Nhạc sĩ Doãn Nho kể chuyện dời đô bằng âm nhạc

Thứ Năm, 23/09/2010, 11:26
Vừa qua, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã công diễn vở thanh xướng kịch (Oratorio) "Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô" của nhạc sĩ Doãn Nho. Đây được coi là một trong những hoạt động âm nhạc chính thức của Hội Nhạc sĩ Việt Nam chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Chia sẻ với phóng viên, nhạc sĩ Doãn Nho không giấu nổi niềm hạnh phúc bởi tác phẩm mà ông ấp ủ sáng tác trong vòng 10 năm liền đã được dàn dựng công phu và đến với khán giả thủ đô.

Vở thanh xướng kịch của nhạc sĩ Doãn Nho (Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Anh Phương; Đạo diễn: NSƯT Lê Chức; Chỉ huy dàn nhạc: nhạc sĩ Doãn Nguyên)  gồm 4 chương, tổng thời gian trình diễn là hơn 40 phút với kinh phí để dàn dựng lên tới gần 1 tỉ đồng do nhà nước đầu tư. Bởi vậy, khi được công diễn lần đầu tiên hồi cuối tháng 8 vừa qua, nó trở thành sự kiện âm nhạc được giới chuyên môn và khán giả quan tâm, tuy rằng những người thực sự am hiểu về thể loại thanh xướng kịch ở Việt Nam còn khá khiêm tốn. Theo nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc Hồ Quang Bình: "Thanh xướng kịch hay còn gọi là Oratorio là một thể loại âm nhạc cổ điển có quy mô lớn viết cho dàn nhạc giao hưởng, ca sĩ solo và dàn hợp xướng. Oratorio là kịch bằng âm nhạc, hát có nhạc đệm kể lại những câu chuyện. Oratorio được dùng để miêu tả một câu chuyện kịch nhưng nó khác với opera là nó không có hành động kịch, không dùng phục trang biểu diễn và trang trí sân khấu".

Nhạc sĩ Doãn Nho tâm sự, từ cách đây hơn 10 năm, khi Hội Nhạc sĩ thực hiện chủ trương của Nhà nước phát động phong trào sáng tác âm nhạc hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông đã tâm niệm sẽ viết một tác phẩm về Hà Nội. Vốn là một nhạc sĩ được đào tạo bài bản với học hàm Tiến sĩ Lý luận âm nhạc tại Nga, nhạc sĩ Doãn Nho nghĩ ngay đến thể loại Oratorio (dịch ra tiếng Việt có nghĩa là Thanh xướng kịch) - một loại hình âm nhạc cổ điển ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam thì mới có một vài tác phẩm như "Nguyễn Văn Trỗi" của nhạc sĩ Đàm Linh, "Tây Nguyên" của nhạc sĩ Đinh Quang Hợp... Vậy là ông bắt tay vào kể câu chuyện dời đô của Lý Công Uẩn ra thành Đại La bằng âm nhạc. Ngay trong năm 2001, ông đã viết xong chương 1 là chương "Lý Thái Tổ xuống Chiếu dời đô".

Năm 2003, chương này đã được dàn dựng thành công, đến năm 2004 tác phẩm được biểu diễn tại Nhà hát Lớn nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng thủ đô và biểu diễn tại Hoa Lư (Ninh Bình) trong đợt kỷ niệm 995 năm ngày dời đô. Theo nhạc sĩ Doãn Nho, chương 1 là chương có thể trình diễn như một tác phẩm độc lập ngay cả khi ông đã hoàn thiện tiếp các chương còn lại.

Một cảnh trong vở thanh xướng kịch "Hoa Lư - Thăng Long".

Trong suốt những năm sau đó, lúc nào nhạc sĩ Doãn Nho cũng đau đáu nỗi niềm phải hoàn thiện tác phẩm về câu chuyện dời đô lịch sử ấy. Ông không ngừng tìm tòi, nghiên cứu tài liệu lịch sử, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác, trong đó việc nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác trong một thời gian dài như vậy là một việc làm thực sự khó. Nhạc sĩ Doãn Nho kể rằng, ông may mắn có một người bạn thân là nhà thơ Tạ Hữu Yên quê ở Hoa Lư (Ninh Bình) rất am hiểu về mảnh đất cố đô. Vì thế, khi có ý định viết tác phẩm này, Doãn Nho đã tới gặp Tạ Hữu Yên với ý định nhờ người bạn thơ viết lời phần kịch của thanh xướng kịch "Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô". Vì thế họ đã cùng có chuyến đi về thăm Hoa Lư.

Trên nền đất cũ, nhạc sĩ Doãn Nho đã hình dung lại toàn cảnh lâu đài thành quách xa xưa, cảnh đức Thái tổ Lý Công Uẩn ban Chiếu dời đô, cảnh thần dân trăm họ đưa tiễn Đức vua trong lưu luyến… Nhà thơ Tạ Hữu Yên cũng đã viết theo gợi ý của nhạc sĩ Doãn Nho, nhưng khi thể hiện thì lại trở thành một truyện thơ chứ không mang tính kịch, vì thế tác phẩm ấy đã được nhà thơ Tạ Hữu Yên xuất bản thành một tác phẩm độc lập.

