Nhạc sĩ Dân Huyền và kỷ niệm về những bài báo được Bác Hồ đọc

Thứ Bảy, 25/06/2016, 07:43
Theo lời kể của nhạc sĩ Dân Huyền, những năm 60 của thế kỷ trước, Nhà máy ô tô 1- 5 ở số 18 Phố Phan Chu Trinh, Hà Nội (hiện nay là trụ sở của Bộ Tài chính), là một đơn vị nổi tiếng về “Giải phóng xe nhanh vì miền Nam ruột thịt”. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu về phong trào học bổ túc văn hóa của ngành Giáo dục Thủ đô; một đơn vị “Chăm làm ham học” của Cục Cơ khí, Bộ Giao thông vận tải được các báo thường xuyên tuyên truyền. Và đặc biệt là được Hồ Chủ tịch đến thăm năm 1963.


Phát huy nghề nghiệp Tuyên huấn, thời gian này nhạc sĩ Dân Huyền hay viết tin, bài cho các báo như Nhân dân, Thủ đô Hà Nội, Lao động, Phụ nữ Việt Nam, Giao thông vận tải… Sau tết 1966, Ban biên tập Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hà Nội mới) có trao đổi muốn ông viết bài chung về thành tích “Chăm làm ham học” ấy và các điển hình trong phong trào Bổ túc văn hóa. Tòa soạn sẽ dành trọn cho cả trang 4 để nói về nhà máy ô tô 1/5.

Sau khi viết xong bài giới thiệu thành tích chung của nhà máy, nhạc sĩ Dân Huyền đến các phân xưởng để tìm hiểu những điển hình đã kết hợp được công việc sản xuất và học tập. Ông chọn bác Võ Chiến Thắng (45 tuổi, thợ nhiệt luyện) và chị Trần Thị Bé (24 tuổi, thợ tiện) để viết. Muốn cho phong phú trang báo, ông quyết định viết thành truyện tranh minh họa bằng thơ lục bát tấm gương chị Trần Thị Bé và nhờ anh Nguyễn Y là thợ máy có năng khiếu vẽ tranh thể hiện những tranh truyện cùng với các đoạn thơ của mình.

Nhạc sĩ Dân Huyền gặp lại nhân vật trong bài báo năm xưa.

Hoàn thành cả trang báo, nhạc sĩ Dân Huyền đưa đến Tòa soạn. Các anh chị ở Báo Thủ đô Hà Nội rất ưng ý. Tuy nhiên về truyện thơ bằng tranh “Tên Bé - Chí lớn” anh Nguyễn Y vẽ còn “nghiệp dư” nên Tòa soạn giao cho họa sĩ Lê Văn Hiệp (người của Báo) chỉnh sửa lại cho đẹp hơn về hình vẽ. Riêng bài “Bác Thắng học giỏi” tòa soạn muốn đổi tên tác giả, ông liền lấy tên vợ là Nguyên Đào thay vào. Trong niềm vui chung của nhà máy, có niềm vui riêng, bởi Tòa soạn như đúng hẹn đã dành cả trang 4 Báo Thủ đô Hà Nội số ra ngày 23/4/1966 viết về nhà máy và các gương điển hình người thợ.

Trước đó, trên số báo Thủ đô  Hà Nội ra ngày 15/2/1966, nhạc sĩ Dân Huyền cũng có viết một bài “Đôi vợ chồng tận tụy” nói về ông Trần Thiện Liêm và bà Nguyễn Thị Qùy đã hết lòng vì công việc chung, không quản khó khăn vất vả và đạt được danh hiệu tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” của nhà máy.

Ngày 15/5/1966 nhạc sĩ Dân Huyền vui mừng nhận được tin từ Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội báo tin “…Đọc báo "Thủ đô Hà Nội" thấy tin chị Trần Thị Bé 24 tuổi, thợ tiện nhà máy ô tô 1-5 đã có thành tích sản xuất và học tập - Hồ Chủ tịch chỉ thị cho chúng tôi gửi tặng chị Trần Thị Bé huy hiệu của Người…”. Những nhân vật của bài báo như ông Liêm, bà Qùy và ông Thắng cũng có nội dung công văn tương tự của Văn Phòng Phủ Chủ tịch do ông Cù Văn Chước ký.

Nhạc sĩ Dân Huyền chia sẻ, ông vô cùng vinh dự khi 3 bài báo của mình đều được Hồ Chủ tịch đọc và có hình thức khen thưởng kèm theo. Ông thật sự vui lây cùng ông Liêm bà Qùy, ông Thắng, chị Bé. Với ông, chính thành tích của họ mới giúp ông có được những bài báo ấy.

Niềm vui trên “báo giấy” đã "dắt mối" cho nhạc sĩ Dân Huyền về với “báo nói” - Đài Tiếng nói Việt Nam. Hình ảnh của Bác Hồ kính yêu, sự giản dị, gần gũi của Người đã giúp ông sáng tạo nên các tác phẩm âm nhạc như: "Bên Lăng Bác Hồ", "Bác để tình thương cho chúng con", "Khóm trúc Bác Hồ", "Nhớ hội Làng Sen"… Ngoài ra là một số bài báo giới thiệu các tác giả, tác phẩm, các nghệ sĩ về văn học nghệ thuật.

Điều đặc biệt là gần đây, nhạc sĩ Dân Huyền mới liên hệ được với chị Trần Thị Bé năm nào, nay đã 75 tuổi ở khu tập thể 34 A, Trần Phú, Hà Nội. Bà vẫn khỏe và đưa cho ông xem lại bài báo ông viết về mình, huy hiệu của Hồ Chủ tịch tặng và Công văn của Văn phòng Phủ Chủ tịch, do ông Cù Văn Chước ký ngày 2/5/1966. Qua bà Bé, nhạc sĩ mới hay tin ông Thắng, ông Liêm, bà Qùy không còn nữa. Nửa thế kỷ mới gặp lại nhau cứ xen lẫn vui, buồn…

Với nhạc sĩ Dân Huyền, có được những bài báo về “Người tốt việc tốt” mà Hồ Chủ tịch đã đọc và thưởng huy hiệu của Người cho các cá nhân trong các bài báo - đó là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm báo của mình.

Tuấn Phong
.
.