Nhạc sĩ Xuân Giao và tình huynh đệ

Thứ Hai, 20/11/2006, 15:00

Cơn huyết áp lần thứ 3 trong năm gần như đã quật ông quỵ ngã. Ông phát âm không rõ lời nữa, lại như đứa trẻ bắt đầu học nói, ê a... Ông cố nói để cho tôi hiểu rằng, nếu thưa kiện không xong, ông sợ ông đi sớm mà không nhắm được mắt.

Chiến tranh giờ đã lùi xa vào ký ức, song trên các làn sóng âm thanh, những bài hát nức tiếng năm xưa của nhạc sĩ Xuân Giao như: Bài ca biên giới, Những đường dây hát, Chào sông Mã anh hùng, Cô gái mở đường, Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh, Em mơ gặp Bác Hồ... vẫn vang lên đắm say, gợi nhớ về một giai đoạn hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những đóng góp trong âm nhạc đã mang lại cho ông vinh quang. Nhạc sỹ Xuân Giao vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và giải thưởng cao quý nhất, giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật dành cho chùm ca khúc.

Ít ai biết, tác giả của những bài ca bất tử ấy giờ đã là ngọn đèn hiu hắt trước gió. Trong một góc nhỏ của Hà thành những năm tháng cuối đời, nỗi đau nhân tình thế thái vẫn đang bủa vây ông, dồn đuổi ông đến tận cùng. Có ai ngờ được cuộc đời với những hệ lụy trần gian đã không buông tha bất kỳ ai, ngay cả chính ông, người tưởng đã thở phào qua nỗi đoạn trường. Vụ kiện hy hữu của gia đình nhạc sỹ Xuân Giao có thể nói là một vụ kiện buồn bã và đau xót nhất. Chỉ vì tranh giành mảnh đất hương hoả của gia đình dòng tộc mà anh em ruột phải đưa nhau ra toà trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn".

Vì đâu nên cơ sự ấy. Bố của nhạc sỹ Xuân Giao là cụ Trương Xuân Bưu ở thôn Như Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên lấy 2 vợ. Vợ cả là cụ Trương Thị Như sinh được một người con là ông Trương Xuân Lệ. Vợ hai là cụ Ngô Thị Hải sinh được 10 người con (một là liệt sỹ) trong đó nhạc sỹ Xuân Giao là con trai trưởng.

Cụ Bưu có 2 mảnh đất thừa hưởng từ ông nội là Trương Xuân Khôi. Mảnh thứ nhất có diện tích 605m2 năm 1983 đã được các con của bà cả và bà hai nhượng lại cho người trong làng được 48 ngàn đồng chia đều cho tất cả các con. Mảnh thứ hai diện tích 1.280m2 (trong sổ đỏ ghi 1.440m2). Trước năm 1946, mảnh đất này do cụ Bưu quản lý. Năm 1946, cụ Bưu mất chẳng để lại di chúc gì. Cụ Như đứng ra quản lý tài sản trên, và đứng tên đất từ năm 1976 (hiện vẫn còn văn bản lưu hồ sơ gốc tại sổ địa chính của xã Như Quỳnh). Năm 1977, cụ Hải mất không để lại di chúc. Năm 1980, cụ Như mất cũng không để lại di chúc.

Tuy nhiên những năm tháng này, đất đai chẳng đáng giá bao nhiêu, 9 người con của cụ Bưu không ai nghĩ suy gì về việc anh cả Lệ xây tường rào bao quanh tỏ ý chủ nhân của mảnh đất hương hỏa gia tộc để lại. Mặc dù cha và mẹ cả, mẹ hai không còn nữa nhưng tình huynh đệ vẫn mặn nồng thắm thiết bên nhau.

Cho đến khoảng giữa những năm 1990, đất đai trở nên đắt giá. Tấc đất thành tấc vàng, cho rằng mảnh đất do mẹ đẻ mình là cụ Như đứng tên, nghiễm nhiên là đất của riêng mình, năm 2000, bác cả Lệ đã hoàn tất thủ tục để đứng tên quản lý và sử dụng mảnh đất hơn nghìn mét vuông ấy.

Bàn thờ cụ Bưu (cha đẻ nghệ sĩ Xuân Giao) và mẹ cả, mẹ hai tại nhà nghệ sĩ Xuân Giao.

