyễn Việt Hùng đã lập cho mình một kế hoạch chi tiết để thực hiện một hành trình dài đặc biệt.

Anh hi vọng rằng, với những hình ảnh trực quan, sinh động có ý nghĩa, sự lan tỏa và tác động hơn ngàn vạn lời nói từ những bức ảnh về rác mà anh ghi lại được, sẽ góp phần thay đổi ý thức của người dân, sẽ "lôi kéo" được nhiều cá nhân, tập thể tích cực cùng đồng hành với mình trong việc cứu biển, bảo vệ biển nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

Ở hành trình 1, anh xuất phát từ Hà Nội anh đã đi dọc bờ biển từ Ninh Bình vào đến Mũi Cà Mau, vòng lên Mũi Hà Tiên và kết thúc ở TP. Hồ Chí Minh với tổng chiều dài 5.879km. Hành trình 2, cũng có điểm xuất phát là Hà Nội, anh đã đi dọc biển Nam Định, Hải Phòng, Cát Bà, Mũi Sa Vĩ (Móng Cái - Quảng Ninh) rồi lại quay lại Hải Phòng để về Hà Nội với tổng chiều dài 1.000km.

Tổng 2 hành trình này Nguyễn Việt Hùng đã thực hiện trong 43 ngày, đi qua 28 tỉnh, thành ven biển và 11 tỉnh, thành không có biển, chụp được trên 3.000 bức ảnh và quay nhiều đoạn phim về rác thải nhựa. Vậy là, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã đi trọn vẹn chiều dài 3.260km bờ biển của đất nước (chưa kể các chuyến đi ra đảo).

Từ trong và sau chuyến đi, nhiều bức ảnh, đoạn video trong số những bức ảnh đã được anh đưa lên trang facebook cá nhân và các fanpage về môi trường đã nhận được hàng triệu lượt like và hàng chục ngàn lượt chia sẻ thực sự đã tạo nên những cơn "dư chấn" trong cộng đồng với những câu hỏi vô cùng nhức nhối và đau xót: "Chúng ta đang làm gì với biển thế này?", "Phải làm gì để cứu biển đi thôi!", "Chúng ta đang tự bỏ thuốc độc vào bữa ăn của chính mình"....

Những bức ảnh ấy đã tạo nên sức mạnh cho hành động, đã khiến rất nhiều người không thể ngồi yên mà đã bắt đầu có những hành động từ những việc nhỏ để chung tay cứu biển, khởi đầu từ việc: hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa, tái chế những vật dụng bằng nhựa phục vụ nhu cầu cuộc sống...

Theo chia sẻ của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng, qua hành trình dài mà anh đã đi qua, thì chợ chính là nơi xả ra lượng rác thải nhựa nhiều nhất. Những khu chợ ven biển mà anh đã "thực mục sở thị", thì đó chính là nơi xả ra lượng rác nhựa nhiều nhất. Khu chợ gần biển Thái Bình, Nam Định Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Vũng Tàu... đều ngập trong rác.

Một số vùng như Giao Thủy (Nam Định), Tuy Phong (Bình Định) có những đoạn bờ biển ngập rác và kéo dài đến hàng kilomet. Điều khiến anh cảm thấy ám ảnh và đau lòng hơn cả, đó là ở nhiều nơi, người dân vứt rác trực tiếp xuống biển mà không quan tâm đến việc số lượng rác khổng lồ ấy sẽ trôi đi đâu, để lại hậu quả gì cho môi trường biển và sức khỏe của chính mình.

Một số địa phương như Thanh Hóa hay Hậu Giang, nhiều nơi còn không có nhà vệ sinh, người dân đi vệ sinh, xả rác trực tiếp luôn ra sông, ra biển. Và rồi người ta lại tắm ở ngay gần đó, trẻ con lại chơi đùa trên ngay trên rác, để đồ ăn thức uống ngay gần rác...

Sau khi những hình ảnh ở những vùng biển và khu dân cư ven biển được nhiếp ảnh gia Hùng Lekima chụp và đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được sự đồng cảm, chia sẻ và tạo ra hiệu ứng xã hội vô cùng mạnh mẽ. Những bức ảnh ấy rất nhanh chóng đã đến được với hàng triệu người và khiến nhiều người phải thay đổi từ suy nghĩ đến hành động. Đã có những phản hồi tích cực, những chuyển biến mạnh mẽ từ chính quyền, đoàn thể ở các địa phương và người dân cũng bắt đầu cảm thấy trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường biển, môi trường sống của bản thân và gia đình.

