Nhạc sĩ của hồn quê Nam bộ

Thứ Bảy, 17/10/2015, 08:02
Nhạc sĩ Hà Phương là tác giả của những ca khúc nổi tiếng như: "Bông điên điển"; "Em về miệt thứ"; "Chiều mưa qua sông"; "Mưa qua phố vắng"; "Mùa mưa qua mau"; "Bông lục bình"... từng làm rung động biết bao trái tim người nghe nhạc.

Tên thật là Dương Văn Lắm, ông sinh năm 1938 tại xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Gia đình không có truyền thống hoạt động văn học nghệ thuật, chính niềm đam mê cá nhân là động lực giúp ông tìm đến với âm nhạc khi mới 14, 15 tuổi. Mỗi tuần, ông dành hai ngày bắt xe đò từ Mỹ Tho lên Sài Gòn học nhạc với thầy Lâm Tuyền, một nhạc sĩ nổi tiếng từ thập niên 50 của thế kỷ XX với những ca khúc như: "Tơ sầu";"Tiếng thời gian";"Hình ảnh một buổi chiều";  "Khúc nhạc ly hương".v.v…

Thấy học trò có năng khiếu và say mê, nhạc sĩ Lâm Tuyền giới thiệu ông vào học dự thính tại Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Hai năm sau, ông về dạy nhạc cho Trường trung học Bình Phước ở Tầm Vu - Long An, sau đó về dạy nhạc tại Trường trung học Đốc Binh Kiều, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và bắt đầu sáng tác. Ca khúc đầu tay mang tên "Đường khuya" được viết năm ông 19 tuổi, bằng điệu tango nhẹ nhàng, chất chứa một nỗi buồn man mác: "Đường về đêm nay buồn vắng, lạnh lùng cô đơn một bóng, nghe mưa buốt trong tâm hồn. Đường về không quen một bóng, tìm về trong hơi lửa ấm, thương ai nhớ ai vẫn còn...".

Nhạc sĩ Hà Phương.

Không biết chàng thanh niên Dương Văn Lắm ngày đó, vốn đã mang trong mình một trái tim đa sầu đa cảm hay sớm vận vào mình cái buồn của người nghệ sĩ mà viết lên bản nhạc đầy tâm trạng đến vậy.

Ngay từ sáng tác đầu tay, ông đã chọn cho mình bút danh Hà Phương. Cái tên ấy không gắn liền với một kỷ niệm nào, mà là ước mơ được tung hoành rày đây mai đó, cho thỏa chí tang bồng. Năm 7 tuổi, ông đã theo gia đình về Mỹ Tho sinh sống, trải qua thời niên thiếu ở Sài Gòn hoa lệ. Có lúc ông dạy nhạc ở Long An, đôi khi lại về Bến Tre - quê hương người bạn đời của ông, hay lang thang khắp nơi, mỗi chỗ vài tháng, có chỗ vài năm để rồi về xây nhà sống hẳn tại thành phố Mỹ Tho. Đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều, ca khúc của nhạc sĩ Hà Phương hết sức sinh động, giàu hình ảnh và gần gũi với hơi thở cuộc sống của làng quê Nam Bộ.

Hơn 30 năm sáng tác ông chỉ trình làng  trên dưới 80 ca khúc, phần lớn viết về vẻ đẹp con người và vùng đất Nam Bộ, số còn lại viết về đề tài tình yêu. Tình yêu trong nhạc của Hà Phương thường được diễn tả ở những cung bậc trong sáng, mộc mạc, đôi lúc trĩu nặng nỗi buồn nhưng không sa vào bế tắc, bi lụy. Trong bài "Con sông tình yêu" ông viết: "Anh ở bên này sông nhà em bên bờ đó, hai đứa ngó mặt nhau. Bờ dừa nhớ hàng cau, lao xao chiều qua ngõ, cùng chung những chuyến đò. Ngày ngày qua sông tóc bềnh bồng theo gió, em có biết có hay anh ngất ngây say áo màu bà ba trắng, rung rinh vờn hoa nắng nhẹ hôn gót chân son...".

