Nhạc sĩ số 1- đôi điều ít người biết

Thứ Bảy, 16/09/2017, 08:10
Tôi nhớ có lần, trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, khi được hỏi: "Theo ông, ở Việt Nam, nhạc sỹ nào là số 1?", tôi đã trả lời: "Đỗ Nhuận". Vâng. Tôi trả lời như vậy mà không ngại có thể bị phản bác hoặc có nhạc sỹ nào đó phật ý. 


Có thể Đỗ Nhuận (1922-1991) không là tác giả Quốc ca như Văn Cao, không có những ca khúc từng là bài hát chính thức của những chính thể như Lưu Hữu Phước. Nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông quá đồ sộ cả về số lượng và chất lượng, lại đa dạng, gồm cả thanh nhạc lẫn khí nhạc.

Trong thanh nhạc, chẳng những ông có nhiều ca khúc có giá trị vĩnh hằng mà còn là người đầu tiên ở nước ta sáng tác ôpêra với hai tác phẩm hoành tráng mà sau đó chưa có ai sánh kịp "Cô Sao" và "Người tạc tượng". Về ca khúc, tác phẩm của ông phủ lên rất nhiều đề tài, bao quát những chặng đường lịch sử dài với nhiều tìm tòi độc đáo - đặc biệt là việc khai thác những chất liệu và tiết tấu của âm nhạc dân gian cổ truyền rất thành công.

Có lẽ mãi mãi, người ta không thể quên những bài bất hủ: "Du kích ca", "Áo mùa đông", "Nhớ chiến khu", "Du kích sông Thao", chùm 3 bài liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ  ("Hành quân xa", "Trên đồi Him Lam", "Chiến thắng Điện Biên"), "Việt Nam quê hương tôi", "Vui mở đường", "Đường bốn mùa xuân", "Hát mừng các cụ dân quân"…

Cố nhạc sỹ Đỗ Nhuận.

Ở mảng đề tài nào, Đỗ Nhuận cũng tìm được những ngôn ngữ âm nhạc mới mẻ dựa trên chất liệu dân gian cộng với sự tìm tòi công phu về tiết tấu tạo nên những ca khúc có màu sắc độc đáo, mới nghe đã rất ấn tượng. Bút pháp, phong cách âm nhạc của Đỗ Nhuận rất đa dạng. Ông rất cao tay trong việc sử dụng, chế biến chất liệu dân ca để tạo nên ca khúc của mình.

Có thể chứng minh điều này ở bài "Chiến thắng Điện Biên" - ca khúc xếp vào hàng những bài hay nhất trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ở bài này, Đỗ Nhuận đã nhào nặn, pha trộn hai chất liệu ở điệu "sắp qua cầu" (chèo) và "xòe Thái" để tạo nên giai điệu. Tinh ý, ta sẽ nhận ra câu "Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc/ Đồng bào nô nức mong đón ta trở về" chính là câu "Ấy mấy bông lúa thơm kìa là bông lúa chín, chín mọng í ỉ ì…" ở điệu "Sắp qua cầu".

Nhưng chỉ một câu rồi tác giả phát triển đi khá xa, tạo cho bài hát dáng vẻ mới mẻ, hiện đại. Có thể lấy Đỗ Nhuận làm minh chứng rõ nhất, tiêu biểu nhất cho khuynh hướng sáng tác đúng đắn là "dân tộc, hiện đại" mà chúng ta vẫn phấn đấu, theo đuổi  từ lâu. Điều này chẳng những thể hiện rõ trong các ca khúc mà còn được ông quán triệt trong những tác phẩm nhạc không lời.

