Nhà văn Vũ Thanh Lịch: Và những trang văn chầm chậm tới mình

Thứ Năm, 17/12/2020, 15:53
Nhà văn Vũ Thanh Lịch luôn tâm niệm: “Mỗi lần đặt bút viết một câu chuyện mới, tôi đều hi vọng câu chuyện mình kể ra sẽ nhóm lên một ngọn lửa, sưởi ấm một tâm hồn, mà đầu tiên là sưởi ấm tâm hồn chính mình. Ngọn lửa cứ thế âm ỉ cháy, dẫn tôi về phía có nhiều ánh sáng hơn”.


1. Đó là cuộc đi thực tế, gặp gỡ và giao lưu giữa các nhà văn dự trại viết của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với các chiến sĩ mang quân hàm xanh ở đồn biên phòng A Mú Sung, thuộc huyện biên giới Bát Xát, Lào Cai, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, gắn với cột mốc kép 92 tại ngã ba sông Lũng Pô ngày đông sương giăng ngày hạ nắng quái. 

Lần đầu tiên tôi đến đơn vị bộ đội, lại bộ đội miền biên ải, nên sự háo hức và nhiệt tình có thừa. Ở cuộc liên hoan rượu vào lời ra, càng về cuối các nhà văn càng “bỏ bát... chạy lấy người”. Quay trước quay sau, đội khách còn lại nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nhà văn Vũ Thanh Lịch và tên say chuyện là tôi.

Giữa cơn mưa ly rượu trắng, tác giả “Cơn mưa hoa mận trắng” kinh nghiệm trận mạc đầy mình đã chỉ huy tổ tam tam chúng tôi... tiến lên. Theo chiến thuật của nhà văn Phạm Duy Nghĩa thì chúng tôi ngồi im cũng vững như kiềng ba chân mà phi đội ta xuất kích ba mũi giáp công thì chắc chắn toàn thắng ắt về ta. Mỗi thực tế không phải thế. Bởi ngay sau đó, cụng ly, Vũ Thanh Lịch, người từng 4 năm dạy học ở đất rượu Kim Sơn không hô xung phong mà nghiêng đầu bỏ nhỏ vào tai tôi “Lê ơi, cứu chị!”, rồi thành thục trong bài tát rượu sang chén.

Nhà văn Vũ Thanh Lịch.

Ốc không mang nổi mình ốc, sao mang nổi cọc cho rêu. Thêm ba lần nâng ly, nhấp môi rồi đổ sang cho tôi gánh, Vũ Thanh Lịch và tôi chính thức giơ cờ trắng, để lại nhà văn Phạm Duy Nghĩa bơ vơ giữa trận tiền. Không rõ cuộc đơn thương độc mã ấy ra sao, chỉ biết chiều xuống, dập dềnh trên xe từ Bát Xát về Sa Pa, anh luôn miệng hát: “Anh không chết đâu anh người anh hùng mũ đỏ tên Đương…”.

Tôi chính thức chuyện qua lại với nhà văn Vũ Thanh Lịch sau cuộc rượu biên giới đó. Hồi ấy chị là đương kim Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình. Năm 2013, ở tuổi 35, có lẽ chị là người trẻ nhất nước ở cương vị này, lại là nữ.  

2. Rời trại viết trên mây ở Sa Pa, Vũ Thanh Lịch để lại trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội một hư cấu lịch sử cởi mở, lãng mạn qua truyện “Mây vờn trên đỉnh Mã Yên” và một hiện thực đan xen kì ảo, ấn tượng về cấu tứ qua truyện “Người đi tìm cánh tay”. Nhưng phải sau đó, khi có trong tay tập truyện “Đi qua đồng cói”, tôi mới cảm giác đường chữ của Vũ Thanh Lịch hiện lên rõ ràng hơn.

