Nhạc sĩ Bùi Đình Thảo : Xa rồi nốt nhạc tuổi thơ

Thứ Hai, 19/09/2016, 07:44
Ông là Bùi Đình Thảo – một nhạc sỹ suốt đời gắn bó với nông thôn. Những tác phẩm dành cho tuổi thơ của ông quá xuất sắc, được không chỉ các em thiếu nhi mà cả người lớn cũng vô cùng ưa thích bởi những tác phẩm dành cho tuổi thơ của ông thật độc đáo, nổi trội hơn hẳn các tác phẩm viết cho thiếu nhi cũng có giá trị của nhiều nhạc sỹ khác... 


Cả đời ông chỉ là một viên chức ngành Văn hóa ở tỉnh Nam Hà (cũ), có mấy năm làm trưởng đoàn văn công tỉnh này nhưng ngắn ngủi. không đáng kể. Ông sinh ra, lớn lên và sống gần như cả đời ở thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho đến khi từ trần. Khi còn làm việc, ngày chủ nhật ông tạm thoát ly công việc để vui chơi với đám trẻ con trong làng. Cứ thấy ông về là chúng lại kéo đến nhà ông học nhạc và học hát. Tất nhiên là miễn phí.

Chẳng những vậy, vợ ông còn đun nước và mua quà đãi chúng. Điều này thêm một nhân tố tạo nên những tác phẩm đặc sắc của ông dành cho tuổi thơ. Nhiều thế hệ trẻ em đã thuộc lòng những bài như "Đi học", "Em đi giữa biển vàng", "Bàn tay mẹ", "Bà thương em", "Sách bút thân yêu ơi...". Đó đều là những bài Bùi Đình thảo đã cho ra đời từ mấy chục năm nay – những năm 60-70 của thế kỷ trước. Có những em gái nhỏ thuở ấy hát những bài này nay đã lên... bà.

Bùi Đình Thảo là một nhạc sỹ có cá tính rất rõ, rất đậm cả trong sáng tác lẫn đời thường. Hầu hết ông đều phổ thơ. Trước khi có bài hát, những bài thơ này đều ở mức bình thường, không ai biết tới. Chính những tác giả thơ có bài được ông phổ nhạc cũng công nhận và cảm ơn ông đã chắp cánh cho thơ của mình. Ông phổ thơ giỏi đến mức nghe ca khúc, khó nghĩ ca từ có nguồn gốc từ những bài thơ có sẵn bởi ông nhào nặn, sắp xếp, bố cục rất khéo.

Ông thú nhận: “Mình phần lớn phổ thơ vì khả năng làm ca từ kém”. Bài “Bài thương em” nằm trong số hiếm hoi ông tự viết lời. Khi ông còn sống, do thân nhau, có lần tôi nói với ông: “Về phần âm nhạc thì quá hoàn chỉnh với giai điệu rất có hồn, rất vào các em nhỏ. Nhưng về lời thì có “vấn đề”. Anh có biết vì sao không?”.

Bùi Đình Thảo ngớ người: “Bài vào thiếu nhi rồi mà. Có ai nói gì đâu?”. “Vâng. Bài hát quá nổi tiếng rồi. Nhưng không có nghĩa đã hoàn chỉnh. Đây nhé. Mở đầu là những câu: “Cờ Tổ quốc màu đỏ tươi. Cây ngoài vườn xanh xanh thắm. Màu tim tím cánh hoa xoan. Đồng lúa chín trông thật vàng”. Ổn, không có vấn đề gì. Nhưng ngay sau đó, đùng một cái, anh nói đến tóc của mẹ và bà: “Nhưng tại sao tóc mẹ đen và tóc bà lại bạc trắng?”.

Có chút gì đó gượng ép, không tự nhiên, cố lái cho bằng được. Lại nữa: Người mẹ giải thích cho em bé câu hỏi trên: “Em hỏi mẹ, em biết rồi. Bà thương em nên tóc bạc”, rồi lại: “Bà bạc tóc vì thương em”. Vấn đề ở chỗ: Đúng là bà rất thương em cũng như bà thương mẹ ngày xưa. Nhưng đâu phải tóc bà bạc vì tình thương ấy mặc dù khi suy nghĩ, vất vả nhiều sẽ nhanh bạc tóc. Bởi vì mẹ rất thương em nhưng tóc vẫn đen đấy thôi. Vì chính em cũng quan sát thấy: “Nhưng tại sao tóc mẹ đen?”.

