Nhạc sĩ thiên tài Giuseppe Verdi: Bi kịch gia đình và cuộc bứt phá ngoạn mục

Thứ Năm, 07/11/2013, 08:00
Ngày 10/10 vừa qua, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà soạn nhạc thiên tài Giuseppe Verdi, tại Emilia Romagna (Italia) - quê hương ông đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa. Cùng thời gian đó, tại nhiều nơi trên thế giới cũng đã diễn ra những hoạt động với mục đích tương tự bởi Giuseppe Verdi không chỉ được biết đến với tư cách nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Italia thế kỷ XIX mà còn được tôn vinh là một trong những nhà soạn nhạc xuất sắc nhất mọi thời đại...

Trong số 26 tác phẩm opera mà Giuseppe Verdi để lại cho đời, hiện có không ít tác phẩm vẫn thường xuyên được trình diễn và "La Traviata" - vở opera được Verdi sáng tác năm ông chẵn 40 tuổi hiện là một trong những vở opera được trình diễn nhiều nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, cách đây 2 năm, tại Nhà hát Lớn Hà Nội cũng từng diễn ra hai đêm nhạc tưởng nhớ Verdi nhân kỷ niệm 110 năm ngày mất của ông...

Giuseppe Verdi sinh ra tại làng Buseto, vùng Emilia Romagna, miền Bắc Italia, trong một gia đình không có ai theo nghề âm nhạc. Những kiến thức âm nhạc đầu tiên cậu bé Verdi có được là nhờ sự truyền thụ của Ferdinando Provesi, một người chơi đàn ống trong nhà thờ của địa phương. Thời bấy giờ, tại nơi Verdi sinh sống, nổi bật lên tên tuổi của Antonio Barezzi, một nhà buôn giàu có và là một Mạnh Thường Quân của những người yêu nghệ thuật. May mắn cho Verdi là sau một thời gian tham gia biểu diễn trong dàn đồng ca ở nhà thờ, cậu đã lọt vào mắt xanh của Barezzi và không phải đắn đo nhiều, ông này đã quyết định tài trợ cho Verdi một khoản tiền đủ để cậu có thể học nhạc tới nơi tới chốn. Năm 20 tuổi, Verdi xin được theo học tại Nhạc viện Milan song ông đã bị những người có trách nhiệm nơi đây từ chối vì lý do quá tuổi. Verdi đành theo học lớp nhạc tư với sự hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình của nghệ sĩ đàn clavico Vincenzo Lavigna. Nhờ Lavigna, Verdi đã có được những kiến thức cơ bản về đối âm, soạn fuga, trình diễn opera. Thậm chí, cao hứng, Verdi đã sáng tác 4 hành khúc cho "Cuộc diễu hành Ngày Thứ Sáu tươi đẹp" và "Le Lamentazioni di Geremia". Đây được xem là những tác phẩm đầu tay của Giuseppe Verdi.

Sau cái chết của Provesi, Verdi quay về quê nhà Busseto và thế chân ông giữ vai trò nhạc trưởng. Năm 1836, Verdi kết hôn với Margherita, con gái của nhà tài trợ Barezzi và là người mà ông đã đính hôn từ 5 năm trước. Cũng năm này, Verdi soạn nhạc cho vở opera đầu tiên - "Oberto". Tác phẩm được trình diễn lần đầu tiên tại Nhà hát La Scala và tuy sự đón nhận của công chúng chưa được như mong đợi song ông bầu đầy quyền lực khi ấy là Merelli vẫn đề nghị Verdi ký hợp đồng viết 3 vở opera khác.

Một buổi hòa nhạc tại Hàn Quốc kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Giuseppe Verdi.

Không chỉ sáng suốt, Merelli còn là một ông bầu có đủ đức kiên nhẫn. Bởi đối với nhạc sĩ trẻ Giuseppe Verdi, những năm tháng tiếp theo quả là thời kỳ đen tối nhất trong cuộc đời ông, khi mà tai họa liên tiếp nhằm vào gia đình ông bổ những nhát khủng khiếp. Đầu tiên là cái chết thương tâm của hai đứa con nhỏ của ông - Virginia và Icilio, khi chúng chưa đầy một tuổi. Tiếp đến là cái chết của Margherita vì bệnh viêm não.

Ở tuổi 27, khi mà công danh sự nghiệp còn manh mún, Verdi đã phải sống cảnh cô lẻ. Tai họa bất ngờ và dồn dập xảy đến với những người thân trong gia đình đã khiến người nhạc sĩ trẻ suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Verdi không còn tâm trí nào dành cho việc sáng tác, nhất là với những vở opera có nội dung hài mà ông bầu Merelli đặt hàng. Kết quả là, buổi công diễn vở "Un Giorno Di Regno" - vở opera thứ hai của Verdi - tại Nhà hát La Scala hồi tháng 8/1840 đã thất bại thê thảm. Quá buồn nản, Verdi tuyên bố ông sẽ không bao giờ sáng tác nữa. Tuy nhiên, với con mắt xanh của mình, Merelli vẫn nhận ra tố chất thiên tài tiềm ẩn trong âm nhạc của Verdi. Ông động viên Verdi cố gắng vượt lên nỗi đau, viết một vở opera khác và sự kiễn nhẫn của Merelli đã được đền đáp.