Ở một số nơi như Giao Thủy (Nam Định), Tuy Phong (Bình Định) đã huy động được rất nhiều cá nhân, thanh niên, học sinh, người dân tham gia vào quá trình dọn sạch những bãi rác lớn ven biển. Đó là điều nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng cảm thấy vui và hạnh phúc nhất, tạo được động lực cho anh tiếp tục với hành trình truyền cảm hứng bảo vệ biển, bảo vệ môi trường đến cộng đồng.

Nguyễn Việt Hùng chia sẻ "Tôi còn có tham vọng những bức ảnh, những việc làm của mình sẽ ít nhiều có tác động đến với các doanh nghiệp, Chính phủ, Quốc hội để sớm có những quy định về việc xây dựng các nhà máy xử lý, tái chế rác thải; tiến tới việc cấm (hoặc hạn chế) tối đa việc sử dụng túi nilon, chai nhựa và có thêm nhiều chiến dịch của cộng đồng chung tay làm sạch biển. Và tôi mong muốn các bạn hãy cùng với tôi bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: Hãy thử 1 ngày không sử dụng rác thải nhựa!".

Một bức ảnh về rác thải nhựa ven biển của nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã gây chấn động cộng đồng.

Cũng trong những chuyến đi của mình, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng đã có dịp đến với các hòn đảo Bình Ba, Lý Sơn, Nam Du, Phú Quốc... đều là những hòn đảo du lịch nổi tiếng xinh đẹp với những bãi biển đẹp như mơ.

Riêng ở Phú Quốc, anh đã lưu lại rất lâu, tới 15 ngày để đi vòng quanh đảo. Ở Phú Quốc, không chỉ khách du lịch đến đây một lần và để lại chai nhựa, túi nilon, rác thải từ những bữa ăn mà chính người dân có thói quen nhậu ở ven biển và ném rác xuống biển luôn. Những hành động có tính chất như thói quen ấy đã vô tình tạo nên những "hòn đảo rác", "dòng hải lưu rác" trôi lênh đênh trên đại dương bao la.

Thậm chí người ta đã ghi nhận một hòn đảo nằm xa đất liền nhất thế giới và không có người ở cũng đã ngập trong rác. Đó chính là lý do vì sao người dân xả rác xuống biển mà hôm sau không thấy nó đâu nữa nên lại tiếp tục xả xuống cho... tiện. Nhưng những hình ảnh về những "hòn đảo rác", "dòng hải lưu rác" trôi trên đại dương mà người ta ghi lại được trong vụ tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích bí ẩn với khu vực tìm kiếm được mở rộng chưa từng có, đã thức tỉnh thế giới về việc phải khẩn cấp bảo vệ môi trường biển. Và Việt Nam, đất nước xinh đẹp nằm bên bờ biển Thái Bình Dương với bờ biển trải dài sẽ không thể thờ ơ, không thể nằm ngoài công cuộc chung tay làm sạch biển, bảo vệ biển có tính chất toàn cầu này.

Tháng 6 tới đây, nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng sẽ khai mạc triển lãm "Save Our Sea" (Hãy cứu biển) quy tụ những tác phẩm ảnh đặc sắc và có sức ảnh hưởng lớn nhất của anh về môi trường biển. Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 9-6-2019 tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài - Hà Nội. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Việt Hùng cho biết thêm: "Sau triển lãm "Save Our Sea" ở Hà Nội, tôi sẽ tiếp tục trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn ven biển khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang...

Nhưng mong muốn lớn nhất của tôi đó là đưa được triển lãm này đến được với 28 tỉnh thành có biển trên cả nước để có thể tạo nên một chiến dịch mạnh mẽ hơn nữa nhằm thay đổi ý thức và hành động của người dân.

Chỉ có hành động mới khiến chúng ta thay đổi. Tôi mong muốn sẽ thực hiện chiến dịch "Save Our Sea" dài hơi, tập trung nhiều hơn vào giới trẻ, thanh niên, sinh viên các trường đại học, đội ngũ thanh niên tình nguyện... vào công cuộc làm sạch bờ biển. Hiện nay, đang có nhiều nhóm hoạt động nhưng tương đối riêng lẻ, chưa có sự kết nối với nhau để tạo thành một chiến dịch lớn trên quy mô toàn quốc...".

Nguyệt Hà
.
.