Cứ theo cái logic “bà thương em nên tóc bạc” thì “tóc mẹ đen” tức là mẹ không thương em?”. Bùi Đình Thảo gật gù công nhận. Tôi nói: “Nhưng chẳng thấy có giáo viên dạy văn hoặc bậc phụ huynh nào…dọn vườn bởi lẽ giai điệu cũng như ý nghĩa của bài hát quá hay quá hợp lí. Bài hát nổi tiếng, được công chúng ưa thích có lợi như thế đấy.

Người ta đã rộng lượng mà bỏ qua cho sự khiên cưỡng của tác giả”. Bùi Đình Thảo cười tít mắt, nhe hết cả lợi vì bị gẫy toàn bộ những răng cửa từ lúc mới 50 tuổi. Bác sỹ nha khoa bảo phải nhổ hết để đeo hàm giả nhưng lúc đầu ông không nghe, nói là khó chịu vì vướng víu. Đến năm 1990, bị gẫy tất cả, không còn một chiếc nào, ông mới chịu đeo răng giả.

Bà Hải – phu nhân của ông đi “thửa” cho ông chiếc hàm giả rất đẹp mất khá nhiều tiền. Nể vợ, ông đeo nhưng chỉ được ít ngày lại tháo ra. Thế là ông móm mém như ông lão 90 mặc dù khi ấy ông mới 59 tuổi.

Ở bài “Em đi giữa biển vàng”, tôi lại "chê" vui một từ của bậc đàn anh. “Hương lúa chín thoang thoảng bay làm lung lay hàng cột điện”. Hương lúa mới thoang thoảng thôi mà đã khiến hàng cột điện phải “lung lay” thì… khiếp quá !. Vậy đến khi lúa trổ bông chín thơm, trĩu hạt thì cái hương ấy sẽ không chỉ “thoang thoảng” mà còn đậm đặc mùi vị hơn, nghĩa là sẽ làm cột điện đổ kềnh chứ không chỉ “lung lay”. Nguy hiểm biết chừng nào!

Vậy thì còn bà con nào mong được mùa nữa (?)”. Bùi Đình Thảo cho biết đó là ông phổ nguyên xi bài thơ cùng tên của Nguyễn Khoa Đăng đã đăng trên báo (rất nhiều người nhầm, thậm chí có lần trên đài cũng giới thiệu nhầm là thơ của Trần Đăng Khoa. Xin phân biệt rõ: Nguyễn Khoa Đăng là nhà văn. Ông quê ở Thái Bình, sau ngày giải phóng miền Nam vào cư trú ở tỉnh Kiên Giang và nay ở TP Hồ Chí Minh. Ông đã ở tuổi gần 80, viết văn là chính, ít làm thơ.

Bài “Em đi giữa biển vàng” là bài thơ hiếm hoi của ông. Còn Trần Đăng Khoa thì đã quá quen biết, là thần đồng thơ một thời, nay 60 tuổi, quê Hải Dương, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam). Hóa ra là ông cứ trung thành với bài thơ, thấy được đăng trên báo nên yên tâm phổ, không phát hiện ra sự bất ổn ở chi tiết trên.

Càng yêu, bái phục tài phổ nhạc từ thơ của ông mà tôi càng săm soi ca từ trong những bài này, lại thấy ở bài “Đi học” cực kỳ nổi tiếng có một từ cũng không ổn. Đó là “Cô giáo em tre trẻ dạy em hát rất hay”. Ta hiểu ý tác giả muốn nói đây là cô giáo còn trẻ, chắc mới ngoài 20 tuổi, và từ "tre trẻ" dùng ở đây lại đắc địa, đáng yêu. Nhưng trong từ điển tiếng Việt không có từ này. Có thể sáng tạo nhưng “tre trẻ” nghe không lọt tai. Cứ đà này rồi thì có lúc người ta sẽ nói: “Nước da cô bé này hông hồng”, “Anh trai tôi gây gầy”, “Bụng đại gia này phê phệ”…

Bùi Đình Thảo cho biết đó là từ của Minh Chính – tác giả bài thơ. Ông tỏ ra rất “chịu” sự “nhặt sạn” của tôi nhưng cũng nói rằng các em khắp nơi đã ưa thích bài hát. Thế là yên tâm rồi. Có một chi tiết khá thú vị: Một vài lần, có người làm ở các Nhà Văn hóa thiếu nhi thấy Bùi Đình Thảo có bài hát mới sáng tác đã xin về để dàn dựng. Nhưng ông khất để ít bữa nữa hãy lấy.

Họ hỏi vì sao bởi thấy tác giả đã hoàn chỉnh, có còn sửa chữa gì nữa đâu và họ cũng đã rất thích. Ông nói với họ là để tham khảo thêm ý kiến của tôi về ca từ xem tôi có phát hiện thấy điều gì bất ổn không. Thế là từ đó, hễ cứ viết được bài gì mới là ông lại kết hợp công việc phóng lên Hà Nội tìm tôi để bù khú và hát cho tôi nghe.

