Nhạc sĩ Việt Anh: Xa vắng đi niềm kiêu hãnh nào...

Thứ Bảy, 21/10/2017, 08:04
Nhạc sĩ Việt Anh không có yếu tố ngoại hình nào của một người thuộc giới show biz. Bề ngoài, nhạc sĩ Việt Anh giống hệt công chức. Điểm đặc biệt của nhạc sĩ Việt Anh nằm ở đôi mắt vừa mơ màng vừa đăm chiêu. Ngay thời trai trẻ, khi là thành viên của ban nhạc Sài Gòn Boys lừng lẫy, nhạc sĩ Việt Anh cũng gần như đứng ngoài những thị phi sàn diễn. Đó là nét riêng của kẻ ưa suy tư và ưa tự vấn. 


Cách đây 20 năm, nhạc sĩ Việt Anh xuất hiện với những ca khúc lãng đãng buồn thương và nổi tiếng cùng dòng nhạc gắn bó thương hiệu "Làn Sóng Xanh". Rồi đột ngột nhạc sĩ Việt Anh ra nước ngoài học khí nhạc, gần như tách biệt đời sống giải trí trong nước. Trở về quê nhà, năm ngoái người nhạc sĩ ở tuổi 40 đã tổ chức live show "Dòng sông lơ đãng" tại Nhà hát Hòa Bình - TP Hồ Chí Minh. Cứ ngỡ, đó là cột mốc để nhạc sĩ Việt Anh quay lại với âm nhạc, nhưng mới đây anh đã có cuộc gặp gỡ chia tay bạn bè để sang New Zealand định cư!

Nhạc sĩ Việt Anh không có yếu tố ngoại hình nào của một người thuộc giới show biz. Bề ngoài, nhạc sĩ Việt Anh giống hệt công chức. Điểm đặc biệt của nhạc sĩ Việt Anh nằm ở đôi mắt vừa mơ màng vừa đăm chiêu. Ngay thời trai trẻ, khi là thành viên của ban nhạc Sài Gòn Boys lừng lẫy, nhạc sĩ Việt Anh cũng gần như đứng ngoài những thị phi sàn diễn. Đó là nét riêng của kẻ ưa suy tư và ưa tự vấn.

Nhạc sĩ Việt Anh xuất thân dòng dõi nghệ thuật. Bố mẹ đều nổi danh trong nghề múa, NSND Việt Cường và NSND Kim Quy. Vì sao Việt Anh không đi theo vũ điệu. Việt Anh bảo, do từ nhỏ tay chân đã lóng ngóng và vụng về, nên bố mẹ hướng cho học âm nhạc. Cây đàn là bạn của Việt Anh và cây đàn cũng là thứ trói buộc Việt Anh. Có lẽ vì không có tuổi thơ bay nhảy, Việt Anh sớm trang bị cho mình một khuôn mặt có vẻ thâm trầm. Việt Anh chỉ quen chia sẻ cảm xúc với cây đàn, nhưng nếu gặp được người đồng điệu thì cũng trò chuyện rất xôm tụ.

16 tuổi, nhạc sĩ Việt Anh viết ca khúc đầu tay "Mưa phi trường". Thế nhưng, đến năm Việt Anh 20 tuổi thì ca khúc "Người đi xa mãi" qua tiếng hát Lam Trường mới khiến Việt Anh trở nên nổi tiếng. Được đà, nhạc sĩ Việt Anh tiếp tục công bố "Không còn mùa thu", "Dòng sông lơ đãng", "Hoa có vàng nơi ấy" và đặc biệt gần đây nhất nổi tiếng là bài "Đêm nằm mơ phố", "Ngày hôm qua là thế"… Khi ban nhạc Sài Gòn Boys tan rã, thì nhạc sĩ Việt Anh đã có vị trí nhất định trong làng âm nhạc.

Các ca khúc của nhạc sĩ Việt Anh thường giàu chất thơ. Đôi khi bãng lãng và lưu luyến: "Còn thương nhớ nhau, về thắp sao trời. Còn thương nhớ nhau, từng đêm bão tố. Tóc ướt trăng thề, lời yêu chưa nói trên môi vụng về". Đôi khi bịn rịn và day dứt: "Anh nhớ em từng buồn vui nơi đó, anh nhớ em từng đêm gió về. Bao ước mơ một thời thiếu nữ, theo lá rơi con sông mùa thu".