Mưa và hoa như là đề tài duyên nợ trong sáng tác của ông. Ba ca khúc về mưa nổi tiếng gồm: "Mùa mưa đi qua";"Mưa qua phố vắng" và "Mưa đêm tỉnh nhỏ". Trong làng tân nhạc Việt Nam, nhiều nhạc sĩ đã viết về những cơn mưa, nhưng đã có mấy ai diễn tả nỗi cô đơn trống vắng như nhạc sĩ Hà Phương, khi ông viết trong ca khúc "Mưa đêm tỉnh nhỏ": "Trời đổ mưa cho phố vắng mênh mông, khơi lòng cao nỗi nhớ. Trời làm mưa cho ướt áo em thơ, mưa rơi từ bao giờ .Và nơi đó những đêm trời mưa gió, thấu chăng người tỉnh nhỏ nuôi nấng trong đời mối tình thời xa ấy giờ đây đường hai lối mưa gió về buồn nào nguôi". Có lần nhạc sĩ Hà Phương tâm sự: "Thời trai trẻ, tôi yêu và chia tay người yêu đầu tiên dưới cơn mưa. Ấn tượng về tình yêu dang dở dưới cơn mưa cứ tái hiện trong tiềm thức mỗi khi tôi cầm bút và ôm đàn sáng tác…".

 Mưa xuất hiện trong tác phẩm đầu tay "Đường khuya" được ông viết năm 1957. Hoa cũng có mặt trong giai đoạn này khi ông phổ nhạc bài thơ bất hủ của nhà thơ T.T.KH có nhan đề "Hai sắc hoa Ti gôn", rồi tiếp tục là các ca khúc: "Tình mùa hoa phượng"; "Bông điên điển" ; "Bông mua tím" ; "Bông lục bình".v.v…Ca khúc viết về hoa của Hà Phương thường được gắn với hình ảnh những người con gái mang nhiều gian truân trắc trở trong cuộc sống. Ca khúc của ông luôn thấp thoáng bóng hình của những người phụ nữ Nam Bộ đằm thắm, dịu dàng, chịu thương chịu khó.

Đó có thể là nỗi lòng của một cô gái Tiền Giang phải theo chồng xa xứ: "Từ ngày xa đất Tiền Giang, em theo anh về xứ Cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh. Em yêu anh nên đành xa xứ, xuôi ghe chèo về Miệt Thứ ở Cà Mau" (Em về miệt thứ). Đó cũng có thể là một cô gái chèo đò mà tác giả đã gặp đâu đó trên bước đường phiêu bạt: "Chiều năm xưa qua đò sang sông vắng. Nghiêng bóng dừa bờ trắng cỏ lau thưa. Áo bà ba em khua chèo vượt sóng. Má em hồng soi bóng nước Cửu Long" (Chiều mưa qua sông). Đó còn là hình ảnh của người phụ nữ tần tảo hôm sớm (chính là hình ảnh người bạn đời của tác giả), cả một đời hy sinh cho chồng con: "Mang trên vai mối tình buồn qua sông dài cơn gió chướng. Duyên tình chưa định hướng mà đã trói đời yêu anh . Hương tóc xanh phai dần tàn chan đắng cay cho phũ phàng. Lỡ chuyến đò sang ngang" (Bông lục bình). Rất nhiều cơn mưa, rất nhiều loài hoa dân dã đã đi vào trong nhạc của Hà Phương.

Sau một thời gian dài tạm quên nghệ thuật để xoay sở mưu sinh, mãi đến thập niên 90 của thế kỷ XX, nhạc sĩ Hà Phương mới sáng tác trở lại. Đó là giai đoạn ông cùng người bạn thân là cố nhạc sĩ Thanh Sơn được Trung tâm Băng nhạc Vafaco mời về hợp tác. Ông bộc bạch: "Kể từ đó, tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam Bộ và cho ra đời những ca khúc đi vào lòng người như: "Bông điên điển"; "Em về Miệt Thứ"; "Nhớ đất quê"; "Chiều mưa qua sông"; "Đồng sâu xứ lạ"; "Bông lục bình"; "Chuyện tình hoa cát đằng...".

