Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Đi qua bến nước mười ba...

Thứ Sáu, 21/08/2020, 07:19
Khi tôi về Văn nghệ Quân đội thì Sương Nguyệt Minh đã không còn làm Trưởng ban Văn xuôi của tạp chí nữa. Văn nghệ Quân đội có một truyền thống rất “lạ kì” là nhiều lãnh đạo, trưởng ban của tạp chí xin thôi chức giữa kì để trở thành một nhà văn thuần túy, Sương Nguyệt Minh cũng là một trường hợp như vậy.


Người ta thường bảo những người ở Văn nghệ Quân đội thường có cá tính  mạnh, lúc đầu tôi cũng không chắc thế, nhưng càng về sau tôi càng thấy đúng. Quen biết Sương Nguyệt Minh lâu tôi biết anh đúng là một tay vừa hổ lửa vừa hồn nhiên, lại có khi lạnh lùng, phớt đời. Anh đã yêu ai thì yêu hết mình, người anh yêu có sai thì anh cũng quyết ngăn đập, đắp đất chắn sóng đã, rồi hồi sau mới đóng cửa bảo nhau, còn ai bị ghét thì anh hoặc là lặng lẽ phớt lờ, không nhắc đến tên, coi như người đó không tồn tại trong đời anh, hoặc là quyết liệt phải trái đến cùng. Thời gian càng trôi đi, tuổi anh càng nhiều thêm thì anh càng điềm đạm, đằm sâu, bây giờ thì dường như anh chẳng còn ghét ai.

Cái bút danh Sương Nguyệt Minh của anh thế nào thì nhiều người biết rồi, đại khái nó ghép từ tên thật của anh, vợ, con trai và bị người ta làm cho chệch đi nhưng tôi không hiểu một người bướng bỉnh như anh lại cam chịu giữ nguyên như thế! 

Bước vào làng văn, Sương Nguyệt Minh đã gây ra một cú xì căng đan lớn với truyện ngắn đầu tay “Nỗi đau dòng họ”, bởi nguyên mẫu, sự kiện của truyện giống thật quá và người ta đã kiện anh đến long tóc gáy và phải tốn bao nhiêu thời gian cùng giấy mực vụ đó mới êm xuôi!

Rồi Sương Nguyệt Minh lại bị “tai nạn” nghề nghiệp lần thứ hai. Tập truyện ngắn “Dị hương” của anh được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 và có nhiều ý kiến trái chiều dữ dội vì anh viết về một cặp nhân vật lịch sử luôn luôn gây tranh cãi: Nguyễn Huệ và Nguyễn Ánh. Bản thân tôi thấy đó là một truyện ngắn hay và đặc sắc của Sương Nguyệt Minh, một cú ngoặt lớn. 

Truyện ngắn lịch sử duy nhất của anh vừa công bố đã gây ra giông tố. Lúc đó tôi còn non nớt trong làng văn và mới về cơ quan nên cũng chỉ biết lắng nghe, hiểu được phần nào nỗi buồn của anh, không biết nói thế nào vì khi ấy tôi còn sơ với anh. Nhưng càng lùi xa tôi càng thấy những tai nạn nghề nghiệp khiến người ta trưởng thành, vững vàng hơn rất nhiều và đôi khi chuyện đó rất khó tránh với giới văn nghệ sĩ. 

Những ý kiến trái chiều là một phần của đời sống văn nghệ, chẳng phải khi bộ ba truyện ngắn lịch sử: “Kiếm sắc”, “Vàng lửa”, “Phẩm tiết” của Nguyễn Huy Thiệp khi mới ra đời cũng chịu bao búa rìu dư luận đó sao và chúng giờ vẫn là những truyện hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp. Những tác phẩm càng bị người ta tranh luận thì sức sống và sự hấp dẫn của chúng càng lớn. 

Tôi cho rằng những truyện kể trên của Nguyễn Huy Thiệp cùng với “Dị hương” của Sương Nguyệt Minh là tập hợp những truyện ngắn hay nhất viết về “cặp đôi” đối lập gây tranh cãi bậc nhất trong lịch sử là vua Quang Trung và Gia Long.

