Nhà văn trần kim trắc: Vẫn vẹn nguyên "nụ cười 307"

Thứ Hai, 14/01/2019, 13:10
Nhà văn Trần Kim Trắc đã qua đời ngày 7-11-2018 tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh. Ông ra đi âm thầm khi bước vào tuổi 90, theo đúng cách âm thầm viết giữa cuộc đời nhiều quanh co của chính mình (vì ông mất ngay trước lễ cưới của cháu gái một ngày nên gia đình đã giữ kín; tới lễ 49 ngày của ông, Hội Nhà văn mới được biết thông tin).


Sự nghiệp cầm bút của nhà văn Trần Kim Trắc chỉ thực sự bắt đầu lúc ông 65 tuổi, và tuôn chảy lai láng theo những thăng trầm được ông trải nghiệm hơn 30 năm rời xa chữ nghĩa!

Tiểu đoàn 307 là một đơn vị chiến đấu nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ. Ngoài những chiến công được ghi chép bằng sử liệu chính thống thì sự lừng lẫy của tiểu đoàn 307 được hình thành nhờ hai trợ lực nghệ thuật quan trọng. Thứ nhất là bài hát "Tiểu đoàn 307" do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (1917-1979) phổ thơ Nguyễn Bính (1918-1966).

Thứ hai là tác phẩm "Nụ cười 307" của nhà văn Trần Kim Trắc. Sự tình cờ thú vị là cả nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí và nhà văn Trần Kim Trắc đều cùng gia nhập tiểu đoàn 307 ngay từ khi thành lập ngày 5-7-1948. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí dựa theo thơ Nguyễn Bính để viết bài hát "Tiểu đoàn 307" nhằm cổ vũ đồng đội "dạ sắt gan vàng tiến lên", còn nhà văn Trần Kim Trắc dùng hồi tưởng để viết về tiểu đoàn 307 nhằm ca ngợi những đồng đội can đảm và lãng mạn. Sau năm 1954, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí chọn nghề dạy học ở Bạc Liêu, còn nhà văn Trần Kim Trắc tập kết ra Bắc!

Dấu ấn đầu tiên của nhà văn Trần Kim Trắc là truyện ngắn "Cái lu" được trao giải ba về văn xuôi của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Món quà văn chương ấy rất đáng tự hào, vì những người cùng được giải đều là gương mặt tài danh.

Giải Nhất trao cho "Đất nước đứng lên" của Nguyên Ngọc và "Truyện Tây Bắc" của Tô Hoài; giải Nhì trao cho "Truyện anh Lục" của Nguyễn Huy Tưởng và "Con trâu" của Nguyễn Văn Bổng; giải Ba đồng hạng với "Cái lu" của Trần Kim Trắc là "Vượt Côn Đảo" của Phùng Quán. Nếu nhìn thêm giải Khuyến khích với "Đồng quê hoa nở" của Hoàng Trung Nho, "Gặp gỡ" của Bùi Hiển và "Cá bống mú" của Đoàn Giỏi, thì rõ ràng vị trí được tôn vinh của "Cái lu" mở ra rất nhiều hy vọng cho hành trình sáng tạo của Trần Kim Trắc.

Tiếc thay, vì một ngã rẽ trớ trêu, Trần Kim Trắc bặt tăm 40 năm mới trở lại văn đàn bằng tập truyện ngắn "Ông Thiềm Thừ" in năm 1994 (nhận được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1995).

Khoảng thời gian 40 năm, từ "Cái lu" đến "Ông Thiềm Thừ", nhà văn Trần Kim Trắc đã làm gì? Ông làm đủ thứ nghề. Nghề sơn tràng, nghề nấu rượu, nghề làm nước chấm và cực kỳ thịnh vượng với nghề nuôi ong.

Những ngày lang bạt từ Hưng Yên đến Tuyên Quang là thứ vốn sống quý báu đối với một nhà văn. Tuy nhiên, vì lao động bận bịu hay vì lý do gì mà Trần Kim Trắc không viết suốt quãng đời lầm lũi ấy? Ai hỏi, nhà văn Trần Kim Trắc cũng chỉ cười lặng lẽ. Có lần, nhà văn Trần Kim Trắc thổ lộ với nhà văn Nguyễn Khải: "Tôi đã sống, tức là tôi đã viết. Còn viết ra giấy là sau đó. Vả lại, cũng không quan trọng lắm!".