Nghe ca khúc của Việt Anh dạo ấy, không khó thấy được bóng dáng tình nhân nhung nhớ tình nhân, rồi người dưng tiễn biệt người dưng. Ngoảnh lại, nhạc sĩ Việt Anh tự thú: "Tôi không phủ nhận những người con gái trong ca khúc của tôi là những con người cụ thể, nhưng giờ đã lỡ làng hết rồi. Những gì đã qua đã cho tôi cảm xúc.

Và những sáng tác là những phản ứng của con người mình với tình yêu để thể hiện thành những suy nghĩ với cuộc sống…". Riêng nhạc sĩ Phú Quang không tiếc lời khen ngợi đồng nghiệp đi sau: "Trời đã cho Việt Anh một năng khiếu và tư chất sáng tác bẩm sinh, còn ý chí và nghị lực của anh thì đã giúp anh đi dến tận cùng con đường mà anh từng mơ ước. Tất cả những điều đó đã biến Việt Anh từ một cậu bé ít nói của ngày xưa đã và đang trở thành một nhạc sĩ tài năng".

Nói cho sòng phẳng, ca khúc của nhạc sĩ Việt Anh, thì ca từ vượt trội hơn giai điệu. Mặt khác, những xót xa chốc lát, những giận hờn vu vơ chỉ có thể tạo ra một vệt ca khúc trong một thời điểm nào đó thôi. Cái mạch cảm xúc đắm đuối kiểu cổ điển không thể kéo dài lâu. Nếu gắng gượng viết tiếp, sẽ lặp lại chính mình và sẽ rơi vào ngõ cụt. Nhạc sĩ Việt Anh thừa thông minh để hiểu ra sự thật, và can đảm chọn cách dừng lại. Dù đã dừng lại, cũng không vớt vát danh vọng để kiếm ăn bằng những kỹ thuật đơn giản và cũ kỹ, nhạc sĩ Việt Anh quyết định sang New Zealand học khí nhạc. Con đường ấy không quá khó hiểu, vì thần tượng của Việt Anh là nhạc sĩ Nga- Rachmaninov!

Tuy nhạc sĩ Việt Anh chưa bao giờ phải đối diện cảnh túng thiếu, nhưng tự lập nơi đất khách không hề đơn giản. Nhạc sĩ Việt Anh chấp nhận làm bồi bàn để có tiền trang trải cơm áo xứ người. Tốt nghiệp khoa sáng tác Trường Đại học Auckland, nhạc sĩ Việt Anh về nước đầu quân cho Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, nơi bố mẹ mình từng gắn bó. 

Đành rằng tri thức rất có ích cho sáng tạo, nhưng trình độ học vấn được nâng lên không có nghĩa sẽ viết được tác phẩm hay hơn. Nhạc sĩ Việt Anh của hôm nay và nhạc sĩ Việt Anh của hôm qua có gì khác nhau chăng? Hai ca khúc đình đám đánh dấu sự trở lại của nhạc sĩ Việt Anh chính là hai ca khúc viết cho dòng phim thị trường. Thử nghe "Tôi là ai trong em" viết cho bộ phim "Taxi, em tên gì?" và "Ngày em xa quê" viết cho bộ phim "Vòng eo 56", hoàn toàn không có gì vượt trội về lời cũng như về nhạc.

Tuy nhiên, ít nhiều cũng đã thấy một nhạc sĩ Việt Anh đang thay đổi, thực hơn và đời hơn, đúng như anh tâm sự: "Tôi nghĩ, mọi thứ quan trọng ở việc mình hết mình với cuộc sống. Đừng bắt tôi phải giống như ngày hôm qua. Tôi rất hạnh phúc và bằng lòng với hiện tại. Nếu có sự thay đổi, tôi chỉ muốn nó diễn ra bên trong thôi. Có lẽ, sau này tôi có khuynh hướng thiên về tâm linh nhiều hơn. Tôi không nghĩ sẽ lựa chọn bi kịch, mâu thuẫn lớn lao cho sáng tác của mình. Tôi muốn tâm hồn mình an lành và tĩnh lặng!".