Được nhiều người nhớ đến nhất là bài "Bông điên điển". Ông thổ lộ: "Đầu thập niên 1990, tôi đưa gia đình xuống vùng Láng Linh - Châu Phú - An Giang sinh sống, chứng kiến chị em phụ nữ nơi đây hàng ngày chống xuống hái bông điên điển trong mùa nước lũ để mưa sinh. Cảm thông với họ, cũng giống như tôi, vì cuộc sống phải rời xa quê hương xứ sở, tôi đã viết ca khúc "Bông điên điển trình làng vào năm 1993".

Với những ca từ gần gũi, dễ hiểu và đầy cảm xúc: "Chồng gần không lấy, em lấy chồng xa. Giờ đây nhớ mẹ thương cha, còn đâu mà thong thả để về nhà thăm. Xa xăm nơi chốn bưng biền, ăn bông mà điên điển nghiêng mình nhớ đất quê, chồng xa em khó mà về", ca khúc này đã đánh động vào ký ức quê hương, để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người và trở thành một bài hát được nhiều người yêu thích cho đến ngày hôm nay.

Hồn của cảnh vật, của đất trời Nam Bộ thường thấm đẫm trong từng ca khúc của Hà Phương. Vẻ đẹp của cảnh vật và tâm trạng của con người, của nhân vật có sự hòa quyện với nhau, tạo nên chất trữ tình, bay bổng trong từng ca khúc. Hình ảnh dòng sông hiền hòa, cánh đồng bạt ngàn, phì nhiêu, màu mỡ và giai điệu ngọt ngào của những câu Hò, điệu Lý Nam Bộ đã thấm sâu vào tâm hồn nhạc sĩ Hà Phương. Nhờ vậy mà những đứa con tinh thần của ông thường mang âm hưởng dân ca, đậm bóng dáng của hồn quê Nam Bộ.

Hỏi về nhạc phẩm mà ông tâm đắc nhất, nhạc sĩ Hà Phương không ngần ngại trả lời rằng: "Tôi chỉ viết được vài chục bài nhưng mỗi ca khúc viết ra đều thể hiện được điều mình muốn gửi gắm. Dù viết ít, vẫn được mọi người mến mộ, yêu thích. Tuy nhiên, tôi vẫn tâm đắc với hai ca khúc:"Mùa mưa đi qua"; "Mưa đêm tỉnh nhỏ" hơn vì nó thể hiện được tâm trạng, tiếng lòng thời trai trẻ và làm sống lại kỷ niệm về những cuộc tình trong quá khứ nhưng vẫn luôn hiện hữu trong tôi".

Hầu hết những ca sĩ chuyên hát dòng nhạc trữ tình quê hương như: Hương Lan, Trung Hậu, Đông Đào, Thùy Trang, Bích Thảo, Dương Hồng Loan, Lưu Ánh Loan v.v… đều thích thể hiện những ca khúc của nhạc sĩ Hà Phương. Ông không chỉ thành công trong nước mà còn nhanh chóng lan tỏa ra cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng là niềm động viên rất lớn dành cho những nhạc sĩ miệt mài sáng tác như ông.

Không thích phô trương, không thích chạy theo những trào lưu âm nhạc thời thượng, không thích tạo áp lực cho mình bằng số lượng tác phẩm, nhạc sĩ Hà Phương cứ lặng lẽ sống giữa cuộc đời bề bộn và âm thầm viết nhạc một cách rất "tài tử". Ông giống như một người bộ hành không vội vã, cứ thong thả dạo bước trên con đường nghệ thuật. Nhạc của ông rất phù hợp với những ai biết hướng tâm hồn về với quê hương, nguồn cội.

Phạm Thái Bình
.
.