Nhạc sỹ Văn Ký và một lần bị kiểm điểm hụt...
Ở nước ta, không hiếm những nhạc sĩ được coi là "nổi tiếng" do có một vài bài hát được đám trẻ thành thị lưu truyền, rồi được xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông. Quả là nói đến tên họ thì nhiều người dễ biết. Đơn giản chỉ vì những nhạc sĩ này hay xuất hiện trên tivi. Nhưng bài hát của họ rất ít có những tác động tình cảm mạnh mẽ, sâu sắc, ít thỏa mãn khoái cảm thẩm mĩ cho những công chúng có "gu" khó tính, cao sang, mà chỉ nặng về đáp ứng nhu cầu thư giãn, giải trí. Trong khi đó thì Văn Ký cũng như nhiều nhạc sĩ rất có tài năng khác chưa chắc đã được những công chúng vừa nhắc ở trên chú ý đến.
Nhưng lịch sử luôn công bằng. Rồi thì những bài hát "giải trí" kiểu trên sẽ nhanh chóng bị người ta quên lãng, trong khi đến hôm nay và mãi mãi về sau, thời gian chỉ làm thăng hoa thêm giá trị vĩnh hằng của những bài hát có giá trị đích thực. Hãy chỉ nói đến một "Bài ca hy vọng" của Văn Ký. Khi nào bạn buồn phiền, trong lòng thấy thất vọng điều gì, hãy nghe bài hát này, nhất là nếu biết hát, bạn hãy cất giọng hát trọn vẹn cả bài, để hết cảm xúc mà hát, sẽ thấy tâm hồn thanh thản hơn, vơi đi rất nhiều nỗi niềm nặng nề, u uất: "Về tương lai! Đàn chim ơi! Cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương. Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan!".
Bài hát này ra đời cuối năm 1959 khi ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm cho ra đời luật 10/59, lê máy chém đi khắp nơi đàn áp cách mạng, trả thù những người kháng chiến cũ. Một tâm lý buồn nản, bi quan xuất hiện ở nhiều cán bộ, đảng viên - nhất là những người quê ở miền Nam tập kết ra Bắc. Trước tình hình đó, bằng cái nhìn của một nghệ sĩ chân chính luôn tin vào sự nghiệp cách mạng, với bộ óc tư duy biện chứng, nhạc sĩ đã rất "hy vọng" để viết nên những lời ca gan ruột: "Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới chứa chan niềm tin, đường ta đi xanh thắm mộng đời…".
Không phải ngẫu nhiên mà các chiến sĩ cách mạng ở trong nhà tù của Mỹ - Diệm khi ấy rất thích hát "Bài ca hy vọng", coi bài hát như một cứu cánh tâm hồn mình. Vậy là bài hát đã vươn lên một tầm khái quát rộng lớn: Hy vọng luôn làm con người ta vững vàng, lớn lao hơn, vượt qua được mọi cam go trong cuộc sống.
Nhìn con người luôn toát ra vẻ hào hoa phong nhã, khoan thai, nhẹ nhàng của Văn Ký với nụ cười tươi chẳng bao giờ thành tiếng, ít ai có thể hình dung trước khi làm nhạc sĩ, ông đã có những năm tháng là Huyện đội trưởng dân quân trong kháng chiến chống Pháp. Lại cũng khá ngạc nhiên khi chứng kiến ông rất khỏe, trẻ so với tuổi như đã nói mà trong đời từng đã bị mổ cắt đi ba phần tư dạ dày, mắt từng thay thủy tinh thể và hai lần tai biến mạch máu não khi mới ở tuổi 30. Thường thì sau khi qua cơn nguy kịch của căn bệnh quái ác này, nếu không bị liệt phải nằm một chỗ thì cũng lơ ngơ. Nhưng Văn Ký đã là một ngoại lệ.
Tôi hỏi ông bí quyết gì để có được sức khỏe và sự trẻ trung đặc biệt như vậy thì ông cho biết là tập yoga và sống vui vẻ, thanh thản, không buồn phiền, bực dọc điều gì. Vâng. Đã mấy chục năm nay, ông tập môn này đều đặn, hầu như không bỏ một buổi nào. Nếu hôm nào không tập, ông thấy bứt dứt, không yên. Hỏi tập có rắc rối, mất thời gian không.
Trả lời: Lúc đầu khó, nhưng lâu dần quen sẽ thấy dễ dàng. Mỗi ngày phải mất đứt ít nhất là một giờ. Ông cho biết khó nhất là việc ngồi thiền. Tôi thấy người ngồi thiền cứ nhắm mắt, ngồi im không động đậy, mắt nhắm nghiền thì có gì là khó. Văn Ký nói khó ở chỗ không được nghĩ bất cứ điều gì, phải để đầu trống rỗng mới có hiệu quả, và ở trong trạng thái đó tối thiểu 15 phút, càng lâu càng tốt. Vậy thì đúng là quá khó rồi. Sau đó, tôi học theo ông, bắt đầu tập yoga. Nhưng không thể thiền đúng lời ông dặn. Bởi khi đã nhắm nghiền mắt thì trong đầu rất nhiều ý nghĩ ùa về. Nào là tứ nhạc, tứ thơ mới xuất hiện. Nào là kế hoạch trong tuần thực hiện chưa đâu vào đâu. Nào là một tà áo đỏ vừa gặp. Nào là cô nàng có giọng miền Trung nghe sao dễ thương mà đã… Làm sao có thể không nghĩ gì.
