Nhạc sĩ Phong Nhã và nhạc sĩ Trần Khánh Nam: Tương liên từ một câu nhạc

Chủ Nhật, 07/06/2020, 08:06
Thắc mắc đã sáng rõ, cũng là lúc mối quan hệ giữa nhạc sĩ Phong Nhã và nhạc sĩ Trần Khánh Nam trở nên thân tình. Tất cả đều do quý nhau, trọng nhau, mến tính tình của nhau trong sự đồng điệu, tương liên giữa hai thế hệ nhạc sĩ...

Vậy là người 'nhạc sĩ của thiếu nhi' ấy, nhạc sĩ Phong Nhã, đã nhẹ gót về với thế giới người hiền, để lại một khoảng trống rất khó lấp đầy. Trong nỗi niềm thương nhớ người nhạc sĩ tài hoa độc đáo, nhạc sĩ Trần Khánh Nam, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: "Tình cảm của tôi đối với nhạc sĩ Phong Nhã, ngoài tình cảm của một người được thẩm thấu âm nhạc Phong Nhã qua tuổi thơ, còn là sự tương liên giữa hai thế hệ nhạc sĩ".

Nhạc sĩ Trần Khánh Nam kể, vì là dân nhạc nên ông cảm thấy câu nhạc "Tiến quyết tiến dưới Quốc kỳ thắm tươi" ở ca khúc "Đội ca" in trong một số văn bản có một từ hơi gờn gợn, ấy là từ "dưới". Nhạc sĩ Trần Khánh Nam cho rằng, với lứa tuổi thiếu nhi, việc sử dụng từ "dưới" trong câu nhạc trên là chưa thật sự phù hợp. Mà theo ông thì trong câu nhạc đó, nếu dùng từ "hướng" sẽ phù hợp hơn từ "dưới".

Nhạc sĩ Phong Nhã (bên phải) và nhạc sĩ Trần Khánh Nam tại nhà riêng của ông ở Hà Nội.

Từ suy nghĩ này, năm 2013, nhạc sĩ Trần Khánh Nam quyết định ra Hà Nội một chuyến, để trực tiếp hỏi cha đẻ ca khúc "Đội ca" xem trong văn bản gốc nó là "dưới" hay "hướng". "Nhạc sĩ Phong Nhã khẳng định, "Tiến quyết tiến hướng Quốc kỳ thắm tươi" mới là câu nhạc gốc của ông. Bởi đối với thiếu nhi, việc trực tiếp cầm súng chiến đấu chống giặc ngoại xâm là không thể, chúng ta chỉ có thể định hướng cho các em yêu Tổ quốc. "Hướng Quốc kỳ" là vì thế! Còn câu nhạc "Tiến quyết tiến dưới Quốc kỳ thắm tươi" chính là "dị bản", nhạc sĩ Trần Khánh Nam cho biết.

Thắc mắc đã sáng rõ, cũng là lúc mối quan hệ giữa nhạc sĩ Phong Nhã và nhạc sĩ Trần Khánh Nam trở nên thân tình. Tất cả đều do quý nhau, trọng nhau, mến tính tình của nhau trong sự đồng điệu, tương liên giữa hai thế hệ nhạc sĩ. Một người vì kính trọng tài năng, đức độ của bậc tiến bối mà không quản ngại xa xôi, vượt hơn 1 ngàn cây số, từ huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) ra Hà Nội, tìm gặp người nhạc sĩ tài hoa đã dành cả cuộc đời mình để sáng tác nhạc thiếu nhi. Người kia lại tỏ rõ sự quý mến một con người hậu bối cẩn trọng, kỹ lưỡng tới mức nhắc lên đặt xuống từng từ một.

Thế rồi, qua quá trình trao đổi, nhạc sĩ Trần Khánh Nam phát hiện thêm, thì ra nhạc sĩ Phong Nhã không những là "nhạc sĩ của thiếu nhi", người có nhiều bài hát gắn liền với ký ức tuổi thơ nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam như "Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng", "Nhanh bước nhanh nhi đồng", "Lê Văn Tám", "Đội ta lớn lên cùng đất nước", "Anh còn sống mãi", "Đội ca", "Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh", "Kim Đồng", "Hành khúc Đội", v.v, mà còn là tác giả viết về quê hương đất nước rất sâu sắc.

