Nhạc sĩ Văn Ký: Cháy mãi bài ca hy vọng

Thứ Sáu, 06/11/2020, 11:29
Nhạc sĩ Văn Ký, sinh năm 1928, đến với nghệ thuật âm nhạc từ tuổi 15. Năm 16 tuổi ông hoạt động du kích, bị địch bắt tra tấn rất dã man nhưng một lòng kiên định bảo vệ tổ chức. Ra tù, ở tuổi 18, Văn Ký chỉ huy du kích ở huyện, là người có tài tổ chức, và nổi tiếng là “cây văn nghệ”. Nhưng cũng ít ai biết trước khi đến với âm nhạc, Văn Ký còn là một “chàng kỵ sĩ tài ba”: đua ngựa giỏi, bắn súng, bắn cung tên giỏi.


Năm 1948, ở tuổi 20, Văn Ký là Huyện đội trưởng huyện Nông Cống (Thanh Hóa), trước khi trở thành anh bộ đội Vệ quốc Trung đoàn 77 và trở thành đảng viên từ rất sớm, nhiều triển vọng, được cấp trên cử đi dự lớp bồi dưỡng Văn hóa Văn nghệ của Liên khu IV – bộ môn âm nhạc.

Nhạc sĩ Văn Ký bên cây đàn piano.

Được tiếp xúc với những người thầy đầu tiên tài năng và tâm huyết như nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Văn Thương, Văn Ký sớm tìm ra con đường sự nghiệp của mình là âm nhạc. Tốt nghiệp khóa học, Văn Ký được điều động về cơ quan Hội Văn nghệ liên khu IV, do nhà thơ Lưu Trọng Lư làm Chủ tịch. Trong Ban chấp hành Văn nghệ Liên khu cùng thời có các nhà thơ: Thanh Tịnh và Chế Lan Viên.

Tiếp cận với môi trường văn nghệ, Văn Ký sớm bộc lộ khả năng sáng tác và trở thành nhạc sĩ nhiều triển vọng, được Hội Văn nghệ Liên khu IV cử vào Bình – Trị - Thiên (Quảng Bình – Quảng Trị và Thừa Thiên) đi thực tế sáng tác, cùng với nhạc sĩ Minh Hiến và Hải Châu (Hải Châu là em ruột nhà nghiên cứu lý luận Văn nghệ Hải Triều).

Bốn ca khúc đầu tiên của ba nhạc sĩ được đồng bào Bình – Trị - Thiên đón nhận nồng nhiệt, đó là bài “Trâu ra” và “Qua đường quốc lộ” của Hải Châu, “Ta đào, ta rào” của Minh Hiến và “Bình Trị Thiên quật khởi” của Văn Ký, được các anh Hải Châu và Minh Hiến dàn dựng khá công phu. Bài “Bình Trị Thiên quật khởi” sau này trở nên nổi tiếng, được danh ca Quốc Hương thể hiện khá thành công.

Năm 1954, ở tuổi 26, nhạc sỹ Văn Ký được cử làm Trưởng đoàn Ca múa nhạc Liên khu IV ra Hà Nội dự “Đại hội Văn công toàn quốc”. Chương trình của Đoàn ca múa nhạc Liên khu IV được hội diễn đánh giá cao, được Ban tổ chức tặng giải thưởng.

Qua hội diễn, Văn Ký thể hiện rõ tài năng sáng tác và khả năng tổ chức chỉ huy chương trình biểu diễn. Ông đã lọt vào “mắt xanh” của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, lúc đó là Trưởng ban tổ chức trù bị “Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam”. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát trao đổi với đương kim Chủ tịch Hội Văn nghệ Liên khu IV, nhà thơ Trần Hữu Thung để xin Văn Ký về Hà Nội tham gia “Ban trù bị thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam”.

Trong Đại hội, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát được bầu là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Văn Ký trúng cử Ban chấp hành cùng với các nhạc sĩ tên tuổi như Văn Cao, Trần Hoàn, Nguyễn Đức Toàn... ông được giữ lại cơ quan Hội với tư cách là “Ủy viên thường trực”.

Nhạc sĩ Văn Ký viết “Bài ca hy vọng” năm 1958, ở tuổi 30. Cuối năm 2019, ở tuổi 90, chỉ trong hơn mười ngày, ông đã viết xong hai bài: “Dệt mùa thu xanh” và “Đêm trăng Hạ Long”, phổ thơ của Hoàng Kim Đáng. Trao đổi với Diệu Ân, tác giả của cuốn sách “Hành trình bài ca hy vọng” viết về nhạc sĩ Văn Ký. Diệu Ân hỏi Văn Ký: “Tại sao ông viết nhanh đến như vậy?”. Ông cười và trả lời: “Trong thơ của Hoàng Kim Đáng đã có nhạc rồi!”. 

Mới đây, bài “Cô vít phải lùi xa!” vừa in trên Tạp chí “Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam!” để tặng các thầy thuốc Việt Nam “chống dịch như chống giặc”. Có lẽ đây là bài hát cuối cùng của nhạc sĩ Văn Ký. Vẫn nét nhạc và lời ca hào sảng, tươi sáng và tràn đầy hy vọng. “Cô vít – kẻ thù vô hình/ Không quốc tịch/ Không màu da/ Như cơn bão tràn qua/ Cả địa cầu chao đảo!/ Việt Nam ơi/ Hãy đồng lòng xông tới.../ Chẳng kẻ thù nào đánh gục được chúng ta!...”.

