Nhà văn của những kỷ lục “đáng gờm”

Thứ Năm, 03/01/2019, 08:44
Một ngày của tháng 12-2018, trong cơn mưa phùn gió bấc đặc trưng của mùa đông Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có buổi giao lưu và tặng chữ ký bạn đọc tại Hà Nội nhân dịp ông ra mắt tập truyện "Cảm ơn người lớn".


Trong cái lạnh 11-12 độ kèm mưa lép nhép, hàng dài khán giả trẻ tuổi vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ xin chữ ký của nhà văn mình yêu mến cũng chính là "phép thử" thú vị để đo sức nóng của "nhà văn của những kỷ lục đáng gờm" và cũng là ăn khách nhất Việt Nam này.

Sức hút mang tên Nguyễn Nhật Ánh

Nhiều năm trở lại đây, tên tuổi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được nhắc tới với những cuốn sách ngay lần đầu tiên đã được in tới 150.000-170.000 bản. Và mỗi lần ra sách, độc giả lại xếp hàng dài chờ xin chữ ký của nhà văn không còn là chuyện lạ nữa. Nó trở thành hình ảnh đẹp trong đời sống thực tế cũng như đời sống văn chương, là hình ảnh tôn vinh văn hóa đọc trong giới trẻ và nó cũng khiến cho những người cầm bút không từ bỏ hi vọng.

Ngay lần in đầu tiên, "Cảm ơn người lớn" đã được NXB Trẻ in tới 150.000 bản. Sau khi ra mắt tại TP. Hồ Chí Minh hồi giữa tháng 11, ngày 9-12, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có mặt tại Thư viện Hà Nội để giao lưu, tặng chữ ký độc giả. Theo quan sát của phóng viên, sự kiện này không chỉ được độc giả trẻ tuổi của Hà Nội và các tỉnh lân cận chú ý mà còn được giới truyền thông săn đón và nhiều nhà văn - người cầm bút quan tâm, theo dõi và đến dự.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng sách bạn đọc hôm 9/12 tại phố Sách Hà Nội.

Thời tiết Hà Nội trở lạnh kèm mưa lắc rắc khiến không chỉ đơn vị tổ chức là NXB Trẻ lo lắng mà bản thân nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng chia sẻ rằng, ông cảm thấy lo, bởi rất có thể thời tiết như vậy sẽ khiến bạn đọc thưa vắng vì những phiền toái trong quá trình di chuyển.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh vẫn thu hút độc giả, dù lớp độc giả ngày nay đã khác nhiều so với những thế hệ độc giả 7x, 8x trước đó. Có nhiều bạn đọc dậy từ 3h sáng bắt xe khách từ các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Vĩnh Phúc, thậm chí là cả ở Thanh Hóa...để có mặt dự sự kiện. Có bạn còn đi từ nửa đêm, tới từ lúc 5h sáng để xếp hàng xin chữ ký và tận mắt thấy "nhà văn thần tượng" của mình.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết, gần 8 giờ sáng khi ông đến Thư viện Hà Nội đã thấy trước cửa có hàng dài bạn đọc đứng xếp hàng. Chứng kiến cảnh này, dù đã có nhiều buổi giao lưu ký tặng sách cho độc giả ở nhiều tỉnh, thành phố, nhưng nhà văn "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" vẫn vô cùng xúc động.

"Gặp những bạn đọc yêu sách, hy sinh cho sách như thế thì tôi rất xúc động. Những tình cảm ấy của bạn đọc là một phần thưởng lớn cho người viết, làm ấm áp cho nghề viết lắm" - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh xúc động chia sẻ trong buổi giao lưu.

Theo nhà văn, chính những tình cảm đó khiến ông buộc mình phải có trách nhiệm trước mỗi trang sách, mỗi cuốn sách. Đến thời điểm này, dù đã ở tuổi ngoài 60, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vẫn đều đặn buộc mình vào bàn viết mỗi ngày. Vậy khi bắt đầu tác phẩm mới, ông quan tâm đến điều gì: Cảm xúc, sức khỏe, tâm lý bạn đọc?

Hỏi Nguyễn Nhật Ánh câu này, không một chút đắn đo, ông khẳng định: "Cảm xúc!". Dù có là một nhà văn chuyên nghiệp như Nguyễn Nhật Ánh thì yếu tố cảm xúc vẫn có tính quyết định. "Nếu mình viết mà không có cảm xúc với đề tài và nhân vật mình đang viết thì không thể nào viết hay được" - Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lý giải, đồng thời nhấn mạnh: "Cuốn sách trước khi làm cho người đọc rung động thì bản thân nhà văn phải rung động với những câu chữ mình viết.

Điều này thì nó đúng không chỉ với việc viết văn, mà ngay cả khi phải làm báo cáo cơ quan hay viết một bài báo, một thiên phóng sự". Nguyễn Nhật Ánh hóm hỉnh lý giải với bạn đọc: "Nhiều người hỏi tôi sao viết văn? Tôi trả lời vì thật ra tôi không biết làm gì hết. Thành ra tôi đi viết văn. Nhưng để viết đều đặn như vậy, thì mình phải biết nuôi dưỡng cảm xúc. Vì khi mình bị bão hòa, bị chai sạn, vô cảm thì mình không thể nào viết được. Trong nghề viết, tôi cũng rất sợ lúc nào đó tâm hồn mình trơ lỳ, thì mình không viết được. Rất may đến giờ này, lúc nào tôi cũng muốn viết!".

