Nhà văn Trần Thanh Cảnh: “Tôi như người đa nhân cách, nhưng lại đa cảm với văn chương”

Thứ Sáu, 03/03/2017, 08:00
Trước khi được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015 với tập truyện ngắn "Kỳ nhân làng Ngọc", Trần Thanh Cảnh là một cái tên khá mới mẻ. Với việc đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam khi chưa là hội viên, nhiều người nghĩ rằng đó như một tấm "giấy thông hành" để anh có thể đường đường chính chính bước vào "ngôi nhà chung" của Hội. Nhưng danh sách kết nạp hội viên mới năm 2016 đã không có tên Trần Thanh Cảnh. 


Sau đó, nhà văn Trần Thanh Cảnh đã tới trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam rút hồ sơ về và đăng đàn tuyên bố không bao giờ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam nữa. Văn nghệ Công an có cuộc trò chuyện với nhà văn Trần Thanh Cảnh xung quanh vấn đề nhạy cảm này.

- Thưa nhà văn Trần Thanh Cảnh, khi nhận được thông tin mình bị trượt khỏi danh sách trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tâm trạng, cảm xúc của anh vào lúc ấy như thế nào? Tại sao anh lại nhanh chóng quyết định sẽ rút hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam chỉ sau 1 lần bị "đánh trượt"?

+ Thật ra khi tôi nhận được tin không trúng vào Hội Nhà văn Việt Nam lần này tôi không vui, nhưng cũng không buồn. Tôi đón nhận nó với tâm trạng khá... dửng dưng, vì mình đã dự kiến trước việc này rồi. Tôi viết văn trước hết là bởi những bức xúc từ nội tâm của bản thân cần được giải tỏa, cần phải viết ra, chứ không bởi ý đồ hay mưu cầu danh lợi gì trong chuyện ấy.

Tác giả Trần Thanh Cảnh nhận giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 2015.

Có thể bạn đã biết, tôi xuất thân là dược sĩ, là chủ một doanh nghiệp nên tôi viết văn như một sự giải tỏa. Nói lại một chút, là khi cuốn "Kỳ nhân làng Ngọc" được in ra, bản thân tôi là người đã tự tiến cử tác phẩm của mình và được giải thưởng.

Sau khi nhận giải, được nhiều nhà văn có tên tuổi động viên nên vào Hội dù những "điều tiếng" mà tôi nghe được không phải là ít, nên tôi cũng suy nghĩ và lăn tăn mãi. Nhưng cuối cùng tôi vẫn làm đơn và muốn coi đó như một "phép thử". Giờ thì tôi quyết định rút đơn về, dù vẫn nhận được nhiều lời động viên hãy kiên nhẫn "xếp hàng" đợi đến năm sau.

- Lâu nay vẫn tồn tại một nghịch lý là có những tác giả tìm mọi cách để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và sau khi trở thành hội viên rồi thì như một cách thỏa mãn với chính mình, họ không viết hoặc không viết được nữa. Qua sự việc vừa rồi, bản thân anh thấy việc trở thành hay không trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác của anh không?

+ Tôi là người rất chịu đọc, vì thế tôi dám nói rằng, nhìn vào danh sách tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn kỳ vừa rồi, sẽ có những cái tên mà độc giả không biết được đó là ai. Tôi cho rằng nhà văn có thể không sống được bằng tác phẩm nhưng phải "định danh" mình bằng tác phẩm. Nếu không có đời sống của tác phẩm, cái danh nhà văn cũng chỉ là "danh hão" mà thôi.

Tôi cho rằng, nhà văn làm ra tác phẩm để cho xã hội, cho độc giả mà độc giả người ta không đọc, không biết đến tác phẩm của mình thì cái danh nhà văn cũng là vô nghĩa. Vì thế, việc tôi có trở thành hội viên Hội Nhà văn hay không cũng không ảnh hưởng gì đến việc viết lách của tôi. Tôi sẽ vẫn viết như thế, với sự thôi thúc từ nội tại, để giải tỏa bản thân như nguyên cớ ban đầu tôi đến với văn chương.

Thực ra, có một chuyện buồn khác là cách đây mấy năm tôi cũng từng bị Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh từ chối với lý do "Thằng ấy nó không coi ai ra gì!". Thế nhưng suốt mấy năm qua tôi vẫn viết, vẫn say mê như thuở ban đầu đến với văn chương và in sách đều đặn là câu trả lời "đẹp" nhất cho chuyện này.

- Xem ra, văn chương có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của anh? Là doanh nhân với công việc kinh doanh bận rộn, anh đã phân bổ quỹ thời gian của mình như thế nào để có thời gian cho việc sáng tác?

+ Đầu tiên, tôi xin phép được kể lý do vì sao tôi đến với văn chương. Vào thời điểm cuối năm 2012, công việc kinh doanh của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, số dư nợ lớn và đầu óc tôi lúc nào cũng quay cuồng khi đối mặt ngày càng rõ hơn với nguy cơ vỡ nợ, phá sản.