Số phận thăng trầm của nhà văn Trần Kim Trắc đã là chất liệu của tác phẩm văn học đích thực. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi nhà văn Trần Kim Trắc không chủ đích theo đuổi nghề văn mà ông vẫn có gần 200 truyện ngắn được viết lúc tuổi già. Mỗi mảng ký ức nhói lên trong lòng Trần Kim Trắc lập tức trở thành một truyện ngắn.

Văn chương Trần Kim Trắc đâu cần dàn dựng gì, cứ kể lại ngẫu hứng cũng lôi cuốn độc giả rồi. Nhân vật của Trần Kim Trắc cũng chẳng phải mất công tìm kiếm, bởi ông viết về chính ông đã đủ thuyết phục người đọc. Trần Kim Trắc nhẩn nha với "Học trò già", "Tiếng đờn kìm", "Nước phèn ngọt" hoặc "Nem chua ủ kín", "Thuốc xiêm mẳn Cao Lãnh", "Dầu Hồng Lạc" đều xoay quanh hình bóng của bản thân. Đọc tác phẩm của Trần Kim Trắc một cách chậm rãi và cẩn thận, không khó để hiểu biết một cách cơ bản về tiểu sử tác giả.

Thậm chí, có những truyện ngắn như "Cái mất đi tìm lại" viết luôn nhân vật là "thằng Trắc" hoàn toàn phơi bày lý lịch của Trần Kim Trắc: "Tôi 12 tuổi, mồ côi mẹ. Đêm đêm nằm nghe ông sư tụng kinh, giật mình thức giấc, mắt nhòe lệ, gối thấm ướt, mới hay mình đã khóc mẹ cả trong giấc chiêm bao…

Năm 1946, tôi hoạt động bí mật bị bắt giam trong nhà tù tỉnh lỵ. Cha tôi chạy lo tiền và ra tòa bảo lãnh tôi về với cái án ba tháng tù treo. Chưa được một tuần, tôi lại trốn đi kháng chiến. Tôi rời thành phố, cứ nhắm hướng mà đi, vào một cơ quan khu 8 rồi sau được điều động ra bộ đội 307".

Vào đời và gắn bó với tiểu đoàn 307 suốt tuổi trẻ tươi đẹp, nên đơn vị "chiến đấu với bao thành tích huy hoàng" là đề tài đắc địa nhất trong sáng tác của nhà văn Trần Kim Trắc. Nhờ tác phẩm "Nụ cười 307" của nhà văn Trần Kim Trắc mà thế hệ sau mới biết: "Hồi ấy trong vùng kháng chiến Nam bộ đã có chính sách tạm cấp ruộng đất…

Trong Tiểu đoàn 307 có phong trào "vừa đánh giặc, vừa tăng gia sản xuất", nên hàng ngày đóng quân ở đâu chiến sĩ tìm đất tìm giống trồng trọt. Hành quân đi sẽ để lại cho dân trông coi, đến ngày kết quả, không được dịp trở lại thì đồng bào thu hoạch, miễn làm sao nguồn lương thực của vùng kháng chiến được dồi dào, ăn no thắng giặc là tốt".

Ngoài những câu chuyện dí dỏm trong "Nụ cười 307", nhà văn Trần Kim Trắc còn có nhiều truyện ngắn viết về tiểu đoàn 307, mà "Trận đánh chưa ghi vào chiến sử" là một ví dụ. Trong "Trận đánh chưa ghi vào chiến sử", những người lính tiểu đoàn 307 đã gặp gỡ lực lượng Hòa Hảo ở quán Ba Cọ để thương thảo những trận đánh giả, lấy tiết heo rải khắp công sự, hòng qua mặt thực dân Pháp đang bảo trợ và hô hào đánh nhau.

