Nhạc sĩ Huy Du: Một tâm hồn nghệ sĩ luôn “ủ kín yêu thương”

Thứ Sáu, 29/09/2006, 09:00

Nhạc sĩ Huy Du luôn tâm niệm: Chỉ có sự rung động thật sự của trái tim, chỉ có yêu cuộc sống mãnh liệt, người nghệ sĩ mới có thể cho ra đời những tác phẩm gần gũi với con người.

Tôi gặp nhạc sĩ Huy Du tại Bệnh viện Hữu Nghị, lúc ông vừa trải qua cuộc phẫu thuật khi đã bước vào tuổi 80. Khác với những gì tôi hình dung, ông gầy hơn một chút so với lần gặp trước nhưng dáng đi vẫn nhanh nhẹn, vẫn mái tóc trắng như cước và ánh mắt tươi vui, hồn hậu.

Có lẽ, với bất kỳ nghệ sĩ nào, niềm hạnh phúc nhất là khi các tác phẩm của mình được công chúng biết đến và yêu mến. Theo tiêu chí ấy thì nhạc sĩ Huy Du là người vô cùng hạnh phúc. Biết bao thế hệ người Việt Nam, đặc biệt những người từng trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước đều hơn một lần biết và yêu những giai điệu trữ tình, thiết tha mà hào sảng tình yêu Tổ quốc, yêu đất nước trong các ca khúc như “Đường chúng ta đi”, “Nổi lửa lên em”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Tình em”, “Anh vẫn hành quân”... Những ca khúc mà đến nay, mỗi lần nghe lại vẫn thấy rộn rã trong tim mình những cảm xúc khó tả.

Cùng ông hồi tưởng lại những ngày đầu tiên đến với âm nhạc mới thấy dường như ông sinh ra là để dành cho nghệ thuật này. Cậu bé Huy Du được sinh ra tại một làng quê gần bến phà Hồ thuộc tỉnh Bắc Ninh bên dòng sông Đuống thơ mộng mà bên kia sông là quê hương của thi sĩ đa tình Hoàng Cầm. Dù từ nhỏ, ông đã cùng cha mẹ ra Hà Nội sinh sống nhưng dường như trái tim nhạy cảm từ bé đã được thừa hưởng từ người mẹ tình yêu những câu hát quan họ, ca trù, ả đào, chèo sân đình.... Những tinh túy của hai miền quê giàu truyền thống văn hóa là Bắc Ninh và Hà Nội đã góp phần tạo nên trái tim dễ rung động với cái đẹp trong tâm hồn nghệ sĩ Huy Du.

Nhạc sĩ Huy Du (thứ tư từ trái sang) đứng thứ năm là Đại tướng Văn Tiến Dũng, thứ ba là nhà văn Nguyễn Khải tại Chiến dịch Đường 9 Nam Lào.

Yêu âm nhạc từ bé nhưng điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, cậu bé Huy Du chưa hề được học qua một lớp nhạc chính quy nào, nói gì tới chiếc đàn của riêng mình. Ngay từ nhỏ, cậu bé đã biết bù đắp những thiệt thòi ấy bằng cách học qua sách vở, qua bạn bè. Chắt chiu những đồng tiền lẻ cha mẹ cho, thậm chí đi chia bài tổ tôm thuê kiếm tiền, đến năm 15 tuổi, Huy Du mua lại được chiếc đàn viôlông cũ đã nứt từ người bạn của mình trong niềm hạnh phúc vô biên. Từ đó, trong căn nhà nhỏ không ngừng vang lên những thanh âm réo rắt của những buổi tập đàn.

Khi Huy Du lớn lên, bấy giờ ở Hà Nội, tân nhạc vô cùng phổ biến cũng là lúc ông bắt đầu những sáng tác đầu tay  như “Chiều nơi xa trường” thấm đẫm vẻ se buồn trận mạc trong trí tưởng tượng của chàng thanh niên mới lớn Huy Du. Thế rồi, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông  gia nhập Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, tham gia viết truyền đơn, sáng tác bài hát phục vụ cách mạng... Và cũng chính những năm tháng hòa mình vào cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc, Huy Du đã tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tác bất tận.

Đến nay, nhạc sĩ Huy Du đã có 36 năm gắn bó với màu xanh áo lính. Cũng là từng ấy năm bước chân nhạc sĩ đi khắp mọi nẻo đường chiến dịch từ kháng chiến chống Pháp tới kháng chiến chống Mỹ. Ông cùng các văn nghệ sĩ tới từng đơn vị bộ đội, cùng sống và đối diện với những hy sinh, mất mát để biểu diễn văn nghệ và lấy thực tế sáng tác. Hàng loạt ca khúc nổi tiếng của ông đã ra đời ngay trên chiến trường, trong tiếng bom rơi, đạn nổ, trong vinh quang chiến thắng và cả trong hy sinh thầm lặng.

Kỷ niệm nhạc sĩ Huy Duy tròn 60 tuổi.

Cái làm nên nét đặc biệt ở các ca khúc của ông là kết hợp của sự ấm nóng hơi thở thời đại cùng với chất nhạc bay bổng, trữ tình, thẫm đẫm tình yêu con người, yêu Tổ quốc. Một loạt ca khúc như: “Bài ca về Đường 9”, “Đường chúng ta đi”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”... được lấy cảm hứng từ chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, là sự xúc động trước những tấm gương vì nước hy sinh của anh Nguyễn Viết Xuân trong “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, hay “Bế Văn Đàn sống mãi”...

Với sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, với những đóng góp lớn lao cho nền âm nhạc Việt Nam, ông đã vinh dự được nhận giải thưởng cao quý Hồ Chí Minh. Dù ở cương vị nào, và giữ trọng trách gì, ông vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan và tình yêu cuộc sống, đó là cội nguồn của sự sáng tạo. Ông bảo, chỉ có sự rung động thật sự của trái tim, chỉ có yêu cuộc sống mãnh liệt, người nghệ sĩ mới có thể cho ra đời những tác phẩm gần gũi với con người. Và nhiều khi, ông vẫn trăn trở trước thực trạng nhiều nhạc sĩ trẻ hiện nay viết những ca khúc với ca từ vô nghĩa vì thiếu thực tế, thiếu sự dấn thân và một tình yêu cuộc sống đích thực.

Chia tay, ông tặng tôi đĩa nhạc thu bài hát ông sáng tác gần đây nhất, đó là ca khúc “Tà áo trắng trong đêm” vừa được nhạc sĩ trẻ Hồ Hoài Anh phối khí và trình bày. Ca khúc được ông sáng tác ngay trên giường bệnh, sau đêm ông bị đau, phải cấp cứu đột ngột, là cảm xúc dâng trào trước sự tận tình chăm sóc của các bác sĩ, y tá.

Giờ đây, bước vào tuổi 80, ông vẫn miệt mài sáng tác âm nhạc và vẽ tranh - một đam mê mới của ông. Tôi chợt nhớ và tâm đắc với ý kiến của một tiến sĩ văn học khi viết về ông, rằng: nhạc sĩ Huy Du là một trong số ít những người luôn giữ cho mình bầu nhiệt huyết sáng tạo bất kể tuổi tác, điều mà tưởng chừng như là đặc quyền của tuổi trẻ

Thảo Duyên
.
.