"Tiếng hát trên sông Cửu Việt" là ca khúc như thế! Ở bài hát này, nhạc sĩ Phong Nhã đã có một liên tưởng hết sức tinh tế, khi cho rằng những bước chân của những người dân quân đi tuần tra trên sông Cửa Việt như những hạt cát ghi lại truyền thống đánh giặc giữ nước của quân dân Quảng Trị, một truyền thống đầy vinh quang, rất đỗi tự hào: "Mỗi bước chân đi mỗi hạt cát li ti ghi truyền thống vinh quang". "Người non tuổi đời, non tuổi nghề, non cả tư duy chắc chắn không thể có cái nhìn sâu sắc để mà viết ra câu nhạc ấy", nhạc sĩ Trần Khánh Nam nhận xét.

Nói về sự nghiệp sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Phong Nhã, nhạc sĩ Trần Khánh Nam tỏ rõ sự kính trọng: "Âm nhạc Phong Nhã ghi đậm nét trong lòng người yêu nhạc cả nước. Bên cạnh tính chuẩn mực, khuôn thước như sách giáo khoa, tác phẩm âm nhạc của ông còn có giá trị như những sử liệu được viết bằng giai điệu về từng chặng đường lịch sử đất nước. Nghe ca khúc "Kim Đồng", thấy hiện lên giai đoạn lịch sử thời người đội viên Kim Đồng sống.

Nghe bài hát "Lê Văn Tám", lại hiện ra hành động anh hùng quả cảm của cây đuốc sống Lê Văn Tám. Suốt 70 năm qua, không một ai là không thẩm thấu những giai điệu của ông, qua tuổi thơ mình. Giai điệu và ca từ của nhạc sĩ Phong Nhã không lẫn với bất cứ ai. Âm nhạc của ông nhiều thế kỷ sau vẫn còn nguyên vẹn giá trị định hướng, giá trị thẩm mỹ đối với thế hệ trẻ".

Sau chuyến đi ấy, nhạc sĩ Trần Khánh Nam phần vì kính trọng một con người tài hoa, phần vì muốn cho các thiếu nhi huyện Di Linh gặp gỡ, trò chuyện cùng tác giả ca khúc "Đội ca", để các em hiểu hơn, yêu hơn chiếc khăn quàng đỏ mà hàng ngày mình vẫn mang trên vai, nên đã tổ chức cho 32 thiếu nhi gặp mặt nhạc sĩ Phong Nhã, người Tổng phụ trách đầu tiên của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh tại Hà Nội, vào tháng 5 năm 2018. Tình cảm chân thành của các thiếu nhi Di Linh đã chạm tới trái tim người nhạc sĩ già khiến nhạc sĩ Phong Nhã rất xúc động.

Nhạc sĩ Phong Nhã và nhạc sĩ Trần Khánh Nam.

"Ông nhắc đi nhắc lại "Di Linh là nhất nước". Bởi Di Linh là đơn vị đầu tiên ở miền Nam - Tây Nguyên ra Hà Nội thăm ông, đặc biệt là những tình cảm nồng ấm mà các thiếu nhi huyện Di Linh dành cho mình. Nhạc sĩ Phong Nhã bảo, nó là thứ tình cảm không dễ có trong cuộc đời", nhạc sĩ Trần Khánh Nam kể lại.

Thứ tình cảm không dễ gì có trong đời đó, một lần nữa được con trai nhạc sĩ Phong Nhã, nhạc sĩ Phong Vân, nhắc lại trong ngày bố mình qua đời. Nhạc sĩ Phong Vân đã viết cho nhạc sĩ Trần Khánh Nam: "Cảm ơn tình cảm của anh dành cho nhạc sĩ Phong Nhã. Bố tôi khi còn sống vẫn nhắc đến anh, một thầy giáo, nhạc sĩ ở Di Linh, Lâm Đồng vì mếm mộ tài năng đức độ của cụ mà không ngại xa cách đã tổ chức cho cả đoàn thiếu nhi huyện Di Linh ra thăm cụ. Cụ vẫn coi việc đó như một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của cụ".

Thế đấy, kỷ niệm dẫu là xưa cũ, ngày đó dẫu đã xa xôi, thì tình cảm giữa nhạc sĩ Phong Nhã và nhạc sĩ Trần Khánh Nam vẫn không bị mất đi theo thời gian. Nó như một bảo chứng, rằng nhạc sĩ Phong Nhã vẫn hiện diện trong cuộc đời này. Hiện diện trên các trước tác âm nhạc của ông.

Triều Ka
.
.