Phía tiểu đoàn 307 trình bày quan điểm "người Việt Nam mình dù chính kiến ra sao, hễ ngồi lại chung mâm thì đều chấm chung một đĩa nước mắm", nên phía Hòa Hảo hồ hởi ủng hộ: "Thưa ông Trung đội 307, tôi thỉnh cầu ông sắp xếp thời gian lúc nào mình choảng nhau một trận nữa. Đánh nhau kiểu này, binh sĩ của tôi lên tinh thần lắm!".

Một số tác phẩm của nhà văn Trần Kim Trắc.

Một đề tài nữa, nhà văn Trần Kim Trắc vượt trội nhiều đồng nghiệp khác, đó là những câu chuyện liên quan đến nông nghiệp. Đặc biệt, nhà văn Trần Kim Trắc từng được xưng tụng là "vua nuôi ong" ở bến đò Bình Ca, và sau năm 1975 ông từ Tuyên Quang đưa vợ con trở lại miền Nam vẫn tiếp tục mưu sinh bằng nghề nuôi ong, nên kiến thức về loài ong mà ông đưa vào truyện ngắn không hề thua kém bất kỳ chuyên gia đầu ngành nào.

Chẳng hạn, truyện ngắn "Ông Thiềm Thừ", nhà văn Trần Kim Trắc nói đến con cóc chuyên ăn ong nhưng bị thợ săn tên Búa giết chết. Không còn con cóc, bầy ong phát triển đông đúc và nạn nhân bị ong đốt là Búa "vết ong châm ở mông gây hoại thư làm rút gân chân của nó". Truyện ngắn "Ông Thiềm Thừ" không chỉ cảnh tỉnh bằng cái nhìn âu lo của một nhà văn "Tôi vác rìu theo tổ sơn tràng, đi sau lưng thằng Búa, nhìn nó đi chấm phẩy, chấm phẩy, vừa thương vừa giận.

Chấm phẩy, chấm phẩy, nó phải đi lệch như vậy suốt đời, mãi mãi giữ dấu ấn của trò chơi ngông, làm mất cân bằng sinh thái" mà còn phô diễn khả năng hiểu biết của một bậc thầy nuôi ong: "Nọc ong chẳng những là chất độc gây đau nhức, liều cao sẽ gây tử vong mà còn là chất có mùi báo động. Nọc ong là một loại tinh dầu có mùi cay hắc, ong ngửi thấy mùi này trở nên hung dữ, bản năng tự vệ để giữ bầy đàn trỗi dậy…

Quan sát kỹ nòi đốt của ong, ta sẽ thấy có ba cái ngạnh giống như ngạnh lưỡi câu, tuyến nọc dẫn theo giữa ba cái ngạnh này chứ không phải tiết ra từ đầu nhọn. Vào một ngạnh đau vừa, hai ngạnh đau điếng, ba ngạnh đau dữ".

Với 90 năm trên dương gian, từ một chiến sĩ Tiểu đoàn 307 anh hùng đến một nhà văn mang phong cách "lý lắc Nam bộ", cuộc đời Trần Kim Trắc nhiều rủi ro hay nhiều may mắn? Ông thổ lộ trên chính trang viết: "Nếu ta xoay cái gương về phía người khác, ta không còn nhìn thấy mặt ta, thậm chí nếu ta soi bằng khía cạnh thì phản xạ của cái gương làm nhức đầu người khác.

Tôi chưa ơn Cách mạng bằng vật chất, và xét về vật chất đơn thuần tôi chưa sướng hơn thời trước khi dứt áo ra đi. Nhưng tôi ơn Cách mạng vì Cách mạng đã dạy tôi xoay cái gương về phía mặt mình và tự gẫm".

Vì vậy, bên cạnh những chi tiết nhẹ nhàng và hài hước, nhà văn Trần Kim Trắc luôn gửi gắm trong tác phẩm của mình những câu văn chất chứa ưu tư sâu đằm như "Ở đời, nhiều khi cái lưỡi bất lực trong việc hòa giải, nhưng việc thiện giúp nhau lại kiến tạo được hòa bình" hoặc "Xã hội xưa nay sản sinh ra muôn nghìn sản phẩm, trong đó có một sản phẩm vô hình, nhưng có sức tàn phá và rất khó xóa bỏ. Ấy là tính ích kỷ, hẹp hòi".

Lê Thiếu Nhơn
.
.