Nhạc sĩ Văn Ký bên Hồ Gươm – mùa xuân 2019.

Hơn 70 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác trên 400 nhạc phẩm gồm ca khúc, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, trở thành nhạc sĩ rất nổi tiếng với “BÀI CA HY VỌNG”; “NHA TRANG MÙA THU LẠI VỀ”; “TÂY NGUYÊN BẤT KHUẤT”; “TRỜI HÀ NỘI XANH”; “HÀ NỘI MÙA XUÂN”; “CÔ GIÁO TàY CẦM ĐÀN LÊN ĐỈNH NÚI”... Nhưng chỉ riêng “BÀI CA HY VỌNG” khi được tung lên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam đã làm nên một tên tuổi Văn Ký cực kỳ nổi tiếng không chỉ trong nước và quốc tế mà còn được mọi thế hệ và mọi lứa tuổi người Việt Nam đón nhận, mà âm thanh của bài ca trong trẻo, vút cao, vang xa, có sức mạnh mở toang cánh cửa “xà lim”; “chuồng cọp”, truyền cảm hứng cho tù nhân có được niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng!

Từ trong xà lim, chuồng cọp, “Bài ca hy vọng” sau đó mới đến với giới âm nhạc đô thành Sài Gòn. Họ cảm phục tù nhân: “Ở trong lao tù mà có được một bài ca hay đến thế!”.

Sau này, được nghe ca sĩ Khánh Vân hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sĩ Trần Long Ẩn mới biết “Bài ca hy vọng” là của một nhạc sĩ Cộng sản chính hiệu, một tài năng âm nhạc lớn, được các nhạc sĩ trong phong trào sinh viên ngưỡng mộ, coi như một “thần tượng âm nhạc Cách mạng”, đó chính là nhạc sĩ Văn Ký!

Những người hát “Bài ca hy vọng”, chỉ huy dàn dựng bài hát đầu tiên cũng là những tù nhân chuồng cọp, là chị Bẩy Hiền, là chị Trương Mỹ Hoa, là chị Nguyễn Thị Châu (vợ anh Lê Hồng Tư – người giương cao ngọn cờ đấu tranh bất khuất của phong trào sinh viên), là chị Phan Thị Quyên (vợ Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi)...

Người truyền bá đầu tiên trên làn sóng điện của chính quyền Sài Gòn là ca sĩ Thái Thanh (miền Nam), là ca sĩ Khánh Vân, là Nghệ sĩ nhân dân Lê Dung (miền Bắc). Hát ở trong tù và sau giải phóng 30/4/1975, khi chị Châu trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 10, TP Hồ Chí Minh, chị vẫn hát “Bài ca hy vọng”!

Chị Trương Mỹ Hoa từng hát ở trong xà lim, chuồng cọp, hát khi trở thành Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và sau này trở thành Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, chị vẫn say sưa hát “Bài ca hy vọng”!

Ca sĩ Khánh Vân trong đoàn ca múa nhạc Trung ương đã hát “Bài ca hy vọng” ở trên 40 quốc gia trên thế giới. Sau Khánh Vân là các danh ca: Lê Dung, Trung Kiên, Bích Liên, Tùng Dương, Mỹ Linh, Lan Anh, Rơ Chăm Pheng, Trọng Tấn, Hồ Quỳnh Hương, Hồng Nhung, Thanh Thúy, Khánh Linh, Nguyễn Thảo, Uyên Linh cùng rất nhiều ca sĩ trẻ và biết bao người dân Việt nam nữa cũng đã từng hát “Bài ca hy vọng”.

“Bài ca hy vọng” còn bay qua biên giới, khiến các ca sĩ Nhật Bản, Nga, Séc, Trung Quốc, Lào... cùng ca vang khi hát bằng tiếng của nước họ, khi bằng tiếng Việt. Bài hát còn được sử dụng thường xuyên trong các kỳ thi tốt nghiệp về âm nhạc, trong hội diễn, liên hoan văn nghệ, trong các cuộc thi ca nhạc chuyên nghiệp. “Bài ca hy vọng” còn được soạn cho độc tấu sáo, ghi ta, vi-ô-lông, vi-ô-lông xen, pi-a-nô và các dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc, sử dụng trong nhạc phim, trong các chương trình “Giai điệu tự hào”, “Những bài ca đi cùng năm tháng”, “Người của công chúng”, “Còn mãi với thời gian”, “Con đường âm nhạc”...

Ngày 26/10 vừa qua, người nhạc sĩ của “Bài ca hy vọng” đã tạm biệt cõi trần gian để chu du trong chốn bồng lai tiên cảnh. Ông hưởng thọ 92 tuổi. Dẫu biết đời người là hữu hạn, sinh tử là quy luật của đời người, song khi nghe tin báo chí và các phương tiện đại chúng đưa tin tác giả “Bài ca hy vọng” ra đi, người hâm mộ vô cùng tiếc nuối. Nhưng tôi vẫn cứ nghĩ, với Văn Ký, sức sống của ông, tài năng của ông, đức độ của ông rồi sẽ trường tồn  mãi theo thời gian, qua năm tháng, như sức sống mãnh liệt của  “Bài ca hy vọng”.

Hoàng Kim Đáng
.
.