Sau nhiều cuộc họp gia đình bàn bạc năn nỉ và thuyết phục bất thành, nhạc sỹ Xuân Giao cực chẳng đã phải làm đơn ra tòa kiện bác cả Lệ chiếm đất. Cuộc "huynh đệ tương tàn" vì đất kéo dài hơn chục năm. Ngày 2/6/2004, TAND huyện Văn Lâm mở phiên sơ thẩm xét xử công khai tuyên án mảnh đất trên được chia đều cho 10 người con. Ngày 18 và 19/1/2005, TAND tỉnh Hưng Yên mở phiên xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Tưởng như bản án toà tuyên được cả dòng họ Trương nhiệt liệt hoan nghênh ủng hộ vì nó khả dĩ có thể chấm dứt được cuộc chiến đất cát ấy. Thế nhưng bên bị đơn là gia đình bác cả Lệ không đồng ý và tiếp tục làm đơn kháng nghị. Mới đây TANDTC đã ký quyết định kháng nghị số 77 ngày 22/7/2005, đề nghị Tòa Dân sự TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm TAND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên xét xử sơ thẩm lại theo đúng pháp luật.

Trong bài viết này, chúng tôi không có trách nhiệm và thẩm quyền để bàn về việc toà xét xử công bằng hay chưa, ai đúng ai sai, ai có lý trong vụ kiện hy hữu này. Chúng tôi chỉ đề cập đến khía cạnh chân dung một con người, và đằng sau số phận của một người nhạc sỹ lớn như nhạc sỹ Xuân Giao, với nỗi éo le bi kịch vì đất mà cho đến nay anh em ruột rà gạt nước mắt đau lòng chia 2 phe trên toà, con cháu đành không nhìn mặt nhau, coi nhau như kẻ thù trong cuộc quyết chiến giành đất.

Trước khi viết bài này, tôi đã có cuộc chuyện trò với nhạc sỹ Xuân Giao suốt một buổi sáng. Ông giờ đã yếu lắm rồi, trong cơn xúc động nghẹn ngào, câu chuyện của ông được người con cả "dịch" lại. "Anh cả Lệ thực ra là một người rất tốt, hiền lành không có tính tham lam. Xảy ra cơ sự chiếm đất chắc chắn phải có một nguyên nhân sâu xa nào đấy, có thể do ai đó xúi bẩy. Là anh em một nhà, lớn lên bên nhau từ nhỏ, tôi rất hiểu tính cách của bác ấy.--PageBreak--

Trước khi xảy ra chuyện chiếm đất, bác ấy có tâm sự lấy vợ, rồi ở nhà vợ, cả đời coi như bác không có đất có nhà. Tôi hiểu trong một nỗi niềm thâm ý sâu xa, bác Lệ có cái mặc cảm tự ti. Sợ rằng, hiểu được nỗi niềm này ai đó đã mượn bóng bác làm con rối giật dây cho mưu toan chiếm đoạt đất của họ. Bằng chứng là suốt chừng ấy năm, bao nhiêu phiên toà xét xử, không bao giờ bác cả Lệ có mặt mà người được ủy quyền là con gái bác cả Lệ và vợ.

Từ ngày xảy ra cơ sự, mấy anh em họp nhau năn nỉ thuyết phục bác cả Lệ nghĩ đến cha mẹ, tình huynh đệ, danh dự của dòng họ trước bà con xóm làng mà đừng chiếm đất nhưng bác cả Lệ một mực không nghe, cũng chẳng phát biểu gì. Thậm chí cả 9 anh em con mẹ hai chúng tôi xin bác cả Lệ về quê sống, coi sóc mảnh đất hương hỏa, xây nhà thờ họ, để cho con cái, cháu chắt sau này có nơi chốn mà trở về thăm quê hương bản quán, thăm dòng tộc họ hàng nhưng gia đình bác cả Lệ không nghe. Dù vậy, 9 anh em không nản lòng vẫn mong có ngày bác cả Lệ nghĩ lại. Nhưng sau đó, cứ mỗi lần anh em kéo nhau lên nhà bác cả Lệ xin gặp là vợ và con nhất quyết chối từ, bảo rằng bác Lệ đi vắng, hoặc ốm đau không tiếp.

