Nhầm mà đúng!

Thứ Hai, 20/01/2020, 08:23
Những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, con đường số 7 vắt ngang tỉnh Nghệ An nối sang Lào là cửa ngõ mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, vô cùng ác liệt. Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Nguyễn Minh Châu, Phạm Tiến Duật, Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Phạm Trung Nhân... đã có mặt trên tuyến đường này, sống và viết ở Binh trạm 11 và Binh trạm 13. Trong đó có 2 nhà văn gắn với 2 câu chuyện “bé cái nhầm” khá thú vị.


Người thứ nhất là nhà văn Châu La Việt, tên khai sinh là Lê Khánh Hoài, con trai cả của nghệ sĩ Tân Nhân, ca sĩ nổi tiếng với nhiều ca khúc bất hủ như: "Xa khơi"; "Câu hò bên bến Hiền Lương"; "Bài ca hi vọng" v.v...

Năm 1970, tốt nghiệp lớp 10, đã có giấy báo vào đại học, nhưng Lê Khánh Hoài vẫn viết đơn tình nguyện đi bộ đội, như bao bạn bè thuộc thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Năm 1971, đang là pháo thủ của tiểu đoàn 11 pháo cao xạ trực thuộc Binh trạm 13, Lê Khánh Hoài được điều động về đội Tuyên văn của Phòng Chính trị Binh trạm, đóng ở Nọong Hẹt-Xiêng Khoảng, cách biên giới Việt-Lào gần 200 cây số. Ngay buổi đầu tiên khoác ba lô lên Binh trạm bộ, Hoài đã thành thật trình bày với Thượng úy Ngô Xuân Thông, Trưởng ban Tuyên huấn:

- Báo cáo anh, em xin đi bộ đội là để trực tiếp chiến đấu, chứ lên đây em chẳng biết làm việc gì...

Trưởng ban Ngô Xuân Thông ôn tồn:

- Yên chí, hát cũng là chiến đấu. Cậu sẽ là ca sĩ chính của đội Tuyên văn nhé!

Lê Khánh Hoài giãy nảy:

- Anh ơi, cả đời em chỉ hát được mỗi bài Quốc ca, nhưng chỉ khi chào cờ hát theo tập thể...

Trưởng ban Tuyên huấn vẫn ôn tồn:

- Không hát được tân nhạc thì hát chèo. Tớ là dân Thái Bình rất mê chèo, mà hát chèo dễ lắm!

Nhà văn Châu La Việt (ngoài cùng bên trái) trở lại cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (tháng 5-2019).

Lê Khánh Hoài lại gãi đầu gãi tai:

- Thú thật với anh, em thì lại chúa ghét cái món í a vòng vèo ấy lắm. Bắt em hát chèo, chẳng thà treo cổ em lên!

Trưởng ban Ngô Xuân Thông hơi nhíu mày:

- Không hát được thì đệm đàn. Con trai Hà Nội mà chơi đàn thì tuyệt cú mèo!

Lê Khánh Hoài lại kêu lên:

- Ối anh ơi, đàn thì em thề đụng vào là đứt dây, hỏng cần tức khắc! Thôi anh cứ trả em về trận địa. Em thà bị kỷ luật chiến trường còn hơn là phải hát hò đàn sáo… anh ạ!

Lê Khánh Hoài khoác ba lô đứng lên. Trưởng ban Thông cũng đứng phắt dậy:

- Nghe tôi hỏi đây: Cậu có đúng là Lê Khánh Hoài, con trai cả của nghệ sĩ Tân Nhân hay không?

- Vâng, chính là em đây ạ!

- Con trai ca sĩ nổi tiếng Tân Nhân mà lại không biết hát, không biết đàn, không hát chèo được… Thế là thế nào?

- Báo cáo đồng chí Trưởng ban, đúng là như thế ạ!

Trưởng ban Tuyên huấn chua chát nhắc lại:

  - Vâng, đúng là như thế thật. Đúng là chúng tớ đã nhầm…

Thế nhưng trong thời gian chờ quyết định “trả” về đơn vị, Lê Khánh Hoài vẫn được bố trí tạm vào đội Tuyên văn, hằng ngày đi lấy cơm, tăng gia cải thiện và… sai vặt. Một hôm, cả đội Tuyên văn xôn xao hồ hởi khi nghe Thủ trưởng phòng Chính trị thông báo: Nhà thơ Thế Lữ sắp đến công tác tại Binh trạm ta. Hồi ấy, việc Binh trạm được đón các văn nghệ sĩ đến biểu diễn, sáng tác… là chuyện thường. Nhưng đây là nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới, cây bút lừng danh của Tự Lực văn đoàn và nay là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nhé!