Nhưng không phải qua “Dị hương” người ta mới biết đến Sương Nguyệt Minh, trước đó anh đã là cây truyện ngắn có tiếng và là biên tập viên rất tâm huyết của Văn nghệ Quân đội. Anh là người rất có duyên với các giải thưởng văn chương và các nhà điện ảnh, nhiều truyện ngắn của anh đã được chuyển thể thành tác phẩm điện ảnh và đạt được những thành công đáng kể.

Bìa tiểu thuyết “Miền hoang” của nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Đã lớn tuổi nhưng Sương Nguyệt Minh vẫn còn ham học, khi tôi về Văn nghệ Quân đội, một lớp học tiếng Anh nho nhỏ đã được hình thành và tôi đứng lớp. Thành viên của lớp học bao gồm nhà văn Khuất Quang Thuỵ, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Tiến Thuỵ, Nguyễn Mạnh Hùng và một người bạn nữa. 

Khuất Quang Thuỵ lớn tuổi nhất lớp nhưng rất sáng ý, Sương Nguyệt Minh là đàn anh thứ nhì nhưng cũng khá “ngoan ngoãn” học bài, chỉ có hai “ông” Đỗ Tiến Thuỵ và Nguyễn Mạnh Hùng thì ganh đua nhau rất quyết liệt về điểm số! Một lớp học toàn Đại tá, Trung tá “máu mặt” nên rất sôi nổi, đặc biệt ở các bài dịch thì các nhà văn luôn là những người rất sáng tạo và linh hoạt về ngôn ngữ.

Nếu ai thân với Sương Nguyệt Minh thì biết anh là người có chủ kiến quyết liệt và rất hăng hái. Buổi họp mặt nào có anh không khí đều rất tưng bừng, sinh động và  anh thường là người lĩnh xướng. Sương Nguyệt Minh đã đưa ra ý kiến thì quyết không chịu lùi bước và thua cuộc, thậm chí có lần anh đã suýt có cuộc “đấu súng” với một ông Tướng chỉ vì kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình.

Tôi đã đến chơi nhà Sương Nguyệt Minh vài lần và bạn bè văn chương cũng hay tụ họp nơi ấy. Đó là một căn nhà nhỏ trong ngõ trên con đường Nguyễn Xiển nhộn nhịp. Sương Nguyệt Minh là người quảng giao, quý người, nên mỗi lần tụ họp ở nhà anh đều khá đông người và luôn có những ông bạn rất khác thường nên cuộc ăn nhậu nào cũng rất vui và tưng bừng tranh luận!

Thỉnh thoảng Sương Nguyệt Minh lại phóng con xe máy Future màu xanh đến cơ quan lấy sách báo và thăm bạn bè, vì anh ở ban sáng tác nên không bắt buộc phải đến thường xuyên. Ai cũng bảo ngồi sau xe máy của Sương Nguyệt Minh thì sợ lắm vì tính anh hay giật mình vì mải nghĩ đâu đó hoặc thảng có một bóng hồng nào vụt qua khiến anh bối rối. 

Nói như thế nhưng tôi biết Sương Nguyệt Minh làm việc gì cũng say đắm và chuyên nghiệp. Thời gian khó anh đã từng làm nhiều nghề để mưu sinh, thậm chí đi buôn thượng vàng hạ cám. Làm báo làm văn, anh cũng là tay tổ và hăng hái. Hồi anh chưa làm Trưởng ban, chỉ là biên tập viên, anh đã ôm đồm gần như hết việc trong ban, ông Trưởng ban gần như chỉ việc đi chơi và kí duyệt bài anh đã chuẩn bị sẵn. 

Lúc viết báo, anh cũng năng nổ nhiệt tình, anh giữ mục cho vài tờ báo, công việc khá căng thẳng và áp lực nhưng anh viết nhởn nhơ như không. Thỉnh thoảng đi với anh, thấy kĩ năng làm báo, viết báo của anh rất chuyên nghiệp, chúng tôi nể phục và học được ở anh rất nhiều.

Mới gần đây anh công bố cuốn tiểu thuyết đầu tay “Miền hoang” và ngay lập tức gây được chú ý. Là người lính từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, anh đã có những trang viết rất khốc liệt và đầy xúc động về cuộc chiến chống lại quân Khmer Đỏ. Cuốn sách có những đoạn dữ dội đến mức những người đọc nhạy cảm đôi lúc phải dừng lại tĩnh tâm mới có thể đọc tiếp được.