Cực chẳng đã vụ án mới phải kéo dài như vậy và biết đâu không giải quyết xong, đến đời các con cháu cũng sẽ phải lâm vào cảnh "huynh đệ tương tàn" để giữ bằng được mảnh đất hương hỏa. Con cháu anh em chúng tôi, dù có phải trả giá nhiều hơn thế, chúng tôi cũng phải giữ lại bằng được mảnh đất của tổ tiên như lẽ đời phải thế".

Ngay buổi sáng hôm sau, tôi cũng đã có mặt tại số nhà 2B ngõ Trần Xuân Soạn mong gặp được cụ Trương Xuân Lệ để tìm hiểu sự tình. Thật đáng tiếc, bà cả Lệ nhất quyết không cho tôi vào cho đến khi cô con gái là chị Trương Tố Trinh đồng ý mở cửa. Khi hỏi đến cụ Lệ, chị Trinh bảo, bố tôi đi du lịch dài ngày rồi. Thật bất ngờ, đúng vào lúc đó thì bác cả Lệ đi ăn sáng đầu ngõ tay cầm tờ báo chập chững bước vào nhà thì chị Trinh chạy vội ra, xô cha đẻ của mình đi về phía ngõ và bảo với cụ rằng: "Ai hỏi thì bảo ông Lệ đi du lịch dài ngày rồi".

Mọi ý định tìm hiểu một cách trung thực và thiện chí nhất của tôi đã không thể thực hiện được vì tôi bị cả hai mẹ con từ chối tiếp chuyện khi biết tôi là nhà báo đến tìm hiểu về vụ kiện đất đai. Tôi chưa biết gia đình bác cả Lệ hoàn toàn có lý và đã đúng không khi theo đuổi đến tận cùng vụ kiện 9 người em ruột để giành lại bằng được 1.440m2 đất, nhưng cái cách mà vợ bác cả Lệ và chị Trinh con gái bác sợ người ngoài hỏi cha về đất đai đã hành xử với bác cả Lệ một cách thiếu tế nhị như vậy thật khó có sức thuyết phục về sự trung thực và vô tư trong việc độc chiếm mảnh đất của gia đình họ.

Tôi nhìn bác cả Lệ tuổi đã trên 80 với bước đi xiêu vẹo, gương mặt ngác ngơ, lúng túng và sợ hãi trước hành động của con gái mình mà cám cảnh, xót xa. Tôi thầm trộm nghĩ vẩn vơ, biết đâu, trong cuộc chiến vì đất, là bị đơn nhưng bác cả Lệ vẫn ngù ngờ, ngơ ngác như chưa từng hình dung được tường tận những gì đang xảy ra hơn 10 năm qua trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" này.

Vĩ thanh

Những ngày này, các con của nhạc sỹ Xuân Giao đang mang bức thư ngỏ của ông gửi ông Chánh án TAND tối cao đi đến các cơ quan chức năng và thông tin đại chúng để mong nhận được sự ủng hộ của công luận. Bức thư có đoạn: "Kính thưa ông Chánh án! Trong số 9 anh em chúng tôi không có bất kỳ ai tham lam mưu tính sở hữu một vài trăm mét đất ở quê. Con cái chúng tôi cũng trưởng thành, an cư lạc nghiệp. Ước vọng duy nhất của chúng tôi là dựng một khu nhà trên mảnh đất ấy để thờ cúng, nhớ về cội nguồn tổ tiên. Giá như trước đây bác cả Lệ về an dưỡng trên mảnh đất này để nhang khói cho tổ tiên, dòng tộc thì tất cả chúng tôi đều ủng hộ.

Đáng tiếc, bác cả Lệ lại nghe theo những lời xúi giục của ai đó muốn chiếm dụng mảnh đất hương hỏa làm của riêng để đem bán kiếm tiền mà quên mất rằng mẹ cha, ông bà vẫn đang nằm nơi đó. Thật là đau xót. Thưa ông Chánh án, tôi nay như ngọn đèn tàn trước gió bụi, trước lúc sang thế giới bên kia xin thỉnh cầu ông cho xem xét lại toàn bộ sự vụ trên mọi bình diện để có hướng chỉ đạo sao cho khả dĩ, chấm dứt cuộc "huynh đệ tương tàn".

Kính thư: Nhạc sỹ Xuân Giao

Lê Thị Thanh Bình
.
.