Nhạc sĩ Lê Quang: Những cơn mưa mùa hạ còn rơi…

Thứ Sáu, 12/07/2019, 19:07
Những cơn mưa hạ rồi cũng nói lời từ biệt sang mùa. Nhưng với Lê Quang, mùa hạ mãi xa ấy vẫn nằm trong ký ức. Ký ức về đời lính mà cây súng thay cho dây đàn, ký ức về những lá thư tình biên giới đong đầy yêu thương của một thời vụng dại...


Nhìn Lê Quang, nhìn cái khí chất ngang tàng, phóng khoáng đúng kiểu cách trai Nam bộ, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi nghe tình ca của anh. Lê Quang từng có một công việc hợp với khí chất: thành viên ban nhạc rock Da Vàng. Anh viết những bài rock cho cả nhóm hát. 

Nói như Lê Quang, đó là những bài hát sôi nổi nhưng rồi trôi đi, chẳng mấy ai nhớ lấy. Rồi từ thách thức của một đồng nghiệp, anh viết tình ca. Bởi người ấy khích: “Chỉ có tình ca, thì khán giả mới thích, mới hát. Chứ viết rock, khán giả khó hát lắm”.

Tình ca mà Lê Quang viết là ca khúc “Đi về nơi xa” (1996), “Mùa hạ mãi xa” và hàng loạt bài hát lãng mạn khác. Giai đoạn năm 2000, “Đi về nơi xa” là ca khúc ghi dấu tên tuổi Lê Quang và làm nên thành công cho ca sĩ Đan Trường. Ca khúc lúc đầu được ca sĩ Thu Hà chọn để thể hiện trong album “Niềm đau chìm xuống”.

Nhạc sĩ Lê Quang.

Thế nhưng, nhạc sĩ Hoàng Tuấn tình cờ biết đến và mua độc quyền hai năm cho Đan Trường thể hiện. Giọng ca trẻ trung, da diết của Đan Trường đã biến bài hát thành ca khúc pop-ballad ăn khách đình đám. Lê Quang chẳng ngờ bài hát lại nổi tiếng đến thế. Anh kể có lần chạy xe ngang qua một nhà hàng, thấy người ta mở bài hát của mình, anh tấp vô lề, say sưa lắng nghe mà sướng ti tỉ.

Ít ai biết đằng sau giai điệu trầm buồn, sâu lắng ấy, không phải chỉ là một chuyện tình đơn thuần, mà đó là chuyện tình của người lính ở chiến trường biên giới. Vừa học xong một năm dự bị đại học khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp, Lê Quang xếp bút nghiên đi lính nghĩa vụ ở Campuchia. Đơn vị anh đóng quân ở vùng ngoại ô Phnôm Pênh với nhiệm vụ kiểm soát quân sự.

Đó là năm 1987. Chiến tranh đã chấm dứt nhưng bom mìn vẫn vây đầy thôn xóm. Nhiều con bò thả rông liên tục thế mạng người vì đạp phải mìn. Thời ấy, Lê Quang là người tài hoa, nhiều chữ nghĩa nhất trong đám lính. Anh đàn giỏi, hát hay, lại có tài văn chương đúng chất trai thành thị. Do đó, các anh em thường nhờ Lê Quang viết thư giùm.

Có người bạn thân hay nhờ Lê Quang viết thư cho người yêu ở miền Tây. Rồi bỗng một thời gian dài, người bạn không nhờ Lê Quang viết thư nữa. Ở vọng gác, anh thấy mỗi chiều tối, người đồng đội ấy mặc áo quần chỉnh tề, đẹp đẽ như hẹn hò rồi đi lên ngọn đồi một mình. Đêm mịt mùng, người đồng đội về vọng gác trong câm lặng.

Sốt ruột, Lê Quang hỏi thì câu trả lời của bạn nhẹ bẫng mà cay xè như khói lên trời: “Cô ấy đi lấy chồng rồi”. Câu trả lời của bạn gợi lại chuyện tình học trò đã tan như bong bóng mưa của chính Lê Quang. Những bức thư tay từ biên giới về bên người bạn gái rồi cũng mất dấu theo bước chân nàng vu quy. Lê Quang bảo mưa mùa hạ ở xứ người lạ lắm, trời nóng gắt, mưa theo mây về rơi đấy rồi tạnh ngay đấy. Nó có khác gì những chuyện tình xa đã chia ly.

Nhớ về hình ảnh người lính một mình lặng lẽ lên ngọn đồi, rồi trở về buồn bã, những dòng nhạc đầu tiên tuôn thành dòng: “Trong bóng đêm tôi về ôm cuộc tình lẻ loi/ Biết em về đâu mùa hạ, hỡi em về đây mùa đông/ Bài thơ xưa anh viết cho em chỉ còn nỗi muộn phiền/ Bài thơ xưa anh viết cho em chỉ còn nỗi đau...”.

Nếu “Đi về nơi xa” là bài hát dành cho người đồng đội thì “Mùa hạ mãi xa” chính là khúc ca cho mối tình vụng dại của Lê Quang. “Đừng vội khóc, những cơn mưa mùa hạ/ Đừng vội khóc cho cuộc tình vừa xa/ Mưa giăng lối xưa... Đêm ru nỗi đau/ Những cơn mưa mùa hạ còn rơi/ Buốt tim anh. Mùa hạ mãi xa...”.

