Kỷ niệm 100 ngày sinh Claude Simon

Nhà văn Pháp Claude Simon: Bụt chùa nhà không thiêng

Thứ Sáu, 06/09/2013, 08:00
Không phải nhà văn đoạt giải Nobel nào cũng là tác giả "dễ đọc" đối với phần đông độc giả. Claude Simon càng không nằm trong số những tác giả "dễ đọc".

Năm 1985, mặc dù đã ở tuổi 72 và có tới trên bốn mươi năm cầm bút, song cái tin Claude Simon được Viện hàn lâm Thụy Điển trao tặng giải Nobel văn học cũng vẫn khiến không ít độc giả Pháp phải ngỡ ngàng. Chẳng gì thì tại Pháp, Claude Simon - một tác gia theo trường phái Tiểu Thuyết Mới - từng có lúc chỉ là một người viết "nằm bền lề đời sống văn học". Dịch giả Dương Tường, trong một lần trả lần phỏng vấn báo giới cho biết, một trong những cuốn sách khiến ông nhọc nhằn trong việc chuyển ngữ nhất chính là tác phẩm "Con đường xứ Flandes" của Claude Simon. Nhân sắp tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Claude Simon (10/10/1913-10/10/2013), trong bài viết nhỏ này, chúng tôi xin được cùng bạn đọc ôn lại những nét cơ bản, những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời nhà văn khả kính.

Mặc dù cả cha lẫn mẹ đều là người Pháp, song nơi chôn nhau cắt rốn của Claude Simon lại là Tananarive, thuộc đảo Madagascar, nơi cha ông đang làm nhiệm vụ với tư cách một sĩ quan lính thủy đánh bộ Pháp. Khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra (năm 1914), mẹ con Simon chuyển về sống tại Pháp, cư ngụ ở Perpignan, phía Ðông vùng núi tuyết Pyrenees - Orientales. Trong 10 năm trời, cuộc sống của Simon hoàn toàn gắn bó với nơi đây, cho tới năm 1924, sau khi mẹ ông qua đời, ông chuyển lên Paris học trung học ở Trường Stanislas và đỗ tú tài toàn phần ban toán. Simon cũng từng có thời gian ngắn theo học tại Trường đại học Oxford và Cambridge (Anh), sau rồi ông bỏ học để theo lớp hội họa của họa sĩ lập thể Andre Lhote.

Sinh ra trong thời chiến, gia đình Claude Simon là một gia đình chịu nhiều tổn thất. Nếu như ngay trong năm đầu của cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất, cha của Simon tử trận thì bản thân ông, ngay trong năm đầu của cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai (1939) đã bị động viên vào quân đội và chỉ chưa đầy một năm sau thì bị phát xít Đức bắt làm tù binh tại Bỉ. Sau khi bị bắt được 5 tháng, nhân một chuyến chuyển tù về Pháp, Simon đã trốn thoát khỏi trại giam IVB ở Saxe  và trở về Salses (gần Perpignan) bấy giờ là vùng tự do. Tại đây, Simon đã gia nhập hàng ngũ những người kháng chiến. Tháng 8/1944, Thủ đô Paris được giải phóng khỏi ách xâm lược của phát xít Đức, Simon được giao nhiệm vụ tiếp nhận và điều hành một trung tâm chỉ dẫn kháng chiến tại đây cho đến hết chiến tranh. Ngoài các hoạt động nói trên, Simon còn tham gia vẽ tranh, chụp ảnh và… viết văn. Năm 1945, tiểu thuyết "Kẻ lừa bịp" (được Simon thực hiện từ năm 1941) ra mắt bạn đọc bởi nhà xuất bản Sagittaire. Đây được coi là dấu mốc đầu tiên của Claude Simon trong hành trình văn học. Khác với những cuốn sau này, ở "Kẻ lừa bịp", lối viết của Simon còn chịu nhiều ảnh hưởng của các nhà văn đi trước, rõ nhất là Fyodor Dostoevsky, William Faulkner và Marcel Proust.

Trong 65 năm cầm bút, Claude Simon đã để lại một sự nghiệp văn học khá đồ sộ, với gần 20 cuốn tiểu thuyết, trong đó có những cuốn đã đem về cho ông những giải thưởng danh giá, như Giải l'Express năm 1961; Giải Medicis năm 1967; đặc biệt là Giải Nobel văn học năm 1985 vì đã kết hợp được nhuần nhuyễn "các nguyên tắc của thơ và hội họa trong sáng tác" và vì "nhận thức sâu sắc về vai trò của thời gian trong việc mô tả con người".

Bìa cuốn "Con đường xứ Flandes" của Simon được dịch in tại Việt Nam.

