Nhạc sỹ Nguyễn Đức Toàn: Người chơi đàn, cầm bút vẽ

Thứ Sáu, 29/06/2007, 11:00

Xin được lấy tên triển lãm tranh kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của nhạc sĩ, họa sĩ, Đại tá Nguyễn Đức Toàn để nói về ông - một trong số hiếm hoi những người thành công cả ở hai lĩnh vực: viết nhạc và vẽ tranh.

Thân sinh ra nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn là cụ Nguyễn Đức Thục - nhà điêu khắc, họa sĩ nổi tiếng của Hà Nội. Ông lớn lên trong căn phòng la liệt những bức tranh của cha, như ông kể: “Lúc biết bò là suốt ngày mặt mày lem luốc màu xanh, màu đỏ. Ngỡ tôi sinh ra để vẽ, để sau này trở thành họa sĩ, theo đuổi cái nghiệp bố tôi để lại”.

Thế nhưng, khi ông trưởng thành cũng là lúc dòng thác cách mạng đang cuồn cuộn trên khắp đất nước. Tự thân cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc đã là một bản hùng ca đẹp đẽ khiến cho tâm hồn được kết tinh bởi hai vùng đất: Kinh Bắc và Hà Nội trong ông đã ngân lên những giai điệu thiết tha, lắng đọng. Và rồi, những ca khúc như: “Quê em”, “Mời anh đến thăm quê tôi”… đã ra đời.

Là một nhạc sĩ, lại sống trong môi trường quân đội nên Nguyễn Đức Toàn được tham gia vào nhiều chiến dịch, được sống cuộc sống quân ngũ với những gian khổ, hi sinh nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Đó chính là chất xúc tác, là nguồn cảm hứng vô tận cho nhạc sĩ sáng tác những ca khúc đặc sắc về anh bộ đội.

Nhưng, có một điều đặc biệt là trong các sáng tác của ông, rất hiếm khi ông nhắc tới hai từ “bộ đội”, như: “từ biệt làng đi chiến đấu...” trong “Mời anh đến thăm quê tôi”, hay cùng lắm là: “một chàng trai là chiến sĩ biên phòng” trong “Hà Nội trái tim hồng” nhưng vẫn thấm đẫm chất “lính” lãng mạn, bay bổng.

Một mảng sáng tác khá thành công của ông là những ca khúc viết về chân dung anh hùng, trong đó phải kể tới “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đã tâm sự về hoàn cảnh sáng tác bài hát: Ông được đọc câu chuyện về chị Võ Thị Sáu trong tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán, trong đó có chi tiết: thời thơ bé chị Sáu rất thích chơi hoa lê ki ma. Câu chuyện về người con gái can trường nhưng cũng rất hồn nhiên ấy đã ám ảnh nhạc sĩ, để rồi những giai điệu “Mùa hoa lê ki ma nở…” đã ngân lên trong lòng nhạc sĩ.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn tiết lộ, một điều thú vị là cái tên “lê ki ma” là sự sáng tạo của nhà văn Phùng Quán chứ thực ra ngay ở quê hương chị Sáu, người dân vẫn cứ gọi loài hoa ấy là hoa trứng gà. Nhưng thật kỳ lạ, cái tên lê ki ma lại trở nên rất nên thơ và không biết từ bao giờ nó đã gắn với chân dung người nữ anh hùng. Nó đã trở thành biểu tượng của tâm hồn người con gái dung dị và thanh xuân. Đã không ít người ứa nước mắt khi nghe ca khúc của ông.

Có câu chuyện thú vị về một mối duyên nợ của người nhạc sĩ quân đội và Lực lượng Công an. Đó là một lần, vì mải suy nghĩ, nhạc sĩ đã đi vào đường ngược chiều. Đồng chí cảnh sát giao thông tuýt còi yêu cầu dừng lại. Ngay lập tức nhạc sĩ xuống xe nhận lỗi và thanh minh: “Vì đang mải nghĩ một ca khúc về Hà Nội mà quên mất”. Thông cảm trước tâm hồn “lơ đãng” của nghệ sĩ, đồng chí công an đã “cho qua”.

Trước khi nhạc sĩ lên xe, anh còn nói thêm: “Để bác còn giữ nguyên cảm hứng để viết bài ca cho thủ đô Hà Nội”. Cách ứng xử ấy của người chiến sĩ công an đã làm tâm hồn nhạc sĩ thêm phấn khích, để rồi những ca từ và giai điệu của ca khúc “Hà Nội trái tim hồng” được rất nhiều người yêu thích đã ra đời: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội/ Ôi thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi...”.

Giờ đây, khi sắp bước vào tuổi bát thập, đã trải qua không ít lần chống chọi với căn bệnh của tuổi già, nhạc sĩ, hoạ sĩ, đại tá Nguyễn Đức Toàn vẫn giữ cho mình một trái tim thanh xuân, vẫn say sưa viết và vẽ. ở ông, nhạc và hoạ luôn bổ trợ cho nhau. Người ta luôn bắt gặp trong mỗi bài hát của ông  những bức tranh đẹp và nên thơ. Với hoạ, đó là những bức sơn mài với những gam màu trầm ấm, thấm đẫm chất thơ trong ánh sáng và mảng, khối.

Bạn bè và chính ông cũng thừa nhận ông là người thẳng tính. Và suốt cuộc đời nghệ sĩ ông không nhận bất cứ một chức vụ nào để toàn tâm toàn ý cho công việc sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh khối lượng tranh đồ sộ thì hơn 100 ca khúc với nhiều thể loại, một số tác phẩm nhạc không lời như: Hợp xướng 4 chương: “Giải phóng”, Tổ khúc giao hưởng 3 chương “Tổ quốc”… cho thấy sức sáng tạo mãnh liệt của nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn. Và, giải thưởng Hồ Chí Minh ông được trao năm 2000 cùng sự yêu mến của công chúng dành cho các sáng tác của ông đã minh chứng điều đó... 

Khánh Thảo
.
.