Nhạc sĩ Đoàn Bổng và bảy ca khúc về Bác Hồ

Thứ Năm, 21/05/2020, 09:11
Tháng năm về, trong tim của nhiều người con nước Việt lại thổn thức khi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Còn riêng với nhạc sĩ Đoàn Bổng thì trong những ngày này ông da diết nhớ thời điểm được gặp Bác...


Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhiều nhạc sĩ thăng hoa, bay bổng trong những sáng tác của mình, tuy nhiên sáng tác về Bác thành công là điều không dễ, bởi trong ca khúc phải khắc họa được một vị lãnh tụ vĩ đại nhưng cũng rất đỗi bình dị. Có một người nhạc sĩ đã có vinh dự một lần được gặp Bác khi còn rất nhỏ và sau này khi đã trở thành người viết nhạc chuyên nghiệp, ông đã sáng tác bảy ca khúc về Bác Hồ và hiện nay bảy bản chép tay ca khúc ấy đều đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ông là nhạc sĩ xứ Đoài Đoàn Bổng.

Tháng năm về, trong tim của nhiều người con nước Việt lại thổn thức khi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Còn riêng với nhạc sĩ Đoàn Bổng thì trong những ngày này ông da diết nhớ thời điểm được gặp Bác.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng trong một chương trình giao lưu văn nghệ.

Ấy là khi ông còn đang là học sinh và đang cùng các bạn cắm trại ở Công viên Bách Thảo thì cô phụ trách hô: "Các em chuẩn bị đứng dậy, Bác Hồ đang đến". Thì ra hôm ấy, Bác đón tiếp Tổng thống Indonesia ông Sukarno ở Phủ Chủ tịch rồi hai vị lãnh đạo bất ngờ đi dạo ở công viên Bách Thảo ngay sau Phủ. Trong trí nhớ của ông thì khi ấy Bác có dặn các bạn nhỏ phải chăm ngoan, học giỏi.

Khi kể lại câu chuyện này với tôi, ông bảo đó là chuyến đi không có trong kế hoạch. Bác Hồ của chúng ta là vậy. Bác không thích trống rong cờ mở. Ông bảo: "Học được Bác là rất khó nhưng chúng ta có thể học ngay từ những điều giản dị nhất. Đó là cách sống giản đơn, trung thực, đó là cách nói dễ nghe, dễ hiểu, dùng từ bình dân, tránh sử dụng từ ngữ nửa tây, nửa ta".

Thời điểm Bác Hồ qua đời khi ấy nhạc sĩ Đoàn Bổng mới 26 tuổi, đang là sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) sơ tán tại Yên Dũng, Bắc Giang. Ông đón nhận bản tin đặc biệt ấy trên đài khi đang nghỉ ở quê nhà.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng nhớ lại, hôm ấy khi đang ngủ thì thấy giọng nói chậm rãi của một nữ phát thanh viên, ông bật dậy nghe thì hay tin Bác Hồ qua đời. Tình cảm không ai mách bảo, rất tự nhiên nước mắt ông cứ giàn giụa như một người thân trong gia đình vừa mới qua đời. Thực ra, hình ảnh của Bác đã in hằn trong trái tim ông từ lâu. Đó là khi còn sống ở vùng tản cư, cậu bé Bổng đã thấy trong điếm canh có vẽ hình ảnh Bác với bộ râu bạc phơ và ở dưới có ghi "Hồ Chủ tịch muôn năm".

Chính từ những tình cảm ấy đã nhen nhóm trong lòng cậu bé xứ Đoài ý tưởng là phải sáng tác ca khúc về Người, nhất là sau khi theo học sáng tác và trở thành một nhạc sĩ chuyên nghiệp, ông luôn đau đáu mảng ca khúc về Bác Hồ kính yêu. Bài hát đầu tiên ông viết về Bác là "Tên Bác Hồ - tên thế kỷ 20" (sau đổi là "Việt Nam rạng rỡ tên Người") vào ngày 9-9-1969 khi Bác mới qua đời.

Hồi ấy, ông còn đang là sinh viên nhưng đã viết theo lối thính phòng, cổ điển, giai điệu êm đềm tha thiết, mang đậm tính ngợi ca nhưng rất thành kính, âm nhạc pha chút buồn. Nhưng vốn bản tính nhút nhát nên khi viết xong, ông không dám gửi lên Đài Tiếng nói Việt Nam, mà cứ lẳng lặng để trong ngăn tủ bàn làm việc.

Một sáng tác khác cũng rất đặc biệt được ông phổ thơ của doanh nhân, cựu chiến binh ở xã Hồng Lạc (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) Vũ Tuấn Tú mang tên "Thương binh Hồng Lạc vâng lời Bác". Đó là những cảm xúc mà tác giả thơ cùng đoàn hội thương binh vào Lăng viếng Bác và được đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội trịnh trọng đón tiếp. Đây là tổ chức được thành lập để cưu mang những người thương binh với tinh thần "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều".

