Nhà văn Võ Bá Cường và bút lực mạnh mẽ
- Nhà văn Cao Nguyệt Nguyên: Trong thế giới của sáng tạo, biến đổi và khác thường
- Nhà văn Hiền Trang và những giấc mơ hoang đường
- Trung úy - nhà văn Phan Đức Lộc: Trót đam mê văn chương
Ông vừa đoạt giải Ba cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết "Gió Thượng Phùng", là một sự ghi nhận cho sự lao động miệt mài bao năm.
1. Cánh viết văn trẻ chúng tôi vẫn gọi Võ Bá Cường là "cụ Võ", không chỉ bởi ông viết văn rất có... võ, mà còn rất gần gũi giới trẻ. Ông là người say với nhân vật, những số phận, xoáy vào những tâm trạng nhân vật để chưng cất những trang văn phập phồng vốn sống.
Được tham gia một số trại sáng tác văn học cùng ông do Báo CAND, Nhà xuất bản CAND tổ chức, tôi có dịp gần ông để trò chuyện, học tập kinh nghiệm và nhất là được ảnh hưởng luôn cái sự ham đi.
Nhà văn Võ Bá Cường (đứng giữa) giới thiệu về vườn tượng danh nhân. |
Là người ham đi và thích đi, để khám phá và tìm kiếm, làm giàu thêm kho tư liệu của mình. Rồi một lúc nào đó, ông khép cửa phòng, trốn mọi sự đời, ngồi viết. Ông viết hai loại, một là tiểu thuyết tư liệu, hai là tiểu thuyết và truyện hư cấu.
Võ Bá Cường tâm sự: "Tôi thích viết về những nhân vật từng bị oan khuất, những nhân vật lịch sử ít người đặt bút tới. Bài viết là một nén nhang kính cẩn dâng lên những người đã mất khiến tôi vị nể, kính trọng".
Vâng, Võ Bá Cường là người quyết liệt, đã định viết về nhân vật nào là ông "đào bới" tư liệu rất kỹ. Ông dám đến gõ cửa, tìm tài liệu tại những nơi khó khăn nhất. Có những chuyến đi như mò kim đáy bể. Nếu là người dễ nản chí, có thể đã bỏ cuộc.
Còn Võ Bá Cường, ông quan niệm: hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ cửa, cửa sẽ mở. Nhưng tôi biết, với người khác, dù tin như vậy vẫn chưa chắc đã có được tài liệu. Riêng Võ Bá Cường, ông có "võ" để có tài liệu. Trong căn phòng khá rộng của ông ở thành phố Thái Bình, chứa đầy sách và tư liệu. Tất cả là thứ tài sản quý giá của ông.
Võ Bá Cường say và kính Tào Mạt - ông “vua chèo xứ Bắc” bởi tư tưởng và cá tính sáng tạo đầy bản lĩnh với bộ ba vở chèo "Bài ca giữ nước" nổi tiếng. Võ Bá Cường viết cuốn "Chuyện tướng Độ" vì lòng trọng một vị tướng cùng quê Thái Bình. Viết về Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Sáng, Trần Đức Thảo, Trần Dần... cũng vậy.
Bao giờ ngòi bút ông cũng rung lên vì xúc động, vì thương, để có lúc, dòng lệ đã chảy trên khóe mắt văn nhân. Họ là những nhân vật cuộc đời có nhiều vấn đề để nói, để bàn. Họ là những tác giả có nhiều cống hiến, nhưng tiếng nói về họ không phải bao giờ cũng đồng thuận.
Người thường chọn viết về người bình thường, là một giải pháp an toàn, khỏi phải có vấn đề vướng mắc về pháp lý. Võ Bá Cường làm ngược lại, để sẵn sàng đối chất, khi có ai chất vấn.
Trót mang cái nghiệp vào thân! Đã là những văn nhân thực sự, ai mà không đau đáu cho những số kiếp, ai mà không nhăn trán vắt óc vì những dự định và trăn trở. Văn nhân như ông không tìm lấy công việc an nhàn, vì như thế sẽ chẳng tìm thấy văn, sinh ra những tác phẩm đáng giá. Võ Bá Cường dù thấy "Mực đọng trong nghiên sầu" ở đời cầm bút của mình, như câu thơ Vũ Đình Liên đã nói, để làm một người cầm bút dấn thân đúng nghĩa.
Khi nói về cái sự đi, nhà văn Võ Bá Cường tâm sự: "Đi chẳng những là cái thú, đi còn để khám phá bản thân mình nữa". Vâng, là để khám phá sự cảm nhận của mình, sức khỏe mình. Cho nên, lúc này ông cưỡi sóng gió ra biển khơi, lúc khác lại đằm mình trong không gian văn hóa Tây Bắc, hoặc về hưởng cái nóng khô khốc trên những cung đường gập ghềnh ở Hà Giang... Đến vùng đất nào, "cụ Võ" cũng cẩn thận ghi chép làm tư liệu. Võ Bá Cường nói, mình đi nhiều, vậy mà so với các văn nhân thời trước, chẳng thấm gì. "Tôi đi đến vùng nào, cũng đã thấy bước chân cụ Nguyễn Tuân. Thật là tài tình".