Trong lúc rối trí như vậy, trong một khoảnh khắc tự dưng tôi nghĩ rằng bây giờ mình phải làm cái việc gì đó không liên quan đến tiền để thư giãn. Hằng ngày, hết giờ làm khi nhân viên về hết, tôi ngồi lại văn phòng, đóng cửa lại và lấy bút ra viết.

Tôi vốn là người yêu văn chương, thích đọc sách nên khi "bập" vào viết rồi lại có nhu cầu chia sẻ. Tôi bắt đầu gửi những truyện ngắn đầu tiên cho bạn bè, rồi tập hợp lại, tự in cuốn sách đầu tay có tên "Đại gia" không phát hành mà chỉ để tặng bạn bè, xong là thôi không viết lách gì nữa. Nhưng khi tập sách này ra đời thì tôi lại nhận được rất nhiều lời động viên của bạn bè là nên viết văn. Thế là ban ngày tôi vẫn làm kinh doanh, đến khi đêm xuống là ngồi lại với văn chương.

Khi tôi đặt bút viết, mọi thứ khác trong đầu tôi như biến mất, tôi quên hết mọi chuyện, chỉ còn lại thế giới nhân vật của mình và không có thứ gì chen vào được. Khi tôi đã viết nhanh lắm, chỉ trong có 4 năm, tôi đã xong 3 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết sắp tới sẽ được NXB Trẻ ấn hành.

- Là người làm công việc kinh doanh, va chạm với rất nhiều vấn đề liên quan đến tiền bạc, vấn đề lợi ích cá nhân, động chạm đến cơm áo gạo tiền... Chuyện này có ảnh hưởng gì đến cảm hứng sáng tác văn chương của anh không?

+ Nhiều lúc tôi cũng tự cảm thấy mình rất lạ, thậm chí có thể nói là... "đa nhân cách". Khi làm kinh doanh, tôi là người khá lạnh, có đầu óc tính toán cẩn trọng, nhưng khi đến với văn chương tôi như một người sống một cuộc đời hoàn toàn khác.

Tôi cảm thấy, với văn chương tôi chính xác là một người rất đa sầu đa cảm. Khi tôi viết truyện ngắn "Hội làng" là một truyện ngắn tôi rất thích, có trường đoạn khiến tôi cũng rơi nước mắt theo nhân vật. Nhưng tôi cho rằng, một nhà văn mà không đa sầu đa cảm, không có trái tim mẫn cảm thì viết ra một tác phẩm cũng khó mà chạm được đến trái tim người đọc.

- Anh đến với văn chương khi đã bước qua tuổi 50 - khá muộn so với nhiều người cầm bút khác. Vậy những trải nghiệm, nhiều biến cố trong chính cuộc đời mình đã có tác dụng, đã "hỗ trợ" anh như thế nào trong quá trình sáng tác?

+ Tôi tự thấy rằng, văn chương của tôi nhiều phần là dựa trên sự trải nghiệm, những chất liệu có từ chính cuộc đời tôi và những quan sát, chiêm nghiệm mà tôi cóp nhặt được suốt hơn nửa thế kỷ có mặt trên cuộc đời để xây dựng tác phẩm của mình. Ví dụ như "Kỳ nhân làng Ngọc" vốn là bắt nguồn từ một nhân vật có thật mà tôi đã từng gặp gỡ, từng cảm thấy mắc nợ nên đã thêm thắt, hư cấu thêm để thành tác phẩm mà khi hoàn thành tôi mới cảm thấy mình thanh thản. Làng tôi, ai đọc truyện ngắn này cũng nhận ra đó là người của làng mình.

- Trong cuộc sống đời thường, anh có phải là người mạo hiểm và ưa dấn thân không? Và với văn chương, anh cảm nhận bản thân đã có sự dấn thân hết mình chưa?

+ Trong nhiều góc độ của cuộc sống, tôi là người dấn thân hết mình. Là dược sĩ, là người kinh doanh hay là nhà văn tôi đều có sự dấn thân tận cùng. Tôi chỉ có một giới hạn, đó là giới hạn khả năng của mình đến đâu thì mình đẩy mình đến đó. Tôi luôn mong muốn cháy hết mình, cháy đến tận cùng mọi khoảnh khắc được sống.

- Những người ưa dấn thân là những người sẽ chịu nhiều thử thách, nhiều thất bại. Nhưng những điều này hẳn lại có ý nghĩa đối với quá trình viết lách của anh?

+ Cuộc đời tôi cũng có rất nhiều thất bại nhưng cũng có nhiều thành công với nhiều trải nghiệm đáng giá. Vì thế nó rất có ý nghĩa mỗi khi tôi đặt bút viết, những trải nghiệm quý giá ấy lại đến và dẫn dắt tôi đi. Có một điều rất may mắn là, đối với văn chương, tôi tự cho rằng mình không phải là một người thất bại khi tác phẩm tôi viết ra được nhiều người ủng hộ, đón nhận, cổ vũ. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với tôi rồi!

- Xin cảm ơn nhà văn Trần Thanh Cảnh!

Hà Anh (thực hiện)
.
.