Hoạt động này diễn ra từ những năm 90 của thế kỷ trước và hiện vẫn đang hoạt động sôi nổi, là một điển hình tiên tiến của cả nước. Bên cạnh đó, ông cũng đã sáng tác một bài hát thiếu nhi nhân một dịp sinh nhật Bác, mang tên "Em làm vui lòng Bác" nói việc đứa trẻ khi nhìn ảnh Bác thì thấy Bác luôn mỉm cười. Em đã đem thắc mắc ấy nói với bố mẹ và được phụ huynh giải thích là: "Vì con là trò giỏi, con là con ngoan nên Bác cười đó!".

Thế nhưng, công bằng mà nói, so với các bài hát "Hát về Người", "Từ làng Sen con hát tên Người", "Hồ Chí Minh, ngọn cờ hòa bình" và "Hồ Chí Minh, nhà thơ không của riêng mình" của ông thì các bài hát trên hiện nay ít được biết đến hơn.

Năm 1985, tình cờ trong một lần đọc Báo Nhân Dân, nhạc sĩ Đoàn Bổng đọc được lời phát biểu của ngài Rô-mét-chan-đra, đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới trong lần sang thăm Việt Nam và được đồng chí Trường Chinh đón tiếp, trong đó ngài đã rất ca ngợi Bác Hồ: "Ở bất kỳ nơi nào nhân dân đang đấu tranh cho độc lập tự do thì tại đó ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh phấp phới bay cao.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng ký tặng trên lá cờ Tổ quốc do Ban Tuyên giáo Trung ương mang về sau chuyến đi Trường Sa có in bài hát "Khúc quân ca Trường Sa".

Ở bất kỳ nơi nào nhân dân đang đấu tranh chống chiến tranh hạt nhân thì tại đó ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh phấp phới bay cao". Đọc xong, ông ứa nước mắt vì tự hào và tự hỏi tại sao một người đến từ miền quê xa xôi như vậy lại biết về Hồ Chí Minh một cách sâu sắc đến thế. Bài hát "Hồ Chí Minh, ngọn cờ hòa bình" đã ra đời sau đó đúng một giờ đồng hồ và được công chúng, nhất là lớp trẻ yêu thích bởi chất liệu âm nhạc sôi động. Bài hát pha màu nhạc nhẹ, khỏe khoắn nhưng cũng rất thành kính, tôn nghiêm.

"Hát về Người" cũng là bài hát được ông viết khi đọc được bài thơ của nhà thơ Phạm Hổ trên tờ Báo Tiền Phong. Đây cũng chính là sự kết hợp giữa ông và người em trai, nhạc sĩ Đoàn Chàn, người vốn là du học sinh tại Đức. Bài hát khi ra đời đã được nhạc sĩ Phú Quang dàn dựng và phối khí cho ban nhạc Mùa Thu của mình để đem đi biểu diễn nhân dịp sinh nhật lần thứ 90 của Bác Hồ. Bài hát này cũng đã đem lại dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp ca hát của ca sĩ Dương Minh Đức (sau là NSƯT) khi giành được Huy chương Vàng trong một cuộc thi âm nhạc lớn được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Riêng ca khúc "Hồ Chí Minh, nhà thơ không của riêng mình" của ông đã vinh dự được biểu diễn lần đầu tiên tại buổi lễ mà Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác (19-5- 1890 - 19-5-1990). Bài hát theo nhịp 6/8 uyển chuyển, mềm mại hợp với chất thơ đã chứa đựng nhiều tình cảm của nhạc sĩ dành cho Bác.

Hỏi nhạc sĩ tâm đắc với tác phẩm nào nhất, ông trầm ngâm bảo, "đứa con" nào cũng do mình "đẻ" ra nên nói là tâm đắc tác phẩm nào hơn thì thật khó. Bởi mỗi bài có một nét hay riêng, vang lên trong những góc độ khác nhau. Bên cạnh bảy bài hát nói trên, riêng về hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông cũng đã sử dụng trong nhiều bài hát, ví dụ như "Khúc quân ca Trường Sa" với câu hát: "Chiến sĩ Trường Sa hát tiếp bài ca về những tấm gương anh bộ đội Cụ Hồ" hay "Khúc quân hành xứ Lạng" có câu nhắc nhở các tỉnh biên giới vững cây súng bảo vệ biên giới.

Tháng 5 lại về, trong căn nhà nhỏ ở phố Hào Nam (Hà Nội), nhạc sĩ Đoàn Bổng trông phấn khởi hơn, tươi vui hơn khi ca khúc của mình viết về Bác Hồ lại đâu đó vang lên trong các cuộc thi văn nghệ quần chúng, trong các bộ phim tài liệu (ví dụ phần kết của bộ phim "Hồ Chí Minh, chân dung một con người" có sử dụng ca khúc "Hồ Chí Minh, ngọn cờ hòa bình"). Với những gì đã viết về Bác Hồ, ông luôn tự hào khi được đóng góp một phần nào đó để nói được tình cảm mà người dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới dành cho Người.

Ngô Khiêm
.
.