Nhà văn của những kỷ lục đáng gờm

Kỷ lục đầu tiên có thể nói ngay, Nguyễn Nhật Ánh chính là nhà văn có số đầu sách viết cho thiếu nhi vào hàng lớn nhất tính đến nay: trên dưới 50 đầu sách. Còn nếu tính tổng cộng số lượng bản in, thì đương nhiên Nguyễn Nhật Ánh là "soái thủ" không có nhà văn Việt Nam nào địch nổi.

Cho đến nay, "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" đã chạm mốc phát hành 400.000 bản với 46 lần phát hành - phá vỡ mọi kỷ lục trong ngành xuất bản tại thị trường Việt Nam. Không dừng ở đó, "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" còn được dịch ra các thứ tiếng như tiếng Anh, tiếng Thái, tiếng Hàn... và phát hành tại các nước này đã mở rộng biên độ tiếp cận độc giả của tác phẩm và làm nên một kỷ lục về một trong những tác phẩm viết cho thiếu nhi của Việt Nam được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới nhất.

Có lẽ, nhận ra sức hút quá lớn của Nguyễn Nhật Ánh, cho nên với "Cảm ơn người lớn", NXB Trẻ đã cho in luôn 150.000 bản trong lần phát hành đầu tiên - cũng là một kỳ tích trong ngành xuất bản mà bất cứ một tác giả, một NXB nào cũng phải "ngưỡng vọng".

Độc giả Hà Nội đứng xếp hàng trong mưa rét chờ xin chữ ký của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Và, chắc hẳn Nguyễn Nhật Ánh cũng là nhà văn hiếm hoi của Việt Nam có sách phát hành đồng thời ở Việt Nam và một số nơi trên thế giới. Với tập truyện "Cảm ơn người lớn" lần này cũng vậy. Ngay lần đầu, cuốn sách đã được NXB Trẻ in tới 150.000 bản, và được phát hành đồng thời tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nơi có bà con người Việt sinh sống như Praha - Cộng hòa Séc, Berlin - Cộng hòa liên bang Đức (trong khuôn khổ chương trình Sách trẻ tại châu Âu), tại Nhật Bản (nhà sách Kinokuniya - thông qua nhà phát hành FAHASA), Đài Loan -Trung Quốc và tại California - Mỹ.

Với việc làm này, NXB Trẻ đã chứng minh rằng, ở đâu có người Việt cũng đều có độc giả Việt và một tác phẩm có giá trị sẽ được độc giả của ngôn ngữ đó đón nhận ở mọi nơi trên thế giới. Nhưng nó cũng cho thấy, sự nhạy bén, "đi trước đón đầu" của NXB  Trẻ - đơn vị được mệnh danh là năng động, với những tính toán khôn ngoan, khoa học và thành công hàng đầu trong làng xuất bản.

Thành công vang dội của bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã khiến tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh càng vang xa hơn, được độc giả yêu mến hơn. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bộ phim thành công đến thế (doanh thu đạt 80 tỉ từ khi công chiếu), đó là vì kịch bản này đã chuyển thể gần như trọn vẹn tinh thần trong tác phẩm văn học để trở thành một tác phẩm điện ảnh.

Gần đây, tác phẩm "Mắt biếc" của ông tiếp tục được Victor Vũ - Đạo diễn "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" chuyển thể sang kịch bản phim và hứa hẹn làm nên một kỳ tích tiếp theo trong điện ảnh. Không chỉ có thế, rất nhiều tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển thể thành phim rất thành công, được khán giả yêu thích như "Thằng quỷ nhỏ", "Áo trắng sân trường", "Bong bóng lên trời", "Nữ sinh", "Kính vạn hoa", "Cô gái đến từ hôm qua"... hầu hết là dựa trên tác phẩm cùng tên.

Riêng ở mảng tác phẩm được chuyển thể thành phim, tuy chưa có thống kê nhưng chắc chắn Nguyễn Nhật Ánh cũng ở trong top đầu các nhà văn có tác phẩm được chuyển thể thành phim nhiều nhất. Điều đáng nói là, hầu hết các tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh hay phim truyền hình ấy đều giữ lại được tên nguyên bản của tác phẩm văn học, làm cho sức sống, tên tuổi của Nguyễn Nhật Ánh lại thêm một lần nữa ăn sâu vào tiềm thức của khán giả - độc giả.

Có một điều nữa cần nhắc về kỷ lục đáng gờm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, đó là trong suốt mấy chục năm cầm bút của mình và kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra mắt vào những năm 80 của thế kỷ trước, hầu như mỗi năm nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đều cho ra mắt một tác phẩm mới một cách hết sức đều đặn.

Điều này có lẽ chưa một nhà văn nào của Việt Nam làm được như ông. Ông duy trì được cảm hứng, khả năng làm việc và sức bền bỉ đến mức "hiếm có khó tìm". Không cần lội ngược dòng quá xa, hãy cứ nhìn vào danh sách những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh được phát hành từ năm 2008 với "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" đến nay là thấy rõ điều đó. Và một điều nữa cần nhấn mạnh, Nguyễn Nhật Ánh cũng đồng thời là nhà văn không chịu ngủ yên trong ánh hào quang do chính mình tạo ra...

Nguyệt Hà
.
.