Nhà văn Yury Krylov: “Văn học không phải là cách kiếm tiền”

Thứ Hai, 11/01/2021, 07:49
Thị trường sách hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến tiến trình văn học ở Nga? Tại sao chúng ta thấy rất ít tác phẩm có thể tồn tại với thời gian? Chức năng của tác phẩm văn học trong thế kỷ XXI thay đổi như thế nào? Và tại sao không nên lẫn lộn giữa “chính sách” và “văn học”? Đó là nội dung cuộc trò chuyện của phóng viên Báo Văn hóa Nga với nhà văn, nhà thơ, dịch giả Yury Krylov.


- Khi một nhà văn đương đại định xuất bản sách, anh ta thường nghe nói: Nếu bạn có vài nghìn người theo dõi trên mạng xã hội, chúng tôi sẽ xuất bản sách của bạn, vì bạn đã có một lượng độc giả có khả năng mua cuốn sách này. Nếu không có số lượng độc giả như vậy, thì dù sách của bạn hay đến đâu, các nhà xuất bản hiện nay cũng không quan tâm đến bạn. Có phải vậy không?

+ Các nhà xuất bản lười biếng hoạt động như vậy, nhưng, than ôi, hiện nay loại đó chiếm đa số. Số lượng người theo dõi trên mạng xã hội hoàn toàn không tương đồng với số lượng sách bán ra. Độc giả của mạng xã hội và sách in khác nhau - điều này đã được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp hãn hữu, ví dụ như nữ bác sĩ lang băm Zubareva có hàng triệu độc giả: sách của bà được bán với tiara khủng, nhưng không vì thế mà chúng được gọi là sách.

Nhà văn Nga Yury Krylov.

- Khi chọn sách để xuất bản, nhà xuất bản dựa trên những tiêu chí nào?

+ Có những bảng xếp hạng đề tài giúp xác định xu hướng. Ví dụ, hiện nay đề tài thiết kế sinh thái đang nóng, do đó, các nhà xuất bản xem những cuốn sách nào đã được xuất bản về đề tài này trên khắp thế giới. Từ đó họ hoặc tự biên soạn vì rất khó nhanh chóng tạo ra một sản phẩm gốc, hoặc mua bản quyền sách của các nhà xuất bản khác ở nước ngoài, bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức cho nó. Nhưng dịch sách nước ngoài là con đường phổ biến nhất, vì bất kỳ cuốn sách biên soạn nào cũng nghèo nàn hơn bản gốc.

- Xin ông cho biết vì sao số lượng in hiện nay thấp như vậy mà sách vẫn không bán được? 2.000 - 3.000 bản cho một cuốn sách mới được coi là một lượng in tốt. Dưới thời Xô viết, số lượng in lên đến 200.000 bản.

+ Dưới thời Xô viết, không có nhiều danh mục sản phẩm sách như hiện nay. Hơn nữa, thời bấy giờ không có nhiều thông tin thay thế để từ đó người ta có thể tìm nguồn giải trí. Ở Liên Xô, có hai kênh truyền hình chỉ phát sóng đến lúc nửa đêm, nhưng có mạng lưới báo chí định kỳ phát triển và sách. Sách là vật xa xỉ, không phải gia đình nào cũng đủ tiền mua 200 tập của “Tủ sách văn học thế giới” mà mọi người đều săn lùng. Sách là dấu hiệu của một đẳng cấp nhất định: nó không chỉ là nguồn kiến thức, thú vui, mà còn là đối tượng của văn hóa vật chất.

- Thực trạng thị trường sách hiện nay ảnh hưởng như thế nào đến tác phẩm văn học, logic, hình thức, tác giả?

+ Điều đó còn phụ thuộc vào việc bạn hiểu thế nào là tác phẩm văn học. Nếu một nhà văn bị ảnh hưởng bởi thị trường sách thì anh ta là một nhà văn bất tài. Nếu một nhà văn ảo tưởng rằng mình sẽ trở nên vĩ đại và sẽ kiếm bộn tiền trên thị trường sách, thì anh ta đã nhầm. Văn học không phải là cách kiếm tiền. Nếu bạn muốn kiếm tiền bằng nghề văn, hãy đi vào văn học với tư cách cán bộ: biên tập viên, dịch giả, giám đốc nhà xuất bản. Còn kiếm tiền bằng văn học như một tác giả thì rất khó. Ở Nga cùng lắm chỉ có chục người sống được bằng sách của mình, nhưng cơ hội của các nhà văn lọt vào top mười người này cực kỳ nhỏ.

- Tại sao mười tác giả này lại thành công? Họ có phải thiên tài không?

+ Đơn giản là thị trường sách của chúng ta méo mó như vậy. Những người này xuất hiện đúng nơi, đúng lúc. Khi thị trường bắt đầu ảnh hưởng đến văn học, sử dụng văn học như một công cụ kiếm tiền, văn học không còn là văn học nữa. Nó trở thành bất cứ thứ gì: báo chí, tác phẩm trào phúng, phóng tác, nhưng chức năng của văn học bị đánh mất. Có những trường hợp hiếm hoi khi văn học và thành công thương mại gặp gỡ nhau một cách tự nguyện: J.K. Rowling, Anton Chekhov, Brodsky. Rất hạn hữu, bạn có thể đếm trên đầu ngón tay, và sách của họ được in nhiều ngàn bản.

- Vậy thì văn học hiện nay trốn đi đâu, nó nằm trong tay ai?

+ Trên thực tế, có nhiều văn học trên Internet. Để công bố tác phẩm, bạn hoàn toàn không nhất thiết phải đến một nhà xuất bản lớn. Bạn có thể viết blog, post bài lên Facebook, Instagram, tìm kiếm độc giả, hiện nay độc giả mạng còn lớn hơn nhiều so với độc giả sách. Xét về mặt này, xuất bản sách là giai đoạn cuối cùng, còn tất cả các công việc thực tế diễn ra trên mạng.