2. Võ Bá Cường đã ở cái tuổi mà theo ông, nếm đủ cay đắng ở đời. Ông bảo tôi - một người viết văn trẻ hãy cố sống nhiều, chứ không phải sống lâu. Và phải giữ ngòi bút luôn sắc, không ngừng bồi bổ cho ngòi bút ấy. Tôi xin vâng, bởi vì người viết văn, để trường sức, cần nhiều yếu tố.
Tôi lại hỏi chuyện đời, con đường đến với văn chương của "cụ Võ". Trước khi đến với nghề văn, Võ Bá Cường từng làm nhiều nghề. Ban đầu là một anh lơ xe, rồi làm cán bộ địa chất. Sau không trụ với nghề này, ông đi học sư phạm, ra đảo Cô Tô (Quảng Ninh) dạy học, viết báo.
Đến năm 1967, ông về công tác ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Phả (nay là Vân Đồn). Thời gian ở Cẩm Phả, ông may mắn được tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Xuân Quỳnh, Ngô Quân Miện... Cho đến năm 1971 thì về Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình. Giai đoạn này ông gọi là làm bếp núc cho văn nghệ địa phương.
Năm 1997, nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian đi hơn, tự do với những hành trình dài của mình, say với các đề tài, các nhân vật mà mình yêu thích. Trên đường đi, ông viết báo để có tiền nuôi mình, bằng sự trong sạch của ngòi bút mình.
Ngôi nhà của ông cũng mở cửa đón nhiều văn nghệ sĩ, mà theo vợ chồng ông tâm sự, là để được noi gương, học tập, để tránh xa cái xấu. Trong cuộc sống, ông thích sự bình lặng, giản dị và quảng giao, muốn giao lưu với lớp trẻ để được làm mới mình.
Nhà văn Võ Bá Cường trong một chuyến đi thực tế. |
Bè bạn đã tặng cho Võ Bá Cường câu: "Người của chân trời mới". Vì mỗi lần gọi điện cho ông, hỏi, lại thấy ông nói về một cái mới, một địa chỉ mới mà ông đến. Riêng ông quan niệm, đã là nhà văn thì phải viết, phải chứng tỏ bằng tác phẩm của mình. Cần mẫn sáng tạo, ông có hơn 20 tác phẩm, gồm cả thơ, trường ca, tiểu thuyết và gần chục tác phẩm chưa công bố. Gần đây là cuốn hồi ký "Thời tôi sống" mà nhà văn Ma Văn Kháng đánh giá cao.
Ông nói: "Mệt nhọc. Cơm bụi. Ngủ nhờ. Xe ôm. Lần mò hang cùng ngõ hẻm. Túng quẫn nhiều khi không xu dính túi. Không sao hết! Vẫn say sưa công việc bàn thời thế, luận anh hùng. Với ngòi bút và trang giấy trong tay, nhà văn quyết tranh đấu cho một ngày mai tươi sáng hơn".
Rồi các tiểu thuyết "Sóng Cửa Đại", "Gió Thượng Phùng", tập ký "Cầu Bo qua phố" lần lượt ra đời… "Gió Thượng Phùng", tiểu thuyết lấy bối cảnh những đồng bào người Mông “sống trên đá chết vùi trong đá”, với lời thề giữ đất giữ nhà của nhà văn Võ Bá Cường vừa đoạt giải Ba cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam. Lão nhà văn cho biết, trong nhiều tác phẩm, ông đứng về phía người cần lao, đó cũng như một sứ mệnh của người cầm bút.
3.Tôi tự hỏi, Võ Bá Cường đã lấy bút lực ở đâu mà đi nhiều viết nhiều đến như vậy. Về điều này, nhà văn giải thích, vì ông sống và viết, bênh vực cho những người thiệt thòi, ông thích viết về những người ít ai động bút tới. Bút lực của ông cũng nhờ đó mà sảng khoái, sung sức.
Trong những chuyến đi, Võ Bá Cường cũng dành tâm sức thâm nhập vào ngành Công an, ông đi thực tế ở nhiều trại giam trên cả nước. Ông có cuốn tiểu thuyết tư liệu "Những người thầy đặc biệt" và hàng chục bài ký về người lính Công an đăng rải rác trên các báo.
Trong các trại giam, ông còn đi sâu vào khai thác tâm trạng và cuộc sống của những chiến sĩ Công an gắn bó với những trại giam. Nhờ đó, ông phát hiện ra, cán bộ quản giáo cảm hóa phạm nhân và trở thành những người thầy đặc biệt.
Cụ Nguyễn Tiến Đoàn, dịch giả Hán Nôm viết tặng Võ Bá Cường câu: "Cổ kim mặc khách đa ưu họa/ Chỉ vị sinh linh tả bất bình" (Xưa nay những người bút mực đều gặp khó khăn/ Cả cuộc đời viết nỗi bất bình cho thiên hạ), là cụ Đoàn rất sát và rất hiểu Võ Bá Cường. Nhà văn Đỗ Chu có một tâm sự: "Anh Võ Bá Cường - nhà văn của những người đã khuất, nhưng bóng dáng họ còn ở lại với đời.