Điển trai, hào hoa phong nhã, điềm đạm, nhẹ nhàng, tài năng nổi trội như Văn Ký hẳn là phải có nhiều bóng hồng lượn lờ trong cuộc đời. Những lúc ngồi đàm đạo, tôi tò mò hỏi ông chuyện này. Ông nói rất thật: "Mình nói nhiều người không tin, cứ nghĩ mình giấu. Nhưng việc gì phải giấu nữa khi mình đã gần 90 tuổi. Bà xã lại đã vĩnh biệt gần chục năm nay. Với lại chuyện riêng tư mà đẹp thì đáng trân trọng. Sự thật là mình chỉ có một mối tình đẹp với Trầm rồi nên vợ chồng, sống ngần ấy năm bình yên, hạnh phúc cho đến khi bà ấy qua đời".
Nhạc sĩ Văn Ký trong một lần biễu diễn “Bài ca hi vọng”. |
Rồi ông kể về "phi vụ" lấy vợ rất "chân phương" của mình. Đó là khoảng năm 1951. Lúc này Văn Ký 23 tuổi (ông sinh năm 1928), đang công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu 4 cùng nhiều tên tuổi như Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Trần Hoàn, Hoàng Minh Châu, Minh Hiến, Đình Quang… Ông quen biết cô nữ hộ lý xinh đẹp có cái tên Thanh Trầm nghe hay hay, quê ở Hưng Yên cũng vào đây công tác. Trai tài, gái sắc gặp nhau ngay từ lần đầu đã "mắt lồng trong mắt mà gian díu tình". Mọi người xúm vào ủng hộ. Rồi đám cưới nhanh chóng diễn ra khá đình đám. Lưu Trọng Lư làm chủ hôn. Hoàng Minh Châu nhận trách nhiệm đi mua các thứ. Sau hòa bình lập lại (1954) cho đến lúc về hưu, Văn Ký chỉ làm việc ở một nơi duy nhất. Đó là Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Từ năm 1968 đến 1973, ông đi học âm nhạc ở nước cộng hòa Kazakhstan. Học xong lại về làm việc ở đây.
Hồi đi học ở nước ngoài, Văn Ký có kỷ niệm với một cô gái rất xinh đẹp người Kazakhstan. Nhưng rồi chẳng đi đến đâu. Ông nói rằng hồi đó quan hệ luyến ái với người nước không đơn giản, nhất mình lại là đảng viên. Có yêu rồi cũng không thể lấy nhau. Muốn lấy phải ở hẳn bên đó. Mà ông lại rất thương vợ và 5 đứa con ở nhà nên không thể. Thế là mối quan hệ tan tành mây khói.
Văn Ký cũng chân thành bộc bạch: Trong đời cũng vô số lần có cơ hội bập vào chuyện nguyệt hoa. Nhưng ông là người có lý trí đã nhanh chóng thấy trước những rắc rối nên chủ động dừng lại. Ông nói cái chính là có người vợ rất tốt, ông không thể phản bội. Văn Ký còn kể ngay cả hiện tại, mỗi khi vào Sài Gòn, vẫn có một "nàng" kém ông gần 20 tuổi - nghĩa là cũng đã lên lão - vẫn mong ngóng sự xuất hiện của ông. Và nếu ông đến thăm, vẫn níu kéo và dùng dằng đưa tiễn rất…"quan họ". Không phải chỉ là anh, em quý hóa mà là…
Một chuyện thú vị nữa xảy ra trong đời của người nhạc sỹ tài hoa này là ông đã từng bị lôi ra kiểm điểm tại chi bộ của Hội Nhạc sỹ Việt Nam khi đang là Thường vụ ở đây. Số là ngay sau ngày giải phóng miền Nam chừng một tháng, ông có dịp vào Sài Gòn. Thành phố này khi ấy ngổn ngang hàng hóa. Mọi người thi nhau mua Honda, hàng điện tử, điện lạnh đem ra Bắc. Riêng Văn Ký mua ôtô. Ra Bắc, đến công an đăng ký, người ta buộc phải gắn biển xanh cho xe của ông vì khi ấy chưa có xe ôtô tư nhân (biển trắng).
Bây giờ, ôtô tư nhân biển trắng nhan nhản, nhiều gấp bội xe biển xanh. Nhưng ngày ấy, cá nhân sử dụng xe riêng là chuyện không bình thường. Văn Ký bị săm soi đưa ra chi bộ kiểm điểm, giải trình về chiếc xe bị cho là khuất tất này. Cuộc họp có mời ông Hà Huy Giáp lúc đó là Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa về dự. Nhạc sĩ Văn Ký xuất trình mọi giấy tờ liên quan đến việc mua xe. Ông Hà Huy Giáp đọc kỹ xong liền phán: "Tưởng thế nào. Mua ôtô chứ mua máy bay cũng có sao nếu bằng đồng tiền chân chính của mình. Anh Văn Ký mua chiếc xe này cũ rích, giá còn rẻ hơn cả Honda. Tôi sợ anh dùng được vài bữa rồi phải tìm cách tống nó đi". Lời phán truyền của vị lãnh đạo Bộ Văn hóa khi ấy lập tức ứng nghiệm. Dùng được rất ít, chẳng bao lâu sau, Văn Ký phải bán tống táng chiếc xe. Bán mà gần như cho vì nó rệu rã, "tra tấn" ông suốt thời gian chưa bán được. Sau câu nói của ông Hà Huy Giáp, cuộc họp đành bế mạc một cách rất… tẽn tò. Sau này, các nhạc sỹ dự buổi họp hôm đó mỗi lần nhắc lại đều cười một cách thú vị về cái buổi kiểm điểm hụt Văn Ký lần ấy.