Tôi nhớ như in, những truyện cuối tôi đọc khi ngồi trên xe đi Tây Nguyên. Quốc lộ 14 mới hoàn thành, chưa đủ lâu để nhuốm màu đất đỏ. Đường đẹp và xe chạy ngọt như chạy vào giấc mơ. Dã quỳ bắt đầu chạm mùa. Vàng rực. Dã quỳ và thông. Tầng thấp tầng cao. Thả ngang tầm nhìn và vút cao tầm mắt. Gần xa đều là núi. Điệp trùng núi. Điệp trùng xanh. 

Nhưng truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch lại dẫn tôi về với làng đồng Bắc Bộ. Đây là tập truyện thứ hai, sau “Trú rét” có “truyện hay xen lẫn truyện vừa”. Bút pháp và lối dẫn chuyện truyền thống, nhưng mạch văn và chất sống ăm ắp đầy. Những chênh chao, bẽ bàng dắt díu nhau hiện lên theo các nhân vật nữ. 

Ấn tượng nhất với truyện được lẩy ra làm tên chung của tập, “Đi qua đồng cói”. Từ tác phẩm già truyện ngắn mà non truyện dài, ôm đến 60 trang sách này, nội lực chữ và căn tính văn chương của Vũ Thanh Lịch hiện lên rõ nét, đó là thứ văn đứng về phe chân yếu tay mềm. 

Nhưng phải đến tập truyện “Người hát gọi mặt trời” vào năm 2018, Vũ Thanh Lịch mới chính thức đến với số đông độc giả. Chị làm tôi nhớ nhà văn “Thời xa vắng”, Lê Lựu, khi ông từng ví người viết văn như thợ đào giếng, có người đào xuống gặp ngay mạch nước, cũng có người miệt mài đào mãi mới gặp nước, lại có người đào cả đời không được cái giếng nào. Theo đó, Vũ Thanh Lịch thuộc vào nhóm thứ hai. “Người hát gọi mặt trời” dày dặn và đều tay ở tuổi 40 là minh chứng cho điều này.

3. Cái sự đào và gặp nước của Vũ Thanh Lịch còn được cụ thể bằng giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2018 – 2019. Chị tiếp bước những Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Kim Hòa... Có thể cách Vũ Thanh Lịch nhận vương miện không gây nhiều bất ngờ như những nữ nhà văn trước đó, bởi không phải xuất hiện là vụt sáng. Đây là kết quả của sự chín và đằm theo thời gian, của sự điềm tĩnh không sốt ruột. Như chính nữ nhân bước vào tuổi 40, chín và tự tin và bung tỏa.

Một số tác phẩm của nhà văn Vũ Thanh Lịch.

Vũ Thanh Lịch bung tỏa và kết tinh chữ ở truyện ngắn “Nhà thánh”. Nói theo ngôn ngữ bóng đá, truyện ngắn này ra đời đúng điểm rơi phong độ, một sự độc sáng. “Thần linh có thật không? Tôi thường tự hỏi mình như vậy khi đứng trước những pho tượng cổ trong không gian thờ tự cũ kĩ nghi ngút khói hương. Và tôi đã viết “Nhà thánh”. Có điều khi viết đến chữ cuối cùng của truyện, tôi vẫn chưa biết thần linh có thật không”. Phải chăng đó chính là hấp lực của cuộc sống cũng như văn chương, để mỗi nhà văn không ngơi nghĩ suy và không ngơi tay viết.

Nhà văn Đỗ Bích Thúy nhận định: “Với “Nhà thánh, Vũ Thanh Lịch đủ vững chãi để trở thành một nhà văn thực sự. Đó không đơn thuần là một truyện ngắn xuất sắc mà nó mở ra cho người đọc thấy nội lực của nhà văn. Phía sau đấy là cuồn cuộn những lớp lang lịch sử, văn hoá, phong tục, quan niệm, lối sống, nếp nghĩ… trong không gian đồng bằng Bắc Bộ”.

4. Sinh ra từ làng quê nơi từng đi vào thơ của nhà thơ kiệm chữ Hữu Loan: “Canh làng du kích Yên Mô/ Nửa đêm trăng mọc đỏ như cháy đồn” (Yên Mô) và lớn lên trong hơi ấm của núi rừng Tam Điệp, Vũ Thanh Lịch thành giáo viên dạy Văn, chuyên viên văn hóa – văn nghệ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trước khi quản lý Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, rồi phụ trách Phòng Quản lí di sản văn hóa ở địa phương có lượng di sản văn hóa thuộc top đầu cả nước, là Ninh Bình.