Từ giữa những năm năm mươi của thế kỷ trước, Claude Simon bắt đầu có những bứt phá mang tính cách tân trong sáng tác tiểu thuyết. Tác phẩm nổi tiếng đầu tiên của Claude Simon được sáng tác theo khuynh hướng Tiểu Thuyết Mới chính là "Cỏ". Lời đề từ của "Cỏ" được dẫn từ một câu văn rất đáng suy ngẫm của nhà văn Nga Boris Pasternak, người được trao giải Nobel văn học năm 1958 (là năm "Cỏ" được xuất bản): "Lịch sử không do ai làm nên và chẳng ai được trông thấy, như ta không thấy cỏ mọc". Tuy nhiên, nếu nói cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất, tầm vóc nhất trong đời Claude Simon thì đó phải là cuốn "Con đường xứ Flandes" (1960). Đây là một cuốn tiểu thuyết để lại trong lòng người đọc nhiều ám ảnh, song cũng là cuốn sách khó đọc - nói như dịch giả Dương Tường là nó khó đọc ngay cả với các bậc học giả Pháp. Cuốn tiểu thuyết có  lối hành văn chẳng giống ai (có tới hàng chục trang tác giả viết liền tù tì, không một dấu chấm câu). Chẳng thế mà dịch giả Dương Tường đã xếp cuốn sách này vào loại "khó dịch" nhất trong những cuốn mà ông từng thực hiện.

Là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào việc hình thành và phát triển của trào lưu Tiểu Thuyết Mới, một trường phái có đặc trưng là xem nhẹ việc xây dựng cốt truyện, nhân vật; trong tác phẩm, các hình tượng không gắn kết với nhau về mặt thời gian; tất cả các cảm xúc đồng hiện như trên bề mặt một bức tranh, song, khác với các tác giả khác (như Alain Robbe - Grillet, Michel Butor, Nathalie Sarraute…), Claude Simon chỉ thầm lặng sáng tác chứ rất ít phát biểu, tuyên ngôn này khác. Ông cũng gần như không bao giờ tham gia các cuộc tranh luận học thuật, thành thử, một thời gian dài, ông là nhà văn ít được độc giả biết đến ngay trên chính đất nước mình.

Có thể nói, trước khi được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao tặng Giải thưởng Nobel, sức chiếm lĩnh thị trường văn học trong nước của Claude Simon gặp nhiều khó khăn. Bản thân Simon, trước những phản ứng của dư luận bạn đọc Pháp (họ ngạc nhiên khi thấy ông "qua mặt" nhiều nhà văn Pháp tên tuổi, có sách bán chạy để ẵm giải thưởng văn học danh giá nhất hành tinh), đã phải khẳng định: "Sớm hay muộn thì độc giả cũng sẽ thấu hiểu các tác phẩm của tôi. Việc họ cho rằng tôi thuộc trong số các nhà văn khó  đọc là một nhận xét chẳng có gì… mới".

Cũng trong diễn từ đọc tại lễ trao giải Nobel ở Stockholm (Thụy Điển) ngày 9/12/1985, Claude Simon đã dí dỏm kể lại một chuyện dở khóc dở cười như sau: "Vào lúc cái tin trao giải Nobel được loan báo, tờ New York Time đã mất công hỏi han các nhà phê bình Mỹ, và các cơ quan thông tấn nước tôi đã hớt hơ hớt hải chạy săn tin về cái ông nhà văn hầu như vô danh. Còn báo chí với lượng phát hành cao thì - vì không có những bài phân tích phê bình tác phẩm của tôi, đã cho đăng tải những lời đồn đại quái gở về nghề nghiệp và đời tư của tôi" (theo cuốn "Các nhà văn giải Nobel", NXB Giáo dục, 2006). Cũng trong bài viết này, nhà văn khi ấy đã ở tuổi 72 thêm lần khẳng định: "Tất nhiên, tôi không đủ tự phụ hay quá ngu si để không biết rằng, trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, mọi lựa chọn đều có thể bị bác bỏ".

Sau khi Claude Simon được trao giải Nobel, tình hình đã có nhiều cải thiện. Độc giả Pháp bừng tỉnh. Họ hiểu, họ đã quá giản đơn khi bỏ qua những sáng tạo mang tính cách tân mạnh mẽ của Simon. Kể từ đó trở đi, các cuốn sách xuất bản trước đó của Simon liên tục được tái bản. Và mỗi lần ông cho xuất bản một tác phẩm mới, đó được xem như một sự kiện lớn lao trong đời sống văn học của nước Pháp. Giới truyền thông không bỏ lỡ cơ hội, rầm rộ vào cuộc.

Những năm cuối đời, Claude Simon chủ yếu sống ở Paris. Mỗi năm, ông dành ra đôi tháng về điền trang của mình ở Pyrenees - Orientales. Tại đây, ông vừa viết văn vừa trồng nho. Điều lạ là khi Simon mất (ngày 6/7/2005), chính quyền đã cho mai táng ông xong xuôi rồi mới chính thức thông báo trên các phương tiện truyền thông.

Ghi nhận công lao to lớn của nhà văn Claude Simon vào tiến trình phát triển văn học Pháp thế kỷ XX, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Renaud Donnedieu de Vabres khẳng định: "Claude Simon là một nhân vật chủ chốt của văn học cận đại Pháp. Các tác phẩm của ông đã thể hiện sự đổi mới của văn học Pháp thời kỳ sau chiến tranh"

Tiến Thành
.
.