Nhật Bản:

Giết 5 người cùng làng và làm thơ Haiku

Thứ Ba, 29/03/2016, 08:00
Một tòa án Nhật Bản mới đây đã tuyên tử hình một người đàn ông 65 tuổi do giết 5 người cùng làng và làm thơ Haiku ám chỉ các vụ án mạng.


Bị cáo Kosei Homi bị bắt giữ do tình nghi giết hại 5 người tại một ngôi làng nhỏ miền núi ở tỉnh Yamaguchi (Tây Nam Nhật Bản) hồi tháng 7-2013.

Homi nhanh chóng sa lưới, sau khi cảnh sát tìm thấy tại nhà ông ta một bài thơ Haiku ám chỉ đến án mạng, với nội dung (tạm dịch) như sau: "Khơi ngọn lửa hồng - Khói vui tươi nhảy - Mừng bạn cùng quê". Các công tố viên nói Homi bị chứng tâm thần hoang tưởng nhưng đủ năng lực để chịu trách nhiệm về những hành vi mình gây ra. Theo Zee News, phía luật sư biện hộ đã kháng án.

Thị trấn chết chóc

Những nạn nhân lớn tuổi (70-80) tại làng Mitake đã bị đập vỡ sọ khi đang ngủ. Họ bị giết bởi cùng một tên hung thủ tàn ác và ra đi trong hoàn cảnh giống nhau. Junko Uchigama, phóng viên của mạng lưới truyền hình TBS Nhật Bản cho hay: "Đây là tội ác gây chấn động tại Nhật Bản, là một hành động đặc biệt tàn ác".

Tôi đã tới làng Mitake để tìm hiểu những mối quan hệ giữa con người trong cộng đồng nhỏ bé này, khám phá động cơ của một người dân dùng dùi cui đánh năm người khác đến chết.

Sát thủ Kosei Homi sa lưới.

Để tới được làng Mitake, tôi bay tới quận phía Tây của tỉnh Yamaguchi. Sau đó tôi lái xe vài tiếng đồng hồ dọc theo những con đường hẹp quanh co, khiến tôi liên tưởng tới những cảnh ám ảnh đầy chết chóc trong bộ phim kinh dị "Thị trấn Deliverance" của Mỹ. Bức màn về vụ thảm sát một lần nữa được vén lên khi tôi đến Mitake, nhưng vẫn chưa đủ để khám phá hết những bí mật khủng khiếp bị che giấu tại ngôi làng này. Sau dải phân cách hiện trường vụ án của cảnh sát, tôi bước vào căn nhà bị cháy rụi của nạn nhân Miyako Yamamoto.

Cảnh sát cho rằng, bà Miyako Yamamoto, 79 tuổi, bị tên hàng xóm Kosei Homi dùng thanh gỗ đập vào đầu khi đang ngủ say. Những cuộc điều tra cho thấy, Homi đã ra tay tương tự với hai vợ chồng ông Makoto Sadamori và bà Kiyoko ngay trên đường, sau đó hung thủ đã đốt nhà họ. Ngay hôm sau khi cảnh sát đang điều tra về những vụ hỏa hoạn đã phát hiện thêm hai xác chết tại hai ngôi nhà khác trong làng. Điều khiến cảnh sát đau đầu là họ không thể tìm thấy tung tích của Kosei Homi, một nhà thơ tiếng tăm và cũng là kẻ bị tình nghi lớn nhất.

Giáo sư Jinsuke Kageyama, Chủ tịch Hiệp hội tội phạm học Nhật Bản cho biết: "Ngôi làng là một cộng đồng vùng núi điển hình, nơi chủ yếu có người già sinh sống. Thủ phạm đã quay lại Mitake để chăm sóc bố mẹ, tuy nhiên hắn cảm thấy lạc lõng. Hắn có xích mích với hàng xóm xung quanh và sau đó chuyển sang thái độ thù hằn với họ, vì vậy hắn vẫn luôn tìm cách trả thù". Đó là một tên giết người bị hàng xóm xung quanh cô lập.

Bị tẩy chay và... sa lưới

Bài thơ ngắn của Homi có nội dung như thế nào? Và những ám chỉ của hắn trong bài thơ nhằm "đem lại niềm vui cho những gã quê mùa" được thể hiện ra sao? Theo Giáo sư Kageyama: "Gã quê mùa là một cách gọi khiêu khích. Kẻ sát nhân lăng mạ hàng xóm là những người đần độn quê mùa". Phóng viên Junko Uchigami đã tới hiện trường ngay buổi sáng ngày hôm sau xảy ra án mạng. Cô đã tìm hiểu về động cơ của tên giết người. Người Nhật gọi động cơ đó là mura hachibu (bị tẩy chay).

Theo Uchigami: "Trước đó, hung thủ đã đề xuất những dự án phát triển cho làng, nhưng ý tưởng của hắn bị bác bỏ. Chính điều này khiến mối quan hệ giữa Homi và những người khác trở nên xấu đi. Sau đó hắn bị cô lập bởi toàn bộ dân làng. Người Nhật gọi tình trạng bị tất cả mọi người trong một cộng đồng xa lánh, tẩy chay là mura hachibu".