Sương Nguyệt Minh là người cao to, điển trai, khí chất mạnh mẽ, tôi tưởng rằng những người như anh thì không bao giờ khóc, thế mà chúng tôi đã từng nhìn thấy nước mắt của anh. Trái tim nhà văn và người lính cũng có lúc không thể chịu được những nỗi đau gan ruột hoặc nỗi buồn quá lớn. Người nghệ sĩ có trái tim dễ xúc động và tâm hồn nhạy cảm, có lẽ vì thế mà họ mới dễ rung cảm trước vẻ đẹp hoặc giận dữ, phẫn nộ trước cái ác, cái xấu để viết và sáng tạo.

Những khi gặp mặt, thỉnh thoảng Sương Nguyệt Minh nói chúng tôi những lời gan ruột mà tôi vẫn ghi nhớ. Ví dụ, anh bảo, nếu định làm điều gì đó báo hiếu với bố mẹ mình thì hãy làm ngay đừng có đắn đo, chần chừ vì rất có thể sau đó không còn cơ hội làm nữa, rồi ân hận đến hết đời. Hoặc anh bảo, tất cả những câu chuyện đời hay dở của nhà văn rồi độc giả sẽ quên đi, cái còn lại là tác phẩm của họ. Nếu không có tác phẩm thì có làm ông này, bà nọ cũng không có ai nhớ hết. Có lẽ cũng vì lí do như vậy mà anh đã xin thôi chức giữa lúc đang sung sức để chuyên tâm vào sáng tác. Sau sự dứt ra với công việc hành chính và sự vụ ấy, anh đã có “Dị hương” và “Miền hoang”.

Có hai truyện ngắn của anh mà tôi rất thích đó là “Mười ba bến nước” và “Đêm thánh vô cùng”. “Mười ba bến nước” thì cay đắng, buốt giá với nỗi đau chiến tranh, hậu chiến, thân phận đàn bà. Còn “Đêm thánh vô cùng” là sự tưng tửng, nỗi cô đơn của con người ở ngay ngôi nhà của mình trong xã hội hiện đại. Những truyện đó khá dài, gọi là truyện vừa cũng được và cùng với “Dị hương”, có lẽ chúng là những góc tam giác rất điển hình trong sáng tác của Sương Nguyệt Minh.

Sương Nguyệt Minh là một người nhiệt tình nên khi có những vụ việc khó xử liên quan đến văn chương và gia đình, tôi thường gọi điện cho anh để nhờ tư vấn. Cách xử lí của anh rất quyết liệt, rốt ráo. Từng là người lính trên chiến trường nên anh ít khoan nhượng và quyết liệt đi đến cùng. 

Tôi cũng học được phần nào sự cứng rắn và bản lĩnh của anh. Tôi biết anh từng nhận được những lời mời hấp dẫn về công việc, chức vụ và thù lao nhưng anh đã từ chối để làm một người tự do. Là một người tự do anh có thể viết và nói theo ý mình mà không phải quá thận trọng lo lắng. 

Một lần anh kể với tôi dự định bắt tay vào cuốn tiểu thuyết thứ hai nhưng có vẻ anh vẫn chưa gạt bỏ được những thứ vặt vãnh, để làm cho xong. Quyết liệt với đối thủ nhưng lại rất nể vì bạn bè, có lẽ thế nên anh cứ dây dưa mãi chưa dứt ra khỏi sự vụ để làm xong những kế hoạch lớn lao.

Thỉnh thoảng tôi muốn gọi điện trách móc anh về những dự định chưa thực hiện, tôi thấy tiếc cho nội lực và sự trải nghiệm của anh. Với vốn liếng ấy, sức sống ấy, có lẽ anh sẽ còn tung ra được những chưởng lực mạnh mẽ và ấn tượng hơn nữa. Một người tài hoa và đam mê, quyết liệt với văn chương như anh lại không vùng vẫy đột sáng một lần nữa cho thỏa chí ư?

Sương Nguyệt Minh, anh đã từng đi đến bến nước mười ba, nghĩa là đã dám phá vỡ cái khuôn khổ thông thường. Bây giờ anh sẽ đi đến nước thứ bao nhiêu đây, mười bốn hay mười lăm? Tôi biết một người lính thực sự sẽ không bao giờ dừng lại trừ phi anh ta hi sinh hoặc đã vươn tới đỉnh cao của đời mình...

Uông Triều
.
.