Gia đình nhạc sĩ Việt Anh!

Nhạc sĩ Việt Anh vốn kín tiếng. Anh không tuyên ngôn nghệ thuật cũng không phát biểu gây sốc. Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn nghệ sĩ, thì Việt Anh là một con người hơi nhạt. Thế nhưng, điều đó chẳng có gì quan trọng, khi Việt Anh hứng thú trải nghiệm với âm nhạc và chỉ thăng hoa trong âm nhạc. Năm 2007, nhạc sĩ Việt Anh lấy vợ, cũng không mấy người biết. Bà xã của nhạc sĩ Việt Anh từng cư ngụ gần nhà anh ở khu vực Thị Nghè. Quen biết nhau từ trước, nên khi gặp lại ở Mỹ, họ đã kết thành một đôi, như duyên phận. 

Bây giờ, vợ chồng của nhạc sĩ Việt Anh đã có hai con, một trai một gái. Ngoài thú vui ôm đàn, nhạc sĩ Việt Anh có thêm thú vui ôm con. Đứa con gái nhỏ lúc chào đời bị sinh non, phải áp dụng phương pháp kangaroo. Cảm giác ông bố Việt Anh ấp kangaroo cho con gái ra sao? Nhạc sĩ Việt Anh cười: "Rất kỳ lạ, vừa hồi hộp vừa hân hoan!".

Có lẽ vì tình yêu ấy mà nhạc sĩ Việt Anh cho rằng mình vẫn nợ con gái một bài hát. Với con trai đầu lòng, nhạc sĩ Việt Anh đã viết tặng ca khúc "Những bến bờ cho con". Còn với con gái, nhạc sĩ Việt Anh vẫn đắn đo chưa biết viết gì, nỗi đắn đo của một ông bố nghe thật nghẹn ngào: "Viết cho con gái thì... hơi khó.

Viết trong sáng quá thì tôi không viết được, còn gửi gắm nặng nề quá thì thôi cứ để con được hồn nhiên lúc này. Ví dụ tôi viết khen tóc con dài xinh quá, vô tình lại là áp lực cho con, khiến con có muốn cắt tóc đi cũng phải nghĩ ngợi nhiều, mất đi sự phát triển tự nhiên của con. Vậy nên có tâm tư gì thì thôi cũng cứ để sau này đã".

Nhạc sĩ Việt Anh bước qua tuổi 41. Cái độ tuổi "nhi bất hoặc" không còn quá ảo tưởng, không còn quá mộng mị. Cũng là cái độ tuổi đủ chín chắn để nghĩ ngợi sâu sắc hơn về sự nghiệp. Có thể xem live show "Dòng sông lơ đãng" năm ngoái là một cột mốc, để nhạc sĩ Việt Anh nhìn lại những ca khúc trai trẻ của mình. Còn tương lai thì chân trời âm nhạc mênh mông, nhạc sĩ Việt Anh tiếp tục viết ca khúc hay chuyển hẳn sang khí nhạc, vẫn rất đáng để công chúng chờ đợi.  

Hiện tại, nhạc sĩ Việt Anh hạnh phúc với tổ ấm của mình, dù phải tha hương. Phía sau cánh cửa gia đình, anh bộc bạch: "Sự khéo léo duy nhất của một người đàn ông của tôi chỉ để phục vụ việc rửa bát giúp vợ thôi", nhưng anh cũng thật may mắn khi có được một người vợ am hiểu khát vọng sáng tạo âm nhạc của chồng: "Cô ấy thích và cũng là người đầu tiên nghe những sáng tác mới của tôi. Đó là một người luôn tôn trọng và ủng hộ tôi trong nghề nghiệp!". Vậy là đủ, để nhạc sĩ Việt Anh tiếp tục "tình yêu tôi hát" thong dong "em có nghe lời ca anh hát, xa vắng đi niềm kiêu hãnh nào"!

Tuy Hòa
.
.