Nhà văn và những lời độc đáo về cái chết

Thứ Tư, 17/10/2012, 08:00

Pierre Abraham là nhà văn lớn của nước Pháp. Trong một lần xuất ngoại, khi một nhà thơ người bản xứ hỏi tiểu sử của ông để đăng báo, ông hóm hỉnh trả lời: "Ngày sinh: 1/3/1892. Ngày mất: chưa có".

Văn hào Nga Fyodor Dostoevsky, trong lần tham dự lễ mai táng người bạn văn Nhecrasov đã nói nguyện ước sau này của mình với vợ: "Khi anh chết, em hãy chôn anh ở nơi nào cũng được, nhưng nhớ là đừng chôn ở nghĩa trang Voncop, trong khu vực dành cho các nhà văn. Anh không muốn nằm bên cạnh các địch thủ của anh. Khi sống, anh…chịu đựng họ như vậy là quá đủ rồi".

Văn hào Nga Lev Tolstoy, trong một lần nghe các nhà văn trẻ thuộc thế hệ con cháu bàn luận về đàn bà, đã chêm vào mấy lời cho thấy ông nhìn cái chết một cách rất nhẹ nhõm: "Về đàn bà thì tôi sẽ nói sự thật khi nào tôi sắp về chầu trời. Nói xong, tôi sẽ nhảy tót vào quan tài và đậy nắp lại. Lúc bấy giờ thì đừng hòng mà bắt được tôi".

Trước khi chết, nhà văn lớn Trung Quốc Lỗ Tấn có thảo một di chúc. Đây là bản di chúc rất độc đáo. Tác giả "AQ chính truyện" khuyên mọi người nên khâm liệm ông thật nhanh và với tinh thần: "Quên tôi đi, lo lắng cho cuộc sống của mình, nếu không thì là ngốc". Trong di chúc, ông cũng không quên nhắc tới một tập tục ở Châu Âu: Trước phút lâm chung, người ta thường xin người khác tha thứ cho mình và mình tha thứ cho người. Lỗ Tấn nhắc lại vậy nhưng riêng ông, ông khẳng định: "Kẻ thù của tôi có thể nói là nhiều…Cứ để cho bọn họ oán giận tôi. Phần tôi, tôi cũng không tha thứ cho một kẻ nào hết". 

Nhà văn lớn người Đức Theodor Fontane mất ở tuổi 79. Trước khi mất, thấy dung nhan nhà văn vẫn rất tươi tỉnh, cách nói năng dí dỏm, hài hước, một bà bạn già bên cạnh nhà đã cất lời đùa: "Tôi với ông sống dai đến mức hình như Thần Chết quên béng rồi hay sao ấy". Fontane làm bộ nghiêm trọng, xua tay: "Suỵt, bà đừng nói to thế, nhỡ Thần Chết nghe được thì khốn".

Một lần, văn hào người Anh gốc Ireland Bernard Shaw suýt gặp họa bởi một thanh niên. Anh này lái xe ẩu nên chỉ thiếu chút nữa là cán phải ông. Nhận ra Bernard Shaw, người thanh niên cuống quýt xin lỗi. Bernard Shaw hài hước: "Anh xoàng quá. Nếu can đảm tí nữa có phải đã được ghi danh vào lịch sử là đã cán chết Bernard Shaw rồi không".

Nhà văn lớn của nước Pháp Marcel Proust, khi được hỏi nếu được ban duy nhất một điều ước, ông sẽ chọn điều ước gì, đã không chút đắn đo trả lời: "Chết trẻ càng muộn càng tốt". Tương truyền, vài giờ trước khi mất, Proust bảo người nhà mang tập bản thảo bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" lên để ông chỉnh sửa. Đọc lại, thấy có một số chỗ chưa hài lòng, ông nói: "Tôi phải sửa đoạn này. Bây giờ tôi cũng đang hấp hối như nhân vật mà tôi viết đây". Ông nói vậy và một lúc sau thì ông… tắt thở.

Nhà thơ lớn của nước Pháp A. Musset trước khi chết thốt lên một câu nói tưởng không có gì là bình tĩnh, thản nhiên hơn: "Chết, ôi đến giờ tôi mới được ngủ ngon".  

Khi văn hào Mỹ Mark Twain lâm bệnh, ông cho gọi thầy thuốc tới chạy chữa. Người này buộc nhà văn phải trả cho ông ta một món tiền lớn. Một thời gian sau, ông ta làm bộ rầu rầu nói với nhà văn: "Bệnh trạng của ông nặng lắm. Ông có muốn gặp ai lần cuối thì nên gọi trước đi, kẻo không muộn mất". "Vâng, nhờ ông giúp cho" - Nhà văn bình thản đáp. "Ai vậy?". "Hãy làm ơn gọi cho tôi một ông… bác sĩ khác"

Trần Định
.
.