Đỗ Nhuận là một nhạc sỹ lớn (về giá trị tác phẩm), có cương vị lớn (lãnh đạo Hội Nhạc sỹ). Nhưng ông giản dị (chứ không phải là đơn giản) trong tư duy và phong cách sống. Thoạt nhìn hoặc mới tiếp xúc, dễ nghĩ ông khô khan, lạnh lùng, khó gần. Nhưng quan hệ lâu hoặc ít nhất là nói chuyện lâu sẽ thấy trong ông là một kho phong phú vốn sống và tri thức âm nhạc. Và ông sâu sắc, chân tình. Ông là người không thích nói nhiều mà nói bằng việc làm, bằng hiệu quả.

Liên quan đến ông, có nhiều chuyện khiến tôi không thể quên. Tôi nhớ lần đầu tiên tiếp xúc với ông là khi tôi tìm đến chơi nhà cô bạn cùng học một lớp ở Đại học Tổng hợp Văn vào dịp mùa hè năm 1966 hay 1967 gì đó. Cô là con gái út họa sỹ Nguyễn Phan Chánh, nhà ở 65 phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội). Đây là tòa nhà có nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi cư trú. Khi ra về, tôi thấy bên hàng xóm nhà cô bạn một vị to, mập, trông rất bệ vệ và khác người. Cô cho tôi biết đó là nhạc sỹ Đỗ Nhuận. Tôi đã nghe tên tuổi và thuộc lòng nhiều bài hát của ông nên rất muốn được gặp nhưng ngại vì khi ấy ông đã quá nổi tiếng, lại đang đứng đầu Hội Nhạc sỹ Việt Nam, còn tôi chỉ là chàng sinh viên 20 tuổi.

Cô bạn hiểu ý bèn nói: "San muốn gặp Đỗ Nhuận phải không? Để mình giới thiệu nhé. Chú ấy thoải mái lắm. Đừng ngại". Và khi gặp, đúng là ông không khiến tôi ngần ngại. Ông hỏi tôi thuộc được những bài hát nào của ông. Tôi kể ra gần hết. Ông có vẻ thích thú khi tôi thuộc, hát cho ông nghe cả bài "Người chiến thắng là anh" ông cộng tác cùng nhạc sỹ Phê-rê viết về Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi.

Khi tôi hỏi ông có người con nào nối nghiệp cha không thì đúng lúc đó có một cậu bé chừng 10 tuổi chạy vào chào tôi. Mặt mũi cậu rất sáng sủa, thông minh. Ông chỉ vào cậu, nói: "Có thằng cu này, con đầu của mình, có năng khiếu, có thể làm âm nhạc". Ông chỉ nói vậy, không nói gì thêm về tài năng sớm phát lộ của cậu.

Rồi nhiều năm sau đó, khoảng năm 1980, lúc này tôi làm phóng viên âm nhạc ở một tờ báo, có dịp đến Hội Nhạc sỹ Việt Nam gặp Đỗ Nhuận để phỏng vấn ông về tình hình âm nhạc từ khi đất nước được thống nhất. Tôi nhắc lại đã gặp ông hơn 10 năm về trước và hỏi về cậu con trai đầu của ông bây giờ ra sao. Ông lại trả lời rất vắn tắt: "Nó đang học tại Nhạc viện Traicốpski".

Thì ra đó là Đỗ Hồng Quân, sau này là một nhạc sỹ cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực sáng tác khí nhạc và chỉ huy, hiện đang là Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam giống như mấy chục năm về trước người cha của anh đảm nhiệm.

Khi đã có chừng mươi bài hát được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam và nhiều bài lý luận đăng ở nhiều tờ báo, tôi mạnh dạn xin với Đỗ Nhuận để được vào Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Nhưng ông nói thẳng: "Chưa được đâu. Cậu cứ tiếp tục phấn đấu thêm nữa. Vả lại, mình sắp nghỉ công tác ở Hội. Huy Du sẽ lên thay. Mình sẽ nói với Huy Du chú ý đến cậu". Và mấy năm sau đó, tôi được kết nạp vào Hội. Đến bây giờ, tôi không thể không nhớ ơn Đỗ Nhuận về việc riêng này của mình. 

Nhạc sỹ Đỗ Nhuận và con trai - nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân thời trẻ. 