Năm 1842, tác phẩm "Nabucco" ra đời và đã chinh phục được đông đảo khán giả ngay trong lần công diễn đầu tiên. Giuseppe Verdi bắt đầu trở thành một nhạc sĩ được nhiều người biết tiếng. Từ thành công này đã mở ra một thời kỳ mới - thời kỳ "thống trị" của âm nhạc Verdi, cụ thể là của các vở opera của Verdi trên sân khấu âm nhạc Italia suốt gần 50 năm. Cũng chính tác phẩm "Nabucco" đã được Arturo Toscanini - nhạc trưởng vĩ đại người Italia chọn trích một đoạn để trình diễn (với sự phối hợp của một dàn đồng ca lên tới 900 người) trong ngày đưa tiễn tác giả của nó về nơi an nghỉ cuối cùng.

Song song với thành công trong sáng tác, cũng năm đó (1842), Verdi đã nảy sinh tình cảm với Giuseppina Strepponi, một giọng ca soprano kiêm nghệ sĩ piano tài năng, người sau này đã có những tác động rất quan trọng tới cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Giuseppina đã có nhiều lời khuyên dành cho Verdi về nghệ thuật thanh nhạc. Giuseppina cũng chính là người đã thể hiện một cách xuất sắc vai chính (vai Abigaille) trong vở "Nabucco" của Verdi ở buổi công diễn đầu tiên. Và Verdi là vị khách thường xuyên có mặt tại phòng hóa trang của Giuseppina trong thời gian đó. Dường như, với Giuseppina, Verdi đã lấy lại được sự yên bình trong tâm hồn kể từ sau cái chết của người vợ đầu tiên. 

Mặc dù "tình trong như đã…", nhưng "mặt ngoài còn e", thời gian đầu, hai người còn giữ một khoảng cách không gian nhất định. Nếu như từ năm 1842 tới 1847, Verdi thường xuyên xuất hiện trong các gia đình quý tộc ở Milan (Italia) thì thời gian đó, Giuseppina sống chủ yếu ở Paris, nơi bà mở một trường dạy hát. Phải tới tháng 11 năm 1847, khi Verdi đến Paris hướng dẫn cho các diễn viên chuẩn bị công diễn tác phẩm của ông ở đây thì hai người mới quyết định chung sống với nhau.

Sau một loạt thành công được mở đầu bằng vở opera "Nabucco", tiếp đó, được củng cố bằng các vở "Ernani", "I due Foscari", "Giovanna d'Arco", "Alzira", "Attila", "Macbeth"…, bước sang thập niên năm mươi (của thế kỷ XIX) là thời kỳ đỉnh cao trong sáng tạo của Verdi, với việc ông lần lượt cho ra đời các tác phẩm vĩ đại nhất của mình: Các vở "Rigoletto", "Il Trovatore" và "La Traviata", trong đó, kiệt tác "La Traviata" được khởi nguồn cảm xúc từ lần Verdi cùng Giuseppina đi xem vở kịch "Trà hoa nữ" chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Pháp Alexandre Dumas (con) năm 1852. Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, với "La Traviata", Verdi đã làm cho opera gần gũi với cuộc sống đời thường hơn và dường như đây là lần đầu tiên điều này được thực hiện trên sân khấu. Tuy nhiên, trước khi trở thành một tác phẩm được công diễn nhiều nhất trên thế giới, ngay trong lần công diễn đầu tiên, "La Traviata" cũng phải nhận về không ít lời chỉ trích.

Không chỉ được biết đến như một nhà soạn nhạc danh tiếng, Verdi còn gây được chú ý bởi các hoạt động chính trị, xã hội mà ông tích cực tham gia. Năm 1874, ông trở thành thượng nghị sĩ của Italia. Năm 1877, ông đầu tư toàn bộ kinh phí để xây dựng một bệnh viện tại Villanova D'Arda. Năm 1880, tại Milan, ông mua một khu đất và xây dựng tại đó một nhà nghỉ dành cho các nhạc sĩ. Ông tự hào nhận xét, đây mới là tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất của đời mình. Tuy nhiên, theo ý nguyện của Verdi, ngôi nhà chỉ được mở cửa sau khi ông qua đời. Verdi không muốn khi đang sống phải chứng kiến những lời cảm ơn mà các đồng nghiệp dành cho mình.

Năm 1893, tròn tuổi 80, Verdi quyết định từ biệt sân khấu với vở opera hài "Falstaff".

Với Giuseppina, sau 12 năm chung sống và di chuyển qua nhiều địa điểm, năm 1859,  hai người chính thức kết hôn và buổi lễ đã được tổ chức một cách đơn giản, kín đáo tại một nhà thờ nhỏ trên núi ở thung lũng Aosta, nhằm tránh những con mắt dò xét cùng những lời bình luận ác ý của giới thượng lưu, bởi dẫu sao, đó cũng là một cuộc hôn nhân không theo lễ giáo.  Guiseppina qua đời năm 1897. Sau cái chết của vợ, Verdi trở về sống tại Milan và từ đây, ông dành hết tâm trí cho những công việc từ thiện. Verdi mất ngày 27/1/1901. Đám tang của ông được cử hành long trọng như thể quốc tang, với sự tham gia của rất nhiều người dân. Thi hài Verdi được chôn cất tại Casa di Riposo, trong khuôn viên của một nhà thờ nhỏ do ca sĩ nổi tiếng Teresa Stolz xây cất riêng cho vợ chồng ông, bên cạnh mộ Guiseppina, người đã nâng khăn sửa túi cho ông suốt mấy chục năm

Lê Mạnh Hùng
.
.