Nói cách khác, 14 người làng Mitake đã trở thành thù địch với Kosei Homi. Hắn đơn độc, xâm phạm quyền lợi của người khác, là kẻ không được thừa nhận, đặc biệt là sau khi cha mẹ hắn qua đời. Cảnh sát sử dụng xe máy, máy bay trực thăng, cả đi bộ và dùng những con chó nghiệp vụ để tìm kiếm hung thủ trong rừng. Người làng tụ tập vào một chỗ tại trung tâm làng vì lo sợ tên sát nhân sẽ quay lại giết hại những kẻ thù còn lại. 

Tuy nhiên, sau năm ngày trốn chạy, Homi đã bị bắt giữ. Hắn bị phát hiện khi đang ngồi tại một con đường mòn. Sau đó hắn tự nguyện đầu hàng. Homi thừa nhận đã giết người, và hiện tại phải đối mặt với năm cáo buộc giết người và có thể bị tuyên án tử hình. Sau vụ giết người trên, rất nhiều báo cáo được đưa ra thông tin về những cuộc cãi cọ, phá hoại, ẩu đả và thậm chí là sự xúc phạm giữa những người già trong làng Mitake.

Đã xảy ra những tranh chấp giữa người dân từ việc trồng lúa, nuôi chó, việc sử dụng hóa chất trong dự án của Homi bị dân làng bác bỏ. Những tranh chấp này đã tích tụ thành những mâu thuẫn lớn ở trong làng. Nhà tội phạm học Jinsuke Kageyama cho biết: "Hung thủ trong vụ án này ngoài 60 tuổi và nạn nhân là những người đã có tuổi. Vụ án phản ánh sự già hóa của dân số Nhật Bản. Đồng thời nói lên sự giận dữ và oán giận tại những cộng đồng bị cô lập".

Ngôi nhà của một nạn nhân bị hung thủ Kosei Homi đốt cháy.

"Đây là một vụ thảm sát gây chấn động Nhật Bản, là một trong những hành động đặc biệt tàn ác", theo Junko Uchigama, phóng viên của mạng truyền hình truyền thông TBS Nhật Bản. "Làng Mitake là một cộng đồng người ở vùng sơn cước điển hình, nơi chủ yếu có người già sinh sống. Thủ phạm đã quay lại Mitake để chăm sóc bố mẹ, tuy nhiên hắn cảm thấy cô độc. Hắn có xích mích với hàng xóm xung quanh và sau đó chuyển sang thái độ thù hằn với họ, vì vậy hắn vẫn luôn tìm cách trả thù." - Quan điểm của nhà phạm tội học Jinsuke Kageyama.

Khám phá thể thơ ngắn nhất thế giới Haiku

Ở Nhật Bản, thể thơ Haiku được ra đời vào thế kỉ 17 và phát triển mạnh vào thời kì Edo (1603 - 1867) khi đã dần mất đi sắc thái trào phúng mà mang âm hưởng sâu thẳm của Thiền tông, Phật giáo. Thiền sư thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho được cho là người khai sinh ra Haiku và Yosa Buson, Masaoka Shiki đã hoàn thiện nó dưới diện mạo và tên gọi như chúng ta thấy ngày nay. Đây có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới bởi mỗi bài Haiku, mặc dù đôi khi ta vẫn thấy có những thể thức khác, nhưng thường chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 (17 âm tiết tiếng Nhật có khi chỉ vài ba từ ít ỏi, 3 câu trong cú pháp Haiku cũng thường được viết thành một dòng).

Về nội dung có luật cơ bản sau: không mô tả cảm xúc, chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Vì số chữ bị giới hạn trong 17 âm nên thơ Haiku thường chỉ diễn tả một sự kiện xảy ra ngay lúc đó, ở thì hiện tại. Sự kiện này có thể liên kết hai ý nghĩ, hay hai ý tưởng khác nhau mà ít khi người ta nghĩ đến cùng một lúc.

Thơ như một bài kệ, sàng lọc từng chữ, không dư mà cũng không thiếu, cốt sao nói đến chính cái đang là - "đương hạ tức thị". Nắm bắt thực tại ngay trong giây phút nảy mầm, cái đang xảy ra lắm khi chuyên chở cả một vũ trụ thu gọn vào trong thời điểm đó, tiểu thế giới và đại thế giới hòa nhập vào nhau. Một diễn tiến trước mắt khiến người đọc liên tưởng đến một hiện tượng hay biến cố nào đó trong một kinh nghiệm sống của riêng mình. Kỹ xảo của thơ Haiku là giản lược tối đa chữ nghĩa trong thơ để vận dụng trí tưởng tượng người đọc. Không phân biệt người làm thơ hay kẻ đọc thơ, cả hai nhập làm một, đồng âm cộng hưởng trong niềm rung cảm với sự liên hệ rất tinh tế và hài hòa của đất trời.

Minh Trường
.
.