Trước khi bài báo phỏng vấn ông như đã nói lên khuôn, tôi đưa ông đọc lại. Ông gạch bỏ tất cả những từ có ý đề cao mình (nhưng sự thực rất xứng đáng) như "nhạc sỹ lớn", và thay bằng "có nhiều đóng góp". Khi tôi viết: "Hổ phụ sinh hổ tử. Đỗ Nhuận có đứa con trai có triển vọng nối tiếp rực rỡ sự nghiệp âm nhạc của ông khi đang tu nghiệp ở một nhạc viện lớn, hàng đầu thế giới là Traicốpsky". Ông gạch bỏ câu này. Tôi hỏi thì ông nói: "Biết thế nào mà nói trước. Hãy cứ để sau này sẽ hay. Chớ ồn ào".

Đỗ Nhuận là người rất chân thành. Trong bài "Việt Nam quê hương tôi" của ông, có một câu: "Cô thiếu nữ dạt dào tình trẻ/ Dáng xinh tươi sao chẳng muốn cười". Tôi muốn phát biểu với ông nhưng rất ngại vì ông là nhạc sỹ lớn trong khi mình khi ấy chưa đáng học trò của ông. Tôi bèn tìm cách vào vấn đề khéo: "Sao anh lại viết "Dáng xinh tươi sao chẳng muốn cười?".

Ông trả lời: "Sao, có vấn đề gì à? Cậu thấy có gì cứ nói. Đừng ngại". Khi ấy tôi mới dám góp cho ông là cô gái Việt Nam trước bức tranh diễm lệ của quê hương đất nước thì phải rất thích thú, say mê. Vậy sao lại không muốn cười? Ông gật gù, mày hơi nhíu lại rồi nói: "Bài hát lan truyền rồi. Nhưng để mình xem lại". Rồi sau đó ít ngày, nghe Đài, tôi thấy đổi lại là: "Dáng xinh tươi đang tuổi yêu đời".

Sự ra đời của Đỗ Nhuận cũng thật đặc biệt. Đó là một ngày mùa hè năm 1922, tại một làng quê tỉnh Hải Dương. Nhà bố mẹ nghèo, ở trong căn nhà vách đất rất chật hẹp. Các cụ kiêng cữ, không cho con dâu sinh ở trong nhà nên phải quây cót trên ổ rơm ngoài vườn ổi, lót chiếu manh rách để đẻ. Đến đêm thì trời đổ mưa, sấm sét rầm trời. Đỗ Nhuận cất tiếng khóc chào đời trong hoàn cảnh như thế. Tiếng khóc lẫn trong tiếng giông bão gầm rú. Nhưng rồi cũng tạnh ngay.

Hình như trời thương cậu bé sơ sinh mà chấm dứt cơn giông tố. Cũng thật lạ là cậu cứ nhắm mắt hoài, một tháng sau mới mở mắt. Cậu ra đời đúng vào tháng nhuận nên được bố mẹ đặt tên là Nhuận. Đến khi viết những bài hát đầu tiên ở thời kỳ tiền khởi nghĩa, Đỗ Nhuận lấy bút danh là Đỗ Quyên. Nhưng một lần, Thế Lữ nói cái tên đó nghe có vẻ con gái yếu đuối, cứ lấy đúng tên cha mẹ đặt. Thế là từ đó, tên Đỗ Nhuận mới được ký dưới mọi tác phẩm của ông.

Đỗ Nhuận đã qua đời được gần 30 năm. Nhưng tên tuổi, sự nghiệp sáng tác của ông vẫn sống mãi cùng năm tháng. Ông xứng đáng được nhận những danh hiệu cao quý nhất: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật ngay từ đợt đầu tiên, đặt tên cho một đường phố ở Hà Nội. Nhưng vinh quang hơn cả là ông đã sống trọn trong trái tim của nhiều thế hệ công chúng, mãi mãi theo thời gian.       

Nguyễn Đình San
.
.