Lần nào tôi cũng góp được đôi điều cho ông. Và ông rất cầu thị đã vui vẻ tiếp nhận việc góp của tôi mà không bảo thủ như nhiều tác giả khác. Quả là hiếm có một tác giả đã có những tác phẩm rất nổi tiếng mà vẫn sẵn sàng nghe lời góp của người khác.

Những bài hát dành cho tuổi thơ của Bùi Đình Thảo, đặc biệt là "Đi học" và "Em đi giữa biển vàng" là hai ca khúc nằm trong số những hát hay nhất dành cho thiếu nhi. Sẽ chính xác nếu nói ông là nhạc sỹ gần gũi nhất của tuổi thơ nông thôn Việt Nam (còn của thiếu nhi chung thì phải nhắc thêm đến các nhạc sỹ khác). Bởi những bài hay nhất của ông đã nhắc ở trên đều nói đến tuổi thơ ở nông thôn. Và ngôn ngữ âm nhạc cũng thấm đượm chất liệu dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Tác phẩm giàu cá tính sáng tạo và con người tác giả cũng rất độc đáo. Mới nhìn ông, không ai nghĩ đó là nhạc sỹ, lại sáng tạo nên những giai điệu đẹp, óng ả, chải chuốt bởi chất dân giã, xuề xòa và rất ấn tượng với hai chi tiết: Lúc nào cũng ngậm thuốc lá và khuyết mấy chiếc răng cửa, rất nhiều năm không chịu đeo răng giả. Nhưng ông có vẻ như thích thú với cái miệng trống huơ, trống hoác của mình mà không bao giờ phải cười ngậm miệng để chỉ chúm chím vì ngại người ta nhìn thấy.

Không hiểu sự độc đáo này có phải từ một “kỷ niệm” như sau không: Một lần, giữa đường phố Hà Nội, tôi và Bùi Đình Thảo tình cờ gặp nhau. Anh em ríu rít giữa đường rồi xà vào một quán bia. Trong lúc chúng tôi vừa nói chuyện vừa hát khe khẽ cho nhau nghe những sáng tác mới thì chị bán bia cứ nhìn sang, tủm tỉm cười.

Không hiểu chị ta cười sự tự nhiên của chúng tôi hay cái miệng như trẻ con sắp thay răng của Bùi Đình Thảo. Chị ta chừng 40 tuổi, trông dễ thương bởi có ngoại hình khá bắt mắt nên khi đã vãn khách, tôi mời chị đến bàn ngồi nói chuyện bởi thấy chị có vẻ thích thú những bài hát của Bùi Đình Thảo.

Không chần chừ, chị đã ra ngồi cùng, còn mang theo một chùm nem chua nói là “khuyến mãi” chúng tôi. Chị nói chuyện tự nhiên, hào hứng. Hóa ra chị có đứa con gái rất hay hát mấy bài của Bùi Đình Thảo. Chị nói hôm nay rất hân hạnh được gặp tác giả và còn có ý mời chúng tôi về nhà chơi vì nhà chị ở gần cửa hàng. Nhưng chúng tôi chỉ cảm ơn mà từ chối.

Chị cứ tha thiết muốn Bùi Đình Thảo hát lại bài "Đi học". Nhưng ông nói: “Chị có thấy tôi gẫy hết cả răng đây không? Làm sao có thể hát được, sẽ phều phào không nghe được đâu”. Không ngờ chị ta nói: “Không sao, trông lại thêm duyên anh ạ. Đeo răng giả chưa chắc đã hay”. Về sau, chúng tôi cứ thú vị mãi về cuộc uống bia này.

Bùi Đình Thảo luôn sống vui vẻ, lạc quan ngay cả khi đã đổ bệnh và sắp ra đi vĩnh viễn.Vì nghiện thuốc lá nặng ngay từ khi còn trẻ nên cuối đời bị bệnh viêm phổi rất nặng. Ốm trên giường nhưng cứ đám trẻ con đến chơi là ông lại vui, gượng dạy đàn hát. Nhưng cuối cùng không cưỡng lại được số mệnh. Vào lúc 22g30 ngày 22/12/1997, ông trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 66 (ông sinh năm 1931). Ông không hề biết mình ra đi sớm như vậy vì bữa cơm chiều vẫn còn ăn uống bình thường và luôn nói với vợ: “Mình yên tâm. Tôi là loại Trời đánh, Thánh vật, còn lâu mới chết”. 

Nguyễn Đình San
.
.