- Chúng ta hãy xem xét chức năng giải trí của văn học. Từ thế kỷ XIX trở về trước, đọc sách là trò giải trí của một số người có điều kiện. Hiện nay ai cũng biết đọc, nhưng văn học đánh mất chức năng quan trọng như một hình thức giải trí. Liệu có thể nói rằng các tác phẩm dài đang biến mất, và có thể, đến cuối thế kỷ này, người ta sẽ không còn viết sách nữa?

+ Nếu nói về chức năng giải trí của văn học, xét cho cùng, ngay cả văn học thế kỷ XIX cũng không phải là những câu chuyện giải trí, không phải tiểu thuyết phiêu lưu. Dostoevsky, Chekhov, Tolstoy, Pushkin, Baratynsky, Nekrasov... thời gian tự sắp xếp tất cả vào vị trí. Ai bây giờ còn nhớ nhà thơ Nga Semyon Nadson (1862-1887)? Thế mà có một thời ông ta có ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ, khiến nhiều nữ sinh phát cuồng. Hoặc nhà thơ Nga thế kỷ Bạc Igor Severyanin (1887-1941)? Người  ta nhớ Akhmatova, Tsvetaeva, Pasternak, thậm chí các nhà thơ phái vị lai cũng không được nhớ lắm, bởi vì họ chỉ phục vụ chức năng giải trí.

Có những tác phẩm gắn chặt với thời đại. Chẳng hạn như tác phẩm của các nhà thơ phái vị lai: đối với thời đại của họ, chúng sinh động, thiết thực và rất thú vị. Còn về Akhmatova và Pasternak thì họ không trói mình vào thời đại, họ trói thời đại vào chính mình.

- Theo ông, những tác phẩm đương đại nào có thể còn lại trong lịch sử? Hay hiện nay không phải là thế kỷ vàng và thế kỷ bạc của văn học Nga?

+ Không phải vàng, không phải bạc, thậm chí không phải gỗ.

- Thời đại ngày nay thiếu cái gì để có thể sản sinh ra các nhà văn lớn?

+ Thời đại ngày nay đã sinh ra rất nhiều tác giả, hơn nữa, hiện nay ai cũng có thể trở thành tác giả: chỉ cần đăng bài lên Facebook là bạn đã thành một tác giả, kích thích phản ứng của độc giả đối với tác phẩm của bạn, chờ đợi like và comment. Hiện nay, con đường này đã được rút ngắn. Bất kỳ người nào sử dụng mạng xã hội và viết một cái gì đó đều thực hiện chức năng văn học của mình.

- Ông cho rằng nước Nga vẫn là quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới?

+ Số liệu thống kê kiểu này hoàn toàn mang tính chất tương đối. Có thể theo dõi số lượng sách đã bán, nhưng rất khó theo dõi số sách đã đọc. Hơn nữa, không có cách nào để xác định “chất lượng đọc”. Điều này luôn luôn diễn ra, dưới thời Liên Xô cũng vậy.

- Văn học phản ánh hiện thực xã hội. Ông thấy mối quan hệ qua lại đó hiện nay như thế nào?

+ Tôi không thấy bất kỳ mối quan hệ nào, xã hội tự đi theo con đường của mình, văn học cũng vậy.

- Nhưng vẫn có chính sách của nhà nước trong lĩnh vực văn học. Ông có thấy nó mang lại kết quả gì không?

+ Không nên lẫn lộn giữa “chính sách” và “văn học”. Văn học là thứ được tạo ra một cách tự nguyện, theo mệnh lệnh của trái tim, xuất phát từ yêu cầu của khối óc, lương tâm. Chính sách là cái được xây dựng nhất quán, phía sau nó là sự thực dụng. Văn học không mang tính thực dụng, nếu người ta tìm cách biến văn học thành công cụ của chính sách, nó sẽ trở thành một con điếm, đánh mất chức năng văn học. Văn học là tự do, tự do vô bờ bến.

- Liệu có thể nói về sự xuất hiện của một thể loại mới nào đó không? Cuối thế kỷ XIX, xuất hiện tiểu thuyết trinh thám, nửa sau thế kỷ XX, ai cũng đắm mình vào hiện thực hậu hiện đại. Tiếp theo sẽ là gì? Nửa sau thế kỷ XXI, tiểu thuyết sẽ như thế nào?

+ Tôi không tin rằng tiểu thuyết như một thể loại vốn có sẽ giữ nguyên như cũ, rằng nó sẽ là một tập hợp văn bản ngắn, được gọi một cách ước lệ là chương, và chương sẽ cấu thành một câu chuyện nào đó. Nói đúng ra, đây là vấn đề hình thức, còn nội dung thì trước thế nào sau vẫn thế: tiền, máu, tình yêu, chiến tranh, không có gì khác.

Còn về hình thức thì tự thời đại sẽ quyết định. Điều tôi lo lắng hơn cả là rất nhiều người, thậm chí các nhà báo, nhà phê bình không sử dụng hết khả năng của ngôn ngữ. Chúng ta chuyển sang một ngôn ngữ hư cấu nào đấy, khẩu ngữ. Điều này thực sự làm tôi kinh ngạc. Ngôn ngữ vốn rất đa dạng, rộng lớn và phức tạp. Và nếu bạn học sử dụng nó một cách nhân văn, thì đó thực sự là vẻ đẹp. Nhưng, tiếc thay, điều đó đang biến mất.

Trần Hậu (tổng hợp)
.
.