Lê Quang bảo anh từng là người lính, anh hiểu những khốc liệt của chiến tranh. Dẫu ngày anh khoác ba lô hướng về biên giới, chiến tranh đã tạm ngưng nhưng những tàn khốc, đổ vỡ của nó vẫn lưu lại nơi mặt người, nơi gốc cây, ngọn cỏ. Và người lính, anh muốn viết những bài ca về họ. Đó không phải là những bài ca về hậu phương, về chiến trường mà đi sâu vào góc khuất riêng tư. Nên tình lính trong “Đi về nơi xa”, “Mùa hạ mãi xa”... hòa điệu trong cái chung, như nỗi lòng của bao nhiêu chàng trai thất tình trên đời.

Tác phẩm “Đi về nơi xa” của nhạc sĩ Lê Quang là một trong những bài hát làm nên tên tuổi ca sĩ Đan Trường.

Ngoài những tình ca trên, Lê Quang còn nổi tiếng với bài hát “Niềm tin chiến thắng”, “Linh thiêng Việt Nam”... Có vẻ như nó là một mảng màu đối lập, trái ngược hoàn toàn với gam màu lãng mạn trước đó. “Niềm tin chiến thắng”, “Linh thiêng Việt Nam” là hai bài hát được đặt hàng.

Hồi diễn ra Giải bóng đá U21 Báo Thanh Niên, Lê Quang được đặt hàng viết một bài hát cổ động. Thể thao là lĩnh vực khó nhằn, nếu không viết khéo, ca khúc dễ bị khô khan, sa đà hô hào khẩu hiệu. Lê Quang vò đầu bứt tai mấy ngày liền.

Rồi anh ngẫm, thể thao thì ắt có người thắng, kẻ thua, chỉ có niềm tin là mãi mãi. Ở đời cũng vậy, trong mọi hoàn cảnh, nếu có niềm tin thì chiến thắng sẽ sớm chạm đến. Vậy là anh lấy đó làm tứ để dệt nên một bài hát mà xét kỹ lời ca, nó không nhắc gì đến bóng đá, thể thao. Chính vì vậy, bài hát chạm được đến mọi đối tượng khán giả. Đưa “Niềm tin chiến thắng” đến gần công chúng có sự đóng góp không nhỏ của ca sĩ Mỹ Tâm.

Lê Quang kể: “Giai đoạn 2003-2004, ca sĩ Phương Thanh rất nổi, còn Mỹ Tâm thì mới được công chúng chú ý. Tôi do dự, phân vân không biết nên chọn ai thể hiện ca khúc mới của mình. Xét kỹ thấy giọng Mỹ Tâm hợp hơn, vậy là tôi chọn. Không biết thông tin rò rỉ thế nào mà Phương Thanh giận tôi vụ ấy. Giống như số mệnh an bài vậy, hôm chung kết, đội Đà Nẵng – quê hương Mỹ Tâm - vô địch. Chính điều đó khiến Mỹ Tâm thể hiện “Niềm tin chiến thắng” trên cả tuyệt vời”.

Thế nhưng, bài hát khiến Lê Quang đến bây giờ vẫn chưa hết ngạc nhiên tự hỏi “mình viết ư” là “Linh thiêng Việt Nam”. Cách đây hơn 10 năm, anh được ban tổ chức một chương trình cầu truyền hình đặt hàng viết ca khúc kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ. Ban tổ chức đưa anh và các nhạc sĩ đi khắp Việt Nam để về nguồn, dâng hương nghĩa trang. Viết về thương binh, đã có nhiều bài hát quá hay nên anh muốn viết bài hát dành cho người nằm xuống.

Cũng một đời lính, cũng một thời trai trẻ nhưng thế hệ đi trước vĩnh viễn nằm lại. Còn anh, anh đắm mình dưới bầu trời hòa bình. Lê Quang bảo có lẽ lúc đó có ai cầm tay mình viết hay nỗi xúc động dẫn đường cho câu chữ, giai điệu thành hình: “Linh thiêng trời Việt Nam/ Linh thiêng đất Việt Nam/ Linh thiêng đất trời Việt Nam/ Hỡi các anh những linh hồn không tuổi, hỡi các mẹ, các chị, các em/ Máu đã thấm vào lòng đất Việt, để ngàn năm còn mãi tự hào...”.

Nói về đời mình, anh bảo nó bình lặng, không thăng, không trầm. Dẫu có lúc từ chiến trường về, anh làm công nhân, làm phu chẻ gỗ... để kiếm cơm qua ngày. Nhưng anh thấy đời an yên. Đời trao nhiều phước phần. Nên buông súng về với cây đàn, anh cũng như kẻ ở ẩn, né tránh mọi thị phi showbiz.

Tên tuổi có được tung hô, bài hát có được xướng tụng, thì anh vui, thế thôi, không mưu cầu, sân si gì hơn. Bây giờ anh vẫn sáng tác đều đều theo cảm hứng. Và anh viết cho ca sĩ cũng bằng cảm hứng, bằng sự thấu hiểu của anh với họ chứ dứt khoát không chạy theo kim tiền. Lời mời giám khảo có nhiều, nhưng anh tránh xa gameshow ca nhạc, giải trí ồn ào.

Lê Quang chọn sự bình lặng khi chấm thi các chương trình chính quy, phong trào như “Tiếng hát người làm báo”, “Sao Mai”, “Tiếng hát Đường 9”... Ở đó, anh thấy mình ngày nào: chàng trai trẻ mặc áo xanh màu lá, ngồi ôm đàn hát vang những bài ca yêu đời giữa chiều mưa biên giới bên đồng đội...

Quỳnh Nga
.
.