Có lần tôi hỏi đùa, lộ trình của chị như nào, lên Phó Giám đốc Sở rồi Giám đốc Sở rồi Phó Chủ tịch phụ trách văn xã à? Là tôi nhìn những nhà văn nữ theo chức bỏ cuộc chơi đi trước như Nguyễn Thị Việt Nga ở Hải Dương hay Nguyễn Thị Diệp Mai ở Kiên Giang mà “xỏ xiên” chị thế. Vũ Thanh Lịch cười rổn rảng. Nụ cười rạng rỡ mặn mà. Chị nói không, chị không ham, đang tính xin phép chồng nghỉ việc để rong chơi đây. Tuổi ngựa, ham đi, chứ không ham hố.

Mà thật, có lẽ thế hệ Vũ Thanh Lịch về sau, người trẻ bắt đầu nghĩ khác hơn về vị trí, chỗ đứng trong xã hội. Quan tâm đến cảm - giác - sống của chính mình nhiều hơn người khác nhìn vào mình thế nào. Mình tự thấy thế nào mới quan trọng. 

Lần về Ninh Bình, tôi hiểu câu trả lời trên của Vũ Thanh Lịch không phải làm màu hay đùa chơi. Chị hợp với đi. Kể cả đi trên chính quê hương mình. Cùng chị xuyên mưa Yên Khánh xuyên nắng Kim Sơn, tôi thấy cởi bỏ vỏ bọc công chức mới là chị.

5. Vừa qua, Vũ Thanh Lịch khiến đồng nghiệp và bè bạn giật mình khi tên chị được xướng lên trên sân khấu với hàng loạt đêm diễn từ Hà Nội về quê nhà Ninh Bình, trong vai trò tác giả kịch bản văn học của vở “Phận má đào” do Nhà hát Cải lương Hà Nội dàn dựng. 

Đặc biệt, kịch bản văn học được phôi thai từ truyện ngắn cùng tên của chính chị, giúp thế hệ đương thời thêm những hình dung về vương triều nhà Đinh và kinh đô Hoa Lư, từng nhận tặng thưởng truyện ngắn hay năm 2017 trên Tạp chí Sông Hương.

Tới đây Vũ Thanh Lịch sẽ cho ra mắt độc giả tập truyện thứ sáu, “Nhà thánh”, theo tôi là tập truyện nặng kí nhất đến thời điểm này của chị với 11 truyện ngắn xoáy sâu vào tín ngưỡng dân gian. Làng quê hiện lên trong lồng lộng văn hóa, cả vẻ đẹp trầm tích và những mất mát, nhạt phai vỡ ra đớn đau ở hiện tại.

Chẳng rõ chuyện nghỉ việc để “rong chơi cuối trời quên lãng” với văn chương của chị được anh chồng tâm lí yêu chữ chiều vợ phê duyệt đến đâu rồi, chỉ biết, chị luôn tâm niệm: “Mỗi lần đặt bút viết một câu chuyện mới, tôi đều hi vọng câu chuyện mình kể ra sẽ nhóm lên một ngọn lửa, sưởi ấm một tâm hồn, mà đầu tiên là sưởi ấm tâm hồn chính mình. Ngọn lửa cứ thế âm ỉ cháy, dẫn tôi về phía có nhiều ánh sáng hơn”.

Cái sự “cháy và “sáng” được Vũ Thanh Lịch bật mí thêm, sau “Nhà thánh” sẽ là tiểu thuyết và tập truyện khác nữa, rồi kịch bản văn học, đã xếp hàng chờ sẵn. Đi đâu mà vội mà vàng. Vũ Thanh Lịch là vậy, văn chương và tâm thế của chị làm tôi nhớ đến chữ của nhà thơ Trúc Thông, một kiểu chầm chậm tới mình.

Văn Thành Lê
.
.