Lúc đầu, nhạc sĩ Doãn Nho chỉ định viết 3 chương gồm: "Lý Thái Tổ xuống chiếu dời đô", "Rời bến Ghềnh Thác" và "Cập bến Đại La", nhưng tại Trại sáng tác của Hội Nhạc sĩ ở Đà Lạt năm 2008, nơi ông hoàn thành chương 2 và trình bày ý tưởng của chương 3, một số nhạc sĩ đã góp ý cho ông là nên tách một phần của chương 2 và viết thêm để thành chương "Ngược dòng sông Hồng" tạo thành một "Bài ca dời đô" hoàn chỉnh. Bởi vì sông Hồng - dòng sông mẹ - chính là cội nguồn, là lịch sử, là văn hóa của dân tộc nên hành trình ấy của vua Lý Công Uẩn mang nhiều ý nghĩa.

Nhạc sĩ Doãn Nho rất tâm đắc với một số cảnh trong tác phẩm như cảnh thuyền rồng của Lý Thái Tổ rời bến Ghềnh Thác thì cũng là lúc bầy hạc trắng từ trong núi Hồi Hạc (địa danh nay thuộc thành phố Ninh Bình) bay tới tiễn đưa khiến nhà vua và quần thần vô cùng hoan hỉ được dàn dựng thành một cảnh balê trên nền nhạc xúc động; cảnh thuyền rồng của quan quân ngược dòng sông Hồng gặp sự hiển linh của Thánh Tản Viên, Thánh Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung, Thánh Gióng và thần Mỵ Nương (dân gian tôn là Mẹ Lúa) chỉ dụ cho Thái Tổ biết cách trị nước, mở rộng bang giao, kết hợp chặt chẽ giữa dựng nước và giữ nước; cảnh thuyền rồng cập bến Đại La đúng lúc dáng Rồng bay lên cũng là đoạn kết được thể hiện bằng ánh sáng cùng múa tạo hình rồng vàng cuộn lên trên nền nhạc và hợp xướng.

Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, suốt 10 năm qua, mặc dù vẫn viết ca khúc nhưng lòng ông lúc nào cũng hướng về "Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô". Ông tâm sự hết sức chân thành và mãn nguyện rằng: "Từ ngày tốt nghiệp ở Nga về, đến lúc này tôi mới được viết một tác phẩm đúng với tâm tư, nguyện vọng và tìm tòi của mình. Trước đó, tôi vẫn chỉ chú tâm viết ca khúc và mới có một vở balê "Một thời và mãi mãi" lấy cảm hứng từ sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Tôi coi đây là tác phẩm tâm đắc nhất trong cuộc đời sáng tác của mình bởi đó cũng là tác phẩm dài hơi nhất, viết trong thời gian lâu nhất, đòi hỏi kỹ thuật sáng tác phức tạp nhất… ".

Khi hay tin tác phẩm của mình được chọn để dàn dựng biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhạc sĩ Doãn Nho thực sự hạnh phúc và tự hào. Bởi vậy, dù tuổi đã cao, nhưng không có buổi tập luyện nào của Nhà hát Nhạc Vũ hịch Việt Nam trong gần 2 tháng trời thiếu vắng mặt ông. Để dàn dựng được tác phẩm này, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam phải huy động gần như tổng lực gồm dàn nhạc Giao hưởng, dàn Hợp xướng và dàn Balê với quân số lên tới gần 150 người. Ông cũng  có thêm niềm tự hào bởi con trai ông, nhạc sĩ Doãn Nguyên chính là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng biểu diễn tác phẩm của cha mình. Doãn Nho hy vọng khi vở thanh xướng kịch được công diễn rộng rãi, sẽ là một tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng khán giả.

Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho được công chúng yêu mến qua hàng loạt ca khúc như "Tiến bước dưới quân kỳ", "Chiếc khăn Piêu", "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", "Người con gái sông La", "Có một khu rừng như thế"…, Ông hy vọng  thanh xướng kịch "Hoa Lư - Thăng Long: Bài ca dời đô" sẽ là tác phẩm tiếp theo ghi dấu mốc quan trọng trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình. Nhạc sĩ Doãn Nho bộc bạch: "Nếu trời còn cho tôi sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục tập trung viết khí nhạc. Tôi cũng rất thích viết opera vì opera có tích, có trò, dù biết rằng những loại hình âm nhạc này khó đến với khán giả Việt Nam hơn là viết ca khúc. Nhưng tôi viết với mong muốn là để góp phần nuôi dưỡng dòng nhạc bác học này"

Nguyệt Hà
.
.