Vui nhất có lẽ là Lê Khánh Hoài, bởi ông Thế Lữ là người quen của gia đình anh Hoài ở Hà Nội. Càng vui hơn nữa khi Thủ trưởng quyết định cử Lê Khánh Hoài cùng một lái xe đánh chiếc com-măng-ca đít vuông về Binh trạm 11 đóng gần cửa khẩu Nậm Cắn để đón nhà thơ Thế Lữ. Dọc đường, Hoài ta thao thao bất tuyệt với cậu lái xe về nhà thơ Thế Lữ, lại còn bắt cậu ta học thuộc và đọc thật diễn cảm bài thơ “Nhớ rừng” để nhà thơ vui, sáng tác cho Binh trạm ta nhiều bài thơ, vở kịch thật hay…

Nhưng… tẽn tò thay, người mà các anh đến đón không phải nhà thơ Thế Lữ mà là… anh Thế Ngữ, một tác giả chưa có tiếng tăm gì, chỉ nhỉnh hơn Lê Khánh Hoài chừng vài tuổi. Cả phòng Chính trị Binh trạm 13 được một phen tiu nghỉu vì… nghe nhầm!

Thế Ngữ vốn là công nhân ngành đường sắt, nhưng có máu văn chương, từng có kịch bản đoạt giải Nhất cuộc thi văn nghệ quần chúng toàn ngành, được rút về Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và tham gia lớp bồi dưỡng sáng tác do Hội này tổ chức.

Năm 1971, Đài Truyền hình Việt Nam vừa thành lập được 1 năm, đã xin Thế Ngữ về làm biên kịch cho chương trình văn nghệ. Cấp trên đồng ý nhưng yêu cầu phải thử thách thêm. Thế là Thế Ngữ xin đi chiến trường, theo đường 7 lên Binh trạm 11 “thử thách” một thời gian rồi xin sang Binh trạm 13 sát với mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng hơn…

Quả đúng là… “bé cái nhầm”! Nhưng gần một năm lăn lộn ở Binh trạm 13, Thế Ngữ đã khiến cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải nể phục ông vì sự “dấn thân” nơi chiến trường ác liệt; chưa kể những đóng góp của ông cho các chương trình văn nghệ xung kích của đội Tuyên văn binh trạm. Để rồi sau này ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm viết về cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên tuyến đường 7 và tình hữu nghị Việt-Lào; trong đó có kịch bản được giải thưởng chính thức của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam năm 1973, đồng hạng với tác phẩm của những tên tuổi sáng giá như: Đào Hồng Cẩm, Xuân Trình, Tào Mạt… Đặc biệt, từ khi chuyển vào công tác tại Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, tên tuổi ông gắn liền với nhiều chương trình nổi đình đám của đài này, như: "Tiếng cười sân khấu"; "Trong nhà ngoài phố"; "Chuyện đời thường"; "Táo quân"…

Năm 2016, ông được sách "Kỷ lục Việt Nam" ghi nhận là người viết kịch bản tiểu phẩm cho đài truyền hình nhiều nhất Việt Nam (khoảng ba ngàn tác phẩm) và từ đó đến nay, ông vẫn tiếp tục viết dù đã ngoài tuổi bát tuần. Một số phim truyện truyền hình của ông được công chúng hâm mộ, như: "Thủ môn từ trên trời rơi xuống"; "Ông Ba mươi và nàng Ngựa chứng" v.v…

Và anh chàng Lê Khánh Hoài, đơn vị cũng… tưởng nhầm mà hóa ra không nhầm. Trong thời gian làm chân “sai vặt” ở đội Tuyên văn, một số bài thơ “tán gái” của anh đã được Ban biên tập tờ tin Đường phía trước của Binh trạm chú ý. Đến khi biết anh đã từng có thơ đăng báo Văn nghệ trước ngày nhập ngũ thì thủ trưởng “ra lệnh” cho anh sáng tác một số bài thơ cho các diễn viên trong đội Tuyên văn ngâm.

Rồi vở kịch đầu tay “Trọng điểm” của anh viết cho đội Tuyên văn của Binh trạm tham gia Hội diễn ngành vận tải của Tổng cục Hậu cần, được tặng giải cao, về sau còn được nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp ở Hà Nội dàn dựng và thu thanh phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam…

Đến nay, Cựu chiến binh Lê Khánh Hoài là nhà văn Châu La Việt, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của 19 tập sách gồm các thể loại thơ, văn xuôi và kịch bản sân khấu. Trong đó, tiểu thuyết “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng” đã được Giải thưởng VHNT 5 năm 2009-2014 của Bộ Quốc phòng. Cuối năm 2019 vừa qua, bản thảo cuốn tiểu thuyết “Lửa sáng phía chân trời” của anh viết về Binh trạm 13, do Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác, đã được nghiệm thu và sắp ra mắt bạn đọc.

Mai Nam Thắng
.
.